Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ấn tượng ngày Trăng tròn ở một nước Phật Giáo là Quốc Giáo
Tác giả:TN.Liên Hoa
20/02/2011 21:33 (GMT+7)

(ở Tích Lan không xài Âm lịch, nhưng nếu chúng ta tính theo Âm lịch, thì ngày trăng tròn có khi đúng vào ngày rằm, có khi rơi vào ngày 14 hoặc ngày 16 ).

Tìm hiểu về văn hóa lễ hội của xứ sở Phật giáo này, tôi được biết ở Sri Lanka, có rất nhiều lễ hội được tổ chức quanh năm, hầu hết những ngày lễ đều liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng của Phật giáo.

Lễ hội quan trọng nhất của Phật giáo là “Ve-sak”, theo lịch Sinhara của Tích lan, lễ hội này rơi vào ngày trăng tròn của tháng Ve-sak (tháng 5-6 DL). Vào ngày này, có ba sự kiện được nhắc đến, đó là: Sự kiện ra đời của Thái tử Siddhartha, người mà sau này đã trở thành Phật; sự kiện chứng đạt giác ngộ của Ngài và sự kiện Ngài đi vào tịch diệt. (On this day, three event are remembered: the birth of Prince Siddhartha, who later became the Buddha; His attainment of Enlightenment, and His Passing Away). Trong kỳ nghỉ lễ ve-sak, Phật tử ở đây dành trọn thời gian của họ cho việc tu tập thiền định và suy niệm trầm tư về những lời dạy của Đức Phật.

Lễ hội quan trọng thứ hai của Phật giáo là “Po-son”, rơi vào tháng Po-son của Sinhara (tháng 6-7 DL). Lễ hội này tưởng nhớ đến Ngài Ma-hin-dạ, người đã có công đem Phật giáo truyền bá vào đảo quốc này.

Lễ hội quan trọng thứ ba là “Dalạda Perạharạ” hay còn gọi là “Aesạlạ Perạharạ” tổ chức vào tháng Ae-sạ-lạ, (Tháng 7-8 DL), đây là lễ hội chiêm bái Tháp thờ xá lợi răng của Đức Phật.

Ngoài những lễ hội quan trọng nêu trên, còn rất nhiều lễ hội nhỏ nữa, và vào ngày trăng tròn của mỗi tháng, tất cả Phật tử đều đến Tinh xá để học Pháp và hành thiền.

Để được chứng kiến và biết rõ hơn về những hoạt động của lễ hội nơi đây, ngày trăng tròn lần này, tôi đến một vài ngôi Tinh xá ở vùng ven Colombo để tìm hiểu. Buổi chiều, ngày hôm trước, tôi đến chùa thăm viếng và quan sát xem Quý Sư chuẩn bị gì cho ngày lễ. Dạo xung quanh chùa một vòng, tôi chỉ thấy có một số Phật tử quét dọn sân chùa và trải chiếu trong các giảng đường khá lớn. Ngoài ra, dường như không có bất cứ sự chuẩn bị gì cho lễ hội vào ngày hôm sau cả. Cuộc sống của Chư Tăng ở đây khá yên tĩnh, quý Sư đều tu tập thiền định, không rộn ràng gì bên ngoài

Sáng hôm sau, 6 giờ 30 phút tôi có mặt ở chùa, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy sân chùa lúc này toàn một màu trắng xóa (ở Tích Lan Phật tử đến chùa mặc quần áo màu trắng), bước vào bên trong, tôi thấy hàng trăm người đã ngồi kín trong hai giảng đường lớn, số còn lại ngồi rải rác khắp vườn chùa. Tất cả đều ngồi nghe Pháp hoặc hành thiền, rất yên lặng, không nói chuyện riêng ồn ào. Hỏi ra, tôi mới biết các Sư giảng pháp và hướng dẫn Phật tử hành thiền từ lúc 6 giờ sáng. (mỗi giảng đường có một vị Sư hướng dẫn riêng.)

(Trong những bức ảnh dưới đây người viết chỉ chụp lại được phần lớn ở giảng đường dành cho các em nhỏ, có lẽ do bị hút hồn trước những hình ảnh thiên thần đó nên không còn thời gian để đi sang các giảng đường khác dành cho thanh niên và người lớn. Có tất cả 5 giảng đường cho riêng tinh xá này cùng lúc hoạt động trong ngày Trăng Tròn.)

(Phật tử có mặt ở chùa từ sáng sớm )

ngồi thiền xung quanh gốc Bồ Đề

ngồi thiền rải rác khắp vườn chùa

Lúc con nhỏ không quấy phá, người mẹ trẻ tranh thủ hành thiền

hai anh em thật đáng yêu

Đi một vòng để chụp vài tấm ảnh lưu niệm, tôi phát hiện có thêm hai giảng đường dành riêng cho trẻ em (10 tuổi trở xuống) và một giảng đường dành cho thanh thiếu niên nữa. Một điều vô cùng thú vị khiến cho tôi khá bất ngờ và ấn tượng đó là, các em còn rất nhỏ nhưng hầu hết đều biết hành thiền và ngồi niệm danh hiệu Đức Bổn Sư một cách trang nghiêm và rất thành kính

các em tập hợp vào giảng đường

Niệm danh hiệu Đức Bổn Sư

giờ hành thiền

thư giản tập thể dục tại chỗ

Buổi lễ dành cho các em kéo dài 1 tiếng rưỡi, đầu tiên là đọc tụng lại nghi thức quy y Tam bảo (nhà Sư đọc trước các em đọc theo sau), sau đó nghe pháp 15 phút, rồi đứng lên thư giản tập thể dục tại chỗ vài phút và ngồi xuống hành thiền 7 đến 10 phút. Xả thiền xong, các em lại tiếp tục nghe nhà Sư giảng pháp rồi lại ngồi thiền lần thứ hai, cuối cùng là dâng quà cúng dường nhà Sư.

Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh này, tuy thời gian hành thiền của các em không lâu nhưng đối với một đứa trẻ mà có thể ngồi yên lặng trong vòng mấy phút cũng là điều không phải dễ, vậy mà không hiểu nhà Sư huấn luyện thế nào mà các em đã làm rất tốt. Tôi quan sát thấy có nhiều em ngồi bất động trong suốt giờ hành thiền, dường như có em không còn biết gì xung quanh, vô cùng trang nghiêm và tĩnh lặng. Nhìn các em hành thiền , tôi có cảm giác rằng, trên những nét mặt còn rất hồn nhiên và ngây thơ ấy dường như đã hiện lên vẻ trầm tư, uy nghiêm, và ít nhiều đã sớm có được những trải nghiệm tâm linh đầu đời.

em ngồi bất động

Vào buổi trưa, mọi người đứng xếp hàng để lấy cơm, rất trật tự, không chen lấn, rộn ràng. Người Tích Lan có đức tính kiên nhẫn cao và một nếp sống khá trầm lặng, đến chùa ngoài coi kinh, học pháp và hành thiền, họ không hề tranh luận bất cứ chuyện gì.

mỗi người đều mang theo 1đĩa nhựa và xếp hàng lấy cơm

kẻ đã ăn cơm, người còn đang xếp hàng

Buổi chiều lại tiếp tục nghe Pháp, niệm danh hiệu Đức Bổn Sư và hành thiền, đến 6 giờ chiều buổi lễ mới kết thúc.

Ngày lễ hội trăng tròn ở xứ Quốc Giáo thật vô cùng ý nghĩa, nó không ồn ào náo nhiệt, cũng không có lễ nghi rờm rà… , mọi người đến đây để tu tập, tìm kiếm sự yên tĩnh trong tâm hồn, tất cả đều thể hiện đời sống tâm linh rất cao. Lần đầu tiên biết đến lễ hội này, đặt biệt là hình ảnh các em nhỏ ngồi thiền để lại trong tôi ấn tượng rất sâu và lòng khởi lên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về ngày lễ. Cám ơn mọi nhân duyên trong đời đã cho tôi đặt chân đến Quốc giáo! Người ta nói, đi đến một vùng đất mới, sẽ có nhiều trải nghiệm mới. Và, tôi tin điều đó !

TN.Liên Hoa

(Viết từ Sri Lanka - Tích Lan)

http://tuvienhuequang.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang