Và
ngoài giờ học phổ thông ra, ở chùa có dạy thêm nội điển nữa, do quý Thầy
ở Vịện Cao Đẳng Phật Học về phụ trách. Tôi đã thưa Thượng tọa xin cho
chú ở rồi đấy, nếu thích chú xin thầy mình vô đó học”. Nghe sư huynh nói
vậy, dòng máu du tử của tôi lại chạy rần rần trong huyết quản. Vả lại,
miền thùy dương cát trắng ấy có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Nơi có không biết
bao nhiêu là cảnh tượng kỳ vĩ: Kim thân Phật Tổ trên đồi Trại Thủy,
Tháp Bà với Thiên Y A Na nhiều huyền thoại và bãi biển dài thơ mộng đẹp
nhất đất nước…
Tôi từ giã quê hương sương mù, đến miền thùy dương thơ
mộng ấy vào một buổi sáng mùa thu, có chú G.Viên đi cùng. Tôi cứ ngỡ
chùa Linh Sơn tọa lạc tại thành phố Nha Trang, hóa ra không phải, cách
Nha Trang trên sáu mươi cây số, thuộc huyện Vạn Ninh. Chùa nhằm trên bờ
sông Hiền Lương (tên thôn cũng là tên của dòng sông) con sông thật hiền
lành bình thản y như cái tên đặt cho nó. Mỗi lúc thủy triều dâng, nước
sông trong veo in rõ bóng chùa với hàng cây bạch đàn đứng trầm ngâm bên
cạnh. Chùa là ngôi tổ đình, do một vị Hòa thượng ngừơi Quảng Nam vào
khai sơn, cách đây vào khỏang hai trăm năm, rất cổ kính trang nghiêm.
Vườn chùa trồng trên trăm cây dừa đã cho trái. Xoài, cam, ổi, mít,
me…mỗi loại khỏang năm mươi gốc. Ruộng chùa trên mười mẫu, cho Phật tử
làm rẽ, chùa có máy điện, tóm lại ta có thể xếp vào hàng chùa giàu. Tuy
nhiên vì chúng Tăng đông quá, nên cháo rau hai buổi mới đủ ăn. Ngày tôi
vào đó Tăng chúng đã trên bốn mươi vị rồi, tấm lòng của Thượng tọa trụ
trì thật độ lượng vô biên, ai tới xin ở đều chấp nhận hết, nhưng với
điều kiện là phải tu học, không được lơ láo qua ngày đọan tháng. Ngày đó
tôi đang sức lớn, mà ăn cháo ngày hai lần, mỗi lần một lưng bát. Buổi
trưa được ăn cơm nhưng với tiêu chuẩn, thành thử đói dập dồn, tay chân
cứ bủn rủn hoài. Mỗi khi chùa có kỵ giỗ, ngồi nhìn mâm ăn như mèo nhìn
mỡ, nuốt nước miếng ừng ực, rồi đến khi ăn, mạnh điệu nào nấy gắp, chỉ
tích tắc là xong. Thì ra, đói ra ma no ra Bụt, đừng đòi hỏi ở người, bao
tử lúc nào cũng lép xẹp những từ đẹp đẽ thanh cao.
Thượng tọa ăn
ngày chỉ có bữa trưa, nhưng không cho dọn riêng. Người ăn chung với quý
Thầy Tỳ Kheo, cũng chừng ấy thức ăn. Nhà bếp có dọn thêm đĩa thức ăn nào
đặc biệt, thượng tọa cũng chỉ gắp vài miếng rồi chuyển cho quý Thầy. Ăn
uống đã ít lại đạm bạc, song Thựơng tọa tụng kinh bái sám suốt ngày.
Người tu theo pháp môn Tịnh Độ, lúc nào xâu chuỗi cũng cầm tay, lâm râm
niệm danh hiệu Phật A Di Đà một cách miên mật và Ngừơi ngủ nghỉ cũng ít
nữa, ba giờ sáng đã thức dậy hành trì. Mỗi lần chúng điệu cãi cọ xích
mích nhau, Thượng tọa nghe được đến hòa giải, quở trách nhẹ nhàng: “Sao
không niệm Phật đi? Đời người chỉ trong hơi thở, có gì đâu mà tranh cãi
hơn thua. Tư lương của các chú đã có gì chưa? Chỉ có sinh tử là việc
lớn, ngoài ra mọi việc đều nhỏ nhen. Đừng để tâm trí ta vướng bận vào
những chuyện nhỏ nhen trong cuộc sống hằng ngày”, Thượng tọa ăn mặc rất
giản dị, và muốn môn đệ cũng giản dị như mình. Một hôm chiếc áo nhật
bình màu khói hương của tôi bị vấy mủ chuối, tôi đem ra giếng ngồi tẩy.
Thượng tọa đi ngang qua thấy vậy dừng lại hỏi:
- G.Tâm làm cái chi đó?
Tôi trả lời:
- Dạ, bạch Thượng tọa, con tẩy cái áo bị vấy mủ chuối.
-
Chi chi kệ nó, tẩy làm gì, mặc vậy quí hơn. Đệ tử Phật vốn xưng là bần
đạo mà, mặc đẹp mặc tốt người ta đổi chữ bần thành chữ phú sao?
Thượng tọa nói xong nở nụ cười y hệt Ngài Ca Diếp.
Người
luôn lo lắng đến sự học của chúng Tăng, hằng nghĩ đến tương lai đạo
pháp, nên sở học của mình có bao nhiêu đem truyền ra trao lại hết. Khi
biết đệ tử học đã hết chữ nghĩa của mình rồi thì gởi đến các viện Phật
học cao cấp để học thêm. Trước khi đi tu, Thượng tọa là giáo sư dạy Pháp
văn nổi tiếng, vậy mà không khi nào nói chuyện xen đệm tiếng Tây vô. Có
một lần Thầy Chánh Huệ viết một đọan Pháp văn trên bảng, Thượng tọa
thấy vậy đứng xem, biểu thầy Chánh Huệ đưa viên phấn rồi Thượng tọa sửa
lại mấy chữ và giảng giải. Mà thầy Chánh Huệ thuộc vào hạng khá môn Pháp
văn nhất trong các Thầy ở chùa Linh Sơn, bữa đó ai nấy đều ngạc nhiên
thích thú.
Ngoài những giờ dạy cho quý Thầy, quý chú lớn Thượng tọa
còn dạy một tuần mấy buổi chữ Hán cho mấy điệu nhỏ. Tóc Thượng tọa bấy
giờ đã bạc nhiều, mắt lại yếu phải mang kính lão, ngồi cầm quản bút lông
viết thiếp cho mấy điệu đồ, còn điệu nào chưa có thiếp thì lại bàn Thầy
chõ mắt vào dòm đợi. Sống vào thời buổi viết tòan bút sắt, mà còn có
lớp học bút lông như vậy thấy cũng hay hay, trông giống lớp học thời xưa
quá! Có điều lớp học này thỏai mái hơn, Thầy không có roi như cụ đồ và
trong lớp cũng không có anh trưởng tràng nào để Thầy sai quất mông mấy
chú học dốt cả.
Tiền bạc Phật tử cúng dường hoặc bán trái cây trong
vườn chùa, Thượng tọa kéo học bàn bỏ vào không hề biết là bao nhiêu, rồi
khi có học Tăng ở nơi xa đi lỡ đường ghé lại, lúc ra đi Thượng tọa đều
cầm tiền giúi vào tay, cho mà cứ sợ “Người” không nhận. Lúc nào cũng
nhắn nhủ dặn dò: “Ừ, đi học đâu thì đi, học cho giỏi rồi về đây ở với
Thầy cho vui”
Ngày cuối cùng của cuộc đời, Thầy biết trước, ân cần
phó chúc mọi chuyện xong mỉm cười mà hóa. Tử đệ kéo hộc bàn ra để lấy
tiền lo đám, hộc rỗng không chẳng có một đồng. Cuộc đời Thầy thể hiện
trọn vẹn nếp sống “bần đạo”, bản thân Thầy thì tam thường bất túc như
thế, nhưng tấm lòng vì nhân thế lại hữu dư.
Mùa xuân vừa rồi Sư huynh
G.Tuệ và tôi trên đường hành hương có ghé lại Tổ đình Linh Sơn, đảnh lễ
giác linh Thượng tọa. Ngôi Tổ đình vừa mới trùng tu thật nguy nga tráng
lệ. Tôi có hỏi Thầy trụ trì Thiện Dương: “Tiền ở đâu mà Thầy trùng tu
chùa to lớn dữ vậy?”.Thầy mỉm cười trả lời: “Tiền của quý Thầy ngày xưa
đã từng học nơi đây, giờ tuy tản lạc khắp nơi, có người ở cách xa trọn
nửa trái đất như Canada, Washington, Cali…nhưng vẫn luôn hướng về cái
nôi êm ái tình thương “Linh Sơn ngày ấy”, nơi mà một thời đã khai tâm mở
trí cho họ”. Tôi ra thắp nhang nơi tháp mộ của Người, ngồi bên tháp rêu
phong, vôi vữa đã lở ra từng mảng, đường nét đơn sơ giản dị như cuộc
đời giản dị của Thầy, lòng chợt bâng khuâng nhớ thương thầy vô hạn. Tôi
tự hỏi: “Động cơ nào đã thôi thúc Thầy nguyên là một vị giáo sư Pháp văn
ưu tú con nhà quý tộc ở xứ Quảng, lại cắt ngang con đường công danh sự
nghiệp, để vào đây nối bước theo chân Tổ mà nối đuốc đưa mọi người qua
khỏi bóng đêm vô minh dày đặc và biến nơi đây thành một quê hương tâm
linh cho tất cả ngưỡng vọng hướng về”. Câu hỏi tự nêu chưa có câu trả
lời, thì không hiểu sao tự dưng tôi lại nhớ đến bàn tay trái của Thầy
chỉ còn bốn ngón, một ngón đã đốt cúng dường mười phương chư Phật trong
ngày Thầy thọ đại giới, và rõ thêm một chút nữa là vì sao ngày xưa Thầy
hay nhắc đến Hòa thượng Quảng Đức cũng đã có những năm tháng Trụ Trì ở
nơi đây.
Hoà thượng Quảng Đức thung dung bất động ngồi trong lửa đỏ
như ngồi trên hoa sen (để bảo vệ chân lý). Còn Thầy điềm nhiên khoái
hoạt khi đốt tay cúng dường Tam Bảo. Thì ra sức mạnh tinh thần, sự tĩnh
tại vô úy ở nội tâm của Người trước đã truyền lại cho Người sau và hốt
nhiên tôi tìm ra câu trả lời thích đáng: “Thầy đã nối tiếp một cách rạng
rỡ dòng giống của Phật chỉ bằng sức mạnh niềm tin không gì lay chuyển
nổi và tình thương vô biên đối với con người – vạn hữu”.
Thích Giác Tâm
Pleiku – Gia Lai