Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đến cách chăm sóc người thân sắp lâm chung thiết thực và ý nghĩa (hết)
21/10/2012 21:31 (GMT+7)


Ðó là giai đoạn trung gian, theo sách Phật có thể kéo dài đến 49 ngày, trong đó ngưòi chết mang một cái thân đặc biệt, cấu tạo bằng vật chất tế nhị, với những cảm quan tuy đầy đủ như của người sống nhưng nhạy cảm hơn, hiệu quả hơn.

Thí dụ, thân trung ấm thấy chúng ta được, nhưng chúng ta lạì không thấy được thân trung ấm Thân trung ấm tất nhiên có thể đi lại như người sống bình thường, nhưng cũng có thể bay lượn trên không nếu muốn. Thân trung ấm muốn đến nơi nào, thì có thể đến đó lập tức trong nháy mắt, không có gì cản nó được. Đó là khả năng đặc biệt của thân trung ấm, mà trong luận Câu Xá, gọi là nghiệp thông, nghĩa là thần thông do nghiêp chứ không phải do tu luyện.

Vì thân trung ấm tương tự như thân bổn hữu, tức là cái thân mà bác sĩ Becgivê sẽ mang, sẽ có sau khi giai đoạn thân trung ấm chấm dứt, cho nên bác sĩ mới nói với các con rằng “cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lành chứ không có gì khổ sở cả”.

Ngay khi bác sĩ Becgivê còn ở trong giai đoạn thân trung hữu, ông đã biết ông sẽ sống ở một cảnh giới tốt đẹp, sau khi giai đoạn thân trung ấm chấm dứt, vì ông đã sống một cuộc sống thiện lành và tốt đẹp trong đời sống đã qua. Và ông khuyên các con cũng nên sống tốt đẹp như ông đã sống.

Tuy nhiên, có một điều tôi thấy cần phải nói rõ hơn, một điều mà trong cuốn sách vừa xuất bản, tôi nói chưa được rõ lắm, nhưng cũng rất quan trọng. Ðó là vấn đề tâm trạng của con người khi lâm chung.

Hãy tạo một bầu không khí thật tốt đẹp và yên tĩnh cho người lâm chung.

Vì sao? Vì bầu không khí đó cũng ảnh hưởng đến hướng tái sinh, cũng như nghiệp thiện hay ác mà người đương sự tạo ra trong đời sống đã qua. Tuy thân của người lâm chung rất yếu nhưng tâm lại rất mạnh, rất dễ cảm xúc, vô cùng nhạy bén. Nếu trong giờ phút lâm chung, tâm người đương sự chuyển thiện, thì mặc dù anh ta tạo nghiệp bất thiện nhiều trong cuộc sống sắp chấm dứt, anh ta vẫn có thể chuyển nghiệp, tái sinh vào cõi lành.

Do đó, gia đình cũng như bè bạn người lâm chung phải tạo ra một bầu không khí thật sư tốt đẹp và yên tĩnh xung quanh người sắp chết, ngõ hầu hướng tâm thức của anh ta vào những ý nghĩ thiện lành. Sau đây là những biện pháp thông thường hay được áp dụng.

1. Tránh ồn ào, tránh khóc lóc to tiếng. Nên nhớ, đối với người lâm chung thì tiếng khóc của ngưòi thân không khác gì tiếng sấm hay tiếng thét ngang qua tai, có thể làm cho tâm thức người sắp chết rối loạn tơi bời.

2. Ðối với người Phật tử, nên tổ chức để quý vị Tăng Ni hay bạn bè đến hộ niệm. Niệm danh hiệu chư Phật hay Bồ tát mà người đương sự thường niệm, thí dụ danh hiệu Phật A Di Ðà, Bồ tát Quán Thế âm v.v...

3. Tụng những kinh người đương sự thường tụng, như kinh Dược, Tâm kinh Bát Nhã v.v...

4. Gia đình làm các Phật sự từ thiện, như bố thí, phóng sinh, cúng dường Tam bảo rồi hồi hướng công đức cho người sắp chết.

Tuy chúng ta không coi nhẹ tác dụng của các biện pháp vừa kể, thế nhưng yếu tố tối hậu quyết định hướng tái sinh vẫn là tổng hòa các nghiệp do người đương sự tạo ra trong cuộc sống sắp chấm dứt của mình. Với nghiệp ác hay cực ác do người đương sự chồng chất trong cuôc sống, anh ta có thể bị hôn mê nhiều ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng, và không có cách gì hỗ trợ cho anh ta chuyển niệm được.

Một cuộc sống tốt đẹp, thiện lành dẫn tới một cái chết tốt đẹp bình thản, không có hối tiếc, báo trước một cuộc sống kiếp sau còn tốt đẹp hơn. Ðây cũng chính là lời khuyên của bác sĩ Becghivê đối với các con của mình.

Sách Phật giáo Tây Tạng có hướng dẫn một cách hộ niệm (chăm sóc) người trong lúc lâm chung và sau khi chết, đó là Thực nghiêm tâm linh phowa.

Người Phật tử Tây Tạng có nhiều kinh nghiệm săn sóc, giúp đỡ người ốm hay là người sắp chết. Một trong những kinh nghiệm đó là thực nghiệm tâm linh phowa (đọc powa theo ngôn ngữ Tây Tạng).

Nội dung của thực nghiệm tâm linh phowa thực đơn giản. Ðiều cốt yếu là cần có một tấm lòng, tức là tình thương đích thực sâu sắc của chúng ta đối với người ốm hay người sắp chết, và mềm tin thực nghiệm sẽ thành công. Tình thương càng sâu sắc, niềm tin càng mạnh thì hiệu quả càng lớn: người ốm chóng khỏi bệnh, người sắp chết có thể chết bình thản, và tá sinh vào cõi thiện, cõi lành.

1. Hãy đặt một tượng Phật hay Bồ tát trước một đèn nến, trên một bàn nhỏ sát trên đầu người ốm hay người sắp chết. Rồi quán tưởng có luồng hào quang hay ánh sáng từ tượng Phật hay Bồ tát tỏa xuống toàn thân người sắp chết (cũng như người ốm, nhưng tôi nói riêng người sắp chết cho tiện).

2. Quán tưởng toàn thân người sắp chết hòa mình vào ánh sáng hay hào quang thiêng liêng tỏa ra từ tượng Phật hay Bồ tát.

3. Quán tưởng toàn bộ con người sắp chết được ánh sáng hay hào quang thiêng liêng của Phật hay Bồ tát làm cho thanh tịnh, trong sáng, không còn bị nghiệp ác hay phiền não quấy nhiễu, chi phối.

Chúng ta thực hành thực nghỉệm này trong tư thế ngồi thiền, nếu chúng ta đã quen ngồi thiền. Nghĩa là ngồi ngay ngắn (trong thế kiết/bán già), thẳng người bên cạnh giường người sắp chết và thực hành quán tưởng như vừa mô tả.

Nếu có vài người bạn hay người thân trong gia đình cùng làm với càng tốt, miễn là họ cũng có niềm tin như: tin ở sức mạnh gia hộ của Phật và Bồ tát, và cùng tiến hành thực nghiệm với tình thương sâu sắc đối với người sắp chết.

Nên chú ý là, theo Thiền sư Tây Tạng Sogyal Rinpoche trong cuốn Cuốn sách Tây Tạng của sống và chết (đầu đề của nguyên bản Anh ngữ là The Tibetan book of living and dying), thì thực nghiệm tâm linh phowa có thể tiến hành đối với người ốm và cả đối với người sống bình thường.

Chúng ta thực nghiệm đối với người khác cũng như đối với bản thân chúng ta cũng được. Bởi lẽ, đây chỉ là một phép thiền quán, giúp tẩy sạch phiền não và ác nghiệp cho bản thân cũng như cho người khác.

Như đã nói trên đây, điều cốt yếu là tình thương và niềm tin. Tình thương cũng như niềm tin đều có sức mạnh lớn. Sức gia hộ của chư Phật, Bồ tát cũng như của các bậc Thánh đối với chúng sinh đau khổ là thường trực, không thể nghĩ bàn.

Tôi xin nhắc lại: Vấn đề cốt lõi trong phương pháp trên là tình thương và niềm tin. Có tình thương và niềm tin là sẽ có tất cả. Hiệu quả của tình thương và niềm tin cũng là huyền diệu và không thể nghĩ bàn.

Ðó là tình thương không bờ bến của người thực hiện đối với tất cả chúng sinh đang đau khổ, bị ốm đau hoặc sắp chết. Ðó là niềm tin rằng với tình thương đó, vì trong sáng và không bến bờ, có khả năng giảm nhẹ những nỗi đau khổ vô cùng của chúng sinh. Hãy cầu nguyện, theo lời của Ðại sư Shantideva (Thánh Thiên):

“Cầu cho tôi trở thành người gia hộ cho những ai cần che chở. 
Người dẫn đường cho những ai đi xa 
trở thành chiếc thuyền, chiếc cầu, con đường. 
Cho những ai muốn đến bờ bên kia. 
Cầu sao cho nỗi khổ của mọi chúng sinh, được đoạn trừ sạch hết. 
Cầu cho tôi trở thành người thầy thuốc và phươg thuốc 
Cầu cho tôi trở thành người hộ lý, 
Đối với mọi chúng sinh bị ốm đau trên thế giới này, 
Cho tới khi mọi người đều lành bệnh. 
Cầu cho tôi giống như không gian, hay là như trái đất, 
Cầu cho tôi luôn luôn nâng đỡ sự sống 
Của vô lượng vô số chúng sinh...”

Ngoài phương pháp thực nghiệm tâm linh phowa giúp cho tâm thức người chết hòa nhập vào hào quang tỏa ra từ chư Phật và Bồ tát mà chúng ta cầu nguyện sự gia hộ, Phật giáo Tây Tạng còn có nhiều phương pháp thực nghiệm tâm linh khác, thí dụ như phương pháp tonglen, cũng được giới thiệu trong cuốn Cuốn sách Tây Tạng của sống và chết đã dẫn.

Ðiều mà Phật tử Việt Nam chúng ta cũng như Phật tử các nước khác có thể học được ở Phật giáo Tây Tạng là sự săn sóc chu đáo của họ không những đối với phần thân xác mà đặc biệt quan trọng là phần tâm linh của người đương sự, kể cả sau khi chết, chuyển sang giai đoạn thân trung ấm, tức là cái thân quá độ của người đương sự trước khi tái sinh vào cõi sống khác.

Săn sóc chu đáo phần tâm linh của người chết, kể cả trong giai đoạn trung ấm thân, đó là kinh nghiệm rất tích cực của Phật giáo Tây Tạng. Ðặc biệt, các tu sĩ Phật giáo Việt Nam, là những người thường được mời tổ chức tang lễ cho Phật tử quá cố lại càng cần nghiên cứu những kinh nghiệm phong phú của Phật giáo Tây Tạng trong việc săn sóc người sắp chết cũng như người chết.

Người viết bài này rất mong có sự chuyển biến tích cực của Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức tang lễ cho người Viêt Nam Phật tử nói riêng cũng như cho người Việt Nam nói chung, theo xu hướng bớt hình thức, bớt sự ồn ào, bớt tốn kém, và chú ý đặc biệt tới phần tâm linh của người chết, là phần sẽ tiếp tục sống trong giai đoạn trung ấm thân, cũng như sau khi tái sinh đến một cõi sống khác.

GS. Minh Chi

(** ) Nhà Xuất bản TP HCM, 2002.

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-hoc/den-cach-cham-soc-nguoi-than-sap-lam-chung-thiet-thuc-va-y-nghia-het.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang