Không
ít ngôi chùa hiện nay đang có chiều hướng “tư nhân hoá” dưới danh nghĩa
trùng tu lại, xoá sạch dấu vết gắn bó một thời của người dân địa
phương, trở thành sở hữu riêng của vị trụ trì và một số đại gia có tiền
bạc và quyền thế.
Văn
hoá Phật giáo Việt Nam sẽ hội nhập như thế nào với thế giới? Phật giáo
Việt Nam sẽ đưa hình ảnh gì của mình ra bên ngoài? Những câu hỏi này
được đặt ra từ lâu trước thực tế các quốc gia, dân tộc, tôn giáo trên
thế giới đang ngày càng có nhiều hoạt động thúc đẩy quảng bá cho sức
mạnh mềm văn hoá.
Văn
hoá Phật giáo là một thành tố cơ bản, không thể tách rời của văn hoá
dân tộc. Nhưng sự thịnh đạt nào cũng ẩn chứa những lụi tàn, nếu văn hoá
không được ý thức giữ gìn một cách đầy đủ trong đời sống thường nhật,
như lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ, nghệ thuật và ứng xử.
Rõ
ràng chúng ta không thể quảng bá văn hoá một khi thiếu hụt nhận thức
văn hoá. Biểu tượng văn hoá đến từ ứng xử văn hoá, bởi bản thân văn hoá
luôn mang trong mình dòng chảy của sự vận động và phát triển.
Hiện
nay không gian thờ phụng của người Việt có nhiều thay đổi, hình thức đi
lễ có nhiều biến tướng. Ở những ngôi nhà hiện đại, bàn thờ Phật thánh,
tổ tiên thường được chuyển lên cao, tách biệt hẳn với không gian sinh
hoạt thường ngày.
Ở
các lễ hội đền chùa tràn ngập vàng mã, vung vãi tiền lẻ trên người thần
Phật. Ít nhiều suy nghĩ và thói quen này sẽ tác động không nhỏ vào lối
sống ứng xử, dần dần làm phai nhạt các giá trị văn hoá truyền thống,
ngay trong cấu trúc gia đình và làng xã.
Các
thế hệ đi sau sẽ cảm thấy gần gũi với những nét văn hoá mang đậm tính
chất trang hoàng, giải trí, bằng hình khối và các sự kiện văn hoá, lễ
hội cộng đồng, hơn là việc quan tâm cụ thể đến một dấu chỉ văn hoá từ
trong chính gia đình của mình.
Cấu
trúc gia đình không chỉ bị phá vỡ bởi lối sống tự do, tự lập của người
trẻ, mà còn cả ở thái độ thờ ơ, ít quan tâm đến những phong tục văn hoá
truyền thống.
Cấu
trúc văn hoá xã hội thì lỏng lẻo khi người dân mất dần vai trò chủ thể
văn hoá, trở thành những người bỏ tiền ra “mua” nhu cầu tín ngưỡng, tâm
linh, và họ nghĩ đồng tiền có thể tác động ít nhiều đến lời khấn cầu của
họ.
Văn
hoá đang có dấu hiệu hướng ra bên ngoài môi trường cộng đồng. Vì thế
những hoạt động đường phố, lễ hội màu sắc, nghệ thuật trình diễn mang
phong cách hiện đại sẽ có sức cuốn hút rất lớn đối với mọi người, đáng
tiếc là nó còn có quá ít những điều chỉnh.
Phật
giáo có rất nhiều các lễ hội lớn trong năm như Phật đản, Vu lan…, tuy
nhiên những lễ hội này ngày càng giới hạn trong phạm vi ngôi chùa, chưa
vươn tới được tầm mức của một lễ hội có sự tham dự chung của cả cộng
đồng như đã từng diễn ra trong lịch sử.
Trong khi những lễ hội dân gian gắn với ngôi chùa thì ngày càng xuất hiện những hình ảnh phản cảm, thiếu thẩm mỹ, kém văn minh.
Tựu
chung, nó cho ra một hình ảnh “cha chung không ai khóc”, và người ta
chỉ quan tâm phát triển ngôi chùa riêng của mình, đạo tràng của mình,
quan hệ thân sơ của mình, với cấp trên, với chính quyền sao cho danh lợi
được lâu dài...
“Mái
chùa che chở hồn dân tộc” là mái chùa nào trong tình cảm, tâm hồn, nếp
sống, nếp nghĩ của người Việt? Chắc chắn mái chùa ấy là sự tổng hợp của
tất cả những giá trị văn hoá, ứng xử chứ không chỉ là mái chùa vật thể
gắn với một không gian thờ cúng cụ thể nào đó.
Không
gian của những ngôi chùa cổ xưa rõ ràng là nhỏ bé, chật hẹp hơn nhiều
những ngôi chùa mới xây dựng đồ sộ, hoành tráng như hiện nay, nhưng
không gian văn hoá, lễ hội, ứng xử thì bao trùm hết không gian làng xã,
cộng đồng, đi vào trong đời sống ứng xử để trở thành văn chương, nghệ
thuật, thẩm mỹ, đạo lý… Câu nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”,
“Tiếng chuông kêu ba cõi, bóng tháp ngả trùm đồng”, đã nói lên sự nối
dài của không gian ấy.
Như vậy, có phải cứ xây chùa to lớn thì sẽ có được không gian tâm linh thuần hậu, gắn bó như trên?
Không
phải lúc nào cũng như thế. Bởi ngôi chùa nhỏ bé ngày xưa là kết quả của
biết bao nhiêu sự vận động ý thức, gần gũi chia ngọt sẻ bùi với dân,
nên ý nghĩa “che chở” của nó tương quan mật thiết với đạo lý ứng xử và
niềm tin nhân quả. Chính điều đó dẫn đến một giá trị “sở hữu” rất cộng
đồng: “Sư mới vãi như vải với nâu”, “Chùa không sư thì hư mất chùa”, “Sư
chùa là bùa làng”, hay “Chùa của dân, sư của dân”…
Hai
chữ “của dân” ấy hình thành nên giá trị chung mang tính nền tảng của
văn hoá Phật giáo. Và ngôi chùa làng là ngôi chùa của cả một cộng đồng
tín ngưỡng.
Có
nghĩa rằng dân không chỉ là người tham dự mà còn là chủ thể trực tiếp
kiến tạo nên giá trị ấy bằng chính mồ hôi, nước mắt, tình cảm, niềm tin
và lòng sùng kính của mình. Nếu một ngôi chùa có không gian rộng lớn,
chứa được cả hàng chục nghìn người, nhưng lại không chứa nổi tình cảm,
niềm tin và lòng sùng kính, gắn bó của nhân dân, làng xã thì sớm muộn nó
cũng sẽ bị thay thế bởi các giá trị khác.
Có
một thực tế đáng báo động là không ít ngôi chùa hiện nay đang có chiều
hướng “tư nhân hoá” dưới danh nghĩa trùng tu lại, xoá sạch dấu vết gắn
bó một thời của người dân địa phương. Ngôi chùa mới trùng tu nghiễm
nhiên trở thành sở hữu riêng của vị trụ trì và một số đại gia có tiền
bạc và quyền thế. Người dân nghèo có cảm giác trống vắng, hụt hẫng khi
những ngôi chùa mới được xây dựng ngày càng tạo ra khoảng cách phân hoá
giàu nghèo và trở nên xa lạ với họ. Chính quá trình trùng tu quá nhanh,
quá vội vã đã đánh mất một không gian ảnh hưởng trong tâm thức người
dân, mà không gian ấy lớn hơn rất nhiều cái không gian mang sức chứa vật
chất.
Việc
đánh mất ý niệm về “mái chùa che chở hồn dân tộc” trong không gian tín
ngưỡng cộng đồng, khiến cho những mái chùa hoành tráng kia dần biến
thành cái xác không hồn. Do đó, không phải cứ tung tiền tỉ ra xây chùa
to lớn là sẽ có được sức mạnh mềm và sự lan tỏa của văn hoá.
Như
vậy, những giá trị văn hoá Phật giáo cần phải được thể hiện qua những
hành động tương quan, gắn bó mật thiệt với tâm hồn, tình cảm của người
Việt, khuyến khích một lối sống gần gũi với thiên nhiên, hài hòa với văn
hóa, tín ngưỡng, phong tục bản địa.
Sự
ủng hộ của chính quyền và các doanh nhân phải thích nghi với văn hoá
ứng xử thời đại, làm sao các tầng lớp nhân dân, đặc biệt tầng lớp nông
dân, dân nghèo, thấy được khoảng cách tình người đang được rút ngắn. Bởi
tất cả những biến động xã hội gây ra những thất vọng đối với người dân,
thì không ai khác, chính tôn giáo phải trở thành điểm tựa để cân bằng
đạo đức ứng xử xã hội.
Một
du khách đến Việt Nam, điều mà họ quan tâm tìm hiểu là những giá trị
văn hoá mang góc cạnh và hình khối Việt Nam, phản ánh lối sống tâm hồn
của người Việt, chứ không phải đến để tham quan những công trình kiến
trúc vĩ đại nhưng na ná kiến trúc của Nhật, hay của Trung Quốc.
Vua Trần Nghệ Tông (1321 – 1394) từng nói:
"Triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là
vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước theo nhau. Vào
khoảng năm Ðại Trị, kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa
sâu xa của sự lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của
phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương không kể hết" (Đại Việt sử kỳ
toàn thư).
Hiện
nay, không chỉ đồ thờ cúng, tranh tượng, mà ngay cả y phục, mão trượng
của nhiều nhà sư Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, Đài Loan.
Phật giáo Việt Nam có mạnh dạn thay đổi cái “truyền thống” này, trong nỗ
lực thoát ra khỏi cái ảnh hưởng văn hoá kia, để từ bộ y trên người, đến
sâu thẳm lòng tự trọng của mình, tìm ra được một giá trị mang tên văn
hoá Phật giáo Việt Nam.
Một
khi cái nền tảng văn hoá được cho là “văn hoá Phật giáo cũng là văn hoá
dân tộc” chưa thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng ngoại lai ấy, thì trước
thách thức của thời đại, chúng ta vẫn là một đứa trẻ già tuổi nhưng
chưa thể tự đứng vững trên đôi chân (văn hoá) của chính mình. Và giá trị
tinh thần, tư tưởng của những ngôi chùa mang tên “Khai Quốc”, “Hộ
Quốc”, “An Quốc”, “Trấn Quốc”, “Báo Quốc” chỉ đúng nghĩa “Hộ quốc an
dân”, “gắn bó đồng hành cùng dân tộc”, khi nó tiên phong trên con đường
thúc đẩy sự độc lập văn hoá.
Thích Thanh Thắng
Nguồn link:
http://www.phattuvietnam.net/diendan/22675-v%C4%83n-h%C3%B3a-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-th%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BA%A1i.html