Sông ơi !
Chảy đi sông ơi ! Là lời của một bài hát. Đó là tiếng kêu thảng thốt
của con người khi đứng trên bờ của dòng sông. Sông đã không sống đời
của sông nữa, mà sông đã sống theo cách mà con người muốn nó sống. Ngày
xưa sông vô tư , hồn nhiên sống, khi lên ghềnh, khi xuống thác, khi
buông thư chầm chậm nhởn nhơ như người vô sự ngắm mây bay, xem hoa nở,
lắng nghe tiếng chim hót. Nhưng rồi con người đã can thiệp vào, bắt sông
phục vụ con người, mà nhu cầu của con người ở trong cõi người ta này
thì vô hạn, vô chừng, không biết bao nhiêu là đủ. Thủy hỏa tương khắc,
nhưng với trí tuệ con người biến nước thành hỏa, thành điện năng. Biến
bao nhiêu cũng không đủ cung cấp, bởi con người không khác gì con khỉ
Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Đào tiên quý là vậy mà hái trong thoáng
chốc đã sạch vườn đào của Tây Vương Mẫu, mỗi trái chỉ cắn một miếng rồi
quẳng đi, vứt bỏ. Quẳng đi không hề nuối tiếc, mà đào tiên mấy ngàn năm
mới ra trái một lần ( điện rất quý có khác gì trái đào tiên đâu !).
Đầu năm đứng trên dòng sông Sê San, tôi đã ngắm nhìn sông và tôi đã
thấy như thế. Rừng đại ngàn đã ngã gục xuống, dòng sông mênh mang đẹp
như một dải lụa trắng của các đại sư Tây Tạng, Ấn Độ quấn choàng cổ, bắt
nguồn từ các đỉnh núi cao của núi rừng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum băng qua
đồi núi chập chùng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để rồi chảy qua biên
giới Campuchia. Ngăn chặn dòng chảy, nhiều nhà máy thủy điện đã mọc lên,
mọc lên để cung cấp năng lượng điện cho con người. Bên này nhà máy thủy
điện nước mênh mang, bến bờ rộng thoáng vì nước tích tụ, đổ dồn nước về
ba cái cống chạy tua bin phát điện. Bên kia nhà máy giòng sông khô cạn
lởm chởm vô số đá, như những bãi đá ở bãi biển Quy Nhơn gần ngôi mộ Hàn
Mặc Tử, so sánh cho dễ hình dung vậy thôi. Bãi đá ở biển Quy Nhơn, là
đá sống, bởi có con người lân mẫn chăm sóc, cùng vui chơi ca hát quây
phim chụp hình. Còn bãi đá ở giòng sông Sê San là bãi đá chết, đá chết
bởi vì sông đã chết. Trong kinh Phật thường dùng từ:” Bên này bờ, bên
kia bờ “. Bờ bên này là bờ sinh tử, vô minh, khổ đau. Bờ bên kia là giải
thoát, an lạc, Niết Bàn. Đứng bên bờ sông Sê San tôi đã ngộ ra không có
bờ bên này thì cũng không có bờ bên kia. Để tạo ra năng lượng điện con
người phải trả giá cho cái được và cái mất. Được cho nhu cầu tiêu thụ
của con người và mất cho môi trường sinh thái không còn cân đối, đảo
lộn.
Câu kinh, tiếng chuông, tiếng mõ
Sáu năm qua mùa xuân nào thầy trò chúng tôi cũng có mặt, có mặt theo
lời mời của các vị lãnh đạo ban điều hành dự án thủy điện Sê San 4.
Chúng tôi không có huyền thuật ấn chú gì cao siêu, chỉ có tấm lòng đến
với các vị lãnh đạo, với anh em công nhân đang treo mình trên ghềnh đá
cheo leo, trên công trường hiểm nguy, mà tánh mạng như sợi chỉ mành
treo chuông, sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm. Chiếc y vàng, câu
kinh tiếng kệ trong những ngày đầu năm đã động viên an ủi anh chị em
công nhân, đã đỡ nâng họ phần nào trong những ngày phơi nắng gió sương,
hiểm nguy rình rập.
Tâm người lãnh đạo
Thủy Điện Sê San hoàn thành
Nhớ lại thời gian mới bắt đầu làm thủy điện, Thầy trò chúng tôi cùng
với các vị trong ban quản lý làm một cái lán giữa rừng để cúng cầu an,
và cúng cô hồn. Lán được làm bằng cây rừng và phủ bạt, cúng nửa chừng
bỗng có một trận gió lớn nổi lên, tăng bạt bị gió thổi tung lên, một cây
đòn tay trên cao rớt xuống, phóng xuống in tựa như phóng lao., hơn mười
con người đang ngồi tụng kinh, vậy mà không trúng người nào, hú hồn hú
vía. Đầu xuân năm nay thì vì vị chủ tịch HĐQT thủy điện từ Hà Nội vô
cúng, cùng ngồi tụng kinh với thầy trò chúng tôi để cầu nguyện cho nhân
viên công nhân xây dựng thủy điện một năm mới an lành, cúng xong tức tốc
ra Hà Nội liền vì công việc quá bộn bề.
Cùng xây dựng, cùng hoàn thành
Nhà máy thủy điện Sê San xây dựng đúng sáu năm. Ngày 26 tháng 11 năm
2004 lễ khởi công, dự kiến ngày 30 tháng 06 năm 2010 là khánh thành.
Kinh phí 5.600.000.000.000 đồng ( năm nghìn sáu trăm tỷ đồng ). Công
suất 360 MW.
Nhà máy tọa lạc tại xã Iao, Huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 70km.
Chùa Bửu Minh đặt đá xây dựng trùng tu năm 2004, đến
hôm nay cũng tròn 6 năm, mái ngói chưa có điều kiện để sơn, nhưng cũng
tạm hoàn thành. Trong nước chưa có ngôi chùa nào đặt tên là chùa Nhân
Dân, hay có lẽ đã là của Nhân Dân rồi đặt thêm thừa . Thực sự chùa là
của Nhân Dân, không của riêng ai . Chùa Bửu Minh xây dựng kinh phí rất
lớn, tuy vậy không có một nguồn tiền nào khác, ngoài đồng tiền mồ hôi
nước mắt của thập phương phật tử. Cứ mỗi đầu năm chúng tôi đem tấm lòng
thành cầu nguyện cho công trường đang thi công, và sau đó các vị lãnh
đạo ban quản lý dự án công đức lại năm mười tấn xi măng, cũng chỉ chừng
đó thôi, không gì hơn nữa. Nửa bên kia trái đất bà con Phật tử, cũng
hướng về quê hương đạo pháp, cũng nhín chút tịnh tài gởi về khi 20 khi
50 khi 100 đồng USD để chúng tôi mua xi măng. Người đi xa kẻ ở gần luôn
nghĩ đến vài trò văn hóa của ngôi chùa trong nền văn hóa chung của dân
tộc. Ngôi chùa mà ai đó cúng xây dựng trọn, ngôi chùa đó sẽ không vững
bền với thời gian.
Ảnh đang thi công
Người nằm xuống
Mỗi người một nghiệp khác nhau, nghề nghiệp có khi ta chọn, có khi
cha mẹ chọn, có khi con Vua thì được làm Vua, con Sãi ở chùa thì quét lá
đa. Nghề nào cũng có những khó nhọc khác nhau, nhưng tôi thấy nghề xây
dựng thủy điện quả là nguy hiểm, chết chóc trong gang tất, sơ xẩy là mất
mạng ngay. Nhiều năm qua thầy trò chúng tôi lúc nào cũng nghĩ đến Sông
Đà, nghĩ đến ân tình kỷ niệm cưu mang nhau trong những giai đoạn khó
khăn nhất, nghĩ đến anh chị em công nhân xây dựng thủy điện, luôn cầu
nguyện mỗi khi có dịp. Nhưng rồi sinh tử vô thường, khó ai tránh khỏi.
Sáu năm xây dựng bảy công nhân bị tai nạn lao động tại công trường thủy
điện Sê San 4 đã ra đi. Đó là Kim văn Việt, sinh 1960. Nguyễn thị Thúy,
sinh 1978. Lại thị Hà, sinh 1983, khi bị tại nạn mất đi, con gái của Hà
mới biết đi lẩm đẩm. Lý Công Kim, sinh 1982, Hoàng văn Thôn sinh, sinh
1984. Dương văn Thực, sinh 1985, Bùi văn Cường sinh năm 1991. Bốn người
công nhân này chưa lập gia đình. . Riêng trường hợp anh Bùi văn Cường,
sáu năm xây dựng gian khổ hiểm nguy thì không sao, đến khi công trình
sắp hoàn thành chuẩn bị bàn giao thì bị tử nạn tại công trường. Mỗi lần
khấn nguyện cầu siêu cho các anh các chị lòng chúng tôi ngậm ngùi thương
tiếc. Muốn có tiện nghi, nhu yếu cho đồng bào, cho cộng đồng, người
công nhân ngành xây dựng thủy điện phải trả giá thật đắc, trả bằng sinh
mạng của chính mình.
Chia tay.
Mỗi năm thầy trò chúng tôi gặp các anh các chị ngành xây dựng thủy
điện ở Sê San một đôi lần. Và đầu xuân năm Canh Dần – 2010 các anh đã
hoàn thành phần việc xây dựng của mình, giao lại cho đơn vị quản lý nhà
máy và phát điện. Các anh lại tiếp tục ra đi: Ngành xây dựng thủy điện
có câu:” Rừng xanh thì đến, đỏ ngói thì đi” Nơi nào có nhà máy thủy
điện thì nơi đó có điện có đường ,có trường, có chợ và nhà cửa lợp ngói
mọc lên san sát như nấm mọc lên trong những tháng mưa .
Ảnh Sông Sê San, khi nhà máy Thủy Điện hoàn thành
Buổi chia tay với mâm cơm chay còn lại rất nhiều, vì không khí oi
bức, vì tình cảm sắp chia xa. Anh A, anh Quỹnh đại diện ban quản lý dự
án thủy điện Sê San 4 với lời lẽ chúc tụng cảm ơn, nhà chùa Bửu Minh sáu
năm qua đã đến với Sông Đà, đến với Sê San bằng tấm lòng, bằng câu kinh
tiếng kệ cầu nguyện cho anh chị em công nhân đang thi công, giờ lại
phải chia tay không biết bao giờ gặp lại. Chúng tôi cũng đứng lên đáp
tạ:” Sáu năm chúng ta gặp nhau như những người bạn cùng đi chung một
chuyến tàu, và tàu đã tới sân ga mọi người lại đi về mỗi hướng khác
nhau. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, nên hướng về đích đến cũng khác
nhau, chúng tôi cũng chỉ biết nói lời cảm ơn, và trong cuộc sống hằng
ngày mỗi khi dùng cái gì liên quan đến điện là chúng tôi luôn nhớ đến
các anh, các chị, những con người đã đem tiện nghi cần thiết đến với tất
cả chúng tôi. Khi dùng điện chúng tôi sẽ không hoang phí như Tề Thiên
Đại Thánh ăn phá vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu.
Pleiku, đầu năm 2010
Thích Giác Tâm
Đọc thêm: Câu cá bên dòng Sêrêpôk