Nói về tính chất liên tục của luật nhân quả thì mỗi một sự việc ta
đã làm trong quá khứ đều tạo ra một nghiệp nhân nhất định và liên tục tiến đến
gần hơn thời điểm kết quả của nó. Đồng thời, mỗi một hành
vi ta đang làm trong hiện tại lại tiếp tục tạo ra nghiệp nhân để hình
thành những kết quả trong tương lai. Và như vậy, dòng nhân quả
cứ trôi chảy tương tục không có bất cứ một thời điểm nào gián đoạn. Mỗi một thời điểm bất kỳ trong đời sống của chúng ta đều là thời
điểm gieo nhân và gặt quả. Hay nói cách khác, khi ta vẫn còn trong vòng
sinh tử luân hồi thì mọi tư tưởng, hành vi của ta đều
không thể ra ngoài sự chi phối liên tục của luật nhân quả.
Chính điều này đã dẫn đến việc có nhiều khuynh hướng trái
ngược nhau có thể đồng thời xuất hiện và tạo nên một sự xung đột bên trong tâm
hồn của một người.
Trong những cuộc soi kiếp của ông Cayce, những khuynh hướng về năng khiếu hay
tánh tình của một người có thể truy nguyên từ những kinh nghiệm trong kiếp trước.
Chẳng hạn như một người kia có những khuynh hướng về âm
nhạc đã được tích lũy trong một kiếp trước, nhưng đồng thời cũng có khuynh hướng
về ngành sư phạm từ một kiếp trước nữa. Thế là người này có cả
hai khuynh hướng về hai ngành khác nhau là âm nhạc và giáo dục.
Những khuynh hướng khác biệt này gây ra một sự xung đột trong
tâm hồn, khi người này buộc phải chọn lấy một nghề duy nhất.
Ông sẽ làm nhạc sĩ hay giáo sư? Trong nhiều năm, ông bị giày
vò bởi một sự lưỡng lự phân vân, không biết chọn lấy nghề nào. Sau cùng
sự xung đột ngấm ngầm này phải được giải quyết bằng cách dung hòa cả hai khuynh
hướng, hoặc phải từ bỏ một nghề và chỉ chọn lấy một nghề. Sự chọn lựa này đôi
khi có thể là tùy theo ý muốn của đương sự, nhưng đôi
khi cũng phải phụ thuộc vào hoàn cảnh hay các điều kiện cụ thể, chẳng hạn như
nhu cầu tài chánh.
Còn có một sự xung đột khó khăn hơn nữa là khi đương sự chưa
trừ bỏ được một tật xấu cũ. Chẳng hạn, một người có thói khinh ngạo từ kiếp trước, và trong kiếp
sống đó đã từng lạm dụng quyền thế một cách độc tài đối với người khác.
Trong một kiếp sau đó, người này phải đầu
thai làm một đứa trẻ tàn tật sống trong một túp lều
nghèo nàn. Thói khinh ngạo của ông đã phải nhận lãnh quả báo,
và ông đã bắt đầu có thái độ khoan dung, ôn hòa hơn đối với mọi người. Nhưng thói khinh ngạo trong quá khứ vẫn chưa trừ bỏ hoàn toàn và hãy
còn biểu lộ một phần nào. Bởi đó trong kiếp này, ông có
hai khuynh hướng trái ngược nhau trong tâm tính. Khi
thì ông có thái độ khinh ngạo, khi thì có lòng khoan dung.
Chính đương sự cũng biết rõ điều này, và mỗi khi ông nghĩ đến
tình thương nhân loại thì ông cố gắng diệt trừ thói khinh ngạo còn tiềm ẩn trong
lòng.
Nhưng phần nhiều, người ta không ý thức được vấn đề này. Các tập hồ sơ Cayce có chứa đựng rất nhiều trường hợp như trên, mà
dưới đây là một trường hợp rõ rệt nhất.
Một người kia có hai khuynh hướng trái ngược nhau, khi
thì khép chặt, cách biệt, lạnh lùng; khi thì lại rất hồn nhiên, cởi mở. Theo một cuộc soi kiếp cho người này thì điều đó có nguyên nhân từ
hai loại kinh nghiệm khác hẳn nhau trong quá khứ. Trong
một kiếp trước, ông là một tu sĩ thuộc một dòng tu kín của Anh quốc, và chính
kiếp sống này đã tạo cho ông một tâm hồn khép chặt và cách biệt.
Trong một kiếp trước nữa, ông là người tình nguyện tùng chinh
trong cuộc Thánh chiến thời Trung Cổ; và kiếp đó đã giúp ông có tâm hồn cởi mở,
yêu đời.
Sự trái ngược đó thường làm cho mọi người xa lánh ông, vì họ thấy khó hiểu được
vì sao một người lại có tính khí thất thường như thế; mới hôm qua vừa vui vẻ hồn
nhiên, nay đã tỏ ra thật lạnh lùng cách biệt!
Ông Aldous Huxley có thuật chuyện một tu sĩ người Ý hồi thế kỷ 17 tên là Pierre
Claver, đã hy sinh tận tụy suốt đời để phụng sự những nô lệ da đen bị mua về từ
châu Phi, thường bị dân bản địa ngược đãi và đối xử tàn nhẫn.
Vị tu sĩ này thường khuyên những người da đen hãy nhẫn nhịn và cố gắng làm nhiều
việc tốt để có một tương lai tốt đẹp hơn. Ông Huxley nói:
– Lời khuyên đó có vẻ như không đúng chỗ, nhưng biết đâu vị tu sĩ ấy có lý, vì
cho dù ở vào hoàn cảnh nào con người cũng luôn cần phải biết chuộc lại những lỗi
lầm trong quá khứ và hướng đến xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Những sự ngược đãi, hung ác, bất công của người khác đối với ta tuy là quả báo
xấu của những hành vi bất thiện trong quá khứ, nhưng cũng có thể được xem như
những cơ hội nhắc nhở chúng ta phải biết tránh xa những hành vi xấu ác và cố
gắng nhiều hơn trong việc thực hiện các điều thiện.
Ông Huxley còn nêu ra một vấn đề rất quan trọng là đừng bao
giờ nuôi cái ảo tưởng rằng ta là người hoàn toàn trong sạch và vô tội.
Đa số chúng ta khi lâm vào những nghịch cảnh hay phải chịu đựng những nỗi đau
khổ bất công thường nghĩ rằng mình là oan ức, vô tội và phải chịu thiệt thòi,
chứ không nghĩ rằng đó là do ta đã từng gây ra những nỗi bất công và đau khổ cho
kẻ khác. Chúng ta luôn tưởng rằng mình tốt lành và vô tội.
Có lẽ là do thói kiêu căng vốn có từ nhiều kiếp trong mỗi con người.
Nhưng còn một lý do khác nữa, đó là sự lãng quên, một định luật tự nhiên đã
khiến ta quên đi mọi sai lầm và tội lỗi trong quá khứ. Một người đàn bà nọ phàn
nàn:
– Tôi luôn đối xử tốt lành với tất cả mọi người; nhưng người khác đối xử với tôi
quá tệ bạc. Con người thật là bạc bẽo và vô ơn!
Ông Cayce đã trả lời bà ấy rằng:
– Phải, bà đã hết sức tốt lành và lương thiện, nhưng đó là những biểu hiện trong
kiếp này, bởi vì bà nhận thấy rằng về phần thể chất bà không tốt đẹp; và bà chỉ
có thể thâu phục được lòng người bằng những hành động tốt lành và vị tha.
Nhưng đó chỉ là một đức tánh mà bà mới có đây thôi. Trong một kiếp trước,
bà là người có một sắc đẹp duyên dáng, sắc xảo, mặn mà nhưng tâm địa rất độc ác! Cho nên, ngày nay bà chỉ gặt hái đúng những gì bà đã gieo trồng
trong kiếp trước. Việc bà bị đối xử độc ác và bất công không phải là vô
cớ, mà chính là quả báo của những hành
vi độc ác mà bà đã gây ra đối với kẻ khác. Bà đã trồng
hoa thơm
quả ngọt suốt đời, nhưng bà chỉ hái lấy gai nhọn và trái đắng là những thứ mà bà
đã gieo trồng trong kiếp trước. Mùa gặt sau sẽ đem lại cho bà những hoa
thơm
trái ngọt mà bà đã gieo trồng trong kiếp này. Trong khi chờ đợi, bà hãy vui lòng
nhận lãnh những quả đắng và gai nhọn, nhưng đừng nên thối chí và hãy tiếp tục
làm điều thiện một cách can đảm và đầy tin tưởng...
Những sự khổ đau và nghịch cảnh trong đời đều có thể xem như những cơ hội thử
thách và rèn luyện tánh tình, cho dù đó là những tai ách bên ngoài như chiến
tranh, dịch lệ, động đất, bão lụt... hoặc là những mối xung đột ngấm ngầm trong
tâm hồn.
Chỉ khi nào khoa tâm lý học nhìn nhận rằng tất cả mọi sự đau khổ đắng cay, tai
ương và nghịch cảnh của người đời đều có một ý nghĩa nhất định trong việc giúp
con người tiến bộ nhiều hơn trên con đường hướng thượng thì ngành học thuật này
mới có thể được xem là đã tiến được một bước tiến lớn.
Nguyễn Hữu Kiệt dịch
http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4199&SubID=2&ID=2