Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ba !
25/09/2010 12:51 (GMT+7)


Còn nếu không có những đức tính nêu trên lại thêm rượu chè say sưa , đánh đập vợ con ,bỏ phế gia đình , chúng ta viết hoặc kể về họ như thế nào đây ?  Ba Thầy sinh năm Tân Hợi ( 1911 ) nếu còn sống đến giờ thì ông cụ được 92 tuổi , nhưng cụ đã mất từ năm 1972 ,thọ 62 tuổi . Không còn gia phả để lại và tộc họ cũng chẳng còn ai để hỏi , nên Thầy cũng chẳng biết gì nhiều về giòng họ phía nội của mình . Ba với Mẹ Thầy như lửa với nước  không hạp nhau một điều gì , gần nhau là kình cãi , đôi khi đánh lộn
nữa . Hai người có hai nhà và ở riêng , thỉnh thoảng Ba mới về thăm vợ con một lần , những lần đó tối lại hai cha con ngủ chung . Trí nhớ Ba tốt , Ba kể rất nhiều chuyện cho Thầy nghe : Tây Du Ký, Phong Thần , Tam Quốc Chí, ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa , Tổng Đốc Nguyễn Thân làm tay sai cho Pháp , và cái chết báo ứng của ông Tú Huệ …đôi khi có kể qua lý lịch của giòng tộc mình , đến bây giờ Thầy chỉ còn nhớ man mán .       Ba kể :” Ông Nội con là một nhà nho , sinh được 9 người con  nhưng chỉ nuôi được có 3 người . Cô Ba sinh ra mẹ cháu Nga ( người cháu này nay đã có 8 người con , hiện ở tại Cư Xá Thanh Đa- Sài Gòn ) . Bác Năm sinh ra cháu Chánh ( người cháu này hiện nay đã 70 mươi tuổi , ở Hà Tam , An khê , Gia Lai ) . Cô Mười sinh ra cháu Chiến ( người cháu này vừa mới mất tháng 11 năm 2001 , thọ 60 mươi tuổi ) .  Trong gia đình Ba thứ Chín, riêng Ba chỉ sinh được con và em con , giòng tộc mình hữu sinh mà vô dưỡng nên con cháu rất ít “ .        Còn về Ba Thầy , Thầy biết cũng rất ít . Thầy không biết Ông Cụ có bằng cấp gì không ( từ đây Thầy gọi Ba Thầy là Cụ  cho gọn ) nhưng Cụ nói được tiếng Pháp , viết và đọc được chữ Hán chữ Quốc Ngữ . Nghề nghiệp thì có nghề hớt tóc , sống bằng nghề này cho tới khi mất .       
 
Ông cụ  tính rất hài hước , sống  bằng nghề hớt tóc  nên trước nhà ,  chái thêm mái hiên sáu tấm tole , đặt một chiếc ghế quay tròn được và treo một tấm kính cỡ lớn cho khách soi mặt . Cụ hớt tóc rất đẹp nhưng rất ít khách nên thường xách cần đi câu cá giải buồn . Có lần Cụ nói vui : “ Ba đi câu  là câu thời câu vận chớ không phải là để có cá . Ba câu kiểu  của Khương Tử Nha đời nhà Chu bên Trung Quốc , lưỡi câu không móc mồi , chừng nào cá cắn câu thì ông sẽ gặp thời , lúc đó ông sẽ ra phò vua giúp nước . Ông Cụ nói vui vậy chứ thực ra Cụ  có nhiều kinh nghiệm câu cá nên câu được nhiều cá lắm ! Nấu nướng thì khỏi chê , những con cá rô, cá trê ,cá luối được Cụ gia vị đúng kiểu rồi nướng vàng hươm dằm nước mắm ớt tỏi , làm thức nhắm cho chai rượu của Cụ ,và sau đó thì gia đình sẽ xáo tung lên , làng xóm sẽ nhức óc vì tật nói dai của cụ .        Những hôm ngồi từ sáng đến chiều không có khách đến hớt tóc , Cụ nói với Thầy : “ Ba hớt tóc là chỉ để vui thôi , có tiền không tiền cũng được , vậy mà cả ngày không có ai đến hớt tóc hết , kể cũng hơi buồn . Ngày mai con ra đứng trước nhà thấy ai tóc dài quá cỡ thì kéo vô quán ba hớt cho “ hớt công quả thôi ,miễn sao có người vô ra quán vừa hớt vừa nói chuyện  cho vui” .       Một người lãng tử bất đắc chí ,thích nhậu như  Cụ , không hiểu nhân duyên nào đưa đẩy Cụ tiếp cận  với Phật Pháp . Cụ có Pháp Danh hẳn hoi . Vị thầy truyền giới là Thầy Thiện Đức ,Thầy Bổn Sư đặt tên đạo cho Cụ là Trung Tán . Ông Cụ thế danh là Nguyễn Trợ , Pháp Danh là Trung Tán . Ghép lại là Trợ Tán (Trợ Tán có nghĩa giúp cho đám tang ) . Người xưa khi đặt tên  rất cẩn trọng , không hiểu sao Thầy Thiện Đức lại đặt tên đạo cho Cụ như thế . Có phải do tên quá trệ hay không mà cuộc đời Ông Cụ không ra gì hết , cứ nói sinh  không gặp thời rồi không làm gì hết .       Đời Cụ không có hạnh phúc , không thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp . Vợ chồng chỉ là chắp vá khi tuổi đã cao , quá rượu chè nên gia đình luôn lủng củng , không mấy khi Ba Mẹ Thầy ngồi ăn cơm cùng mâm với nhau . Gia đình luôn có cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược . Con cái thì thương mẹ binh Mẹ nhiều hơn Ba, thành thử Cụ rất cô đơn . Có phải vì quá cô đơn muộn phiền mà Cụ tìm đến rượu để giải sầu ? Có phải vì suốt kiếp làm người Cụ không hề có hạnh phúc thương yêu nên Cụ mong ước đời hai đứa con mình được hạnh phúc , đừng giống như mình . Có lẽ chính từ  ước vọng đó mà Cụ đặt tên cho anh em Thầy là Hạnh Phước ( từ Hán Việt Phước và Phúc cùng nghĩa . Gọi Phước Lộc Thọ hoặc Phúc Lộc Thọ đều được ) . Thầy tên Phước còn mẹ sư chú Thường Chiếu tên Hạnh . Sư Chú Thường Chiếu có tên khai sinh là Nguyễn Khải Ngộ , lúc mới sinh ra do Thầy đặt .Thầy mong ước cháu mình khai mở sự hiểu biết , tỏ ngộ tự tâm, và hơn hết là đi theo dấu chân Phật , chân Thầy . Sư Chú Thường Chiếu tức là Sư anh các con đi xuất gia theo Thầy từ nhỏ đến giờ .       Thầy rất kỳ vọng , còn tương lai thành tựu được tới đâu còn tuỳ thuộc ở sự nỗ lực tu tập tự thân .        Chỉ trong vòng 15 năm nay Thầy mới biết thương Ba,còn thời gian trước đó Thầy không hề biết thương . Nhờ Phật soi sáng , cái thấy cái biết của Thầy khác ngày trước . Tìm hiểu rõ nguyên nhân lầm lỗi ,vụng về , tật chứng , sai quấy của người rồi thông cảm cho qua . Bản chất con người là thiện , nhưng do di truyền , do tập khí , do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa đẩy , do sống trong cộng đồng  người tốt ít mà người xấu nhiều , do môi trường giáo dục không tốt , do sống trong gia đình không có hạnh phúc vân vân và vân vân . Chính những nguyên nhân nêu trên khiến cho con người trở thành xấu ác , không dễ thương .       Nhờ tuệ giác của Phật khai mở  nên Thầy mới biết thương Ba ,thấy Ba đáng thương chớ không đáng trách . Bởi vậy mỗi năm tới ngày 25 tháng 08 âm lịch –ngày kỵ giỗ Cụ –Thầy cúng giỗ rất chu đáo . Bà con Phật tử xa gần đều đến dự kỵ và cầu siêu cho Ông Cụ . Sau khoá lễ cầu siêu Thầy hay kể lại cuộc đời của Ông Cụ ,cho bà con phật tử nghe , để qua đó mà rút tỉa cho mình một bài học .       Từ lâu Thầy muốn kể cho các con nghe về cuộc đời của Ông , nhưng chưa có dịp nào để kể . Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu ,Phật Lịch 2546 Thầy kể tóm tắt lại cuộc đời của Ông cho các con rõ , rằng chân dung của Ông Nội trong gia đình tâm linh của mình như  thế đấy . Thương một đời bất hạnh của Ông tới ngày giỗ Ông ,các con nhớ tụng cầu siêu cho Ông một biến Kinh  A Di Đà . 

Chùa Bửu Minh ,Gia Lai ngày 22/05/năm Nhâm Ngọ.(2002)

Thầy của các con                                                                         

Thích Giác Tâm                         

Các tin đã đăng:
Về đầu trang