Truyện kể rằng vào thời Thế Tôn, tại một ngôi chùa nọ, có nhiều chú Sa-di còn bé và các cậu thanh niên mới tập sự xuất gia, thấy Trưởng lão La-kun-ta-ka Ba-đi-ya (Lakuntaka Bhaddiya) hiền lành, da dẻ hồng hào, miệng cười hoan hỷ, hai mắt hay lim dim, nhất là cái mũi cao đầy ấn tượng với hai tai to dài và cân đối như tai Phật, nên các cậu thường lân la bên Trưởng lão để “ăn mày phước đức”. Mỗi khi thấy một cậu nắm tay Trưởng lão thì cả đám ùa tới, vây quanh ngài và đùa nghịch nhiều cách: anh thì xoa cằm xoa má, chàng thì vuốt mũi vuốt tai, chú thì húc đầu vào bụng, cậu thì ôm cứng sau lưng... thôi thì mặc sức cười đùa, tha hồ thoải mái. Trưởng lão chỉ biết cười hề hề với hai mắt lim dim nhưng cũng đủ hiện rõ nét cảm thông và thương yêu đám trẻ. Bỗng nhiên một cậu hỏi:
- Sư phụ, sư phụ tu hoài vậy mà không mệt mỏi chán nản?
- Mệt mỏi chán nản thì làm sao tu được! Nếu chán đời ủ rũ thì các con lấy ai mà nô đùa, chọc phá!
- Tụi con thương sư phụ chứ bộ!... Điệu Hồng vừa nói vừa véo vào bụng Trưởng lão.
- Sư phụ đi tu lúc mấy tuổi? Điệu Trí, nhỏ nhất và cũng dễ thương nhất, hỏi.
- Lúc mười tuổi, độ tuổi các con bây giờ. Có điều các con giỏi hơn thầy hồi xưa. Các con không làm ướt chiếu ướt giường ban đêm. Hồi nhỏ sáng nào Thế Tôn cũng phải giặt chiếu và thay đồ cho thầy.
Bỗng thấy hai giọt nước mắt lăn trên gò má Trưởng lão, điệu Thành đưa tay quẹt quẹt, nói:
- Ủa, sư phụ khóc hả? Sư phụ thương Thế Tôn lắm hả?
- Thế Tôn vừa là Bổn Sư, vừa là cha mẹ của thầy, nên thầy gọi Thế Tôn là sư phụ. Sư là dạy dỗ, phụ là nuôi nấng. Năm nay thầy tròn năm mươi tuổi. Thế Tôn đã dưỡng dục thầy đúng bốn mươi năm, ân đức cao như núi Tu-di; vậy mà thầy chưa đền đáp được gì cho sư phụ của thầy. Mỗi khi nghĩ đến công ơn dưỡng dục của Thế Tôn thì thầy lại rơi nước mắt.
- Tụi con cũng vậy. Tụi con thương sư phụ. Mỗi khi sư phụ đi hóa duyên truyền đạo lâu ngày, tụi con ở nhà buồn và nhớ sư phụ lắm! Điệu Tín thỏ thẻ.
- Sư phụ của các con là Thế Tôn! Chúng ta chỉ có một sư phụ thôi.
- Nhưng sư phụ cũng dạy chúng con vậy! Sư phụ lâu lâu cũng cho chúng con ăn trái cây hoặc bánh ngọt bên kia hàng rào đó! Điệu Thắng ra vẻ nhõng nhẽo.
- Khổ quá!... Đã ăn vụng mà còn khoe. Thầy thấy các con ăn mỗi ngày một bữa, sợ các con đói nên xí phần của các thầy cho các con đấy! Đừng có bô bô cái miệng mà có ngày ăn roi nghe chưa?
- Trời đất!... Vậy mà tụi con cứ tưởng sư phụ khất thực được nhiều lễ vật! Điệu Tùng lộ vẻ ngạc nhiên.
Thấy chúng điệu thường quyến luyến với Trưởng lão La-kun-ta-ka, một số các sư sanh tâm thắc mắc, bàn tán với nhau:
- La-kun-ta-ra chưa từng có thế giới tuổi thơ nên nuối tiếc. Thấy mấy thằng nhóc đó là tình cảm trỗi dậy như lau sậy gặp mưa rào! Sư Quảng Luận nhận xét.
- Công phu hành trì giới luật của thầy ấy còn non nên dễ bề dao động. Chơi với cò, cò mổ mắt. Tục ngữ nói không sai. Cứ nhìn mấy thằng nhỏ đấm bụng, thọc lét thầy ấy thì rõ! Sư Minh Biện góp ý.
- Quý huynh nhận định như vậy em thấy hơi bất công! Sư Chánh Hạnh ra lời bênh vực. Chúng ta thử hỏi tại sao các điệu thích tâm tình, lân mẫn với Trưởng lão La-kun-ta-ra mà không thân cận với chúng ta? Hẳn là họ có cùng chung một tần số. Tần số đó là “xích tử chi tâm”, tức là tâm hồn ngây thơ trong sáng của các em bé, nói trắng ra là những tâm hồn chưa có tạp niệm, chưa có ý thức phân biệt chi ly của người lớn đa sự.
- Chà!... Chánh Hạnh dạo này triết lý quá ta! Thầy Tâm Pháp xoa dịu và tất cả đều vui cười, hoan hỷ.
Rồi một hôm, sau thời thiền tọa trong chánh điện, các sư ngồi lại, luận bàn về phẩm hạnh của Trưởng lão La-kun-ta-ra. Thượng tọa quảng chúng nói:
- Các thầy thấy đấy, Trưởng lão La-kun-ta-ra bị các chú điệu chọc phá, đúng ra là nựng nịu, đủ điều đủ cách, nhưng Trưởng lão vẫn hoan hỷ, không một lời than phiền, bực dọc. Hạnh từ bi hỷ xả của Trưởng lão thật đáng cho đại chúng học tập.
Thế Tôn nghe chuông xả thiền khá lâu mà chưa thấy các thầy ra, bèn vào chánh điện, ngồi giữa đại chúng, mỉm cười hỏi:
- Các thầy chưa về phòng nghỉ?... Còn bàn chuyện gì nữa đây?
- Dạ... chúng con đang ca ngợi và học tập tính tình từ ái, đức độ vô tư của Trưởng lão La-kun-ta-ra. Thượng tọa quảng chúng đáp.
- Vậy sao!... Này các thầy Tỳ-kheo, thầy nào giải thoát được phiền não chướng và sở tri chướng, tức là những kinh nghiệm vay mượn từ thế giới bên ngoài mà lầm cho rằng kiến thức sâu rộng, địa vị cao sang, thì thầy ấy tâm trí rỗng rang, hạng nguyện siêu việt, không còn bị dao động trong vòng quay của nhị nguyên đối đãi.
Nhìn đại chúng một lượt, Thế Tôn đọc kệ:
Như tảng đá kiên cố,
Không gió nào chuyển lay,
Bậc trí cũng thế này,
Khen chê chẳng dao động.
(PC. 81)
(Tịnh Minh, đã đăng trong tuần báo Giác Ngộ, số 401, ngày 4/102007)