Hoa nhỏ li ti, màu trắng thanh khiết, mọc trên thân cây rất mảnh… Tin
tức lan truyền khiến các vị sư gần đó đến tận nhà xem và khẳng định đó
là hoa Ưu Đàm - được cho là loài hoa thần tiên mang lại nhiều may mắn.
Vào Google, các trang báo mạng trong nước cũng như nước ngoài dẫn
nguồn khác nhau nhưng đều chung nội dung cho biết: Theo kinh Phật, có
một loài hoa gọi là hoa Ưu Đàm Bà La (Udumbara, gọi tắt là hoa Ưu Đàm),
3.000 năm mới nở một lần. Udumbara là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là
“loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”.
Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” của nhà Phật viết: “Hoa Ưu Đàm do
điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loại hoa của Trời, trên thế gian
không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Đức Chuyển Luân Thánh Vương xuất
hiện nơi thế giới con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại ân và
đại đức của Ngài”.
Trong hai thập niên qua, nhiều người trên thế giới đã bắt gặp một
loại hoa được tin là hoa Ưu Đàm Bà La. Vào tháng 7.1997, 24 đóa hoa Ưu
Đàm Bà La đã được phát hiện mọc trước ngực bức tượng đồng vàng Như Lai
đặt trong phòng phương trượng tại một ngôi chùa ở Hàn Quốc. Sau đó, nó
xuất hiện ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia,
Singapore, Úc, Pháp và Mỹ. Loài hoa này cũng được thấy mọc trên các
loại thực vật khác, kim loại, và cả tượng Phật.
Cách đây 3 năm, tại Quảng Nam, PV ghi nhận loài hoa này mọc trên một
tấm sắt tại nhà của một nông dân. Hoa Ưu Đàm đã nhiều lần được phát
hiện nở tại nhiều tỉnh thành, như Thái Nguyên, Nam Định, TP.HCM… Sáng
ngày 3.5.2012, hoa Ưu Đàm Bà La đã được phát hiện nở trên chuông đồng
tại đền Tràng Kênh, Hải Phòng và bây giờ ở tại Phú Yên.
Như vậy, rõ ràng đây không phải là loài hoa “3.000 năm mới nở một
lần” như truyền thuyết, nhưng sự xuất hiện của hoa Ưu Đàm ở nhà ông bà
Đinh Gò, Bùi Thị Tự ở Phú Yên khiến những người theo Phật giáo và người
dân trong vùng cho rằng nó mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân.
Theo Nguyễn Thế Thịnh - Thế Cường - TNO
Thực hư về “ưu đàm” – loài hoa 3.000 năm mới nở
Gần đây, dư luận xôn xao khi trên chiếc chuông đồng ở một ngôi đền
tại TP Hải Phòng bỗng nở hoa “ưu đàm” - loài hoa linh thiêng trong thế
giới Phật giáo 3.000 năm mới nở một lần và mỗi lần nở đều linh ứng với
hiện tượng Phật ra đời. Không chỉ ở Hải Phòng mà nhiều nơi khác như
Thái Nguyên, TP HCM, Hà Nội… cũng có hiện tượng tương tự, vậy “ưu đàm”
có nở tràn lan như vậy hay không?
Hoa hay trứng côn trùng?
Những năm gần đây, trên nhiều trang mạng
đăng tải việc phát hiện ra “hoa ưu đàm” ở nhiều nơi trên thế giới. Các
trang này viết: “Ưu Đàm Bà La hoa” theo truyền thuyết là loài hoa trên
tiên giới 3.000 năm mới nở một lần, do đó vẻ đẹp “thanh bạch không
nhiễm tục” đã khiến “ưu đàm Bà La được tôn làm hoa của Phật gia. Vào
tháng 7/1997, 24 đóa hoa “ưu đàm Bà La” đã được phát hiện mọc trước
ngực bức tượng Như Lai đặt trong phòng phương trượng tại một ngôi chùa ở
Hàn Quốc; kể từ đó, loài hoa kỳ diệu này đã được phát hiện nở tại
nhiều nơi trên thế giới…”.
Một bạn ở Thái Nguyên tâm sự đã 3 lần
bạn được chứng kiến “hoa ưu đàm” nở tại nhà như sau, cách đây gần 1 năm
khi tình cờ chuẩn bị đi thi kết thúc học kỳ, mình ngồi trong phòng trọ
và phát hiện ra 1 chùm hoa đúng như hoa “ưu đàm” nhiều trang mạng đã
đăng mọc trên cái giỏ xe đạp có 1 lớp sơn. Mình cảm thấy rất bình
thường, tĩnh tâm suy nghĩ về điềm báo này, rồi chia sẻ cho một số học
viên thông tin, đến nhà xem. Có lẽ đây là một điều may mắn cho bản thân
và những học viên biết đến bông hoa, một sự khích lệ, tăng thêm tín tâm
tu luyện… Kết quả là sau khoảng 5 tháng bông hoa vẫn vậy, không thay
đổi gì, vậy chắc chắn là hoa ưu đàm rồi. Mình vẫn còn một suy nghĩ là
sao nó không mọc ở đâu đó, ngoài cái cây trước cửa phòng chẳng hạn?
Và rồi tình cờ mình lại phát hiện 1 chùm
nữa mọc trên cái cây sanh cảnh trước cửa phòng. Lần này thì là điểm
hóa lần thứ hai, mà mình tin là Sư Phụ điểm hóa, tin 100% rồi, mình mỉm
cười, cảm thấy thật huyền diệu mà chân thực nhất. Trải qua 3 năm tu
luyện mình cảm nhận được Đại Pháp dạy là chân thực nhất ngoài cuộc sống
tu luyện, không có mơ hồ, ảo tưởng tí nào, thật khoa học và lý trí. Từ
năm 2009 mình không biết thuốc men là gì, bệnh tật biến mất hết cả,
thính thoảng rất lâu mới phải chịu 1 chút nghiệp bệnh, nó không phải là
bệnh, để ý kỹ thì mình thấy là nó khác với bệnh trước đó mặc dù biểu
hiện gần giống nhau”.
