Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Trò chơi của khói
Hoàng Công Danh
26/12/2011 08:11 (GMT+7)

Khi nhang đã cắm vào bát, điệu chắp tay lại chờ sư thầy niệm hồi mở đầu bài kinh, Sanh vẫn không ngớt nhìn lên bàn thờ, khói bay từ một chấm sáng đỏ và vòng vèo lên trên, tựa một trò chơi nhập nhằng nào đó.

 Qua mùa đông, sư thầy lại bận rộn hơn với những công việc bên ngoài chùa, chủ yếu vẫn là đi làm lễ cầu siêu cho các gia đình trong vùng. Ngày xưa, độ này trời lạnh, mùa giáp hạt, người chết nhiều. Vùng nghèo, chết thì chôn, dẫu có nghĩ đến việc tiếp dẫn đạo sư để linh hồn siêu thoát cũng chịu. Cái thời ấy sư thầy chưa về đây, ngôi chùa này chỉ là nơi đặt mấy lư hương lạnh tanh. Bây giờ có điều kiện hơn, người ta lại vời thầy về để làm việc hiếu, độ cho âm siêu dương thái.

     Nhớ những ngày đầu mới về trụ trì, thầy phải lo mọi việc, từ dọn dẹp khuôn viên, thiết trí lại chánh điện, sắp đặt bát nhang đèn dầu… Thế nhưng những việc ấy xem chừng vẫn đơn giản, khó nhất là làm cho người dân hiểu đúng đạo của thầy. Chùa có khang trang bao nhiêu, tượng Phật có rạng ngời chừng nào mà không có người tin tưởng thì cũng vô ích. Đạo Phật ra đời không phải để đặt đó, trưng ra cho người ta xem mà phải đưa đức tin vào con người để họ sống tốt hơn. Thầy hiểu điều đó, nên việc đầu tiên sau khi đã an ổn nơi ở và thờ tự, thầy bắt tay ngay vào công việc đi tìm hiểu cuộc sống dân làng.

     Mới đầu, người ta ngại giới tu hành, nghĩ sư thầy chắc cũng giống các ông bà lang băm chữa bệnh cùi hủi, hoặc tựa tựa mấy ông thầy đồng bóng nhảy nhảy rồi hét toáng lên như giẫm phải lửa. Dần dà, thấy bộ dạng thong dong, vẻ mặt an nhiên của sư thầy, người ta cũng tôn kính. Có khi người ta mời thầy về làm một cái lễ trong nhà, bảo thầy cúng cho cả gia đình con mạnh khỏe, làm ăn khấm khá. Thầy nhận lời, nghĩ, đừng làm mất lòng tin của người ta. Ở đời mất cái gì còn lấy lại được chứ mất lòng tin thì khó vực lại lắm. Cỗ vật giản đơn, chủ yếu bánh trái hoa quả cúng Phật, có trầm hương xông lên. Thầy tụng một bài kinh cầu an, xong ngồi lại nói chuyện với gia đình, đó mới là phần hành pháp chính. Thầy nói, đại ý, người ta muốn có sức khỏe thì bỏ bớt tham mê nhục dục, muốn giàu sang thì không gì ngoài lao động. Chứ dẫu có cầu trời khấn Phật mà tâm tánh vô minh, chân tay biếng lười thời cũng chẳng mang lại ích gì.

     Giảng thì giảng vậy, chứ thầy cũng không mong người ta hiểu hết, chỉ cần họ thấu được một ít thôi là được rồi. Phá vỡ đi một thành trì mê tín cố hữu trong lòng người thật khó lắm thay. Trước khi sư thầy về đây, trong vùng người ta mu mu mê mê. Động một tí ốm đau lại kêu ông thầy lang cúng để đuổi con ma gây bệnh; trong nhà có người chết thì kêu ông thầy phù thủy về triệu hồn. Sư thầy biết vậy, nhưng đâu dám bài xích trò mê tín ấy ngay được một sớm một chiều, trong khi thầy mới chân ướt chân ráo về chùa và đạo Phật hầu như chưa bao giờ được người dân ở đây biết đến. Song, thầy vẫn giữ một niềm tin chắc chắn, rằng người ta ai cũng có nhận thức, biết phân biệt đúng sai, nhận chân phải trái để mà làm theo. Ngày xưa, con đường gây dựng đạo pháp của đức Bổn sư còn khó hơn thế nhiều, trải qua hai ngàn năm trăm năm nay đạo Phật vẫn tồn tại và phát triển, há chẳng phải đấy là một căn lành? Thầy nghĩ thế để lấy cho mình động lực mà hoằng pháp.

     Có lần người ta thỉnh thầy về cồn Mai, bãi đất nghĩa trang chôn cất người làng, nhờ thầy tụng cho bài kinh địa mẫu. Kinh địa mẫu là kinh gì? Thầy đâu có biết. Là kinh cúng mẹ đất hay thổ địa, có người biết họ dùng để cầu cơ đó thầy. Ồ, đạo Phật không có tạng kinh đó. Tại người ta nghĩ kinh Phật ở đâu cũng tụng được, bệnh tật gì thuốc thang nấy, kiểu như mấy ông thầy phù thủy bịp bợm trước đây thường đặt ra một cách tùy tiện, hòng làm quáng gà mắt gia chủ mà thôi. Người làng không phân biệt được đâu là nghi lễ nhà chùa, đâu là nghi lễ cúng bái phong tục. Họ nghĩ đám ma có các đạo lộ để nhờ thổ thần dẫn đường linh cữu, thì nhà Phật có kinh địa mẫu.

Minh họa của Thúy Hằng

     Trong khuôn viên chùa, nằm chệch về phía bên phải là một đài âm hồn. Đài âm hồn có chuông vuông chừng mười mét vuông, xung quanh là tường xây năm lối gạch, trong đó đặt bát nhang. Tất cả nay đã cũ lắm rồi, rêu xanh bám lên trên nước xỉ xám. Ngày trước người ta xây đài âm hồn cạnh chùa là để thờ các vị thần, và dân trong vùng mỗi lần có chuyện chẳng lành, hoặc ai đi xa đều đến đây thắp hương cầu khấn. Hằng năm, cứ đến rằm tháng tám làng lại mổ heo, hong xôi đội lên cúng. Thế thì luôn thể đặt lên bàn thờ trong chùa một phần xôi thịt. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Người ta nghĩ chỗ nào có bát nhang thì cứ đặt cỗ mà cúng. May thay khi đó chưa có tượng Phật, hoặc do chiến tranh loạn lạc, người ta chưa kịp an vị lên trên đó một bức tượng.

     Từ khi sư thầy về chùa, tượng Phật đã có. Dân làng muốn làm gì trên chùa cũng đến hỏi ý kiến thầy. Thầy bảo trước mắt nên bỏ tục oản xôi thịt đối với bàn thờ Phật, cúng cỗ như thế là thiếu tôn kính Phật. Nếu có lòng thành, xin làng dâng hoa trái thôi là được rồi. Còn ngoài đài âm hồn, thì tùy quý vị, vì đấy là phần lễ của hương thôn. Vị đại bái làng vừa nghe sư thầy giảng, vừa gật nhẹ đầu, tỏ ra tâm đắc. Bữa sau họp làng, quyết như ý kiến của sư thầy.

     Cách đi vào lòng dân của thầy nhẹ nhàng cẩn trọng như vậy.

     Trước nay mỗi lần lễ ở đài âm hồn, ban hương sự của làng tự cúng, vị đại bái làm chủ lễ. Lần này có sư thầy về, người ta thỉnh thầy ra cúng cho, dù sao có thầy vẫn linh thiêng hơn. Thật khó xử cho thầy, vì cỗ vật làm mặn thì bậc tu hành đâu dám cúng. Hay thầy ra đứng chứng giám cho chúng tôi cũng được. Thú thật, kể từ ngày có thầy về, dân làng sống yên ổn hẳn, mùa màng bội thu, gió mùa thôi thốc mạnh. Lần này có thầy ra chứng lễ thì càng hay.

     Niềm tin nhiều khi là động lực cho con người, nhưng có lúc lại làm con người bị chèo kéo khỏi quỹ đạo vốn dĩ của mình. Bữa nay xem ra người làng đã tin cẩn thầy lắm rồi đấy. Cơ hội càng rộng mở để thầy giáo độ chúng sanh. Không ra dự lễ có khi đánh mất một lần củng cố niềm tin, lại dễ khiến dân họ nghĩ thầy làm cao. Thầy miễn cưỡng đi ra đài âm hồn, điệu Sanh cũng chạy theo.

     Vị đại bái nhập lễ, đọc cáo văn, rồi ban hương sự của làng thứ tự theo tuổi tác lớn đến nhỏ vào lạy. Sư thầy đứng bên nhắm mắt, tay lần tràng hạt cố gắng giữ tâm thật an nhiên, dặn lòng đừng tỏ ra bất cứ sự nao núng nào. Điệu Sanh liếc sang cái đầu heo, chỉ thấy vui vui chứ không thèm. Nhưng ngó tới mâm xôi đầy, thì… nuốt nước miếng như thằng Bờm khi xưa thấy cục xôi của phú ông.

     Người ta cắm thêm nhang vào quanh đài âm hồn, cho các vong linh vất vưởng thêm chút hơi ấm. Khói xông lên, điệu Sanh lại chảy nước mắt. Xem chừng điệu ấy sắp khóc đến nơi rồi. Khi xong lễ, sư thầy vái chào các cụ rồi đi lẹ vào tịnh thất, mắt cũng rơm rớm.

*

     Nhà người ta có con chết nước mùa lũ, cũng nhờ thầy về làm lễ triệu hồn, gọi hồn về nhập với xác. Thầy bảo không được đâu, nên tụng kinh cầu siêu chứ sao lại gọi hồn về chi nữa. Cầu siêu là sao? Là để cho linh hồn được siêu thăng về miền tịnh độ, cho họ thoát khỏi khổ đau cõi người, chứ triệu hồn về nhập với xác rồi giữ họ dưới đất ấy à. Gia chủ nghe thấy phải, chấp thuận.

     Phần nhạc lễ trong cúng cầu siêu phải có thêm một chiếc tang(vật nhỏ như cái đĩa con dẹt, bằng đồng, cán trúc). Hồi năm ngoái thầy kiếm được một miếng đồng ở quầy phế liệu, đem về dùng đá tán một buổi chiều mới được. Rồi thầy dạy cho điệu Sanh cầm một nan tre cong để gõ tang. Nhịp gõ khi mạnh khi nhẹ, sao cho âm đồng vừa đi đúng mạch bài kinh, vừa có tác dụng làm vơi khổ đau của quý thân chủ. Khi người sống an tâm, không còn lưu luyến nuối tiếc nữa thì linh hồn mới đặng siêu thoát. Ý nghĩa tiếng gõ tang là thế.

     Điệu Sanh đứng bên thầy gõ tang. Trong nhà gia chủ cứ thắp nhang từng bó, cho rằng đốt càng lắm nhang thì lời nguyện cầu càng linh. Khói bay lên nghi ngút, thi thoảng gió vợt qua, bao nhiêu khói cứ vỗ vào mắt chú tiểu. Sanh nhắm mắt lại, cố gắng đừng để nan tre trong tay không lạc nhịp tang. Thế mà đôi khi vì quá cay mắt, điệu phải dừng lại đưa tay quệt dưới chân mày thật nhanh rồi mới gõ tiếp được.

     Hai bên bàn thờ treo rất nhiều đồ vàng mã: áo quần, mũ mão, giày dép, gương lược, hòm rương… tất cả đều bằng giấy màu, làm y như thật. Mỗi thứ như thế có đến năm sáu bộ, nghe nói về dưới ấy, còn phải chia chác cho các quan giữ cửa âm ty nữa nên mới dâng cúng nhiều thế. Không rõ ai chết rồi quay về báo mộng cái trò mua chuộc này, hay là thấy chốn người sống có sao thì cõi người chết y vậy. Trần đời đang rỉ tai nhau chuyện bây giờ cứ là phải quà cáp đút lót thì việc mới xong. Sư thầy không cấm đoán được việc đó, âu cũng bởi cõi người còn chìm ngập trong cảnh tranh tối tranh sáng, mình thầy ở chốn vắng đạo này thật khó lòng lôi người ta ra khỏi mê tín và cám dỗ ngay được.

     Cuối lễ, gia chủ đem hóa vàng tất cả mớ lủng lỉnh đồ giấy. Cứ chọc que vào mà cời cho lửa bén, tàn đen bay lên mù mịt, khói xám lôm côm đè nhau bươn lên trời. Khói xoáy vào mắt đầm đìa. Con ơi con, nhận đi mà mặc, dưới kia lạnh lắm phải không?

     Thầy bảo, đốt thế không sợ con nó cảm thấy đủ đầy quá mà ở mãi dưới địa ngục âm ty à? Chi bằng tĩnh tâm nguyện cầu mười phương hộ trì sáu căn, cải nghiệp cho hồn được lên cõi cực lạc. Gia chủ nín thinh, nghe chừng cũng lọt tai, nhưng lần sau đâu lại vào đấy, vẫn cứ sắm sửa cho nhiều rồi đốt thành tro. Càng ngày người ta càng làm ra nhiều thứ hàng mã y như thật, đến cả ô tô xế hộp cũng có.

     Mỗi lần thầy làm lễ tại gia xong, ra về, thể nào người ta cũng đùm một túi hoa quả cho điệu Sanh. Chú tiểu xách túi quà lủng lẳng, ngồ ngộ, hai con mắt đỏ hoe vì khói. Hai thầy trò quảy túi nải, trở về chùa, phía sau khói vẫn chưa ngơi, phía trước cánh đồng vừa xong mùa gặt, ai đó đốt rơm cho khói bay lên trời kết mây xám. Buổi trời râm râm ủ ê.

     Điệu Sanh đưa cái túi quà lên ngắm nghía. Nhiều quá thầy ơi! Ăn sao hết đây? Thầy trả lời vu vơ, cứ như là đang nói với chính mình: của chúng sanh trả ơn, ăn thì cũng hết, chỉ có điều sợ không làm sao thỏa lòng người thì khó mà nuốt cho trôi.

Hoàng Công Danh

http://hoangphaptre.com/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang