Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
HUẾ TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG
HUYỀN KHÔNG
16/03/2012 20:04 (GMT+7)


Song thân tôi gốc Quảng Trị, vào làm việc ở Huế và sanh hạ tôi ra tại vùng Nam Giao, nơi có thông xanh vi vút suốt đêm ngày. Cho nên, thời thơ ấu của tôi cứ quanh quẩn Huế và Quảng Trị. Chính vì vậy dù qua bao nhiêu thời gian sống không biết bao nhiêu mái nhà, đến không biết bao nhiêu thành phố, ngủ không biết bao nhiêu nơi, quốc nội cũng như hải ngoại, thế mà tôi không thể nào quên được nhà hàng Charfanjon, nơi nổi tiếng bán những ổ bánh mì Tây ngon lành, nhà hàng Morin frères, thanh lịch nhất của Huế thuở nào. Trường Chaiglleau (Écoles Primaires), Trường Tiểu Học ngày xưa của thời tuổi trẻ .

Người ta thường bảo, lúc nhỏ ốm đau mà mẹ cho ăn món gì thì lớn lên, món ăn đó không bao giờ quên được. Tôi cũng vậy ngoài những món mẹ tôi cho ăn, bây giờ già rồi tôi không quên đã đành, mà cái vị dòn tan, thơm phưng phức của ổ bánh mì Tây mà tôi mua từ nhà hàng Charfanjon ngày xưa, đến bây giờ ở Los Angeles rồi mà tôi vẫn thèm ăn. Ngay ổ bánh mì Tây của xứ Huế ngày xưa mà tôi quên không được, thì làm sao bảo tôi quên được xứ Huế của bao nhiêu hình ảnh và khí vị thơ mộng?

Huế và Quảng Trị, hai tỉnh khác nhau nhưng thời tiết của hai tỉnh nầy giống nhau như một. Nếu Huế mưa, bạn đi ra Quảng Trị vẫn thấy mưa. Nhưng ngược lại, Huế mưa mà bạn vào Đà Nẵng thì bạn sẽ thấy ngược lại: Đà Nẵng nắng ấm đẹp vô cùng. Đến Huế vào mùa mưa, nhà thơ Nguyễn Bính quên mất hai câu thơ đầy ý nghĩa:

 

“Mưa chiều nắng sớm người ta bảo

Cả đến ông trời cũng đổi thay...

 

“Mà lại vẽ ra hai câu thơ khác, nói lên nỗi buồn mênh mông, man mác và xao xuyến của tâm hồn con người xứ Huế.

 

“Trời mưa xứ Huế sao buồn thế?

Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày..."

 

Nỗi vui bao giờ cũng qua mau, nhưng nỗi buồn của con người chẳng dễ gì qua mau được. Chính vì vậy, những người Huế ở ngoại quốc, mỗi lần nghĩ tới quê cha đất tổ, chốn chôn nhau cắt rún, Huế đúng là trăm nhớ ngàn thương. Nỗi buồn xót xa, lắng đọng và như mãi ray rức trong người?

