Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giá trị của ngoại cảm là giúp người vô thần xác định được chết không phải là hết
10/12/2013 20:54 (GMT+7)


Thượng toạ Thích Nhật Từ nói: “Ngoại cảm không phải là chuyện mới vì cách đây nhiều chục năm nó đã được nói đến ở Liên Xô cũ. Tôi cho rằng ngoại cảm là một năng lực có thật, nhưng lạm dụng nó mới là điều đáng nói”.

- Như thế nào là lạm dụng, thưa thượng toạ?

Nước ta trải qua một thời gian dài chiến tranh, nay là thời bình, nên nhiều người dân có nhu cầu tìm kiếm người thân của mình bị mất tích hoặc chết mất xác. Thời gian qua, theo tôi, một vài nhà ngoại cảm đã làm được chuyện này. Thế nhưng, điều nhà ngoại cảm làm và công việc nhà ngoại cảm làm đôi khi lại không ăn khớp với nhau.

Thí dụ một nhà ngoại cảm chỉ tìm được một, hai hài cốt có kiểm chứng bằng ADN, nhưng sau đó lại thổi phồng lên tìm được 1.000 hài cốt là điều không chấp nhận được. Cũng có không ít người chẳng có năng lực ngoại cảm gì, nhưng lại tự phong mình là nhà ngoại cảm để lừa đảo, lợi dụng người khác và phục vụ lợi ích riêng tư.

- Thượng toạ từng nói, nhà ngoại cảm cần đến liêm khiết tri thức. Điều này được hiểu ra sao?

Liêm khiết tri thức nghĩa là nhà ngoại cảm cần đánh giá nghiêm túc năng lực ngoại cảm của mình có còn hay không. Thí dụ mười năm trước họ có năng lực kiệt xuất, làm được chuyện này hay chuyện kia, có kiểm chứng bằng ADN hẳn hoi, nhưng không có nghĩa là bây giờ năng lực đó vẫn còn. Thực tế nhiều nhà ngoại cảm không thừa nhận chuyện này, cứ tiếp tục sống với hào quang cũ, dẫn đến sai lệch trong tìm kiếm: hài cốt trâu bò thì cho đó là hài cốt người, hài cốt người A lại nói của người B, đó là không liêm khiết tri thức.

Trong thể thao hay nghệ thuật, vận động viên hoặc diễn viên đến một tuổi nào đó sẽ không còn năng lực thi đấu hay biểu diễn. Trong lĩnh vực ngoại cảm, theo tôi, sự đào thải còn khắc nghiệt hơn nhiều. Có người chỉ có năng lực ngoại cảm vài ba tháng, 1 – 2 năm, hiếm ai quá năm năm... Nếu cứ cố tiếp tục, điều đó làm cho họ mất uy tín, những đóng góp có thể có thật của họ trong quá khứ bây giờ bị đặt lại vấn đề và hiểu sai.

- Được biết, thượng toạ từng tổ chức hội thảo về ngoại cảm, điều gì thượng toạ rút ra được từ hội thảo này?

Tôi từng hai lần làm trưởng ban tổ chức hội thảo về ngoại cảm tại Quân khu 7 – TP.HCM. Tại đó, tôi có mời một số nhà ngoại cảm đến thuyết trình và bản thân cũng có thuyết trình chung với họ. Có thể họ chia sẻ rất hay về những trải nghiệm ngoại cảm của mình trong quá khứ, nhưng điều này hoàn toàn khác với năng lực hiện tại của họ.

Trong lần hội thảo ngoại cảm đầu tiên, tôi cũng nhờ vài nhà ngoại cảm tên tuổi tìm người thân của mình, từng chết đói trong trận đói 1945 tại tỉnh Thái Bình, mà đến giờ gia đình tôi không có tông tích gì. Thế nhưng khi đó, và mãi đến tận bây giờ, những nhà ngoại cảm đó cũng không tìm ra được. Từ đó, tôi mới thấy những lời đồn đãi về nhà ngoại cảm bao giờ cũng được khuếch trương hơn năng lực thật sự mà họ có.

- Làm thế nào phân biệt được đâu là “nhà ngoại cảm” chân chính và không chân chính?

Thường thì thông qua một sự kiện, nếu nhà ngoại cảm đưa ra được những thông tin chính xác, xem như nhà ngoại cảm đó còn năng lực và chân chính; còn nếu nhà ngoại cảm không đưa được thông tin chính xác, người dân đừng nên dại dột nghe họ, dù cho họ có giải thích cách này hay cách kia. Cũng có thể phân biệt thông qua thái độ của nhà ngoại cảm. Chẳng hạn họ vẽ sơ đồ về một địa điểm cách xa và nói ở đó có hiện tượng này, cảnh vật kia, nhưng khi ta mời họ đi theo, họ lại từ chối. Trường hợp này đúng là nhà ngoại cảm “dỏm”. Bởi nếu anh vẽ được sơ đồ, không có lý gì anh không dám đến tận nơi và lại kêu gia chủ… đi một mình!

- Khoa học chưa giải thích được ngoại cảm, vậy tôn giáo giải thích như thế nào?

Tôi không biết tôn giáo khác giải thích như thế nào, nhưng Phật giáo có đề cập đến năm loại siêu giác quan. Những chuyện bàn luận về ngoại cảm ở nước ta thường chỉ tập trung vào siêu giác quan thiên nhãn thông (hay thiên nhãn minh) – nhìn nhận và dự báo chính xác về thời tiết, thiên tai, tình huống, sự kiện sẽ xảy ra, và thiên nhĩ thông – nghe được các loại âm thanh khác nhau với tần số khác nhau, như âm thanh của người chết chưa siêu trong thời gian ngắn, âm thanh của động vật mà người thường nghe không được.

- Khi có người thân bị mất tích hoặc chết mất xác, người ta muốn phải tìm kiếm bằng mọi giá. Phật giáo nhìn việc này như thế nào?

Cái chết, theo đạo Phật, là một quy luật, vì thế chúng ta hãy chấp nhận nó như một sự thật và đừng nên quá đau buồn. Phật giáo cho rằng tinh hoa của con người không nằm ở thể xác mà nằm ở cái tâm. Khi cái tâm thoát khỏi cơ thể để tái tạo, có mặt trong một bào thai mới, với một mầm sống mới, thì chúng ta vẫn có thể gặp lại nhau bằng cách này hay cách kia. Đạo Phật không quan niệm việc tìm ra hài cốt là không quan trọng, nếu được thì cũng tốt, nhưng điều quan trọng là sau khi chết người sống làm một lễ tống táng đơn giản và ý nghĩa để nhắc nhở người sống nhớ đến đóng góp của người quá cố.

Phật giáo dù là Nguyên thuỷ hay Đại thừa đều thừa nhận việc tái sanh, trong biên độ thời gian nhanh nhất một tích tắc và chậm nhất là 49 ngày. Vì thế không có chuyện một hương linh đã chết rồi mà còn nằm dưới lòng đất hay vất vưởng đâu đó trong quãng thời gian quá lâu, hơn cả 49 ngày. Nhà ngoại cảm nào đó nói tôi có thể nói chuyện được với một hương linh chết đã lâu, thì theo Phật giáo, đó là điều không có thật.

- Ngoại cảm được cho là có thể giúp xác định được hài cốt người chết, nhưng nếu nhìn rộng ra, giá trị ngoại cảm không đơn thuần như thế?

Theo tôi, giá trị của ngoại cảm là giúp người vô thần xác định được chết không phải là hết, từ đó giúp họ thiết lập được trách nhiệm về những hành vi của mình trong cuộc sống. Nếu kết cục của mọi con người, thiện và bất thiện, đều như nhau thì có lẽ người ta không cần sống thiện để làm gì. Sự chứng minh rằng chết không phải là hết sẽ giúp người không tin vào kiếp sau, phải đặt lại vấn đề sống có trách nhiệm, bằng không họ phải gánh lấy hậu quả hoặc tạo hậu quả tiêu cực cho người khác từ những gì họ đang làm.

Thực hiện: Bình Yên - Thu Nguyễn (theo Sài Gòn tiếp thị)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang