MỤC LỤC
Chương 1: Để gió cuốn đi
Đôi điều về nhạc Trịnh
Mang một tấm lòng
Tinh thần nhập thế, vị tha vô ngã
Cần một tiếng cười
Khiêm tốn hạ mình
Nỗ lực thoát khỏi bế tắc
Chương 2: Một đời người, một rừng cây
Thiền vô ngã
Đời người qua hình ảnh rừng cây
Nghịch cảnh
Dấn thân và phụng sự
Không nên tin vào số phận
Tư thế ngồi thiền
Tâm là kiến trúc sư
Chương 3: Chúng ta là thế giới
Thương tiếc Micheal Jackson
Lận đận vì bị kiện tụng
Chúng ta là thế giới
Nhìn vào khổ đau để giúp nhau
Chớ bàng quan trước nỗi đau
Kỳ vọng sai lầm mang đến khổ đau
Tình thương được nối kết
Hãy ban tặng niềm vui
Thế giới và con người
Vượt qua tuyệt vọng
Thấy rõ vô thường
Đoàn kết vực dậy từ khổ đau
Thắp sáng hy vọng
Chương 4: Khát vọng
Bản chất khát vọng
Như cội nguồn của sông
Như đồi núi cao
Như biển trào dâng
Như trời bao la
Hãy là phù sa
Hãy là bài ca
Mặt trời kỳ diệu
Ánh lửa đêm đông
Là hạt giống xanh
Như chim gọi sáng
CHƯƠNG 1: ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
ĐÔI ĐIỀU VỀ NHẠC TRỊNH
Bản nhạc “Để gió cuốn đi” là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn là một trong các nhạc sĩ có tinh thần Phật giáo, sử dụng
những ngôn từ thế gian, mô tả triết lý đạo Phật. Đây là nghệ thuật đưa
triết lý Phật giáo vào đời bằng ngôn ngữ nhạc. Ông là một nhạc sĩ tài
ba có vị trí xứng đáng trong dòng nhạc Việt. Nhạc của ông được mọi thành
phần lắng nghe, dù là người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa
Hảo… Dòng nhạc đạo vào đời trong Phật giáo còn quá ít, chưa đựợc các
nhạc sĩ đạo xem đó là mũi nhọn chiến lược. Đồng thời, giúp giới yêu nhạc
đến với đạo Phật.
Mấy mươi năm vừa qua, khi nhạc Phật giáo ra đời, chỗ đứng chủ yếu là
sân khấu ở các chùa vào dịp lễ. Nhạc Phật giáo không có chỗ đứng trên
sân khấu ngoài đời, do vậy không lan rộng, ngay cả các Phật tử thuần
thành cũng không có ý niệm về tầm quan trọng của nhạc đạo.
Một đĩa nhạc khi sản xuất, giá tối thiểu là một nghìn đô, nhưng phát
hành tại các phòng phát hành chừng năm mươi, bảy mươi đĩa là nhiều.
Trong khi đó, các đĩa thuyết giảng có thể năm, mười ngàn đĩa. Đĩa đọc
Mp3 còn có thể nhiều hơn nữa. Điều đó cho thấy thách đố của dòng nhạc
Phật giáo rất cao, ở chỗ người tại gia hướng tâm đến Phật pháp hơn là
nhạc. Khi tuổi xế chiều, Phật tử đi chùa chỉ mong mỏi được học Phật
pháp, hành trì tu niệm. Nhạc Phật giáo không phải là mối quan tâm của
họ. Ở chùa, dòng nhạc Phật giáo cũng hiếm phổ biến. Đến những ngày lễ
lớn như rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy, tháng Mười, ta nghe các
điệu nhạc Phật giáo vang lên từ trong chánh điện hay trong khuôn viên
chùa. Nhạc đạo ngoài đời hiếm nghe thấy, thiếu kỹ năng nghe, ta có thể
hiểu lầm rằng chùa này lúc này “Đời” quá, nghe toàn nhạc đời,
không khí nhàm chán thương đau. Những bản nhạc nào có chất đau thương
não nề nhiều càng được người ta đón nhận chừng đó. Nghe nhạc “Đời” tâm
dễ sầu não, lòng không được an, tất cả khổ đau sanh tử được hâm nóng
lên.
Nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn không phải từ đầu đến cuối đều có chất “Đạo nhập thế”
được lồng ghép trong nhạc. Có câu, có đoạn, ý tưởng triết lý đạo Phật
hiện rõ. Có câu có đoạn nói lên sự tuyệt vọng và cái nhìn đau thương của
mình về phương diện nào đó và quên đi tất cả phương diện còn lại. Nỗi
ám ảnh cái đau của tác giả truyền trực tiếp vào cái đau nhói của người
nghe, trở thành nỗi đau bình phương, lập phương, n lần.
Ca khúc “Để gió cuốn đi” đi vào đời với
những ca từ có giá trị, hoặc phản giá trị qua lăng kính Phật
giáo. Thông qua đó, ta khẳng định dòng nhạc đạo vào trong đời cần một
chỗ đứng vững, để nền minh triết Phật giáo có thể được phổ biến rộng rãi
khắp nơi. Sau đây là nguyên văn bài hát:
“Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông.
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông.
Ôi trái tim đang bay theo thời gian, làm chiếc bóng đi rao lời dối gian.
Những khi chiều tới cần có một tiếng cười để ngậm ngùi theo lá bay. Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi.
Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, lặng nhìn không nói năng.
Để buốt trái tim, để buốt trái tim.
Trong trái tim, con chim đau nằm yên ngủ dài lâu, mang theo vết
thương sầu. Một sớm mai chim bay đi triền miên và tiếng hót trong trời
gió lên.
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Cuộc đời ta ước vui. Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi,…
MANG MỘT TẤM LÒNG
Điểm xuất phát của bài nhạc mang yếu tố vô ngã trong tiến trình dấn
thân. Trải dài đến hết bài thì yếu tố đó bị mất, bị loãng dần, do vậy
yếu tố “Đời” trổi dậy nhiều hơn.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”
Người có tấm lòng là người nhiệt tình, tử tế, sẵn sàng dang tay giúp
đỡ, mang lại niềm vui cho người khác. Tấm lòng đó có hai hướng: Tấm lòng
có điều kiện và tấm lòng vô điều kiện. Tấm lòng có điều kiện lúc nào
cũng cần có lời kêu cứu, có nỗi khổ, niềm đau, bế tắc, có một nhu cầu
cần đến sự giúp đỡ và gõ cửa đúng nơi người có tấm lòng để ban tặng, tấm
lòng đó mới có mặt. Rất nhiều người chúng ta được xem là người tử tế và
có tấm lòng, nhưng quanh năm suốt tháng chưa hẳn có ý tưởng chuyển tấm
lòng đó thành hiện thực như sự giúp đỡ tại viện dưỡng lão, mồ côi,
khiếm thị… Khi có một đại diện cơ quan đoàn thể nào đó đến trình bày
cho chúng ta nhu cầu giúp đỡ và nhân sự kiện, phần quà được ban tặng,
khi đó tấm lòng chúng ta mới mở cửa. Tôi tạm gọi đó là tấm lòng có điều
kiện. Tấm lòng có điều kiện chỉ khi nào có cơ hội, nói theo nhà Phật là
thuận duyên có người đến, có kẻ vận động, có sự kiện gì đó ta mới làm.
Trong khi đó, tấm lòng vô ngã của Phật giáo luôn đứng ở thế chủ động. Ta
phải đi gõ cửa cuộc đời, đi vào các ngõ ngách nơi thực sự cần có nhu
cầu giúp đỡ. Có rất nhiều người trong nỗi đau tự bít kín cửa ngõ, không
tìm được sự trợ giúp và chết dần mòn trong mặc cảm, thẹn thùng, trong
cái nghèo, cô đơn và sự bế tắc.
Theo tinh thần Phật giáo, nhất là Đại thừa, tấm lòng đó cần phải
xuống núi không chờ người có nhu cầu lên núi gõ cửa tấm lòng của ta. Hôm
nay, ngày vía của Bồ Tát Quan Thế Âm, bậc đại nhân có tấm lòng độ sinh,
gieo truyền hạt giống từ bi, nhổ lên nỗi khổ, tặng niềm vui cho cuộc
đời.
Tưởng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm ta nên gieo những hạt giống thiện, để
tấm lòng được khai hoa kết trái một cách chủ động, khác hoàn toàn những
hạt của cây Bồ Đề được chim tha đi rồi sơ xuất làm rơi rớt trên mái nhà
hay vệ đường, sau một thời gian, nó nảy mầm thành cây với một sức sống.
Tấm lòng đó là hạn hữu, không giúp ích gì cho cuộc đời. Làm từ thiện là
làm thế nào đi gõ cửa đến nơi mà bóng tối thành những nỗi ám ảnh, để
giúp người bất hạnh vượt qua nỗi đau.
Thời gian vừa qua, chúng tôi cố gắng đi vào các trại giam, các trung
tâm cai nghiện ma túy, hay trung tâm phục hồi nhân phẩm phụ nữ hoặc các
trung tâm bảo trợ xã hội. Nơi đó có rất nhiều cuộc đời khổ hạnh, do bế
tắc mất hướng đi tới trong cuộc đời. Ta nên có tấm lòng đến những nơi
này. Nếu không có những hạt giống tâm hồn truyền sức sống vào, họ nghĩ
rằng cuộc đời của họ đến đó là kết thúc, an phận với số phận đã an bài.
Từ cái nhìn sai lầm và mê tín, bế tắc càng thêm bế tắc.
Tấm lòng vô điều kiện là chủ động mang niềm vui, bỏ nỗi khổ cho cuộc đời. Ta hỏi Phật tử như Trịnh Công Sơn “Để làm gì…”; Ở đây nhạc sĩ dùng đại từ ngôi thứ hai “Em biết không?”
chỉ cho thế hệ đàn em của ông là thế hệ trẻ. Dĩ nhiên, người trẻ khi
làm một việc gì đó với sự khích lệ, chủ trương thì đặt ra câu hỏi “Mục đích của nó là cái gì”. Khi nào ta giải trình được mục đích thì giới trẻ cảm thấy bị thuyết phục nên mới dấn thân.
Ở phương Tây, mỗi người sống “Đèn nhà ai nấy tỏ”. Không ai
muốn làm phiền ai, nên tấm lòng ngày càng thu hẹp lại và bị khóa kín. Do
đó tình làng nghĩa xóm ở phương Tây rất hiếm. Tại Việt Nam và các nước
nghèo khác, vài mươi năm nữa khi công nghiệp phát triển như phương Tây,
chúng ta phải đối diện với khủng hoảng văn hóa. Đó là tấm lòng bắt đầu
thu hẹp lại, trở thành có điều kiện, khi được mời gọi thì đặt câu hỏi “Để làm gì?”, Trịnh Công Sơn trả lời: “Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.
Năng lực của gió cuốn đi những thứ nó có cơ hội đi qua. Chỉ một cơn
lốc làm cho nhà trốc nóc, các công trình bị sập ngã. Gió giông ảnh hưởng
đến đời sống. Nhà nông phải khổ đau vì mùa màng thất thu. Hầu như cơn
gió lốc với tốc độ 60 km/giờ trở lên đi ngang qua chỗ nào để lại thương
đau chỗ đó. Tinh thần Phật giáo nhập thế không để lại vết tích gì để chủ
nghĩa thành quả và công thần không có cơ hội đọng lại trong trí não
của người thực thi đó.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật miêu tả sự dấn thân của các bậc
chân nhân, cao hơn nữa là các bậc Thánh, giống như những con chim bay
trên bầu trời, động tác vừa bay khỏi chỗ nào là không để lại vết tích
nào, ngay cả dưới nó là con sông, trên nó là áng mây bay rất đẹp. Ta có
thể dùng video để ghi hình lại hoặc các họa sĩ tức cảnh sinh tình sẽ vẽ
một bức tranh rất đẹp. Nhưng hình ảnh lưu giữ trong bức họa là không
thực tại như lúc nó đang là. Nó là thực tại của cái gì đó trong quá khứ
và thực tại dường như khóa sổ không còn vết tích gì.
TINH THẦN NHẬP THẾ, VỊ THA VÔ NGÃ
Tinh thần nhập thế, dấn thân phụng sự với từ bi cũng cần vị tha vô
ngã. Nhiều người khi cứu người, giúp đời hay để lại nhiều dấu vết, để
người được giúp phải mang ơn đền nghĩa. Đôi lúc đồng tiền hay vật chất
hỗ trợ cơ hồ cao như núi. Người tiếp nhận có mặc cảm tôi là người vô
dụng, là dây chùm gửi, là người phải nương tựa vào người khác để được
trợ cấp. Khi thực hiện một nghĩa cử cao đẹp, con người hãy để cho gió
cuốn đi, đừng lưu giữ chủ nghĩa thành quả trong đóng góp, gọi là bố thí
Ba-la-mật. Đây là đoạn hay nhất của bài ca.
Các chương trình từ thiện được phát sóng trên đài HTV, VTV thỉnh
thoảng trong các diễn văn khai mạc trình bày ý nghĩa của cuộc vận động
từ thiện, người ta thường trích dẫn câu hát của Trịnh Công Sơn – “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.
Khổ đau trong đời nhiều. Nếu không có tấm lòng thì khổ đau ngày càng
gia tăng. Một tấm lòng không đủ, phải có nhiều tấm lòng, nhiều tấm lòng
để cùng nhau trị liệu khổ đau, hiệu quả mới nhanh chóng. Trịnh Công Sơn
thích nhất ba ca sĩ sau đây. Người thứ nhất là Khánh Ly, nhờ giọng hát
của cô mà nhạc của ông có chỗ đứng trong giới trí thức sinh viên trước
1975. Sau khi có mặt ở Hoa Kỳ, Khánh Ly lại tiếp tục biểu diễn và làm
Album nhạc Trịnh. Người thứ hai là em của Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh
Trinh, cũng có giọng hát giống Khánh Ly. Ông nói rằng nếu không có hai
giọng ca này, nhạc của ông chẳng ai biết đến. Những năm cuối đời, ông đề
cập đến giọng ca Hồng Nhung, một trong những ca sĩ tên tuổi đã giúp cho
dòng nhạc ông có một sinh khí mới.
Tác dụng của vô ngã trong các việc làm từ thiện bao giờ cũng lớn. Trịnh Công Sơn nói như thế.
“Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông.
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông”.
Ta hình dung ra bức tranh, trên là trời xanh thẩm, dưới là nước hay
cỏ cây bạt ngàn và tấm lòng làm cho cuộc đời đẹp quang đãng tươi mát như
bức tranh mùa xuân. Một cơn gió thoảng bay qua, tấm lòng đó được bay
đi chỗ này chỗ kia và băng qua dòng sông, để chi? Để hình ảnh của cây
không được lưu giữ lại ở mặt nước lung linh. Lưu giữ lại là một cố chấp.
Dù vô tình hay hữu ý vẫn là một sự giữ lại thành quả. Trong khi bố thí
Ba-la-mật, ta nên hoan hỷ trước khi làm, hoan hỷ đang làm, hoan hỷ sau
khi làm.
Hoan hỷ sau khi làm là xả bỏ dù người ta không biết ơn mình, không
buồn không giận. Người ta không biết ơn thì nhân quả xử người ta, mình
không bận tâm, không để cho dòng cảm xúc trở nên hiềm hận, bực tức, thốt
lên oán trách người thọ ơn ta. Làm một nghĩa cử cao thượng xong rồi
phát biểu như thế thì giá trị việc làm lành mất hết. Tại điểm này kinh
điển Phật giáo nói: “Một niệm sân nổi dậy, rừng công đức trong quá khứ bị thiêu hủy”
là thế. Mây bay ra khỏi dòng sông là một điều may mắn. Ai sống với chủ
nghĩa thành quả sẽ ngủ quên trên chiến thắng. Do vậy, không có cơ hội
tiến xa trên những nỗ lực ta có thể cống hiến.
“Gió cuốn đi, cho mây qua dòng sông…”.
Hình ảnh mà lưu giữ được lại sẽ trở thành vết tích. Tấm lòng thực sự
là không để lại vết tích. Điều này khác với các Phật tử làm các Phật sự,
đóng góp cho các chương trình tu học, khi được thầy trụ trì trao cho
bằng tuyên dương công đức thì yêu cầu ghi chữ “Vô danh” vốn là một cái danh. Ai muốn đóng góp nhiều, không cần ai biết đến và ghi “Vô danh”, chiều hôm sau, người ta càng muốn tìm hiểu danh tánh người vô danh là ai.
Khi được tán dương công đức, ta cứ ghi nhận như một việc bình thường,
việc thiện cần gió cuốn đi. Ta hiểu việc thiện như một hoa thơm. Có
nhiều tác dụng y học trên sức khỏe con người, đóa hoa thơm càng lan tỏa
mọi nơi để mọi người cùng biết đến, cùng làm.
Một người có đồng lương ít ỏi, mỗi tháng có thể cắt xén đi phần nào
lương để chia sẻ nỗi đau, hay những mảnh đời bất hạnh, thì giá trị đó
được hiểu gấp nhiều lần so với người giàu có cũng ngần ấy số tiền đóng
góp. Ở Việt Nam, lương trung bình là một triệu rưỡi, có người sau khi
lãnh lương sử dụng 500 nghìn đồng vào từ thiện, vậy là sử dụng 33% lương
của mình rồi. Đức Phật khuyên chỉ sử dụng 25% lợi nhuận mình có để làm
từ thiện được bền bỉ, chớ chi hết, sau này khi lâm vào hoàn cảnh người
thân khó khăn ta sẽ không giúp được.
Người Đài Loan làm từ thiện có phương pháp hơn. Họ vận động một ngân
quỹ vài triệu, mỗi tháng lấy lãi và hoạt động từ thiện. Nên vốn không
mất mà việc từ thiện được lâu dài. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều nhà
thường quân đầu tư vào, lãi xuất càng tăng nhiều nên đối tượng được ban
tặng tấm lòng cũng được nhiều. Nối kết như thế thì giá trị cao lắm.
Người Việt Nam có thói quen khi làm từ thiện thì tổ chức vận động.
Sau mỗi cuộc vận động, người đóng góp cảm thấy mỏi mệt và rút lui dần
dần. Do đó, ta phải có phương pháp để việc làm từ thiện được bền bỉ.
Ta thử hình dung, nếu mây có ý niệm rằng con sông ở dưới mặt đất là
chướng ngại vật, cố tình lưu giữ mây lại vì mục đích A, B, C nào đó thì
mây sẽ giận dòng sông. Nếu dòng sông có ý niệm vì mây bay thật nhanh để
hình ảnh của mây không được lưu lại dưới dòng sông là cố tình khinh
thường, không quan tâm đến tấm lòng của mình, dòng sông sẽ xem mây là kẻ
khó chơi. Do vậy dù phát xuất từ một tấm lòng, mây và sông trở thành
đối thủ.
Tương tự, ta hình dung mây bay ngang qua núi, núi có ý niệm rằng đám
mây đen vần vũ làm cho màu xanh của núi và màu tự nhiên của đá mất giá
trị. Núi sẽ dùng các tảng đá nhỏ chọi vào mây cho nát tan tành. Nếu mây
nghĩ rằng, núi mọc sừng sững chỉ với chức năng phá đám sự bay của mây
thì trong tâm cũng luôn có nỗi hiềm hận cho đó là một trở lực. Mây và
sông may mắn không có ý niệm này, nên sự bay của mây rất tự nhiên như là
một nhân duyên, có ý nghĩa. Biết bao nhiêu bức tranh đẹp có được nhờ có
nét tự nhiên. Thay đổi ý niệm là thay đổi một tầm nhìn. Thay đổi tầm
nhìn, tấm lòng sẽ rộng mở hơn, cuộc sống thoải mái hơn, thong dong hơn.
Đó là giá trị thực tập vô ngã với tấm lòng từ bi.
“Ôi trái tim đang bay theo thời gian, làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”.
Ta hình dung trái tim có tấm lòng như một đám mây đang bay qua thời
gian từ quá khứ đọng lại hiện tại, tiếp tục trôi ở tương lai, trôi hoài
một cách vô tận. Thỉnh thoảng ta đang kéo dài thành quả từ quá khứ đến
tương lai và không muốn nó bị mất đi như chiếc bong bóng đang bay. Sự có
mặt của nó ở chỗ nào làm cho người ta phải tán dương ở đó.
Bong bóng trái tim lúc đầu xuất phát ở tấm lòng, trở thành trái tim ghi nhận công đức quá nhiều, lúc đó được hiểu là “Rao lời dối gian”.
Có một mà muốn ca ngợi gấp mười, gấp trăm, khiến người tiếp nhận mang
mặc cảm mình như người mang nợ. Khi thực tập giúp đỡ bằng tấm lòng, tính
cách sở hữu chủ của hành vi được kết thúc. Nó là sở hữu chủ của người
tiếp nhận, ta không nên nhớ nó làm gì. Theo phương pháp lục niệm trong
kinh Pali “Nhớ quả phước báu và nhớ sự bố thí để tấm lòng ta lúc nào cũng vui”.
Khi ta thành công, bao nhiêu người tán dương. Nhưng sau đó, người ta
không còn quan tâm nữa. Khi tên tuổi mình không còn thì gọi là nhân tình
thế thái như bài ca “Thói đời” đã nêu.
“Đường thương đau đầy ải nhân gian. Ai chưa qua chưa phải là
người. Trong thói đời cười ra nước mắt. Khi trắng tay gọi tên bằng hữu,
giờ giàu sang quên kẻ tâm giao, còn gian dối cho nhau”.
Không biết buông xả, nên mỗi việc làm có tấm lòng đều muốn người ta
ca tụng, cái tôi đó lớn lên, nên lúc không được tán dương thì niềm đau
trỗi dậy và ta quy kết tiêu cực về cuộc đời. Từ đó “Chung thân ta giận cuộc đời”:
Ta giúp cho một, hai người nhưng họ không biết ơn, đem giận cả cuộc
đời, hết sức vô lý. Đôi lúc cái tôi làm ta ích kỷ như thế. Người ta có
ca tụng, bản thân cũng đừng tự hào. Làm một việc tốt, thực tế là làm cho
chính mình. Gieo trồng công đức là tạo lập cho mình, tạo lập cho người.
CẦN MỘT TIẾNG CƯỜI
Yếu tố chán nản bắt đầu xuất hiện ở đoạn ca từ này trở đi: “Những khi chiều tới cần có một tiếng cười để ngậm ngùi theo lá bay. Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi”.
Một ngày có 24 giờ, nếu ban ngày con người có thể tham gia và đóng
góp trong các sinh hoạt thì ta có 12 giờ. Ấy thế mà tác giả chỉ mong có
một tiếng cười trong 12 tiếng khi hoàng hôn của một ngày buông xuống là
mãn nguyện.
Trong tình huống này ta thấy niềm vui, nụ cười thật nhỏ nhoi không
đáng bao nhiêu. Một nụ cười dài chỉ 60 giây. Khi niềm đau dâng lên thì
có những cái cười ra nước mắt, cười ngạo nghễ với cuộc đời, cười ôm hận
với chính mình, cười một cách tức tưởi rằng tại sao cuộc đời diễn ra bất
công với tôi như thế. Có nhiều người từng suy nghĩ như vậy, ngày càng
khốn đốn, khổ lụy buồn phiền nhiều hơn. Thực tập tiếng cười không nên để
vào buổi hoàng hôn hay buổi bình minh mà phải mỗi giờ, mỗi phút, mỗi
giây.
Chuyến hành hương Phật tích tháng 4-2009 vừa qua, đài VCTV1 phát sóng
lại sáu lần một tuần, mỗi kỳ được 30 phút và sẽ còn phát lại nữa. Chúng
tôi và người hướng dẫn chương trình đã thành lập câu lạc bộ cười, không
phải vì chuyến đi thiếu vắng nụ cười, mà nụ cười cần phải có để niềm
vui được nhân đôi. Hành hương Phật tích phần lớn sử dụng xe bus. Đường
này qua đường kia rất gồ ghề, nên đi năm bảy tiếng ta chỉ dừng chân
khoảng một hoặc hai giờ. Mệt lã người mà chỉ tham quan Phật tích một hai
giờ làm cho nhiều người mệt nhừ.
Tại các khu Phật tích ở Ấn Độ, ẩm thực không phong phú như ở Trung
Quốc. Ta cần có nhiều tiếng cười cho niềm vui tâm linh trải dài qua các
Phật tích. Với an lạc và tỉnh thức, ta đang làm sống dậy chất Phật từ
lâu xa đã ngủ quên trong thói quen của chúng ta. Với câu lạc bộ cười
này, sáng sớm vừa có mặt trên xe, chúng tôi cười mấy phát, sau đó, thì
nghe pháp thoại, xem phim Phật giáo. Cứ hết một đĩa khoảng 1giờ15 phút,
chúng tôi cười mấy phút. Cứ thế suốt ngày cười, thời gian trôi qua rất
nhanh. Thấm thoát 15 ngày kết thúc, làm nhiều người tiếc nuối. Chúng tôi
đề nghị hãy đem tất cả nụ cười về với gia đình. Vợ có nhăn một chút, cứ
cười với vợ, cô ta sẽ vui. Chồng gia trưởng có cau có, khó chịu mà gặp
vợ cười một cách hoan hỷ, thì sức mạnh hạnh phúc sẽ truyền và tương tác
với người rực lửa, lòng sân hận sẽ được lắng dịu xuống.
Chiều tối là quãng đời cuối của con người, nếu không có tiếng cười
thì cả đời người rơi vào bế tắc tuyệt vọng. Nhiều đại gia, tỉ phú, triệu
phú không biết nuôi dưỡng và thực tập tiếng cười phát xuất từ niềm vui
nội tại. Niềm vui giúp người thân, người thương, vô vụ lợi. Hầu như cuộc
đời, trái tim của họ bị giá băng lạnh lẽo, gần không nổi, tiếp xúc
không xong. Người đó có cảm giác cô đơn tuyệt vọng vô cùng, ta phải thực
tập tiếng cười như một nhu cầu trị liệu và giúp đỡ.
Khi đến Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi tổ chức chuyến từ thiện bảy ngàn
đô, sau đó thêm vài Phật tử đóng góp tất cả được mười ngàn. Đổi ra tiền
Rupees và mua quà nhờ ni sư chùa Linh Sơn tại Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức,
mời gọi 500 gia đình nghèo khó ở làng gần đó. Đôi khi người nghèo nài
nỉ, van xin, níu áo, nắm tay làm cho các du khách có cảm giác gớm sợ,
phải cho tiền để thoát khỏi cảnh này. Khi người nghèo đến, ta yêu cầu
ngồi sắp hàng. Họ chỉ sắp được chừng mười người, đến thứ mười một họ đã
nháo nhào với nhau. Cuối cùng, không ai nhận được gì hết dù tiền thì có
dư. Khi khổ đau, người ta thường nghĩ đến mình trước. Đức Phật nói:
“Nghèo khó, bố thí là khó”.
Lần sau đến chùa Linh Sơn chúng tôi rút kinh nghiệm của lần trước,
mời 500 hộ vào chùa ngồi thành hàng sáu dọc theo hình chữ U. Chúng tôi
nói vài lời chia sẻ và yêu cầu mọi người tham gia câu lạc bộ cười năm
phút.
Các phụ nữ Ấn ở nông thôn thường mười ba tuổi là có con. Mười tám,
mười chín đã thấy già trước tuổi. Có người tuổi ba mươi đã là bà ngoại.
Gương mặt khổ đau, tiều tụy do thiếu ăn thiếu uống. Những mảnh đời bất
hạnh đó làm cảm xúc con người cũng khô héo. Khi thực tập mấy phút cười,
gương mặt họ rạng rỡ lên. Ai cũng đẹp ra. Đó là hiệu lực của tiếng cười.
Bởi khi cười có nếp nhăn ở hai cánh mũi, tạo kích thích thần kinh, các
mô thần kinh được làm mới, quá trình trau đổi chất tốt, máu được tươi
nhuận, tinh thần được sảng khoái nên kháng thể gia tăng, sức khỏe được
tốt hơn. Dân gian nói rằng: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.
Cười không chỉ là phản ứng sinh học mà còn tạo ra niềm vui trong trái
tim. Niềm vui đó sẽ truyền trao cho những người khác. Vì cả đời người là
nỗi đau nên tác giả mong mỏi “chiều tới cần có một tiếng cười…”
là hài lòng. Thật là tuyệt vọng, nếu ngồi chờ tiếng cười do cuộc đời
mang đến cho ta. Ta phải tự tạo ra tiếng cười. Ta phải tạo bằng thực
tập, chuyển hóa, giải phóng những phiền toái trong ta. Rồi “Để nước cuốn trôi, để nước cuốn trôi…”.
Tiếng cười chỉ có vài mươi giây trong một ngày hay vài ngàn lần trong
đời, rốt cuộc rồi cũng bị nước cuốn trôi. Niềm vui đó hầu như rất chóng
vánh, vô thường, không còn năng lực giữ chúng ta vui sướng trong cuộc
đời. “Nước cuốn trôi” là tốt, nếu cuốn trôi cảm xúc buồn. Vui
và buồn là đối lập trên cung bậc cảm xúc của con người. Thường chúng ta
dễ bị ngã qụy bởi cảm xúc buồn như ta bị rớt xuống vực thẳm và ta đang
được tăng bốc như cánh diều bay. Khi dòng cảm xúc được nâng cao bởi các
thuận duyên, thì lúc gặp nghịch duyên, khổ đau có mặt. Thăng và trầm,
hơn và thua, được và mất, thành công và thất bại cuốn trôi ta trong cơn
thủy triều và đánh mất ta trong hiện tại.
Theo tinh thần Phật giáo, “Để nước cuốn trôi…” là làm sao
vui lẫn buồn không phải là yếu tố để ta bận lòng. Ta ghi nhận dòng cảm
xúc vui buồn đang trải qua từng giây phút, không kháng cự nó, không trù
dập nó mà quán chiếu để chuyển hóa nó, nó không tác động chúng ta. Ta
ghi nhận thực tại và vượt lên để có niềm vui mà kinh điển Pali gọi là
“xả niệm thanh tịnh”. Giữ trạng thái “xả” thật lâu để cõi lòng thanh
tịnh sâu lắng một cách bền bỉ. Đây chính là niềm vui nội tại.
KHIÊM TỐN HẠ MÌNH
“Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình.
Chỉ lặng nhìn không nói năng, để buốt trái tim, để buốt trái tim.”
Ca từ ở đây rất tinh vi. “Nghiêng đời xuống…” ta hình dung
với chiều cao một con người, bóng ngã nghiêng thì dài hơn độ chiếu thẳng
từ mặt trời đứng bóng. Dù là đánh dấu con người và cuộc đời bằng bóng
nghiêng hay bóng thẳng, tác giả khuyên đôi lúc “nghiêng đời xuống”, tức
là khiêm tốn, hạ mình xuống để thấy rằng tại sao cuộc tình trong quá
khứ đổ vỡ hoặc tại sao hạnh phúc bị đánh mất?
Chiều cao của người Việt khoảng 1m6 hoặc 1m7, khi nhìn nghiêng thì
chiều cái bóng có thể gấp hai, ba lần. Ta có cảm giác hay ngộ nhận rằng
chiều cao cuộc đời mình là ba mươi lần. Khi nhìn giá trị mình cao như
thế, sự kiêu ngạo tạo ra nhiều rắc rối trong mối tương giao, nhất là
quan hệ trong tình yêu và vợ chồng.
Trong nhà, chồng có thái độ gia trưởng vì nghĩ mình mang về vật chất,
tiền bạc, hạnh phúc cho cả gia đình nên có quyền ứng xử như thế. Những
người vợ thành đạt trong xã hội cũng dễ dàng cư xử nghênh ngang. Đôi lúc
ta phải “nghiêng đời mình” xuống chút xíu để nhìn “một mối tình” và đề
nghị của Trịnh Công Sơn là “Chỉ lặng nhìn, không nói năng”.
Quán chiếu, không phê bình, chỉ trích, đánh giá, phán đoán để có tầm
nhìn khách quan hơn. Trước đây, đôi lúc chưa nhìn ta đã phán rồi, ta
phán như một quan tòa, dành quyền chân lý và áp đặt lên người được ứng
xử có khi là vợ ta, chồng ta, con ta. Vì nghĩ ta là chân lý, nên ta
không cho người bị phán xét bày tỏ nỗi oan ức, biện hộ, hay được quyền
giải trình theo hướng của họ. Ta khước từ tất cả những thứ đó, nỗi đau
làm hai bên đóng băng, nên “Chỉ lặng nhìn không nói năng”. Lặng
nhìn để có chiều sâu, phân tích mình và người có mối tương quan. Mình
và người như một tổng thể. Khi tách rời một trong hai tổng thể đó không
còn trọn vẹn nữa, cuộc tình sẽ có vấn đề.
NỖ LỰC THOÁT KHỎI BẾ TẮC
Câu “Để buốt trái tim, để buốt trái tim…” có hơi hướng tiêu
cực. Nếu “lặng nhìn không nói năng”, để tâm rộng mở hơn, tha thứ hơn, bỏ
qua hơn thì tốt biết mấy cho cuộc đời. Tác giả lặng nhìn theo hướng
tiêu cực để buốt trái tim, ôm nó vào bên trong, không cần phải nói, do
vậy niềm đau ngày càng gia tăng.
Luận Bảo Vương Tam Muội nói: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn nhát”.
Nhiều người vì sợ nếu nói là chưa có bản lĩnh, thà ôm vào trong lòng
để buốt trái tim, thật là khổ đau. Quan điểm này trái lời Phật dạy.
Khổ cuối có nội dung: “Trong trái tim con chim đau nằm yên. Ngủ
dài lâu mang theo vết thương sầu. Một sớm mai chim bay đi triền miên, và
tiếng hót vang trong trời gió lên”.
Các ca từ hòa lẫn buồn và vui, với bế tắc và nỗ lực thoát khỏi bế
tắc. Trái tim có con chim đau đang nằm yên. Ngôn từ rất hình tượng. Dĩ
nhiên người ta không thể nhét con chim dù rất nhỏ như chim se sẻ vào
trái tim, nếu nhét được ta sẽ chết. Trong nỗi đau, nhiều người chết dần
mòn theo năm tháng bế tắc. Con chim khỏe cũng không làm mình khỏe, huống
hồ con chim đang đau, mà nằm yên không có nghĩa là không ảnh hưởng tiêu
cực.
Con chim đó có thể tượng trưng cho tự do, hạnh phúc, an lạc, thảnh
thơi, bay về trời xanh. Nỗi đau đó là nỗi bế tắc. Tim ta trúng một mũi
tên của thất vọng, của tham, sân và si. Nó ứ đọng nằm im. Nó đang thách
thức ta, nó làm cho mình băng hoại. Mô tả con chim khổ đau, không lối ra
này “Ngủ dài lâu, mang theo vết thương sầu”. Nỗi đau sâu kín
nhói cả tâm cang, tấm lòng, bế tắc từ thái độ cảm xúc, tư duy, hành
động, tương quan xã hội. Rất may là nó “ngủ quên” rồi.
“Một sớm mai chim bay đi triền miên”. Ta hy vọng đến một
ngày mới tươi sáng hơn. Ta mở cửa nỗi đau cho con chim đang nằm yên, nằm
lâu được cất cánh bay về thế giới tự nhiên của nó. Hãy trả nỗi đau về
với quá khứ. Hãy trả nỗi đau về với cuộc đời, để ta ôm lấy niềm hạnh
phúc mới, với không khí trong lành, trời xanh, mây bạc. Rất nhiều người
không làm được như vậy.
Mỗi khi có một nỗi đau, hay ám ảnh, ta ngủ quên, khắc sâu trên thương đau đó. “Tiếng hót vang trong trời gió lên”
là trời xanh gió lộng, mây bay bạc ngàn, chim hót líu lo làm chúng ta
có cảm giác rộn ràng, sinh động, có sức sống, có năng lực mới vượt qua
vết thương đau mà ta đang gặp phải.
Mỗi người phải tự tạo cho mình một không gian sớm mai và mở cánh cửa
bốn phía không phải một mặt. Nếu chim đau đớn trong trái tim ta không
bay được cửa này thì bay sang cửa khác. Ai đã từng phóng sanh thì thấy
rất rõ. Có nhiều con chim rất ngố, cửa đã mở to mà không bay ra, cứ lao
vào vách lồng còn lại. Vì bế tắc lâu, khi mở cửa ra chim không biết
đường mà bay.
Nhốt con người trong một thảm họa hay bế tắc, buông ra ta sẽ quờ
quạng không biết tìm hướng thoát. Đôi lúc người phóng sanh phải vỗ mặt
sau của lồng, để chim sợ mà tìm hướng đối lập chui ra. Có nhiều con vẫn
không chui ra được. Không còn cách nào khác, ta phải đưa tay vào giúp
chim bay ra. Cũng vậy, ta phải biết đưa nỗi đau ra khỏi tâm mình như thả
một chú chim bay. Liên tưởng hai hình ảnh đó ta bứt rời được nỗi đau.
Hai câu cuối bản nhạc càng súc tích: “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui, dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai”.
Hầu hết ta vui có điều kiện, có cặp, có đôi như con thiên nga chết
trước, con còn lại tháng sau cũng chết theo vì thấy tuyệt vọng, không
còn gì mơ ước. Đó là suy nghĩ cực đoan, không nên làm như vậy. Người
trước đã ra đi, ta tiếp tục sống sao cho trọn ý nghĩa để thực hiện những
nguyện vọng mà người đó chưa thực hiện được, góp phần cho cuộc sống
thăng hoa hơn. Nhiều ông bà lão, một người đi trước, người còn lại mấy
tháng sau chết theo, làm con cháu nghĩ rằng ông bà mình chết trùng,
chết tam tai, ly tán, nên dẫn đến cái chết thứ hai. Trong hoàn cảnh đó
nhớ được mấy lời ca này thì thật tốt lắm: “Còn cuộc đời ta cứ vui. Dù vắng bóng ai. Dù vắng bóng ai”.
Đây không phải là cái vui ích kỷ, vì ta còn có cuộc đời, ta có trách
nhiệm phải sống một cách có ý nghĩa. Đó là người tích cực lạc quan, có
giá trị, có tự giác và quan trọng nhất là ta thấy có “ngày tới dù quá mệt”. Có người mệt đến năm mươi năm, “ba chìm bảy nổi, tám lênh đênh”,
có người vài chục năm, vài chục tháng, vài chục ngày, diễn ra hết sự
kiện này đến sự kiện khác làm cho mình choáng váng mệt mỏi, ngã qụy đi,
muốn tự vận chết cho rồi, không muốn nhìn thấy ai nữa. Ai rơi vào sự
tuyệt vọng như thế thì nên bắt chước Trịnh Công Sơn vượt qua nỗi đau của
mình.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài ba nhưng cũng có khi tuyệt vọng.
Gần đây đọc lời tự sự của ông trên trang web tưởng niệm, ông đã mô tả sự
tuyệt vọng của mình. Có đêm ông thức trắng, mượn rượu giải sầu và muốn
chết cho rồi, mà chết không được sống cũng không xong. Bế tắc vô vọng và
có lẽ trong nỗi đau đó ông sáng tác bài “Đừng tuyệt vọng” để tự khuyên nhủ chính mình. Ai áp dụng bản nhạc này cũng có thể tự khuyên và vượt qua sự tuyệt vọng.
Bài hát “Để gió cuốn đi” hay nhất ở ba câu đầu và ba câu
cuối, phần giữa chỉ là tuyệt vọng. Tiền hung hậu kiết là tốt, vì ta có
lối quay về, có điểm để nương tựa. Hãy yêu “ngày tới” cho ta nhiều niềm
hy vọng, tương lai gần hay xa. Dù quá mệt kiếp người, hầu như không có
nụ cười, những khi chiều ta cần có nụ cười, niềm hy vọng hết sức đơn
giản và mộc mạc, lại có giá trị “trị liệu” tốt.
Ta hiểu “chiều tới” như buổi xế chiều, chỉ cần có một niềm vui nho
nhỏ là hài lòng. Tuyệt vọng làm cho ta mơ ước rất đơn sơ, mong manh, có
rồi mất, tưởng tượng, trở thành không. Dù sao đi nữa phải yêu ngày tới,
dù ta không yêu được ngày hôm nay. Yêu chính cuộc đời này với thân phận
kiếp người này, đừng chán nản, đừng cự tuyệt nó. Hãy tiếp tục sống để
kiếp người mệt mỏi đó trở thành tươi vui. Ta cứ vui, vui với chánh pháp,
với thiền quán, với hành trì, vui với sự tu tập, chuyển hóa thì mỗi
tích tắc còn lại sẽ cho ta ý nghĩa cuộc sống. Có được như thế là sống
tích cực.