Sau này, dân Huế tản mác vào Nam, sống nhiều ở Sài Gòn thì thiếu đi cảnh mưa lụt dầm dề suốt ngày đêm của xứ Huế. Miền Nam thường được gọi là xứ mưa nắng hai mùa. Còn Huế của tôi thì có đủ cả bốn mùa. Bắt đầu tháng Giêng âm lịch là mùa Tết Việt Nam, nên ông Trời cũng bớt mưa dầm dề. Mùng một Tết của năm mới trở đi, trời chỉ còn mưa bay bay, lanh lạnh để thiên hạ ngồi ở nhà ăn Tết. Nói “ăn” Tết thật đúng ở đây. Ngoài táo mứt, hạt dưa... gần như nhà nào cũng có bánh tét bánh chưng. Hai thứ bánh này làm bằng nếp, nấu suốt đêm ba mươi để khuya Mùng Một vớt ra cúng ông Bà Tổ Tiên. Sau khi cúng xong rồi, từ Mùng Một đến Mùng Bảy Tết, khách khứa lại nhà, ngoài mứt gừng mứt bí ra, đều được đãi bánh tét hay bánh chưng, ăn với sà lách hay loại cải cay vải vung quanh nhà. Sau này sang Nhựt học, đêm Giao Thừa thấy người Nhựt quây quần trong nhà với cối bánh Mochi, tôi nhớ nhà vô cùng. Từ ngày Tết cho đến hết tháng Hai âm lịch, thời tiết Quảng Trị và Huế sao mà giống nhau như hệt. Ngoài những cánh mai vàng tươi nở mùa Xuân, ngoài những bông thược dược, hoa hồng, hoa sói, thơm ngát để cho mọi người thưởng thức Xuân ra, cái không khí lành lạnh và mưa bay thực dễ làm đầy tâm hồn con người đến thế. Mùa Xuân thực sự đến với Huế vào tháng Ba âm lịch. Tháng này hình như ông Trời chuyển mình để tiến dần sang mùa Hạ nên chi Trời đã có nắng để mùa Hạ thì nắng hanh vàng cả con mắt. Gió Nam từ dãy Trường Sơn từ xứ Lào thổi xuống, gió thổi qua đâu như lửa thổi đến đó, làm cho khí hậu trở nên oi bức vô cùng. Nóng oi bức nhất là tháng Năm âm lịch Những chiều trời muốn đổ mưa dông nhưng mưa không được, nên cái tức tối của khí trời làm cho con người như bị nung đốt. Bù với những khí hậu oi bức đó, Huế có những đóa hoa sen nở từ hồ Tỉnh Tâm trong Thành Nội, mang cái hương vị mát dịu về cho thành phố. Và trên miền Nam Giao, tức vùng gần núi, về đêm thì hoa ngọc lan, hoa lài, hoa sứ và nhứt là hoa cau thơm ngát cả núi đồi, làng xóm, làm cho mọi người như dễ chịu ra về đêm. Riêng tôi, sau này trong những tháng gần mùa Hè ra dạy ở Văn Khoa Huế, có những chiều sau giờ dạy học xong, anh chị em sinh viên đưa tôi lên đồi Vọng cảnh để nhìn xuống đầu nguồn sông Hương từ Trung Tâm Liễu Quán lên đến gần trường Luật Khoa, đi như thế để cảm nghe chút gió thoang thoảng thì cũng đủ làm mát dịu cái nóng oi bức của ngày Hạ. Mùa Hè của xứ Huế bắt đầu từ tháng 4 âm lịch và chấm dứt vào cuối tháng 6 âm lịch. Đầu tháng 7 âm lịch là mùa Thu, mùa của Nguyễn Khuyến với Ao Thu, của Tản Đà với Cảm Thu, Tiểu Thu, của Tương Phố với Giọt Lệ Thu ... dù những phương trời Thu ấy có khác, Huế thì có câu ngạn như: Tháng Bảy nước nhảy lên bờ, có nghĩa là mùa của lụt lội, mưa ngâu. Ngày xưa học trò xứ Huế mưa không có áo đi mưa. Lúc mưa chỉ mang tơi đọt hay tơi cá.  Tơi đọt chằm bằng lá đọt, còn tơi cá chằm bằng lá thường. Tơi đọt có màu vàng sang trọng và quý phái, để dành cho con nhà giàu. Con nít gặp trời mưa, mang một cái tơi đọt từ Nam Giao về tận trường Chaigneau mà học, trên đường đi nó ấm lạ lùng. Sau này, học trò và sinh viên mặc áo mưa ni-lông nên không có cái ấm thú vị của chiếc tơi đọt hay tơi cá ngày xưa.

Nói về thời tiết thì Huế không giống như ở Nhựt nhưng cái phong vị của cuộc sống con người thì chưa chắc ai hơn ai. Bốn mùa của Nhựt đều có cái sắc thái đặc biệt: mùa Xuân đi các công viên xem hoa anh đào nở; mùa Hè đi trên núi hay đi tắm biển cho đen người, mùa Thu đi vào rừng xem lá vàng đổ xuống và mùa Đông thì thiên hạ đua nhau đi trượt tuyết.

Còn Huế thì mùa Đông về cầu Đông Ba ăn bánh khoái với nâm mối, mùa Hè xuống Cồn Hến để ăn chè bắp và nghe nhạc Trịnh Công Sơn... Tôi nghĩ những thưởng thức đó của người Huế cũng thú vị có thua gì người Nhựt đâu? Nhưng thôi, Huế của tôi là Huế của trước chiến tranh Pháp-Nhật. Ngày đó, đàn Nam Giao rợp bóng thông xanh, có thành trong thành ngoài bao phủ. Bên cạnh có sân đá ba-lông, mà mỗi ngày thứ Năm và Chủ Nhật lũ trẻ chúng tôi tha hồ đá bóng. Cũng ngày thơ ấu đó, tôi không bao giờ quên được ông Thị Lược, cứ mỗi lần có hoa quỳnh nở thì ông không muốn thưởng thức một mình, mà ông lại cho mời bà con lối xóm làng lân cận lại để cùng xem hoa quỳnh nở. Lúc hoa quỳnh sửa soạn nở cũng chính là lúc tôi sắp muốn ngủ tới nơi, nhưng khi pháo nổ, rượu chúc mừng được rót ra, lũ con nít chúng tôi vỗ tay reo cười vang dậy cả trời Nam Giao. Ngày đó bây giờ không còn nữa. Ngày đó đi qua cũng như hàng hàng lớp lớp thông xanh của đài Nam Giao đêu bị đốn hạ sau năm 1945. Cảnh thơ mộng của xứ Huế đã mất đi rất nhiều từ núi Ngự Bình, từ sông Hương, cái thơ mộng hiền hoà êm ả của xứ Huế. Tuổi trẻ của tôi đã từng hít thở cái không khí rêu phong cổ kính, trầm lặng của lăng tẩm, đền đài. Tôi đã nhiều lân nhìn cảnh hùng vĩ của lăng Gia Long, đã say sưa hái rau hái lá lốt tại lăng Minh Mạng, đã từng ăn hoài ăn mãi bún chợ Quán mà không thấy chán và sau này, đã từng ngắm mãi lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức để thưởng thức tâm hồn thơ mộng của người xưa. Mùa Hè đến lăng Thiệu Trị thì cái hương của hoa sứ đã làm ngây ngất, đến ngồi nhà Thủy Tạ của Lăng Tự Đức thì hương sen đã mang lại những giày phút thoát tục, quên chuyện trở về nhà. Tôi cũng đã từng trèo lên tận đỉnh núi cao của núi Thiên Thai, ngồi dưới gốc của chồm cây dương liễu để nhìn về thành phố, hay lên tận đỉnh núi Ngự Bình để nhìn về Thành Nội im lìm hay Thuận An nhấp nhô sóng nước. Đó chưa kể đến những ngôi chùa đẹp như trong tranh, ai có cơ hội đến một lần trong các ngày Tết thì trọn đời không quên được. Chùa Từ Hiếu nằm giữa một rừng thông, trước Tam Quan Chùa là một hồ bán nguyệt, nước trong veo với bầy cá lội sáng ngời. Sau lưng chùa là một rừng mai vàng nở rực trời. Hương của hoa mai bay ngát cả vùng. Chùa nằm giữa một lô đất rộng chừng hơn 5 mẫu, nào là hoa, nào mít, nào tiêu. Chùa Tây Thiên, Chùa Trúc Lâm, Chùa Báo Quốc, Chùa Thuyền Tôn... Mỗi chùa có một vẽ đẹp riêng, một sắc thái riêng. Chùa Từ Hiếu ở làng Dương-Xuân-Thiện hay chùa Trà Am ở sau núi Ngự Bình là những ngôi chùa giống như chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên. Riêng chùa Linh Mụ, nếu bạn có dịp ở lại vào một đêm trăng, nhứt là trăng sau cơn mưa vừa tạnh hiện ra vào khoảng 4 hoặc 5 giờ sáng thì cái không khí trong lành của đêm khuya sẽ mang lại cho bạn những giờ phút giải thoát. Chính vào lúc này, Thầy Mật Thể đã sáng tác bốn câu thơ bất hủ:

 

Trăng sáng sau khi trời mới tạnh

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng

Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?

 

Huế với tôi như vậy. Ngoài Huế ra, nhứt là Huế Phật Giáo, không ai có 4 câu thơ đẹp như thế. Chính vì vậy, trong những tháng ngày sống ở Los Angeles dù thị thành rực rỡ đến đâu, nhưng mỗi lần nghĩ đến Huế, thì đúng là: Huế, trăm nhớ ngàn thương. Huế là một thành phố cổ kính, một thành phố hâm ấm cái linh hồn của dân tộc với những đền đài cũ rêu phong, với những nếp chùa cổ kính im lìm giữa ngàn xanh và với ngay cả những chiều mưa, tháng nắng hay chỉ là một cơn gió thoảng. Để rồi ở phương trời xa, cảnh đó, người đó có rộn ràng, tấp nập bao nhiêu thì Huế vẫn đúng là Huế, trăm nhớ ngàn thương.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang