Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tám triều vua Lý
19/09/2010 05:47 (GMT+7)


Phải mất đến hơn 20 năm, nhà văn Hoàng Quốc Hải (ảnh nhỏ) mới hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý, khắc họa thời kỳ lịch sử kéo dài 216 năm (1009- 1225).

Bộ tiểu thuyết gồm 4 tập (Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp NamCon đường định mệnh), đã phác họa, phục dựng bức tranh lịch sử từ lúc ra đời vương triều Lý với hình ảnh vua Lý Thái Tổ, cho đến những giai đoạn phát triển, hưng thịnh (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), sau đó là thời kỳ khủng hoảng, suy vong (Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông).


Trong bộ tiểu thuyết, Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh tới sự phát triển của văn hóa, dân sinh và tam giáo đồng nguyên (sự tồn tại, dung hòa của Nho - Phật - Đạo) dưới thời nhà Lý. Ông cho rằng, nhà Lý đã lấy những gì tinh túy nhất của Nho - Phật - Đạo làm định hướng xây dựng chính trị, xã hội. “Muốn xã hội có kỷ cương lấy Nho giáo, muốn xã hội thiện hóa dùng Phật giáo. Nhà Lý có chính sách thân thiện với thiên nhiên, chẳng hạn như vào mùa xuân không chặt cây non, mùa cá đẻ cấm đi đánh bắt cá, đó chính là đạo giáo” - ông nói. Nhà văn cho rằng, những câu chuyện, chi tiết lịch sử đề cập trong bộ tiểu thuyết không chỉ giúp “phổ cập lịch sử”, mà còn mang tới những bài học quý giá cho hậu thế. Có nhiều bài học, kinh nghiệm của tiền nhân rút ra, chẳng hạn như: muốn cho nước cường thịnh thì trước hết phải làm cho dân yên ổn, chính quyền phải làm cho dân tin.

14b.jpg

Những nhân vật có thật trong lịch sử khi đưa vào tiểu thuyết đều được hư cấu. “Hư cấu nhưng không phải để làm sai lệch lịch sử mà hoàn thiện lịch sử. Làm thế nào để trong tác phẩm, hư cấu đạt tới sự chân thực” - ông chia sẻ. “Văn chương hóa lịch sử” là cách mà nhà văn Hoàng Quốc Hải đã làm trong bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý. “Cái khó nhất khi thực hiện là làm sao cho người đọc thấy đây là đúng là lịch sử, hình dung ra bức tranh toàn diện về lịch sử mà không phải là những mảnh chắp vá của lịch sử. Muốn làm được như vậy, nhà văn phải đi vào và giải mã được lịch sử” - nhà văn bày tỏ.

Tác phẩm cần bám sát tính chân thực của lịch sử, trong khi đó nguồn sử liệu về thời nhà Lý còn lại ít ỏi. Ngoài các bộ sử chính thống của các triều đại, nhà văn còn tham bác tại kho sách Hán - Nôm, sử liệu của Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản, ngoài ra còn có nguồn dã sử: truyện dân gian, truyền thuyết, gia phả, thần phả, hoành phi, câu đối và rất quan trọng là nguồn sử liệu trong Phật giáo. Trong hai mươi năm, nhà văn đã thực hiện những chuyến điền dã (có lần kéo dài tới 10 tháng) tới những vùng miền khác nhau thu thập sử liệu.

Minh Ngọc (Thanh Niên)

(*) Tám triều vua Lý - tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải, Nxb Phụ nữ. Hà Nội, 2010

Các tin đã đăng:
Về đầu trang