Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chất Thơ trong ca từ Nhạc Trịnh
19/10/2010 08:34 (GMT+7)

 Đúng là lời ca của nhạc Trịnh Công Sơn thường “mơ hồ”. Không chấp nhận tính không xác định này của ca từ là phủ nhận nét đặc trưng đã làm nên giá trị nghệ thuật độc đáo của nhạc Trịnh.

Trong giới hạn của bài viết này, với một ít dẫn chứng lấy ra từ những ca khúc quen thuộc, tôi thử làm một công việc không ít khó khăn là tìm hiểu Chất thơ trong ca từ nhạc Trịnh.

 

1.Tại thành phố Huế, vào đầu năm Canh Dần vừa qua, khi lên sân khấu nhận giải thưởng đặc biệt của cuộc xổ số tổ chức trong lần họp mặt đầu xuân của cựu giáo chức Đồng Khánh, Cô Tôn Nữ Lý đã ứng khẩu trình bày ca khúc Quỳnh hương của Trịnh Công Sơn. Nói ứng khẩu vì tôi nghĩ rằng trước đó Cô Lý không chuẩn bị để “trình diễn” tiết mục văn nghệ này, nên bây giờ Cô hát mà như đọc lời ca và nhớ câu nào thì Cô đọc câu ấy. Vậy mà phần giúp vui của Cô Lý đã đem lại cho bạn đồng nghiệp nhiều hứng thú, vì Cô đã đưa vào ca từ của nhạc Trịnh nét trào lộng, hóm hỉnh thường có của mình.

Nghe Cô Lý đọc lời ca bài Quỳnh hương, tôi chợt nhận ra rằng nhạc sĩ họ Trịnh đã dùng ngôn ngữ thơ để nói điều khó nói. Điều khó nói ấy, một tác giả vô danh đã diễn đạt một cách có nghệ thuật qua câu ca dao:

“Có trầu mà nỏ có cau,

Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm …”

Viết lời ca cho bài Quỳnh hương, Trịnh Công Sơn đã gợi tả vấn đề một cách sinh động và đầy đủ ý nghĩa hơn :

“Ta mang cho em một đoá quỳnh,

Quỳnh thơm hay môi em thơm ?

Môi em cho ta một cánh hồng,

Lụa là phút ấy chưa quên.”

Một người bạn của Trịnh Công Sơn cho biết, thay vì đặt tên cho bài hát là “Quỳnh hoa” hay “Hoa quỳnh”, nhạc sĩ đã chọn tên Quỳnh hương. Không ngờ có người con gái cũng có tên Quỳnh Hương, nên khi  nghe bản nhạc này, nàng phải lòng rồi tìm tới làm quen và làm thân …

Tôi nghĩ sở dĩ Quỳnh Hương “phải lòngvà chủ động tìm đến “làm quen và làm thân” là vì cô đã bị hấp dẫn, bị chinh phục bởi ca từ có nghệ thuật diễn đạt bằng ngôn ngữ hình tượng của thi ca. Ở đây, nụ hôn đã thành nụ hoa “quỳnh thơm”, môi hôn đã thành “cánh hồng” với tất cả “lụa là phút ấy”

“Lụa là” là một danh từ, đã được nhạc sĩ họ Trịnh chuyển đổi từ loại để sử dụng như một tính từ diễn tả tính dịu dàng, êm ái của sự xúc chạm say mê… “Lụa là” chính là từ sáng tạo hiểu theo nghĩa là từ gọi tên sự vật lần thứ nhất. Chất thơ trong ca từ nhạc Trịnh được tạo thành bằng những từ sáng tạo như thế. Nhờ cách diễn đạt có tính sáng tạo, ca từ của bài Quỳnh hương còn có một ý nghĩa ở dạng tiềm năng mà nếu tác giả không giải thích thì người nghe nhạc Trịnh có thể không hiểu hoặc hiểu theo một cách  khác nhau :

“Em mang cho ta một chút tình,

Miệng cười khúc khích trên lưng.”(1)

 

2. Trong một lần phụ trách giảng dạy tiếng Việt cho một lớp đại học tại chức ở Đà Lạt, tôi gặp lại một người học trò cũ ở trường Đồng Khánh - Huế. Em này hiện là cô giáo Anh văn đang giảng dạy tại một lớp tại chức khác. Vui câu chuyện, người nữ học sinh trường Đồng Khánh năm xưa nhắc lại chuyện cũ : Lớp đệ nhị ( lớp 11) của chúng em ngày ấy có hai Minh Nguyệt, Minh Nguyệt họ Trần là em, còn một Minh Nguyệt  nữa, cô này là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bài Nguyệt ca. Thầy “còn nhớ ” hay thầy “đã quên”? (2) Đúng là còn nhớ, vì thời gian tôi làm liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Phú Lâu ở Huế thì em Minh Nguyệt thứ hai này là một đoàn sinh oanh vũ. Khi chúng tôi về trường Đồng Khánh dạy Việt văn, Minh Nguyệt đã trở thành một thiếu nữ hát hay, có nét đẹp thanh tú phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của nhạc sĩ họ Trịnh.

Bài Nguyệt ca có những câu hát có nét nghĩa nhoè của thơ :

“Từ khi em là nguyệt, trong tôi có những mặt trời.

Từ em thôi là nguyệt, tôi xin đứng đó một mình.”

Mấy ngày thỉnh giảng ở Đà Lạt, vì thói quen nghề nghiệp, tôi suy nghĩ mãi để tìm cách “mở cái nếp gấp” ( explication ) của những câu “thơ” khó hiểu này. Nói“Từ khi em là nguyệt” thì có lẽ nào trước “khi” đó em không phải là Nguyệt ? Nói “Từ em thôi là nguyệt” thì phải chăng cha mẹ đã có lúc thay đổi tên em? Tôi nghĩ rằng, muốn “giải mã” ca từ có vẻ  không hợp lý này, chúng ta cần phân biệt “em viết thường” với “Em  viết hoa”. Nếu em là đại từ thay thế cho Nguyệt thì từ khi em ra đời và được cha mẹ đặt tên, em mãi mãi là Nguyệt. Nguyệt với em là một và luôn luôn là một. Nếu Em là người đẹp lý tưởng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì có khi Em là Nguyệt mà cũng có khi Em không phải là Nguyệt. Nguyệt với Em có khi là một, có khi là hai. Theo tôi, chúng ta nên hiểu từ “em” trong Nguyệt ca và trong nhiều nhạc phẩm khác của Trịnh Công Sơn theo cách thứ hai này. Trước và sau khi Em là Nguyệt, với Trịnh Công Sơn, Em có thể là Bích Diễm, là Dao Ánh, là Khánh Ly, là Hồng Nhung  và nhiều người đẹp khác nữa. Tôi nghĩ trong thế giới ý niệm, Trịnh Công Sơn có một “Em viết hoa” là hình mẫu về một người đẹp kết tinh sắc nước hương trời. Trong cõi tạm là chốn trần gian này, vào một thời điểm nào đó, nhà nghệ sĩ đã gặp một “em viết thường” nào đó là một mô phỏng gần đúng của “Em viết hoa” ấy. Cho nên, trong hơn sáu mươi năm “ở trọ trần gian”, nhạc sĩ họ Trịnh mãi hoài đi tìm người tình trong mộng của mình, như một nhà toán học vẽ nhiều vòng tròn trên cát, trên bảng, trên giấy,v.v. nhưng không có vòng tròn nào giống vòng tròn định nghĩa là quỹ tích những điểm cách đều một điểm cố định gọi là tâm. Trịnh Công Sơn với  “Em viết hoa” làm chúng ta nhớ Hoàng Cầm với Lá diêu bông.(3)

3. Trong lần thỉnh giảng khác ở Rạch Giá, tôi được nghe một bạn đồng nghiệp trẻ cùng đi dạy tại chức hát nhạc Trịnh. Anh bạn trẻ này dạy toán mà thích nhạc Trịnh Công Sơn và hát say sưa một số câu trong bài Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn. Bài ca này, tuy đã  nghe nhiều lần qua đài phát thanh hay truyền hình, nhưng lúc đó, trong cái im vắng của nhà trọ, chỉ có một người hát cho một người nghe, tôi mới cảm nhận hết chất thơ trong ca từ của nhạc Trịnh. Như cánh vạc bay mở đầu bằng bốn câu :

“Nắng có hồng bằng đôi môi em ?

Mưa có buồn bằng đôi mắt em ?

Tóc em từng sợi nhỏ,

Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.”

Trong bài viết Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn ngày mới quen nhau, ca sĩ Hồng Nhung cho biết năm 20 tuổi, đọc bài “tứ tuyệt” này, cô đã buột miệng hỏi :  “Anh Sơn ơi, có người phụ nữ nào đẹp đến thế này?” Thay vì trả lời, Trịnh Công Sơn “bỏ sang phòng ngủ một chốc rồi quay lại với một cuốn album dày. Từng trang ảnh cứ lật qua, người phụ nữ trẻ trong ảnh đang mỉm cười. Cô đẹp thật, một kiểu đẹp e ấp ngày xưa. Lần đầu tiên tôi ý niệm  Như cánh vạc bay là có trong đời thật. Rồi anh chỉ cho tôi người đẹp Diễm xưa ”.

Vậy, có thể nói cô nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp Bích Diễm ngày xưa là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn sáng tác bài Như cánh vạc bay. Thế nhưng, vào thời điểm tác giả viết ca khúc này, cũng như lúc sáng tác Diễm xưa trước đó, người “em” có đôi vai “gầy guộc nhỏ” đã thuộc về quá khứ,“Như cánh vạc về chốn xa xôi”. Ở lại với nhà nghệ sĩ tài danh là kỷ niệm đẹp mà buồn về một cuộc tình với một và chỉ một “Em viết hoa” -  bóng hình kiều diễm sống mãi trong thế giới ý niệm của nhạc sĩ họ Trịnh.

Mở đầu nhạc phẩm Như cánh vạc bay, tác giả nêu hai câu hỏi để tạo nghĩa  không xác định của ngôn ngữ thơ. Chất thơ sẽ không còn nữa nếu chúng ta chuyển đổi hai câu nghi vấn này thành hai câu xác định : “Môi Em hồng hơn nắng / Mắt Em buồn hơn mưa.” Mặt khác, hai câu “thơ” này là hai câu hỏi tu từ được viết theo lối đối. Hỏi tức là đã khẳng định câu trả lời. Với hai câu hỏi tu từ dồn dập, tác giả như muốn gợi mở, như muốn thúc giục chúng ta tự tìm lấy lời giải đáp: “Nắng không thể nào hồng hơn môi Em / Mưa không thể nào buồn hơn mắt Em.”

“Tóc em từng sợi nhỏ / Rớt xuống đời…” có nghĩa là Em ở trên đời. Em là nàng tiên của ta. Ta ở trong đời, nên tóc của ta rơi xuống đất và trở thành cát bụi. Em ở trên đời nên tóc Em “Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”. Sóng lênh đênh là sóng trôi nổi mãi vì không có bến bờ làm chỗ dừng. Quen với tư duy khoa học chính xác, có người sẽ nghĩ sóng nước mênh mang ấy không thể nào có trên mặt đất mà chỉ có thể xuất hiện ở trong hồ, ở trên sông hay đúng hơn là ở ngoài biển khơi. Nhưng nhà nghệ sĩ thiên tài có sở trường với lối diễn đạt hàm ẩn của thơ đã phủ nhận điều đã nói ra là sóng nước của thiên nhiên để nói điều chưa nói ra là sóng nước của lòng người. Sóng lênh đênh ở đây là con sóng tình cảm dạt dào miên man bất tận ở trong lòng nhà nghệ sĩ. Một sợi tóc “nhỏ” của Em cũng có thể  làm cho ta xao xuyến mãi hoài, huống chi môi “hồng”, mắt “buồn” và tất cả tâm hồn Em…

 

Có một nhà văn phương Tây đã nói : Thượng đế thật mầu nhiệm khi tạo dựng cho con người bé mọn này hai gương mặt! Một gương mặt tầm thường để người ta xuôi ngược trên đường đời mà kiếm áo cơm, và một gương mặt thứ hai rất đẹp, người ta mang gương mặt khả ái này để ngồi  nói chuyện với người yêu…

Những cuộc tình của Trịnh Công Sơn đều kết thúc bằng một cuộc chia ly. Có khi đó chỉ là một tình yêu chết yểu, vì “Từ lúc đưa em về / Là biết xa nghìn trùng”. Chịu chia cách nhưng không có khổ đau và bi luỵ, nhạc sĩ họ Trịnh đã biết chủ động chấp nhận chia xa để dừng lại ở chỗ đáng dừng, để giữ cho tình đẹp mãi với những lưu luyến của thuở ban đầu, khi người yêu “ngồi nói chuyện với người yêu”. Cho nên, không những ca từ của Trịnh Công Sơn có chất thơ mà những cuộc tình của Trịnh Công Sơn cũng có chất thơ. Nhờ vậy, khi anh và em mỗi người đã ở một phương, chẳng những không oán trách, không giận hờn, người ta còn quý trọng nhau, cùng giữ gìn những kỷ niệm đáng yêu đáng nhớ của một thời, để ít ra cũng biết sống lương thiện và tử tế với một tấm lòng, nếu không thể làm được điều gì cao đẹp hơn :

“Ông Trịnh Công Sơn không của riêng ai. Ông là của tất cả mọi người. Ông yêu dân tộc và quê hương. Việc ông ở lại và nằm xuống trên quê hương là điều đúng. Từ ông, tôi đã thành danh, và quan trọng hơn là thành nhân, sống cùng với tên tuổi của ông gần 40 năm với những lời ông dặn bảo phải sống giữa đời với một tấm lòng, và sống với người bằng sự tử tế . Ông là một nửa đời sống của tôi.” (4)

 

TP.HCM, 1-9-2010

 

Chú thích 

(1) Trong một lần dùng chung một chiếc xe đạp để đi “loanh quanh” trên những con đường vắng của cố đô, nghe nhạc sĩ họ Trịnh tỏ bày tình cảm, một cô gái Huế ngồi ở phía sau đã gục đầu vào lưng nhà nghệ sĩ mà cười khúc khích.

(2) Ca từ của Trịnh Công Sơn có câu “ Em còn nhớ hay em đã quên?”.

(3) Hà Thúc Hoan, Về chiếc Lá diêu bông ấy, Văn hoá Phật giáo, số 106, ra ngày 1-6-2010, tr. 34-36.

(4) Ca sĩ Khánh Ly bày tỏ cảm tưởng khi hay tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời vào ngày 1 tháng 4 năm 2001.

Hà Thúc Hoan
chuyenluan.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang