Tại cuộc Triển lãm trưng bày những vật dụng cá nhân của
Trưởng lão Itigelov, các tài liệu, ảnh chụp và đoạn phim tài liệu hồi
đầu thế kỷ. Trên những bức tường triển lãm là hỉnh ảnh và hiện vật
minh họa cho câu chuyện kể về cậu bé mồ côi lạ thường, ngay từ thuở ấu
thơ đã luôn nhắc đi nhắc lại là sẽ trở thành đức Latma tối cao. Ở đây
có thể tìm hiểu về những năm tháng học tập và bước đầu giảng dạy của
Thiền sư ở chùa Phật Buryatia. Triển lãm cũng thuật lại thời gian nhà
tu hành Phật giáo phục vụ đất nước. Năm 1911 trở thành Pandito Hambo
Lama thứ XII, Thiền sư Itigelov đã nguyện thề trung thành với Sa hoàng
Nga.
Bà Yanzhima Vasilyeva Giám đốc Viện Phật học Pandito
Hambo Latma Itigelov, thuộc hàng cháu của Lama cho biết như sau: “Ngài
đã trao lời tuyên thệ bằng văn bản cho Sa hoàng Nikolai II và phụng
sự gia đình Hoàng đế Nga một cách trung thành. Khi diễn ra cuộc cách
mạng 1917 gạt Sa hoàng khỏi hệ thống quyền lực, Thiền sư Itigelov cũng
thấy cần bỏ mọi chức vị của mình. Nhân đây cũng nên nói rằng chuyến
đi độc nhất của Thiền sư ra bên ngoài ranh giới Buryatia đã là dịp kỷ
niệm 300 năm triều đại Romanov tại kinh thành Petersburg vào năm
1913”.
Trong thời gian Thế chiến I, Latma Itigelov chính là người đề xướng ý tưởng thành lập Quĩ xã hội toàn dân hỗ trợ mặt trận.
Giám đốc Yanzhima Vasilieva kể tiếp: “Trong Thế chiến I,
nhiều người Buryat tham gia chiến đấu, còn đức Latma Hambo Itigelov
đã gửi các tu sĩ Phật giáo lên tuyến đầu cũng như về hậu phương, còn
các y tăng thì đến làm việc tại bệnh viện. Đức Thiền sư đích thân thăm
viếng tất cả các chùa chiền trên đất Buryatya để vận động gây quỹ, và
từ số tiền quyên góp được đã lập nên mấy trạm xá. Chúng tôi đã tìm
thấy lời hướng dẫn của Ngài, để Quĩ gửi tặng quà cho các binh sĩ Chính
thống giáo và Hồi giáo nhân ngày lễ tôn giáo của họ. Đó là cách thể
hiện lòng từ bi và khoan dung của đạo Phật. Xét tất cả những công lao
này, Sa hoàng Nikolai II đã trao tặng Thiền sư Huân chương Thánh Anna
hạng Nhì”.
Từ bỏ chức vụ lãnh đạo tinh thần Phật giáo sau cuộc cách
mạng năm 1917, Thiền sư Latma Itigelov tĩnh tâm đi sâu nghiên cứu các
tác phẩm triết học và y học. Vào năm 1927, ông triệu tập các môn đồ
để loan báo cho họ rằng Ngài sắp viên tịch. Thiền sư ra lệnh chỉ chôn
cất sau khi hóa 6 ngày, và dặn rằng nhất định Ngài sẽ quay trở lại
trần thế. Vào ngày thứ 7 của cuộc thiền tịnh, khi mái đầu Latma gục
xuống ngực, các đệ tử đã thực hiện chính xác ước nguyện của Ngài.
Thiền sư được mai táng trong cỗ quan tài bằng gỗ tuyết tùng, ở tư thế
ngồi kiết già mà người Nga gọi là “thế hoa sen”. Còn đến năm 2002,
theo di huấn của Latma, trong sự hiện diện chứng kiến của các chuyên
gia y tế và các nhà khoa học, đã khai mở quan tài và thấy thi thể
Thiền sư vẫn nguyên vẹn, ngồi vững vàng trong thế kiết già.
Khi đó, tăng đoàn Phật giáo Nga đã quyết định di chuyển
nhục thân bất hoại của Latma Itigelov vào cơ sở Phật giáo chính của
nước Nga là Tu viện Ivolginsky để minh chứng sự thật chân lý và để mọi
người có cơ may chiêm bái thờ phượng.
Trước cửa Tu viện này, vào mọi thời gian trong năm, luôn
luôn có đông đảo khách hành hương từ thập phương tới đây xếp hàng dài
chờ viếng thăm chiêm ngưỡng “nhục thân kim cương bất hoại” của Thiền
sư Itigelov bảo quản trong quan tài kính trong suốt. Các tín đồ Phật
giáo truyền nhau về phép lạ chữa lành bệnh tật. Nhưng với xác minh sự
thật chân lý mọi chuyện đều không đơn giản như vậy. Kết luận kiểm tra
giám định pháp y cho thấy rằng tình trạng cơ thể Thiền sư giống như là
người vừa qua đời hai ngày trước, tuyệt nhiên không có dấu vết ướp
xác hay can thiệp ngoại lực. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu phân tích
chi tiết hơn đã cho thấy rằng tiến trình sống trong cơ thể vẫn được
bảo tồn, thí dụ, các tế bào vẫn phân chia như ở người sống, duy chỉ
với tốc độ chậm hơn nhiều lần mà thôi. Vì lý do tôn giáo các Phật tử
không cho phép bác sĩ pháp y mổ khám nghiệm tử thi, cho nên việc
nghiên cứu kết thúc ở đó, và giới khoa học đành chấp nhận thuật ngữ
“hiện tượng phi phàm Itigelov".
Giáo sư Aleksandr Khachaturov từ Đại học Công nghệ Hóa
học mang tên Mendeleev nêu giả định rằng, về hiện tượng Thiền sư
Itigelov cần xem xét không chỉ với tri thức khoa học tự nhiên, mà phải
kết hợp cả những loại hình chuyên biệt như thời gian và không gian.
Và có thể khi ấy hiện tượng nhục thân bất hoại của vị Thiền sư Phật
giáo sẽ cấp động lực thúc đấy tiến bộ của tất cả các ngành khoa học,
và thậm chí phát triển nền văn minh.
Giáo sư Khachaturov nêu ý kiến: “Di thể Latma biểu hiện
sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, da Ngài thậm chí còn đổ mồ hôi và
nhiều du khách có thể thấy tận mắt rằng dường như Thiền sư có phản xạ
với tất cả những gì xảy ra xung quanh: có sự biến đổi màu sắc trên
khuôn mặt Thiền sư, thậm chí giống như là có biểu cảm. Có lẽ ở đây là
chuyện nói về tính truyền tải thông tin từ nội hàm vật chất. Nhà khoa
học Nikola Tesla từng nói rằng, năng lượng sản sinh ra từ thông tin.
Có lẽ sức mạnh tâm linh huyền diệu của Thiền sư có thể tác động đến
thế giới vật chất, đến những gì xảy ra với di hài của Ngài. Có lẽ,
Thiền sư khuyến khích chúng ta đi tới nhận thức rằng thế giới tâm linh
và thế giới vật chất là nhất nguyên không phân chia”.
Tất cả những đề xuất và giả thuyết hiện thời đều chưa đủ
khả năng giải mã sự bí ẩn mầu nhiệm với nhục thân kim cương bất hoại
của nhà tu hành Phật giáo. Nhưng có sự thật hiển nhiên là “hiện tượng
phi phàm Itigelov” hấp dẫn nhiều người, không chỉ riêng các Phật tử
sùng kính. Trong bối cảnh chờ đợi Ngày Tận thế, có ai đó tìm kiếm
trong hiện tượng này một thông điệp vĩnh cửu: không phải là thảm họa
tuyệt diệt toàn cầu mà như là sự khởi đầu mới mẻ tinh khôi. Và các
Phật tử từ muôn nơi trên thế giới tiếp tục tìm về Tu viện Latma
Itigelov ở chùa Ivilginski trên địa bàn nước Cộng hòa Buryatia thuộc
Liên bang Nga, để thành kính chiêm nghiệm những lời dạy mà Thiền sư
nhục thân kim cương bất hoại thầm lặng truyền đến cho họ từ cõi vinh
diệu thần bí.