Hình ảnh về hoa "ưu đàm" xuất hiện tràn ngập trên mạng
Với việc liên tục có những thông tin về
hoa “ưu đàm”, đã có ý kiến cho rằng, đây là hiện tượng mọc nấm trên đồ
vật. Mang thắc mắc này đến với PGS Nguyễn Thị Chính – một chuyên gia
nghiên cứu về nấm, chúng tôi được chuyên gia này cho biết nấm thường
rất khó mọc trên các vật liệu là kim loại. Nếu có nấm trên kim loại thì
chỉ thường là nấm mốc.
Trước hiện tượng “ưu đàm” nở rộ như giới
truyền thông đưa tin, một số chuyên gia nghĩ rằng người ta đã lầm lẫn
trứng của một loại côn trùng gọi là green lacewing (Chrysopa) với hoa
ưu đàm. Ấu trùng của lacewing được gọi là aphid lions. Khi đẻ trứng,
con cái tiết ra một chất keo dính và nâng bụng của nó lên để tạo thành
một cuống mỏng. Các trứng màu trắng được đẻ vào những cuống mỏng này để
giữ cho các ấu trùng không ăn thịt lẫn nhau sau khi nở. Loại hoa được
cho là hoa ưu đàm cũng có kích thước tương tự như trứng lacewing và
cũng nằm trên một cuống mỏng.
Trò đùa vô thưởng vô phạt?
Trong các tài liệu của nhà Phật, ưu đàm
là một loại cây có hoa nhưng là loại cây thiêng (linh thọ). Theo Phật
giáo, hoa ưu đàm nở là một điềm lành. ưu đàm, Phạn ngữ là Udumbara, Hán
ngữ phiên âm thành Ưu đàm Ba La, Ưu hoa Ưu đàm có tên Ưu đàm bát hoa
hay Ưu bát hoa gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là Linh thụy hoa, Thuỵ
ứng hoa, Không khởi hoa. Theo Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học
Xã hội thì: “Cây ưu đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi
Himalaya, cao nguyên Đê-can và nước Xây-lan… Thân cây cao hơn một
trượng, lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ
đều dài khoảng 4,5 tấc nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm
sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như
nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng
vị không ngon”.
Sách Huyền Lâm Ứng Nghĩa, quyển 21 mô tả
về ưu đàm: “Lá cây hoa này tựa như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị
ngọt, có hoa nhưng ít xuất hiện, khó trồng”. Đặc biệt, hoa ưu đàm có
mùi thơm xông khắp vô lượng thế giới (Vô Lượng Thọ kinh). Hoa ưu đàm,
theo quan niệm của Phật giáo là một hoa linh thiêng, cực kỳ quý hiếm
nên mang ý nghĩa hy hữu, hiếm có, khó gặp.
Mặt khác, hoa ưu đàm nở là điềm lành báo
hiệu Đức Phật ra đời hay có bậc Luân vương xuất thế. Theo Pháp Hoa Văn
Cú: “Ưu đàm là loại hoa thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần
hoa nở thì có Đức Phật ra đời”. Do các đặc điểm này, hoa ưu đàm thường
được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế hy hữu của Đức Thế Tôn trong văn
học và kinh điển Phật giáo. Theo khái niệm của Từ điển Phật học thì rõ
ràng ưu đàm là loài hoa có cây, có lá và có mùi hương thơm lan tỏa và
cũng phải 3.000 năm mới nở một lần. Chúng tôi cũng đã liên hệ với
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội
Phật giáo Việt Nam về sự việc này.
Thầy Nhiễu cho biết chưa được chứng kiến
sự việc trên ở Hải Phòng nên không rõ đó là hiện tượng gì. Tuy nhiên,
thầy cho rằng đó là tin đồn nhảm và là sự việc phi logic vì không có cơ
sở nào để cho thấy một loài hoa có thể mọc được trên chất liệu bằng
đồng. Theo khái niệm của nhà Phật, thầy Nhiễu được biết hoa ưu đàm có
cây, có lá. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều ghi trong sách vở chứ bản
thân thầy và hàng ngàn người tu hành khác chưa bao giờ được trực tiếp
biết về hoa ưu đàm.
Nhiều người cũng nghi ngờ sự việc “hoa
ưu đàm” nở rộ liên quan đến phản ứng hóa học “nhôm mọc lông tơ”. Trao
đổi với PGS Ngô Sỹ Lương – khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, chúng
tôi được biết nhôm mọc lông tơ là phản ứng giữa nhôm với ôxy. Tùy từng
điều kiện mà các sợi lông tơ mọc từ nhôm có thể dài tới 30-40cm với các
đốm trắng ở đầu. Về trường hợp các “sợi tơ có đốm” mọc trên chuông
đồng, thầy Lương cho biết không rõ về hiện tượng này vì hiện tượng mọc
lông tơ chỉ xảy ra ở nhôm.
Sau khi hình ảnh về hoa “ưu đàm” ở Hải
Phòng xuất hiện dày đặc trên báo chí, nhiều thành viên trên các diễn
đàn mạng cho rằng, ở chân các sợi tơ có hiện tượng dính keo và cho
rằng đây có lẽ chỉ là một trò đùa tinh quái và ai đó đã dính những sợi
tóc bạc nhỏ lên chiếc chuông đồng … rồi tung tin đó là hoa cực quý của
nhà Phật.
Theo Hoàng Phương - NLM