Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tập luyện để tránh bị bóng đè
23/10/2012 21:24 (GMT+7)



Hiện tượng ngủ bị bóng đè có từ 3.000 năm trước


TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Tin học và Ứng dụng (UIA) cho biết: "Bóng đè là hiện tượng rất phổ biến, thường xảy ra khi cơ thể rơi vào trạng thái ngủ. Nhiều tài liệu nói rằng, khi mọi người ngủ có đến 40% bị bóng đè. Nhưng nếu căn cứ vào các triệu chứng và thống kê gần đây có trên 80% dân số đã trải qua trạng thái bóng đè khi ngủ. Có điều, sau khi ngủ dậy, nhiều người bị quên hoặc không chú ý nên không biết".

Trong các câu chuyện dã sử, hiện tượng bóng đè đã được người Trung Quốc ghi chép lại cách đây hơn 3.000 năm. Các nhà sử học Âu Châu cổ đại cũng đã mô tả hiện tượng tương tự, nhưng lại giải thích là do con quỷ ngồi đè lên nạn nhân khi họ đang ngủ và được coi là những cơn ác mộng. Cảm giác cực kỳ khó chịu do hiện tượng bóng đè gây ra, ám ảnh hầu hết mọi nền văn hóa từ cổ chí kim, chỉ có điều người ta đã mô tả nó với nhiều hình thái và tên gọi khác nhau (như bị ma đè, bị yêu tinh hớp hồn, bị mộc tinh ám toán...).

Đồng tình với quan điểm của TS Khanh, TS Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, hiện tượng bóng đè không chỉ bây giờ mới xuất hiện, nó có từ khi loài người mới xuất hiện. Đó là sự ảo ảnh trong giấc mơ. Ngày nay, con người chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, hiện tượng này càng diễn ra nhiều hơn trong giấc ngủ.

TS Vũ Thế Khanh cho hay, bóng đè thường xảy ra trong giai đoạn cuối của giấc ngủ. Khi bị bóng đè thì cơ thể tạm thời bị bất động do một cơ chế bảo vệ đã ngăn cản hệ vận động, không cho hệ thực hành mệnh lệnh của vỏ não đã ban ra trong giấc mơ. Nó giống như hệ thống rơle tự ngắt vậy. Có người cứ ngủ đến khoảng nửa đêm là bị bóng đè không sao nhúc nhích được, cố vùng vẫy thì lại càng bị "giữ chặt". Thấy họ bị ú ớ, người nằm cạnh lay mãi mới tỉnh. Vì không kiểm soát được giấc ngủ của mình, nhiều người đã không biết mình bị bóng đè khiến mệt mỏi khó thở. Cứ nghĩ mình bị ma đè, quỷ ám...

Có những người rơi vào cảm giác bị rơi từ trên cao xuống vực, hoặc thấy bị ai đó bóp cổ, bị chó đuổi, rắn tấn công... muốn chạy mà không nhúc nhích nổi. Khi bị bóng đè, ý thức bản năng cố hết sức để vùng vẫy, đẩy cái "vật nặng" ấy ra nhưng không thể.

 

Bóng đè được các nhà sử học châu Âu cổ đại cho rằng do con quỷ ngồi đè lên người đang ngủ.

 


Giải thích về hiện tượng bóng đè

TS Vũ Thế Khanh giải thích: Khi bị bóng đè, vỏ não hoạt động nhanh, tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng nhanh, hoàn toàn không khác gì lúc thức. Tuy nhiên, các giác quan lại không tiếp xúc với trần cảnh, các cơ bắp không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế, thậm chí nhiều khi hệ hô hấp cũng ngừng hoạt động hoặc loạn nhịp, nên cơ thể mới có cảm giác bất lực như vậy.

Theo TS Bùi Quang Huy, Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Trong các bệnh về giấc ngủ thì nó chia làm hai loại. Loại thứ nhất là bệnh ngủ ít và ngủ nhiều. Loại thứ hai rối loạn cận giấc ngủ. Loại này chia làm hai loại bệnh khác nhau: Loại thứ nhất là miên hành (đang ngủ bỗng tỉnh dậy đi lung tung), loại thứ hai là mộng du.

 

Trong khoa học bóng đè được gọi là bệnh hoảng hốt trong đêm. Đó là trạng thái người đang ngủ bật dậy la hét kêu ú ớ, cơ thể không thể cử động được. Khi đó, điện não đồ hoạt động chậm, vỏ não không thể điều khiển được hoạt động của cơ thể gây ra trạng thái bất động.

ThS Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khoẻ Thể - Tâm - Trí cho hay, nguyên nhân làm cho chúng ta có cảm giác toàn bộ cơ thể bị đè nặng và không cử động trong giấc ngủ, bởi khi đó chúng ta trong trạng thái mơ (REM). Lúc đó vỏ của đại não và các tế bào thần kinh được kích thích rất nhanh và mạnh hơn lúc tỉnh. Nhưng bộ não của chúng ta lại tiết ra một loại hormon, làm cho tất cả hệ thống cơ bắp trên cơ thể không nhận được các tín hiệu vận động của bộ não.

 

Vì vậy, khi chúng ta mơ thì cơ thể chúng ta không thể cử động được (Schlafparalyse). Hơn nữa, trong trạng thái nửa tỉnh tất cả các giác quan đều chưa hoạt động được ổn định và tỉnh táo như lúc chúng ta tỉnh hẳn.

Tập luyện thể thao để không bị bóng đè

Theo ThS Nguyễn Mạnh Quân để giảm bớt bị bóng đè, chúng ta không nên đọc, nghe hay xem những bộ phim kinh dị hoặc bạo lực trước khi đi ngủ. Nên làm việc và sinh hoạt điều độ, khu vực nằm ngủ cần phải được thoáng mát và không nên sắp đặt nhiều đồ điện tử trong phòng. Tránh sử dụng các chất kích thích thần kinh như rượu, bia, thuốc lá trước khi đi ngủ.

Khi mà cuộc sống công nghiệp càng ngày càng phát triển, càng hiện đại thì nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống cũng sẽ lại càng ngày càng cao. Vì vậy, cũng đồng nghĩa với stress và áp lực sẽ càng ngày càng lớn. Chúng ta hãy nên tự lựa chọn cho mình một phương pháp thư giãn cả cơ thể và tinh thần thật hữu hiệu, ví dụ như yoga, tự thôi miên trị liệu... Nó không chỉ giúp cho chúng ta ngủ ngon, không bị bóng đè hay ác mộng mà còn là những phương pháp hữu hiệu để giúp chúng ta trẻ, khoẻ mạnh hơn cả về tâm lực, thể lực và trí lực.

 

Hiện tượng bóng đè nó chỉ xảy ra trong một thời điểm nhất định, qua thời điểm đó chúng ta có thể trở lại trạng thái bình thường. Vì thế, hiện tượng đó không làm ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất nhiều lắm. Chúng ta cần có kế hoạch làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ sẽ giảm bớt được việc bị bóng đè trong giấc ngủ.
TS Bùi Quang Huy (Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Đông, Hà Nội)

 

Trạng thái mơ ngủ là một trạng thái hoàn toàn bình thường và cần thiết của cơ thể, nó diễn ra gần như hoàn toàn đều đặn theo một chu kỳ 90 phút 1 lần trong khi chúng ta ngủ. Vì vậy nó vô hại. Chúng ta chỉ nhận biết được nó bởi chúng ta đột ngột tỉnh khi chúng ta đang ở trạng thái mơ. Những hình ảnh và cảm xúc, cảm giác giữa tỉnh và mơ chỉ là những cảm xúc ảo nhất thời. Nó chỉ có thể làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc sợ sệt chốc lát, chứ không phải là những biểu hiện của bệnh lý. Nó cũng không ảnh hưởng đến tâm lý hay sức khỏe của con người.
ThS Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khoẻ Thể - Tâm - Trí)

 

Đức Lợi

Theo Kienthuc

Các tin đã đăng:
Về đầu trang