Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ngọn lửa Bồ-tát Quảng Đức nhìn từ văn học
07/06/2013 14:54 (GMT+7)


GN - Đã có nhiều bài nghiên cứu viết về sự kiện tự thiêu chấn động cả thế giới của Bồ-tát Thích Quảng Đức (1897-1963), nhưng chúng tôi vẫn muốn đọc lại những dòng viết của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập III: “Vị Thiền sư ngồi tự thiêu ở ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám) đạo hiệu là Thích Quảng Đức, sáu mươi bảy tuổi, trụ trì chùa Quán Thế Âm ở Gia Định.

Trong tư thế kiết-già, tay bắt ấn cam lộ, ông ngồi vững như một pho tượng đồng trong khi ngọn lửa cháy lên cao gần 4 thước, phủ trọn cả thân hình ông. Đó là vào khoảng đầu giờ Ngọ ngày 11 tháng 6 năm 1963. Lửa cháy trước con mắt kinh ngạc của những ký giả và nhiếp ảnh gia quốc tế. Lửa cháy trước niềm xót thương và lòng kính cẩn của quần chúng có mặt tại đó. Xe cộ dừng lại cả và mọi người đều vây quanh cảnh tượng hào hùng chưa từng thấy xảy ra ở thủ đô Sài Gòn. Mười lăm phút sau, nhục thân của Thiền sư ngã xuống, tiếng kêu khóc của quần chúng vang lên nức nở. Vài giờ đồng hồ sau, hình ảnh và tin tức về Thiền sư Quảng Đức tự thiêu đã tràn ngập trên các hệ thống truyền hình và báo chương quốc tế...

Thiền sư Quảng Đức sinh năm 1897 tại làng Vạn Khánh, quận Vạn Ninh thuộc tỉnh Khánh Hòa… Ông đã có ý tự hiến mình cho cuộc vận động từ ngày 27-5-1963 khi ông viết một lá thư gửi Giáo hội Tăng-già toàn quốc, phát nguyện tự thiêu để đóng góp vào công trình tranh đấu. Lời thỉnh nguyện này bị Giáo hội bác bỏ. Tuy vậy, ông vẫn quyết tâm thực hiện ý nguyện. Sáng ngày 11-6-1963, trước khi tự thiêu, ông đã viết để lại một lá thư gọi là Lời nguyện tâm quyết, nói rõ chủ định và nguyện vọng của ông. Điều đáng ghi nhớ là toàn văn bức thư này đã không chứa đựng  một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, trái lại còn thấm nhuần tình thương và hy vọng…

Ngày 20-6-1963, nhục thân của Thiền sư Quảng Đức được rước về An dưỡng địa ở Phú Lâm để làm lễ hỏa thiêu. Chính quyền chỉ cho phép khoảng hai trăm vị Tăng Ni tham dự vào đám rước này và buộc phải đi bằng xe hơi. Tuy vậy, suốt dọc đường, hương án của tư gia đã được bày ra hai bên lề với đèn hương nghi ngút để bày tỏ sự thành kính đối với vị Thiền sư mà từ đây mọi người bắt đầu xưng tụng là Bồ-tát Quảng Đức. Ngọn lửa hỏa thiêu đã không đốt cháy được trái tim của Thiền sư. Trái tim này được đem thiêu lần thứ hai với sức nóng 4.000 độ nhưng vẫn không cháy…” (Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb. Lá Bối, Paris 1985, trang 356 - 358, 407).

Ngọn lửa Thích Quảng Đức - ngọn lửa từ bi

Thời điểm lịch sử sáng rực như vậy tất nhiên là đã được ghi nhận mô tả và quảng diễn (báo chí, sách vở...). Nhưng để có được một sự ghi nhận mang tính khắc họa bằng thứ ngôn ngữ hình tượng, giàu âm điệu, tức phải có sự nhập cuộc của văn học. Và thật là may mắn cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, may mắn cho văn học Phật giáo Việt Nam, chúng ta đã có tác phẩm Lửa Từ Bi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một khắc họa tuyệt vời về ngọn lửa Quảng Đức:

Nếu ngọn lửa tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức đã thắp sáng lên tinh thần vô úy, tỏa lên sức mạnh của từ bi và trí tuệ, góp phần đẩy bánh xe lịch sử của dân tộc tiến lên phía trước, thì bài thơ Lửa Từ Bi là một chứng tích, một dấu ấn văn học đậm đà của một thời kỳ lịch sử, một khẳng định bằng ngôn ngữ thi ca cho vầng sáng cao tột của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy của dân tộc.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 -1976) vốn không xa lạ với giới Phật học Việt Nam cận hiện đại. Những câu thơ lục bát của ông phản ánh những thao thức của chính bản thân về những biến thiên của ngoại cảnh, về những khổ đau lầm lạc của kiếp người, đã được nhiều tài liệu văn học Phật giáo trích dẫn:

“Ta còn để lại gì không

Kìa non đá lở nọ sông cát bồi

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Trông ra bến hoặc bờ mê

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương…”.

(Dẫn theo Mãn Giác: Phật giáo và Văn hóa Việt Nam,

Đại học V.H xb, S, 1967, trang 60)

“Phật có bàn tay dẹp bất bình

Cả ngàn con mắt chiếu vô minh

Chỉ đôi tai Phật, sao nghe xiết

Tiếng khóc giờ đây của chúng sinh!

(20-9-63)

(Tiếng khóc giờ đây, trích từ tuyển tập Lửa Từ Bi -1963)

Trước đấy, họ Vũ cũng đã từng Việt dịch rất đạt một số bài thơ chữ Hán liên quan tới cửa thiền. Chẳng hạn đây là bản Việt dịch của Vũ Hoàng Chương từ bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Tiều Đẩu viết về chùa Tra Am của Thiền sư Viên Thành (1879-1928):

Bóng gợn cầu tre nhịp ngọ chung

Âm u Tăng viện lối đi vòng

Chủ nhân ngồi nhập Thiền bên cửa

Hoa nở chim kêu chứng tỏ lòng

(Lộ chuyển thôn khê Tăng viện thâm

Ngọ chung thanh đậu trúc kiều âm

Chủ nhân tọa định tây song lý

Ly điểu đình hoa chứng đạo tâm).

(Dẫn theo Việt Nam Phật giáo sử luận III, Sđd, trang 124).

Và bây giờ là Lửa Từ Bi. Bài thơ được hoàn thành vào ngày 15-7-1963, tức sau ngày nhục thân của Bồ-tát Quảng Đức đã trà tỳ và Trái tim bất diệt đã xuất hiện. Tất nhiên, có ngọn lửa Quảng Đức thì mới có Lửa Từ Bi, nhưng chính Lửa Từ Bi, từ cảm hứng thiên tài của một nhà thơ mộ Phật cùng yêu chuộng lẽ công bằng, bài thơ Lửa Từ Bi đã làm rạng rỡ hơn nữa, mãi mãi làm rạng rỡ hơn nữa hình ảnhngọn lửa Quảng Đức:

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen

Tám chín phương nhục thể trần tâm

Hiện thành thơ, quỳ cả xuống

Hai vầng sáng rưng rung

Đông Tây nhòa lệ ngọc

Chắp tay đón một mặt trời mới mọc

Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên.

Dùng danh xưng Lửa Từ Bi, Vũ Hoàng Chương đã đóng góp, làm phong phú thêm hình tượng từ bi vốn đã hiện diện một cách sinh động trong văn học Phật giáo Việt Nam:

Chói lọi một vầng tuệ nhật

Ùn ùn mấy đóa từ vân

Tam giới soi hòa trên dưới

Thập phương trải khắp xa gần.

(Bài thơ Nôm cầu siêu cho Nguyễn Biểu của sư chùa Yên Quốc)

Mây từ che khắp

Trời tuệ chiếu cùng

Ngắm đi ngắm đi

Thái sơn oai hùng!

(Bài minh Truy tán Thiền sư Nguyên Thiều)

Muôn nhờ Đức Phật từ bi

Giải oan cứu khổ cùng về Tây phương.

(Văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du)

Lần tràng hạt niệm Nam-mô Phật

Cửa từ bi công đức biết là bao

Càng trông phong cảnh càng yêu.

(Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh)

Và thuộc loại sớm nhất là câu phú của Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần: “Nương am vắng, Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ”.

(Vịnh Hoa Yên tự phú)

Nhưng đây là Lửa Từ Bi. Một thứ ánh sáng kỳ diệu được thắp lên từ một con người kỳ diệu với một nội lực kỳ diệu. Ngọn lửa ấy, theo Vũ Hoàng Chương, đã bùng cháy từ đất nước Việt Nam nhỏ bé, nhưng đã bừng sáng khắp Đông Tây, đã soi tỏa cả ba ngàn thế giới, vươn lên tới chín tầng mây. Vì đấy là ánh sáng của tinh thần vô úy, là ánh sáng của từ bi, của vị tha, là ánh sáng từ sự kết  tinh của một nền đạo học đã luôn gắn bó với dân tộc, với lịch sử. Ánh sáng ấy có đủ vầng sáng của một mặt trời mới xuất hiện, có đủ cái bất động mà vòi vọi của ngọn Hy Mã Lạp Sơn, có đủ cái dòng chảy cuồn cuộn mà trong veo của con sông Hằng, có đủ bóng rợp mát rượi của cây bồ-đề, của ánh đạo vàng, nên mãi mãi có đủ dũng lực để xua tan mọi nghi ngờ, thù hận, mọi bóng tối của vô minh si ám. Ánh sáng ấy đã giúp cho người Việt Nam thấy rõ về mình hơn, biết mình đang ở đâu và có thể làm gì, có thể sưởi ấm tình huynh đệ, biết nhìn và nhìn đúng về quá khứ để hướng đến tương lai:

Rồi đây, rồi mai sau còn chi

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi

Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ-tát

Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ…

Năm mươi năm đã trôi qua, bây giờ (2013) đọc lại bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương, theo chúng tôi thì những giá trị thời sự, giá trị phản ánh, giá trị khắc họa… vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Đúng là hồng phúc của Phật giáo Việt Nam đã sản sinh ra một bậc siêu nhân(*) như Bồ-tát Quảng Đức, thì cũng có thể nói như vậy, tức hồng phúc của Văn học Phật giáo Việt Nam đã khiến chúng ta có được bài thơ Lửa Từ Bicủa Vũ Hoàng Chương.

 Tháng 4-2013
Đào Nguyên

________________

(*) Chữ dùng của Trí Quang thượng nhân trong bài Ngọn lửa Quảng Đức. In trong:Bồ-tát Quảng Đức - Ngọn lửa và trái tim, NXb.Tổng Hợp TP.HCM, 2005, trang 147.

www.giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang