Suốt dọc đường hành quân
Máy bay,
pháo bầy,
thám báo,
mưa bom
Chốt binh trạm giữa rừng
Người bạn thân
Lả người
Vì cơn rét đậm
Thèm một chút cá tươi
Mình câu cá
Cho bữa cơm cuối cùng của người thân
mà nước mắt
đời người
rơi, rơi...
mặn đắng
Bạn ơi
Con cá nhỏ trên dòng Sêrêpôk
Nay đã theo dòng thác lũ cuốn đi rồi
Đất nước nghìn năm
Trọn một lời thề
Sống chết thủy chung
với dân tộc mình
Muôn suối nhỏ
Đều đi về biển lớn.
1972
Năm 1972 tại Tây Nguyên, tôi có kỷ niệm không thể quên về những ngày đói gạo, ăn rau rừng và câu cá ven sông Sêrêpôk gần Buôn Đôn. Nhớ buổi câu cho bữa cơm người bạn sốt rừng ốm nặng thèm ăn cá. Đây là bài thơ khóc bạn, lễ 30.4 và ngày 1.5, tôi bùi ngùi nhớ lại. Chèo thuyền trên sông Vônga là thơ Hoàng Bình. Điểm câu cá của tôi gần binh trạm khoảng giữa Đăk Tô-Tân Cảnh và Buôn Đôn. Sông Sêrêpôk (ảnh Đổ Tuấn Hưng trên Wikipedia Tiếng Việt)
Sêrêpôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Sông Sêrêpôk được hợp thành từ hai dòng sông Krông Ana và Krông Nô (sông Mẹ và sông Bố). Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp với nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H'linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh...Tính từ chỗ hợp lưu của sông Krông Ana, sông Krông Nô tới cửa sông của nó dài 406 km, trong đó đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 126 km, đoạn chảy qua Campuchia dài khoảng 281 km. Sông Sêrêpôk chảy sang Campuchia được bổ sung thêm nguồn chảy dồi dào từ dòng sông Ea H'leoông, sông Sesan và sông Sekong (hai sông này cũng có nguồn trên lãnh thổ Việt Nam). Sông Serepôk nhập vào sông Mekong sát Stung Treng, tỉnh Stung Treng, Campuchia, (nơi những năm gần đây mới phát hiện được phần mộ của
Trung tướng Nguyễn Bình, tại xã Srê-pốc, huyện Xê-san,) sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam (ảnh 2 nguồn
Sông Mekong tài liệu tổng hợp ).
Hiện tại dọc theo dòng sông này đã có rất nhiều các công trình thủy điện mọc lên như thủy điện Krông Kma (Krông Bông), Buôn Kuôp (Krông Ana), Đray H'linh 1, Đray H'linh 2 (Cư Jút), Buôn Tou Srah (Lăk), Srepôk 3 (Buôn Đôn)... Sông Sêrêpôk ở Đăk Lăk có tên gọi địa phương là sông Đăk Krông được nhắc đến trong bài hát nổi tiếng "Sông Đăk Krông mùa xuân về" của Tố Hải: “Đăk Krông ơi, Tây Nguyên ơi!/ Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn./ Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng, đi suốt Truờng Sơn xanh, nghe dòng sông chảy mãi./ Đăk Krông ơi, dòng sông xanh thắm..."
Dòng sông Sê San ơi!
Là tản văn nổi tiếng của Tỳ kheo Thích Giác Tâm, vị sư trụ trì ở chùa Bửu Minh tại Biển Hồ, mắt ngọc Pleiku, tỉnh Gia Lai " Đó là tiếng kêu thảng thốt của con người khi đứng trên bờ của dòng sông. Sông đã không sống đời của sông nữa, mà sông đã sống theo cách mà con người muốn nó sống. Ngày xưa sông vô tư, hồn nhiên sống, khi lên ghềnh, khi xuống thác, khi buông thư chầm chậm nhởn nhơ như người vô sự ngắm mây bay, xem hoa nở, lắng nghe tiếng chim hót. Nhưng rồi con người đã can thiệp vào, bắt sông phục vụ con người, mà nhu cầu của con người ở trong cõi người ta này thì vô hạn, vô chừng, không biết bao nhiêu là đủ. Thủy hỏa tương khắc, nhưng với trí tuệ con người biến nước thành hỏa, thành điện năng. Biến bao nhiêu cũng không đủ cung cấp, bởi con người không khác gì con khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Đào tiên quý là vậy mà hái trong thoáng chốc đã sạch vườn đào của Tây Vương Mẫu, mỗi trái chỉ cắn một miếng rồi quẳng đi, vứt bỏ. Quẳng đi không hề nuối tiếc, mà đào tiên mấy ngàn năm mới ra trái một lần (điện rất quý có khác gì trái đào tiên đâu!)."
Vị thiền sư trên mắt ngọc cao nguyên viết tiếp: "Đầu năm đứng trên dòng sông Sê San, tôi đã ngắm nhìn sông và tôi đã thấy như thế. Rừng đại ngàn đã ngã gục xuống, dòng sông mênh mang đẹp như một dải lụa trắng của các đại sư Tây Tạng, Ấn Độ quấn choàng cổ, bắt nguồn từ các đỉnh núi cao của núi rừng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum băng qua đồi núi chập chùng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để rồi chảy qua biên giới Campuchia. Ngăn chặn dòng chảy, nhiều nhà máy thủy điện đã mọc lên, mọc lên để cung cấp năng lượng điện cho con người. Bên này nhà máy thủy điện nước mênh mang, bến bờ rộng thoáng vì nước tích tụ, đổ dồn nước về ba cái cống chạy tua bin phát điện. Bên kia nhà máy giòng sông khô cạn lởm chởm vô số đá, như những bãi đá ở bãi biển Quy Nhơn gần ngôi mộ Hàn Mặc Tử, so sánh cho dễ hình dung vậy thôi. Bãi đá ở biển Quy Nhơn, là đá sống, bởi có con người lân mẫn chăm sóc, cùng vui chơi ca hát quây phim chụp hình. Còn bãi đá ở giòng sông Sê San là bãi đá chết, đá chết bởi vì sông đã chết. Trong kinh Phật thường dùng từ:” Bên này bờ, bên kia bờ “. Bờ bên này là bờ sinh tử, vô minh, khổ đau. Bờ bên kia là giải thoát, an lạc, Niết Bàn. Đứng bên bờ sông Sê San tôi đã ngộ ra không có bờ bên này thì cũng không có bờ bên kia. Để tạo ra năng lượng điện con người phải trả giá cho cái được và cái mất. Được cho nhu cầu tiêu thụ của con người và mất cho môi trường sinh thái không còn cân đối, đảo lộn."
Tôi đã từng đứng trên bờ sinh tử và cũng đã từng câu cá bên dòng sông này thuở mà sông chưa làm đập thủy điện. Nay tôi lại về lặng ngắm dòng sông xưa. Trong lòng tôi thao thiết một dòng sông chảy mãi...
Hoàng Kim
---------------------------
Đọc thêm
http://dayvahoc.blogtiengviet.net/2013/04/29/cau_ca_ben_dong_srepok