Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Người xưa tuổi cũ
07/03/2013 21:47 (GMT+7)


Chậm chạp và nặng nề mẹ bước từng bước một trên con đường nhỏ khi những đứa nhỏ chạy như bay phía trước. Ngày xưa tuổi mẹ còn mới mẹ cũng chạy như thế đó. Bây giờ mẹ ngồi nhìn chúng mà cười. Chạy một hồi thấy bà mới đi được đoạn đường ngắn, tức thì chúng vòng lại kéo tay bà và dục bà đi nhanh. Bà cười và vẫn chậm chậm rồi cháu bà bỏ tay bà chạy trước. Chúng từ xa nhìn bà và vẫy tay cười nheo mắt với bà. Bà vẫn từ từ bước.

Ảnh minh họa - Ảnh: Internet

Bà bị chê là người xưa cũ. Chúng đặt vào tay bà số tiền có thể mua cả ổ bánh mì nguyên và cả bịch chè to. Bà không cần tiền. Bà chỉ cần cháu bà biết tiết kiệm cho kẻ họ chưa có.

Những bà mẹ xưa ấy cũng cũ thiệt. Cũ từ hình dáng bên ngoài và ý nghĩ cũng cũ. Bà chậm chậm ngồi nhớ tuổi thơ đi nhanh và tuổi trẻ cũng không còn nữa. Tất cả chạy qua nhanh như một làn gió thoảng không thể nào đuổi bắt lại được.

Ngày ấy quê bà nghèo và nhà cũng nghèo. Hai cái nghèo tái tê tuổi thơ của mình. Những ngày không đủ no, mùa đông không đủ ấm đã qua trong đời của bà. Bà tằn tiện là điều tất nhiên trong ngày ấy. Đứng dậy khỏi mâm cơm khi bụng lưng lửng. Nhìn quần áo mới của lũ trẻ nhà giàu bà quay mặt đi. Đôi guốc mộc đóng đi đóng lại mấy lần quai.

Những ngày bà vào đời gặp chàng trai thật tình nhưng cũng nghèo như bà. Một cái đám cưới nhỏ mà cả hai cùng góp nhặt hàng hai năm trời. Góp từng chút một rồi cũng thành một cái đám cưới. Hai trẻ về bên nhau với bốn bàn tay trắng tinh. Bắt đầu từ đầu nhé. Cả hai cùng động viên nhau mạnh mẽ bước vào đời. Nụ cười tươi chưa bao giờ có trên đôi mắt của hai trẻ tươi cười bước vào đời.

Hai năm sau căn nhà thuê của đôi bạn trẻ có tiếng khóc trẻ thơ như hàng triệu bạn trẻ khác. Và những đứa khác cùng ra đời. Để chúng no đủ bà phải chạy ngược, chạy xuôi tất tả cho con ăn học. Cái áo cũ của đứa lớn cho đứa nhỏ. Cứ giật gấu vá vai chúng cũng thành công trong cuộc sống hôm nay. Các con đều có cuộc sống khấm khá, có của ăn của để.

Cháu bà chưa biết ăn cơm lưng lửng bụng bao giờ, chưa hề mặc quần áo lại của ai. Cháu bà đầy đủ là bà mãn nguyện lắm rồi. Nhìn da thịt chúng trắng ngần, hồng hào bà vuốt má chúng và hôn một cách thương yêu nhất đời.

Rồi bà xin chúng từng cái áo, cái quần chúng không mặc bà giặt giũ cẩn thận đem cho những người khó khăn trong xóm. Những đôi giày chật chúng không dùng bà cũng chải sạch cho vào bịch nilon đàng hoàng cho những đứa đi vừa chân. Bà xót xa nhìn ổ bánh mì ăn một nửa rồi chúng đá ra đường một nửa khi chúng chán, chén chè không thích đem đổ xuống cống. Ngày xưa mấy khi bà được chén chè to như thế, ngon như thế. Bà năn nỉ chúng để lại, bà đem cho con mực ổ bánh mì dở, cho thằng nhỏ sống sau hè chén chè...

Bà bị chê là người xưa cũ. Chúng đặt vào tay bà số tiền có thể mua cả ổ bánh mì nguyên và cả bịch chè to. Bà không cần tiền. Bà chỉ cần cháu bà biết tiết kiệm cho kẻ họ chưa có. Hôm sau nhà lại nấu chè. Ba cố tình múc dư một chén và bà cùng thằng cháu đem cho thằng nhỏ ở gần đó. Thằng nhỏ mừng cỡn nhìn chén chè sóng sánh trong tay mình. Bà vừa đưa cho nó. Nó chạy vào báo cho mẹ. Và đổ ra chén của nó. Rửa chén trả bà. Rồi hai anh em húp chè một cách thích thú ngon lành. Lần đầu tiên thấy có đứa trẻ ăn chè ngon như thế. Mắt nó đỏ lên và quay đi. 

Và từ đó thằng cháu để dành và đưa cho bà số tiền nho nhỏ để bà cho thằng nhỏ sống gần nhà. Những cái quần áo, cái cặp không dùng nó cũng cho. Dần dần nó dạy thằng nhỏ kia học anh văn như nó từng học với thầy nước ngoài. Hai đứa thân cùng nhau học hành. Có ai biết thằng nhỏ ấy cũng sắp tốt nghiệp đại học.

Bây giờ không gọi bà là người xưa cũ nữa. Những điều xưa cũ của bà không hề xưa cũ - vì hiện tại đã xây dựng con nguời tử tế của hộm nay.

Kim Dung

http://giacngo.vn/vanhocnghethuat/tuybut/2013/03/07/134608/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang