Linh hồn, tiếng Hy Lạp là Psyche, nghĩa là sự sống, tinh thần, ý thức. Socrates bảo linh hồn là tinh thể (Essence). Platon giảng rằng linh hồn bao gồm lý trí (Logos), tình cảm (Thymos) và ái dục (Eros). Aristote định nghĩa linh hồn là hoạt tính của một cơ thể sống và cho rằng linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt không còn nữa (xem De Anima - Về Linh hồn).
Nhìn chung, các tín ngưỡng, tôn giáo thường cho rằng linh hồn là thiêng liêng, là bất diệt. Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo đều cho rằng linh hồn là bất diệt, do Thượng đế ban cho mỗi người như là sự sống, nếu một người sống thiện lành, thờ kính Thượng đế thì khi chết đi, linh hồn người ấy sẽ được về sống hạnh phúc đời đời bên cạnh Ngài; ngược lại, nếu sống mà làm ác, không tin vào Thượng đế thì linh hồn sẽ bị phạt sống khổ đau trong địa ngục.
Ấn giáo quan niệm linh hồn hay bản ngã, tự ngã (Atman, Jiva, Purusa) là trường tồn và hòa đồng được với Đại ngã hay Phạm thiên (Brahman), gồm ba tính chất là chân lý (Sat), trí tuệ (Chit) và hạnh phúc (Ananda). Kỳ-na giáo cho rằng linh hồn có trong con người, loài vật và cây cỏ và là những thực thể bất diệt.
Tây Khắc giáo (Sikh) bảo rằng linh hồn hay tự ngã (Atma) của mỗi người là một thành phần của linh hồn vũ trụ vĩnh hằng, của Thượng đế (Parmatma).
Tín ngưỡng dân gian còn cho rằng linh hồn người chết có thể nương gá vào đâu đó và có thể hiện hình trên đời mà người ta thường gọi là ma. Lắm người tin rằng khi một người chết đi, linh hồn người ấy sẽ đến cõi âm, sinh sống ở đấy, chờ sự phán xét của Diêm vương, linh hồn ác có thể bị hành hạ cho đến khi được đầu thai ở dương thế.
Phật giáo thuận theo ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân gian, vẫn nói đến linh hồn, vong linh, hương linh… để chỉ cái phần còn lại sau khi chết của một người. Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì theo giáo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã, Phật giáo không bao giờ chủ trương cái phần phi vật chất này, hay linh hồn, là thường hằng, bất diệt.
Theo Phật giáo, linh hồn là tính biết, cái biết, sự nhận thức, tư duy…, gọi chung là Thức. Thức bao gồm một nội dung được xem là những dấu ấn, những hạt mầm (chủng tử - bija) được tạo nên bởi những hành tác của một người trong đời sống hiện tại và những đời sống trước kia, còn được gọi là nghiệp hay nghiệp thức.
Sau thời đức Phật, các luận gia suy diễn rằng có một cái thức gọi là A-lại-da hàm chứa mọi nội dung của thức. Nội dung này luôn luôn biến đổi theo hoàn cảnh sống và theo hành động của chúng sang mang nó. Chính đấy là năng lượng, là sức mạnh gọi là nghiệp lực mà khi một người chết đi, nó đẩy A-lại-da hay Thức nương gá vào một thân thể mới vừa tượng hình có hoàn cảnh phù hợp với nó.
Đó là ý nghĩa của “linh hồn đi đầu thai” mà Phật giáo gọi là Thức đi đầu thai.
Trong kinh Đại Duyên (Mahanidanasutta) của Trường Bộ (Dighanikaya), Đức Phật cật vấn Tôn giả A-nan: “Này A-nan, nếu Thức không đi vào trong bụng mẹ thì danh sắc có thể hình thành trong bụng mẹ không?”
Tôn giả A-nan đáp: “Bạch Thế Tôn, không”. Rõ ràng Đức Phật đã dạy rằng chính cái Thức đi đầu thai.
Về sau, nhiều luận gia gọi cái Thức đi đầu thai này là Càn-thát-bà (Gandharva) hay thân Trung hữu (Antarabhavakaya), Trung ấm mà giới Phật học vẫn còn chưa thống nhất quan điểm về tính chất, sự hiện hữu và thời gian hiện hữu của nó trước khi nhập thai.
Nói tóm lại, Phật giáo gọi linh hồn là Thức hay Nghiệp thức do vô minh từ vô thỉ mà có. Nó là vọng thức, luôn luôn vận hành, biến đổi theo hoàn cảnh và hành tác của một người, và là động lực khiến chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
Do tu tập, Thức sẽ biến thành Trí tuệ tuyệt đối, thành Giải thoát tối hậu, chấm dứt sinh tử, chứng đạt Niết bàn.