Lễ hội Obon thường được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng bảy âm
lịch, thường thì nó trùng vào khoảng giữa tháng tám dương lịch. Lễ hội
Obon có khi được kéo dài cả tuần lễ, nên được gọi là Tuần lễ Obon.
Trong dịp lễ hội Obon, người ta thường tổ chức rất nhiều hoạt động và
các nghi thức tôn giáo. Trước hết, người Nhật dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ,
dâng cúng hoa quả, phẩm vật lên bàn thờ Phật, bàn thơ gia tiên ở trong
nhà. Trong ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người ta treo và thắp sáng các
lồng đèn ở phía trước căn nhà, đi viếng mộ phần người quá cố để mời
linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con
cháu. Ở một số vùng, lồng đèn không chỉ được treo ở trong nhà mà còn
được treo dọc theo các con đường dẫn vào nhà để hướng dẫn linh hồn người
quá vãng.
Vào ngày cuối cùng của lễ hôi Obon, người ta đem lồng
đèn đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như là để tiễn đưa linh hồn
của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả
lồng đèn, người ta thường đốt pháo hoa.
Cũng trong dịp này, các tín đồ Phật tử thường dâng cúng phẩm vật lên
chư Tăng để nhờ chư Tăng cầu nguyện và hồi hướng phước đức cho tổ tiên,
ông bà, cha mẹ đã quá vãng, cầu nguyện cho họ được thoát khỏi chốn khổ
đau, thoát khỏi cái khổ bị treo ngược, thác sinh về những cảnh giới an
lành.
Bên cạnh đó, vào những đêm Obon, hầu hết người dân Nhật Bản đều tham
gia hoạt động Bon Odori, ca múa theo những vũ điệu dân gian. Bon Odori
được tổ chức tại các đường phố, công viên, sân vườn, đến miếu, hoặc
trong khuôn viên của chùa. Người dân mặc trang phục yukata (kimono mùa
hè) và nhày múa xung quanh sân khấu ngoài trời. Bất cứ ai cũng có thể
tham gia Bon Odori. Mọi người tu tập theo vòng tròn và cùng nhau ca múa,
ai chưa biết thì nhìn và bắt chước theo những những gì người khác đang
làm. Về điệu nhảy thì mỗi khu vực mỗi khác, nhưng tiếng trống taiko thì
luôn thường giữ nhịp điệu. Theo truyền thống, điệu múa vòng tròn có ý
nghĩa là để cho cuộc sống trần ngập những kỷ niệm về những người thân
yêu của mình, xem như đấy là một đài tưởng niệm không có điểm khởi đầu
và cũng không có điểm kết thúc.
Obon không phải là một ngày lễ quốc gia của Nhật Bản, nhưng nhiều
người nghỉ ngơi trong thời gian này để họ có thể trở về thăm quê, đoàn
tụ với người thân trong gia đinh. Đặc biệt, vào giữa tháng tám là mùa du
lịch cao điểm, như là Tuần lễ vàng ở Nhật Bản. Ở các sân bay, nhà ga xe
lửa, và các tuyến đường cao tốc đều đông nghẹt du khách.
Ngày nay, lễ hội Obon không chỉ được tổ chức ở trên đất nước Nhật Bản
mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, ở đâu có cộng đồng người
Nhật sinh sống thì ở đó người ta có tổ chức lễ hội.