Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tổng Quan Về Tương Lai Nhân Loại
Trần Khuyết Nghi
03/11/2011 18:37 (GMT+7)

 Người ta nói đến trận đại hồng thủy, đến Hội Long Hoa… nhưng không có căn cứ khoa học nào để xác định, nên thường được hiểu như là một cách khuyến dụ sự tu hành, theo kiểu “tu mau kẻo trễ” của vài tôn giáo hiện hữu.

Một số nhà “tiên tri” trước kia cho ngày tận thế sẽ diễn ra vào năm 1000, rồi năm 2000…, nhưng rồi thế giới vẫn tiếp tục tồn tại và diễn biến, khiến nhiều người thấy thế, hoặc cho đó chỉ là những kịch bản vớ vẩn của trí tưởng tượng, hoặc tạm gác lại vấn đề, không thèm nghĩ đến nữa.

Có ít nhất khoảng 10 kịch bản về ngày tận thế đã được nêu ra trông bề ngoài đều có vẻ nghiêm túc (như nói người ngoài hành tinh xâm lược Trái Đất, sự thay đổi cực từ của Trái Đất, thế chiến thứ 3, nạn khủng bố quốc tế…), trong số đó, dự đoán cho rằng thế giới sẽ bị tận diệt vào ngày 21 tháng 12 năm 2012 do một thảm họa từ bão Mặt Trời có vẻ thời sự sốt dẻo, được một số báo chí trên mạng Internet đưa tin, khiến không ít người nhạy cảm với câu chuyện tận thế đã trở nên hoang mang, bán tín bán nghi và không phải không có người cả tin đó là một sự thật!

Tuy nhiên, tình hình tin hay không tin có ngày tận thế trong khoảng 50 năm trở lại đây đã dần dần biến đổi, trở nên nghiêm túc hơn, khi loài người bắt đầu có đủ điều kiện hơn về mặt tri thức để nhận thức trở lại về một thế giới bất toàn xuất phát từ tình trạng ngày càng lâm nguy của môi trường sống, phổ biến được cho là cũng do chính con người làm ra. Ngày nay, ngày càng có nhiều người và nhiều dân tộc ý thức được rằng, nếu đứng trên quan điểm sinh thái, khả năng hủy diệt nhân loại bắt nguồn từ sự hủy diệt môi trường là một điều hoàn toàn có thể xảy ra.

MÔ TẢ THỰC TRẠNG KHỦNG HOẢNGTÀI NGUYÊN VÀ SINH THÁI

Nói gần ở Việt Nam, chỉ chừng 30 năm trước đây, ở các vùng nông thôn (đặc biệt nông thôn Nam Bộ), tuy rằng nông nghiệp chưa phát triển như bây giờ nhưng đời sống của dân chúng vẫn khá được thoải mái nhờ ở nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với đồng ruộng cò bay thẳng cánh, vườn tược sum sê, trên sông rạch thì tôm cá dập dìu… Tình hình tốt đẹp này chuyển xấu dần, và cho đến hôm nay đã hoàn toàn xấu hẳn, diễn ra trên khắp hành tinh, do dân số gia tăng, môi trường sống bị khủng hoảng bởi tình trạng khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như tôm cá, khoáng sản. Dân số tiếp tục gia tăng theo tỉ lệ 1,2%/năm, với tốc độ cứ 30 - 40 năm lại tăng gấp đôi (khoảng 6 tỉ vào năm 1999, nay gần đạt 7 tỉ người), cùng với nhu cầu khai thác ngày càng tăng của con người đã làm cho nguồn tài nguyên không thể tái tạo được của quả địa cầu cạn kiệt đến mức báo động. Diện tích rừng trên thế giới bị thu hẹp dần đã ảnh hưởng nặng nề đến sự sống của các loài động- thực vật và một số loài đã bị diệt chủng, tạo nên một thời kỳ lớn gần như không thể đảo ngược của sự tuyệt diệt ồ ạt trong sinh quyển vốn là nền tảng của hệ sinh thái địa cầu. Một số loại tài nguyên khoáng sản không có khả năng tái tạo như than đá, dầu lửa, hơi thiên nhiên, sắt, đồng… với đà khai thác như hiện tại cũng sẽ cạn kiệt trong vòng đôi ba trăm năm nữa. Tình trạng thiếu nước đang là mối nguy cơ đe dọa nhiều dân tộc trên thế giới. Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí…) cũng tăng theo tỉ lệ tương tự, gây ra ô nhiễm trên phạm vi toàn cầu cũng như những biến đổi khí hậu và mực nước biển.

Tình trạng ô nhiễm môi trường (còn gọi là sự thoái hóa của môi trường) đã và đang diễn ra tới mức khốc liệt làm kinh hoảng cả loài người hiện đại, vốn là hậu quả trực tiếp của tiến bộ khoa học - kỹ thuật dẫn đến quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng tăng mạnh ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Không khí và nước bị ô nhiễm vì khói xăng dầu và các chất hóa học, các loại nông dược; nạn rác, phóng xạ nguyên tử và tiếng động

Từ tháng 6 năm 1992, Hội nghị Quốc tế về Môi trường (còn gọi Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất) họp tại Rio de Janeiro (Brazil) với sự hiện diện của nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã từng cảnh báo loài người về hiện trạng môi trường bị tàn phá do những trận mưa axit gây ra bởi chất SO2 và NO2 thải ra không khí từ các nhà máy và xe cộ; tầng Ozone trong không khí bị mỏng đi để cho tia cực tím lọt vào gây tác hại đến sự sống của sinh vật, do việc sử dụng nhiều chất khí Chlorofluorocarbon (CFC) trong các bình xịt thuốc xức tóc, khử mùi hôi, trừ ruồi muỗi hoặc dùng trong kỹ nghệ lạnh; hiện tượng “hiệu ứng nhà kính” (greenhouse effect) chủ yếu do khí CO2 gây ra làm cho bầu khí quyển nóng lên (tương tự hiện tượng ánh nắng mặt trời chiếu vào nhà kính), có nguy cơ làm phát sinh nạn hạn hán và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời làm tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực khiến cho mực nước biển tăng dần.

Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường là sự phá vỡ thế quân bình trong hệ thống sinh giới (ecosystem) hay còn gọi là sự mất cân bằng sinh thái, dẫn đến tình trạng còn nguy hiểm hơn nữa gọi là biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thế giới, đe dọa trực tiếp vào khả năng sinh tồn của tất cả loài người trên Trái Đất.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: NHỮNG BIỂU HIỆN CÙNG HẬU QUẢ CỦA NÓ

Các cuộc quan sát được thực hiện từ 30 đến 60 năm qua cho thấy rõ ràng khí hậu toàn cầu đã và đang bắt đầu thay đổi. Theo Công ước chung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thì “Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo”. Nói rõ hơn, cũng theo Công ước LHQ, “Biến đổi khí hậu là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người”.

Nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu là do chất thải từ khu vực tiêu thụ năng lượng cũng như từ nông nghiệp và do nạn chặt phá rừng. Hầu hết các chất khí gây ra bức xạ vẫn còn được thải ra trong khu vực tiêu thụ năng lượng, kể cả trong giao thông, đóng góp cho khoảng phân nửa sự nóng dần lên của Trái Đất. Khí cacbonic (CO2) thải ra khi đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và là nguồn khí chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính; nó cũng được sinh ra từ các hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép. Trong vòng 100 đến 200 năm sau, sự tăng tập trung trong khí quyển các loại khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ có tác động rất lớn đối với khí hậu hơn bất cứ nhân tố nào khác, kể cả núi lửa hay sự thay đổi của bức xạ mặt trời. Theo sự tính toán của các nhà khoa học, các chất khí được thải ra do kết quả của nạn phá rừng nhiệt đới đóng góp cho khoảng 15% hiệu ứng nhà kính. Nông nghiệp thế giới tạo ra khoảng 15% tổng số các chất khí thải gây ra bức xạ, trong đó khí CO2 được phóng thích chủ yếu từ việc đốt sinh vật, việc biến rừng thành đất trồng, những đám cháy rừng hoang và đồng cỏ. Khí metan (NH4) trong nông nghiệp được phóng thích ra từ những đồng lúa, khu chăn nuôi gia súc, việc đốt sinh vật và từ những bãi rác chôn dưới đất; còn khí nitơ oxit (N2O) thì được hình thành từ phân bón đạm, không chỉ có liên quan đến hiệu ứng nhà kính mà còn góp phần hủy diệt tầng Ozone trong khí quyển, mà sự hủy diệt này cho đến nay chừng 20- 25 năm thực tế đã tăng lên nhanh hơn so với lúc ban đầu người ta có thể tưởng.

Ngoài hai hiện tượng hiệu ứng nhà kính và thủng tầng Ozone nổi bật và nguy hại nhất, quá trình biến đổi khí hậu còn tạo nên những trận mưa axit, nạn cháy rừng, lũ lụt, hạn hán, tình trạng sa mạc hóa và hiện tượng sương mù quang hóa (photochemical smog- một dạng ô nhiễm không khí sinh ra khi ánh sáng mặt trời tác dụng lên khí thải động cơ xe máy, khí thải công nghiệp)

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu có thể bao gồm sự nóng lên của khí quyển và Trái Đất; sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống; mực nước biển dâng cao do băng tan, dẫn tới tình trạng ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển; sự di chuyển của các đới khí hậu cũ dẫn đến nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người; sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác; sự thay đổi lượng mưa tăng theo tốc độ tăng của nhiệt độ lần lượt sẽ tác động chủ yếu đến cây cối cũng như việc sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; sự phát triển của cây trồng sẽ bị đe dọa do sự phân bố lượng mưa thay đổi, sự tăng lên của tia bức xạ UV - B và sự thay đổi trong thành phần hóa học của bầu khí quyển; sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy - sinh - địa quyển…

Hậu quả của thực trạng biến đổi khí hậu là làm cho các hệ sinh thái bị phá hủy (như san hô bị tẩy trắng do nước biển ấm lên…), mất tính đa dạng sinh học (một số loài sinh vật bị biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng…), tăng thêm dịch bệnh (do đã tạo thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm sinh sôi nảy nở…), nạn bão lụt, hạn hán, những đợt nắng nóng gay gắt gây nguy hiểm tính mạng, các núi băng và sông băng đang teo nhỏ… Ngoài ra, nó còn gián tiếp gây nên những cuộc chiến tranh xung đột hoặc trực tiếp gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế.

Những khám phá mới nhất cho thấy các nước nghèo hơn ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu và trầm trọng gây nên nạn đói khổ và dòng người tị nạn môi trường dài vô tận, tạo thành mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới. Các nước công nghiệp hóa cũng khó tránh khỏi những hậu quả nặng nề và những biến động xã hội do các dòng di dân đến từ những vùng ngập lụt, hạn hán hoặc những vùng bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Tai họa biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh, và những tổn thất về môi trường sẽ không còn giới hạn ở một vùng hay một địa phương đặc biệt nào mà sẽ đe dọa tất cả loài người trên Trái Đất.

Ngoài nạn lũ lụt, hạn hán… gia tăng gây thiệt hại về người và tài sản do quá trình biến đổi khí hậu, loài người vẫn phải tiếp tục đối đầu với những hình thức ô nhiễm đã có (khói, bụi, tiếng động, phóng xạ nguyên tử, nguồn nước, rác…) mà chưa ngăn lại được, cũng như tình trạng cạn kiệt tài nguyên, các loại thiên tai khác như núi lửa, động đất, sóng thần, sạt lở đất đá ở núi và các bờ sông, vẫn tiếp tục phát tác và ngày càng thêm mạnh, cùng với tình trạng đói nghèo, chiến tranh và khủng bố, bệnh dịch, một số loại bệnh nan y cũ và bệnh lạ mới xuất hiện…, tạo thành một tổng thể đa dạng các mối đe dọa nguy hiểm đối với sự tồn vong của mình.

ĐỐI CHIẾU VỚI NHỮNG THỰC TẾ ĐÃ XẢY RA

Cho đến hiện tại, tình trạng nhiệt độ Trái Đất nóng dần lên như các dự báo đã trở thành một thực tế bình thường mà một người không cần tri thức khoa học cao sâu vẫn có thể cảm nhận được, khi so sánh một cách đơn giản năm hiện tại với những năm về trước. Thời gian gần đây, nhiệt độ cụ thể ở nhiều nơi nóng lên thấy rõ, như ở Úc, ở Việt Nam khoảng gần hai năm trước, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 45- 500 C, gây chết người trong một vài trường hợp... Vậy tình trạng khí hậu biến đổi theo hướng nóng dần lên trên phạm vi toàn cầu là một hiện thực phổ biến chắc chắn và cụ thể, chứ không chỉ còn nằm trên những bản báo cáo lý thuyết riêng đâu đó của các nhà khoa học. Giả định, nếu nhiệt độ có lúc lên tới 600 C tại một nơi nào đó, thì con người sẽ giống như bầy kiến còn sót lại trong chảo mỡ, khi người ta bắc chảo lên lò chuẩn bị nấu nướng, các con kiến chẳng còn biết bò vào đâu cho đến lúc phải bị thiêu rụi vài giây sau đó!

Trong biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam được dự đoán là một trong hai quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới khi mực nước biển dâng lên. Đây là lời cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) được đưa ra tại hội nghị về Đa dạng sinh học và thay đổi khí hậu của Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 1 năm 2009. Theo ông Mark Lowcock, một quan chức của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) thì “Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm những nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão. Bên cạnh đó, với bờ biển dài, vấn đề mực nước biển tăng có thể làm mất 12,2% diện tích đất của Việt Nam và đe dọa tới chỗ sinh sống của khoảng 17 triệu người” (báo Khoa học & Đời sống, 11.1.2009).

Một số dự báo như vừa nêu trên đã vạch ra một viễn cảnh khá bi quan cho thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh vốn được coi là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

SỐ LƯỢNG VÀ NHỊP ĐỘ THIÊN TAI NGÀY MỘT GIA TĂNG

Trên cái nền biến đổi khí hậu với rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường sống của loài người, người ta ngày càng nhận thấy các trận thiên tai như bão lụt, động đất - sóng thần... đang có khuynh hướng gia tăng cả về nhịp độ lẫn quy mô, gây nên sự chết chóc hàng loạt và những thiệt hại vô cùng to lớn về tài sản.

Loài người còn chưa quên được nỗi kinh hoàng gây nên bởi trận động đất Ấn Độ Dương (còn gọi thảm họa Sóng thần Ấn Độ Dương hay Sóng thần Châu Á) xảy ra dưới đáy biển ngày 26.12.2004, kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần, tàn phá các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và những nơi khác, cướp mất sinh mạng của khoảng trên dưới 230.000 người thuộc 11 quốc gia.

Năm 2006, một đợt sóng thần xảy ra tại Java đã làm cho 750 người thiệt mạng. Ngày 12.5.2008, trận động đất Tứ Xuyên được coi là trận động đất mạnh, thảm khốc nhất xảy ra tại Trung Quốc giết chết gần 400.000 người. Cùng thời gian này, vào ngày 3.5.2008, cơn bão Nargis tàn phá đất nước Myanma làm chết khoảng 100.000 người.

Chỉ riêng trong năm 2009 và đầu năm 2010, người ta ghi nhận hàng trăm vụ thiên tai lớn nhỏ đã liên tục xảy ra trên toàn thế giới. Có thể kể: Ngày 26.9.2009, cơn bão Ketsana quét qua Philippines làm ít nhất 75 người thiệt mạng, phần lớn thủ đô của Philippines bị chìm trong biển nước. Ngày 29.9.2009, động đất lại xảy ra ở khu vực quần đảo Samoa gây nên ba đợt sóng thần và làm cho hơn 100 người chết. Sau đó, hai trận động đất khác đã tấn công vào đảo Sumatra của Indonesia trong hai ngày tiếp theo. Peru hứng chịu một cơn địa chấn 5,9 độ Richter ngày 30.9.2009. Tối 4.10.2009, một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter cũng làm rung chuyển khu vực miền nam Philippines...

Được biết, vành đai lửa Thái Bình Dương từ lâu vốn được coi là khu vực thường xảy ra động đất (chiếm đến 71% số trận động đất có cường độ mạnh nhất thế giới) và các hiện tượng phun trào núi lửa, nó có hình dạng tương tự như một hình móng ngựa và dài khoảng 40.000 km. Theo sự tính toán của các nhà khoa học, trung bình cứ 3 ngày lại có một trận động đất mạnh ở đâu đó xảy ra trên hành tinh.

Mới đây nhất, đầu năm 2010 và chỉ cách nhau chưa đầy 2 tháng, hai trận động đất thuộc loại lớn nhất thế giới đã tiếp tục làm kinh hoàng nhân loại, một ở Haiti (khu vực Caribê, Trung Mỹ) với 7 độ Richter làm cho hàng trăm ngàn người chết và bị thương, và một ở Chilê (Nam Mỹ) với cường độ 8,8 độ Richter làm cho trên 700 người thiệt mạng, nhiều người mất tích chưa thể đếm được, với ít nhất 500.000 ngôi nhà đã bị phá hủy.

Ngoài bão táp, lũ lụt, động đất kèm sóng thần, còn có những vụ sạt lở đất cũng gây chết người và tổn thất tài sản, xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, như có thể kể vụ lở đất năm ngoái vào ngày 3.3.2010 tại Uganda làm cho 100 người thiệt mạng, khoảng 300 người khác bị chôn vùi và sẽ còn những trận lở đất do mưa lớn đang tiếp tục diễn ra tại khu vực này...

THIÊN TAI NHÂN HỌA KẾT HỢP NHAU TRONG THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT MỚI ĐÂY Ở NHẬT

Trận động đất 8,9 độ Richter kèm theo sóng thần dâng cao 10 mét trở lên làm cho khoảng hơn 10 ngàn người chết và mất tích xảy ra vào lúc 2 giờ 46 phút ngày 11.3.2011 vừa rồi không chỉ tàn phá cả một vùng Đông Bắc nước Nhật về cả người lẫn của mà còn làm rúng động dữ dội đến tất cả trái tim con người ở những phần đất còn lại của thế giới.


Cảnh hoang tàn của Nhật Bản trong cơn Sóng Thần (ảnh Internet)

Trận động đất nói trên được đánh giá thuộc loại lớn nhất trong lịch sử nước Nhật kể từ 140 năm qua, gây thiệt hại ước lượng ban đầu khoảng trên dưới 180 tỉ USD. Rất nhiều nhà máy sản xuất và cảng khẩu lớn nhất nước đã bị phá hủy hoặc phải tạm ngưng hoạt động, công cuộc tái thiết sẽ phải mất rất nhiều thời gian và tiền của vì bị thiệt hại trên diện rộng. Theo sự tính toán của các chuyên gia, phải mất từ 5 đến 10 năm để xây dựng hay sửa chữa lại các khu vực bị ảnh hưởng sau động đất, đó là chưa tính tới yếu tố Nhật Bản bị nhiễm xạ kèm theo do các vụ nổ liên tiếp của một số nhà máy điện hạt nhân.

Trong suốt mấy tuần vừa qua, cả thế giới đều kinh hoàng ái ngại hướng nhìn về nước Nhật trong cơn đại nạn. Người ta chưa hết lo sợ nạn động đất - sóng thần còn có khả năng lan rộng ra khắp khu vực Thái Bình Dương thì chỉ 1 ngày sau động đất (12.3.2011), một vụ nổ lớn đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thuộc Công ty Năng lượng điện Tokyo (TEPCO), làm cho các bức tường của một tòa nhà ở khu tổ hợp nhà máy bị sụp đổ hoàn toàn, và làm tăng thêm lượng chất phóng xạ tung ra môi trường. Ngày 13.3, lại xảy ra một vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân số 1 (trong số hai nhà máy ở khu liên hợp hạt nhân Fukushima); ngày 14.3, tiếp tục xảy ra hai vụ nổ nữa ở lò phản ứng hạt nhân số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichii; ngày 15.3, lại thêm hai lò phản ứng của nhà máy này phát nổ.

Ngay sau các vụ nổ, mức phóng xạ ở nhiều khu vực miền Đông Bắc nước Nhật đã tăng cao một cách đáng kể. Mối lo ngại về rò rỉ phóng xạ khiến cả thế giới giật mình lo ngại về việc đảm bảo an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân của mỗi nước. Trước tình hình này ở Nhật, và nhớ lại một vài vụ nổ khác trước đây ở Nga và ở Mỹ, nhiều nước đã tạm dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, như Thụy Sĩ, Úc, Đức, Indonesia, Thái Lan…

Ông Alex Barnett, một chuyên gia quốc tế về điện hạt nhân cho biết: “Những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến điện hạt nhân ở Nhật Bản đang đặt một dấu chấm hỏi cho thời kỳ phục hưng của ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu. Những vụ nổ và rò rỉ chất phóng xạ chắc chắn sẽ khiến thế giới lo ngại về độ an toàn của điện hạt nhân”.

Sau thảm họa động đất - sóng thần lần này, cùng với nhiều vụ thiên tai lớn khác xảy ra ngày càng nhặt hơn trên khắp thế giới, nhân loại cũng ngày càng nhận thức rõ hơn ra tính chất hạn chế cố hữu của các nền văn minh, rằng sự tiến bộ vượt bực về khoa học - kỹ thuật (mà cường quốc kinh tế Nhật là một nước tiêu biểu) trước sau vẫn không thể tạo được cho con người khả năng kiểm soát và chế ngự được thiên nhiên một cách hoàn toàn. Rằng, tri thức khoa học - kỹ thuật của loài người tuy ngày một tăng cao cả về nhịp độ lẫn số lượng, nhưng các nhà địa chất học, địa chấn học, địa cầu vật lý học, tương lai học, cũng như tất cả các chính quyền với nhiều công cụ hiện đại trong tay…, vẫn bị giới hạn ở mức chỉ giải thích được cơ chế xảy ra các hiện tượng thiên nhiên trên lý thuyết thôi chứ không thể ngăn chặn được một cách hiệu quả sự trừng phạt khốc liệt của chúng trên thực tế!

Người ta còn thấy rõ hơn, một cách tiêu biểu nhất, ngoài thiên tai còn có nhân họa kèm theo, đó là những vụ nổ liên tiếp của nhiều nhà máy điện hạt nhân gây nhiễm xạ đe dọa sức khỏe con người. Bù qua sớt lại, trong thế giới gọi là văn minh, bên cạnh cái lợi tất phải có cái hại kèm theo, đơn giản tương tự như càng có nhiều nhà máy, xe cộ… thì càng có nhiều khói độc phun ra môi trường sinh hoạt, càng có nhiều tai nạn giao thông chết người vậy! Cái bi kịch nằm ở chỗ, loài người tiếp tục tiến hóa vẫn không thể không tiếp tục sản xuất ra những cái hại đi kèm, trừ phi giả định họ có thể quay trở lại được cuộc sống nguyên thủy với một nền văn minh tinh thần thuần túy, hoặc là dung hòa được một cách hợp lý giữa văn minh tinh thần với văn minh vật chất.

Chưa cần viện dẫn đến kiến thức chuyên môn sâu của các nhà khoa học, chỉ dựa trên thực tế và kinh nghiệm thông thường, ai trong chúng ta cũng thấy rằng ngôi nhà địa cầu của chúng ta hiện đang xiêu vẹo giống như một con bệnh nặng, bị tổn thương hết các phần từ lục phủ ngũ tạng đến da thịt, mà các bộ phận này đều có sự tương quan- tương tác lẫn nhau để có thể dẫn đến những biến chứng nặng đột ngột mà người thầy thuốc dù giỏi đến đâu cũng không thể trở tay kịp. Rốt cuộc, con người vẫn tiếp tục lúng túng ở trong cái vòng lẩn quẩn, vì thực tế không thể ngăn chặn sự khai thác bừa bãi (nhất là ở những nước nghèo) hoặc ngưng lại các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, và đó chính là một trong những lý do để một số người nào đó còn có thể vận dụng biện minh được cho những thuyết liên quan đến vấn đề tận thế mà có những người khác cẩn thận hơn gọi là “tận thế từng phần”.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: CÁC VẤN NẠN, BẾ TẮC VÀ SỰ CHẬM TRỄ

Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên hay môi trường sống đã và đang là một trong những vấn đề chung bức xúc nhất của toàn thể nhân loại. Về mặt lý thuyết, khái niệm môi trường thiên nhiên bao gồm tập hợp các điều kiện địa lý tự nhiên của một vùng lãnh thổ có tác động trực tiếp đến cuộc sống của dân cư và các chỉ tiêu kinh tế trong vùng. Còn bảo vệ môi trường là tập hợp các biện pháp giữ gìn, sử dụng hoặc phục hồi một cách hợp lý sinh giới (động - thực vật...) và môi sinh (đất, nước, không khí, lòng đất...), nghiên cứu thử nghiệm thiết bị sử dụng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ ít có hoặc không có phế liệu, ít hoặc không gây ô nhiễm... nhằm tạo ra một không gian tối ưu cho cuộc sống của con người. Nói cách khác, đây là phần xử lý tài nguyên có liên quan đến việc thải vào môi trường những vật chất có hại hoặc có những hiệu ứng vật lý có hại (như tiếng ồn, phóng xạ nguyên tử...) và có liên quan đến những ứng dụng an toàn có lợi. Trong hoạt động bảo vệ môi trường có một nội dung quan trọng là bảo vệ tài nguyên, bao gồm việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tránh khai thác quá mức hoặc phá hủy chúng. Các tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo được như rừng và hải sản cần được bảo vệ ngay cả khi đang thu được nhiều lợi ích nhất; còn các tài nguyên khác không thể tái tạo được như nhiên liệu hóa thạch, trừ khi phải trải qua những khoảng thời gian địa chất rất lâu dài và phải được sử dụng một cách thận trọng theo hướng tìm cách thay thế bằng những dạng tài nguyên khác (như nhiên liệu có gốc thực vật...). Theo quan niệm hiện đại “Việc bảo vệ tài nguyên đôi khi cần đặt ra một cách vô điều kiện, vì bản thân các hệ tự nhiên còn quan trọng hơn việc khai thác sử dụng chúng” (xem Từ điển môi trường Anh Việt - Việt Anh, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1995, tr. 57).

Thông qua quá trình khai thác dai dẳng từ thiên nhiên nhưng thiếu hẳn tính kế hoạch để làm giàu vật chất cho mình, những nước đã thành công về mặt kinh tế trước đây trên thực tế cũng đã góp phần xấu hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên rừng và khoáng sản gây biến đổi khí hậu cùng sự mất quân bình trong hệ thống sinh thái, đều là những nguyên nhân tổng quát trực tiếp hay gián tiếp gây nên các loại thảm họa thiên nhiên như nhân loại đã từng chứng kiến, mà các thế hệ về sau phải trả giá rất đắt để khắc phục nhưng e không còn kịp được nữa.

Ônhiễm môi trường và bảo vệ môi trường, vì thế còn là một vấn nạn chung cho cả loài người, đặc biệt trong hiện thực thế giới ngày nay nó ứng ngay vào những nước còn nghèo, trước hết vì đó là một cái vòng lẩn quẩn không dễ giải quyết: Muốn phát triển thì phải mở thêm các nhà máy và như thế là làm gia tăng ô nhiễm; muốn cải thiện tình trạng lương thực thì phải dùng các loại phân bón và nông dược, thuốc kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học độc hại; thất nghiệp không có gì để sống, muốn kiếm được miếng ăn thì phải giết thú, chặt cây rừng... Ở Việt Nam, một nhà lãnh đạo cấp tỉnh đã trả lời một nhà khoa học khi nhà khoa học cảnh báo ông ta về nguy cơ gây ra bệnh ung thư của những nhà máy phôtphat tại địa phương: “Đồng ruộng cần phân bón hơn, năng suất lúa thấp lắm, dân sợ đói hơn sợ ung thư”. Nhà lãnh đạo đã nói rất thật lòng, mà cũng sát với thực tế cuộc sống của người dân, phải giải quyết cái ăn trước đã, bao giờ bệnh sẽ tính sau, mặc dù có khi không thể chữa được. Câu chuyện này nhắc ta liên tưởng đến “Lời người bắt rắn” của Liễu Tông Nguyên bên Trung Quốc thời Đường: Tại một địa phương nghèo khổ, dân bắt rắn độc tiến lên vua mỗi năm hai lần, nộp lên thay cho thuế ruộng; biết thế nào cũng “sinh nghề tử nghiệp”, nhưng người dân vẫn không bỏ việc bắt rắn được vì họ quá nghèo mà thuế má thời đó lại nặng nề quá sức chịu đựng của dân, bắt rắn nguy hiểm nhưng còn đỡ hơn không tiền đóng thuế phải bỏ trốn đi một cách khốn khổ khi bị truy bức rồi cũng chết bờ chết bụi trong cảnh thê thảm.

Dường như tại những nước còn nghèo, mọi “mô hình” hay con đường dẫn đến vấn nạn rắc rối về môi sinh đều diễn ra một cách tương tự như những câu chuyện vừa kể. Với hiện thực Việt Nam, môi trường cũng đã và đang bị phá hủy một cách hết sức nghiêm trọng, mà theo ý kiến đánh giá của GS Võ Quý (một nhà sinh học Việt Nam từng nhận giải thưởng “Hành tinh xanh” năm 2003, từng được tạp chí Time bình chọn là “Anh hùng môi trường” năm 2008), “đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi”. Cũng theo GS Võ Quý, những thiên tai liên tiếp vừa qua ở Việt Nam như lũ quét, trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội... không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai, “Lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết cây rừng thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét...” (báo Tuổi Trẻ, 26.11.2008).

Ngày nay, ngày càng có nhiều người và nhiều dân tộc ý thức được rằng tai họa sinh thái một khi đã xảy ra sẽ không còn ranh giới quốc gia, nên phải có sự hợp lực giữa mọi quốc gia dân tộc để cùng nhau đối phó. Tuy nhiên, cho dù đã đồng nhận thức được vấn đề là có tính chất toàn cầu, sự chú ý vấn đề lại không đồng đều nhau. Ở các quốc gia đang phát triển, khác với quốc gia đã có nền công nghiệp phát triển cao, vấn đề làm thế nào thoát ra khỏi sự nghèo đói thường được quan tâm trước tiên trong khi vấn đề bảo vệ môi trường chỉ được xem là thứ yếu, đôi khi còn bị xem là một việc làm xa lạ - xa xỉ, hoặc chỉ được làm một cách chắp vá chiếu lệ đầy tính hình thức, như trường hợp Việt Nam cũng là một thí dụ khá điển hình, nói chi đến một số nước Châu Phi khác mà tình trạng còn có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Vì vậy, tại các cuộc hội nghị quốc tế về môi trường, luôn diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau: các nước giàu không muốn ký kết các hiệp ước có nguy cơ làm giảm lợi nhuận trước mắt và mức sống hiện nay của họ; trong khi các nước nghèo cho rằng không có lý do gì họ phải giảm tốc độ phát triển, đổ thừa 80% tình trạng ô nhiễm hiện nay là do các nước giàu gây ra trong quá trình đã công nghiệp hóa.

Tựu trung, vấn đề là phải có một sự nhận thức sâu sắc đồng đều mang tính toàn cầu vì mối hiểm họa sẽ không chừa riêng một ai, trong một thế giới liên thuộc hoàn toàn cả về điều kiện thiên nhiên lẫn xã hội. Bên cạnh sự phát triển khoa học và kinh tế còn phải nghĩ đến yếu tố “phát triển cân bằng - bền vững” trên phạm vi toàn cầu, và điều đó nhất thiết phải liên quan đến những vấn đề thuộc về lối sống và hoạt động xã hội, cùng với những tiến trình chính trị phù hợp.

Đã có khá nhiều nỗ lực quốc tế để cứu vãn tình thế, thể hiện qua rất nhiều cuộc họp đa quốc gia, như Hội nghị Khí hậu Toronto năm 1988, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển tháng 1.1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất tháng 6.1992…, nhưng kết quả đều còn rất giới hạn. Vô số các vấn đề trên thế giới đã được thảo luận tại các hội nghị nhưng không đem lại một giải pháp dứt khoát nào, đặc biệt là các vấn đề về bùng nổ dân số, đói nghèo, phát triển, và năng lượng, mà tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại với tai họa biến đổi khí hậu đang đe dọa. “Một vài vấn đề trở nên lớn đến nỗi không còn chỗ trống nào để tìm các giải pháp thành công” (Lê Huy Bá, Môi trường khí hậu thay đổi - mối hiểm họa của toàn cầu, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm ?, tr. 18). Trước tình trạng tổng khủng hoảng và tiến thối lưỡng nan như thế, một số quan điểm bi quan còn cho rằng việc cứu chữa Trái Đất là đã quá trễ tràng!

CĂN BẢN TRIẾT LÝ HAY LỊCH SỬ NHẬN THỨC VẤN ĐỀ

Để phát triển kinh tế trong cái thế triệt buộc của những thời kỳ từ còn mông muội đến lúc chưa khai sáng hẳn, nhằm thỏa mãn dục vọng của mình, con người đã và vẫn đang chặt phá cây rừng, giết hại động vật hoang dã, đào khoáng sản dưới lòng đất, chặn dòng nước để làm thủy điện, lấp kênh rạch để xây nhà cửa dinh thự, mở thêm các nhà máy xả khí thải, nước thải và rác rến vào môi trường... Còn về thực phẩm thời hiện đại, hầu như trong bất cứ loại nào, từ tươi sống đến đóng gói, đều có đi kèm theo một hay nhiều loại hóa chất nào đó, gồm các chất để bảo quản, làm tươi, giục cho mau chín, kích thích tăng trưởng...; thịt cá được nuôi bằng thuốc tăng trọng, hocmon tăng trưởng, rau quả dùng thuốc trừ sâu... đều rất có hại cho sức khỏe... Và có lẽ chỉ có con người, chứ không phải loài vật, là thủ phạm chính gây ra tình trạng phá hủy chính môi trường mà họ luôn luôn muốn được sống... khỏe ở trong đó.

Rõ ràng, những tình trạng hủy diệt môi sinh như đã diễn ra luôn luôn gắn liền với những bước phát triển về kinh tế và khoa học - kỹ thuật.

Các sự cảnh báo thật ra cũng đã có từ lâu, do các nhà khoa học, triết học và hoạt động tôn giáo, nhưng riêng trong phạm vi bảo vệ môi trường sống, con người thường khó tránh khỏi một “độ trễ nhận thức”, từ lúc mới được cảnh báo cho đến khi có đủ độ chín muồi nhận thức thực tế, mà khi thấy ra thì sự việc thường đã quá trễ tràng!

Nhiều người thấy rằng khoa học như một lưỡi dao bén, có mặt trái của nó, và cái gọi là “phát triển” lâu nay như Ivan Alice quan niệm, thực chất chỉ là một sự phá hoại Trái Đất, phá hoại môi trường, hậu quả cuối cùng là phá hoại con người trên tất cả các mặt (xem Triết học tư sản phương Tây hôm nay, Nxb. Thông Tin Lý Luận, Hà Nội, 1986, tr. 142- 143). Một loại văn chương mới, loại ám tưởng, đã xuất hiện để báo động về tương lai u ám nếu con người cứ đuổi theo những khuynh hướng như hiện nay, tiêu biểu có quyển Brave New World (1932) của Aldous Huxley, và quyển 1984 (1949) của George Orwell. Những phim ám tưởng như Metropolis (1926) và Modern Time (1936) mô tả cảnh nhân loại chịu sự áp chế của chính trị và kỹ thuật.

Trong lịch sử, có khá nhiều dự báo về tương lai u ám của nhân loại đã được nêu ra hàng ngàn, hàng trăm năm trước. Từ xa xưa Khổng Tử đã từng nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người ta không biết lo xa tất phải có cái lo gần).

Các triết gia phương Đông quan niệm vũ trụ bao gồm cả vạn hữu và con người, là một bộ máy toàn hảo luôn vận động tuần hoàn theo luật âm dương. Đó là hai yếu tố căn bản, vừa tương phản nhưng cũng vừa tương hội, tương sinh, tương thành, thôi thúc, xô đẩy nhau để tạo nên thiên hình vạn trạng, trong cuộc biến hóa bất tận của thế giới sinh vật lẫn vô cơ (Dịch: “Hệ từ”: Âm dương tương thôi nhi sinh biến hóa). Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, nghĩa là hiện tượng nào cũng chứa sẵn mầm tự hủy của nó. Một vật sinh ra đã bắt đầu đi dần tới sự tan rã, và khi tan rã thì mở đầu cho một cái gì mới khác đang sinh, trong một dòng biến dịch không ngừng. Cái nhà Nho gọi là Dịch hóa thì nhà Phật gọi là Vô thường (sinh trụ dị diệt, hoặc: thành trụ hoại không), không có gì còn mãi hoặc mất luôn, mà đắp đổi, bổ túc cho nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp với định luật bảo toàn khối lượng chất, mà theo cách phát biểu của M.V. Lơmanôxôp (1711- 1765) thì “Tất cả những biến đổi diễn ra trong tự nhiên đều có đặc điểm là một vật thể mất đi bao nhiêu lượng chất thì lại có bấy nhiêu lượng chất kết hợp vào một vật thể khác. Định luật tự nhiên phổ biến này cũng áp dụng được cho cả những quy luật chuyển động” (Từ điển bách khoa Nhà hóa học trẻ tuổi, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 91). Cũng theo quan niệm Dịch học, một vật gì đạt tới trạng thái toàn thịnh (hay cùng cực) thì phải quay trở lại (Lão Tử: “Vật cực tắc phản”), và “Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại” (Dịch: Hào từ quẻ Thái: “Vô hình bất pha, vô vãng bất phục”)…

Bên cạnh những quy luật vận động, biến dịch mang tính biện chứng, chúng ta còn biết rằng loài người từ lâu đã nhận ra các luật về mâu thuẫn, khắc chế nhau giữa các sự vật cùng tồn tại trên thế giới, nhờ đó giữ được thế quân bình trong thiên nhiên hay là sự cân bằng sinh thái. Hãy xem cây cỏ, loài dế và chim sáo. Nếu ta bắn chết nhiều chim sáo thì loài dế có nhiều cơ hội sống hơn, chúng sẽ tàn diệt cây cỏ nhiều hơn rồi đến lượt chúng cũng sẽ chết vì cây cỏ trụi hết không còn gì để mà ăn nữa. Ba loài đó hợp thành một hệ thống sinh giới nhỏ; nếu có một bộ phận bị thay đổi thì toàn hệ thống cũng thay đổi theo và có thể bị tiêu diệt. Các nhà khoa học nhận xét rằng hệ thống càng phức tạp thì càng dễ giữ được thế quân bình. Bằng khoa học - kỹ thuật và trí thông minh, con người can thiệp vào giới tự nhiên để phục vụ cho lợi ích mình, nhưng nếu không chú ý mà làm phá vỡ thế cân bằng ấy thì tất những cái hại tiếp theo sẽ được sinh ra…

Hơn một trăm năm về trước, trong tác phẩm nổi tiếng Biện chứng của tự nhiên (1873- 1876), Friedrich Engels (1820- 1895) chẳng đã từng nhắc rõ: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó... Những sự việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại bản thân chúng ta, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên biểu hiện ở chỗ là chúng ta có ưu điểm hơn tất cả những sinh vật khác, nghĩa là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác...” (Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 168- 169).

Trong những lời nhắc nhở minh triết vừa trích dẫn, nhà triết học Friedrich Engels trong khi nhận thức rất rõ mối nguy cơ về sự trừng phạt ác liệt của giới tự nhiên (bây giờ chúng ta gọi là khủng hoảng môi sinh, biến đổi khí hậu...), vẫn còn có một niềm tin ở khả năng chế ngự của con người đối với giới tự nhiên, do chỗ con người “nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác...”. Tuy nhiên, “có thể” và “hiện thực” là hai khái niệm vẫn luôn luôn giữ một khoảng cách chênh lệch khá xa với tổng hợp kết quả tối hậu của chúng có khi là một ẩn số hay bí ẩn lịch sử mà con người phải cố gắng tìm kiếm để giải đáp cho những vấn đề thuộc số phận của mình.

Ban đầu các dự báo thường không được nhân loại quan tâm đúng mức, thậm chí còn thờ ơ ghẻ lạnh, nhưng sau nghiệm lại thì thấy đúng “y như trong kinh”, như có thể dẫn chứng những lời cảnh báo thiết tha của nhóm Câu lạc bộ La Mã (The Club of Rome) khi tổ chức quốc tế phi chính phủ này lần đầu tiên đưa ra bản báo cáo “Những giới hạn Tăng trưởng” (The Limits to Growth) vào tháng 3 năm 1972 nói tới hậu quả của năm xu hướng lớn trên toàn cầu: công nghiệp hóa gia tăng, dân số tăng lên quá nhanh, nạn suy dinh dưỡng lan rộng, các nguồn tài nguyên không thể tái tạo vì bị vắt kiệt, môi trường xuống cấp vì bị con người hủy hoại: “Chừng nào một xã hội nhận ra rằng không thể nào tối đa hóa tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người, thì nó phải bắt đầu lựa chọn… Thêm người hay thêm của, thêm khoảng đất hoang vu hay thêm xe hơi, thêm thực phẩm cho kẻ nghèo hay thêm dịch vụ cho người giàu?” (Giới hạn phát triển - Phúc trình cho Dự án nghiên cứu của Câu lạc bộ La Mã về nguy cơ nhân loại, Nxb. Hiện Đại Thư Xã, 1974, tr. 177- 178).

Mối nguy hại của tình trạng khủng hoảng sinh thái toàn cầu ngày càng được loài người văn minh nhấn mạnh và nhận thức rõ hơn. Đáng ghi nhận còn có bản “Tuyên bố Vancouver” năm 1989. Khoảng hơn 20 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã họp nhau tại Vancouver (Canada) để suy nghĩ về “Khoa học và văn hóa ở thế kỷ 21: một chương trình để sống còn”. Kết thúc hội thảo, họ đã thông qua bản tuyên bố nói trên với nhận định cơ bản cho rằng hành tinh của chúng ta không ổn định, đó là một động cơ nhiệt không ngừng thay đổi chế độ vận hành. Sự sống, xuất hiện trên Trái Đất cách đây 4 tỉ năm, phát triển trong thế cân bằng với một môi trường trong đó sự thay đổi đột ngột và không lường trước lại là một thông lệ. Nhân loại hiện đứng trước một tình thế trong đó mọi sự cân bằng giữa giống loài chúng ta và toàn bộ sự sống còn lại trên Trái Đất có nguy cơ sụp đổ. Rằng nguồn gốc của những khó khăn hiện nay cơ bản nằm trong một số tiến bộ khoa học đã hoàn thành chủ yếu vào đầu thế kỷ XX. Những tiến bộ ấy đã đem lại cho con người một quyền lực đối với tự nhiên… Say sưa với việc khai thác quyền lực ấy, loài người có khuynh hướng làm thay đổi các giá trị của mình, đề cao giá trị của thứ gì đẩy mạnh việc khai thác tối đa những khả năng vật chất mà quyền lực mới kia đem lại. Đồng thời, những giá trị… từng làm nền tảng cho các nền văn hóa trước kia, bị bỏ rơi. Rằng thời gian không còn nhiều: Mọi chậm trễ trong việc thiết lập một nền hòa bình sinh thái - văn hóa thế giới sẽ chỉ làm tăng lên cái giá phải trả cho sự sống còn. Rằng chúng ta phải thừa nhận thực tế của một thế giới đa tôn giáo và sự cần thiết phải có một kiểu khoan dung cho phép các tôn giáo có thể hợp tác với nhau cho dù khác biệt nhau đến đâu. Sự hợp tác ấy sẽ góp phần đáp ứng những đòi hỏi cho sự sống còn của loài người và việc duy trì các giá trị cơ bản chung của tình đoàn kết giữa con người, của các quyền con người và nhân phẩm. Đó là di sản chung của loài người, sinh ra từ nhận thức của chúng ta về ý nghĩa siêu nghiệm của cuộc sống con người và từ một ý thức toàn cầu mới (xem “Tuyên bố Vancouver”, tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 21, tháng 7.1992, tr. 12- 13).

Sau “Tuyên bố Vancouver” vài năm, một Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất họp ở Rio de Janeiro (Brazil) vào ngày 6.3.1992 tiếp tục khẳng định các mối đe dọa về môi trường, cho rằng môi trường đã trở thành những vấn đề quan trọng nhất của nhân loại. Nếu trước kia các cuộc thảo luận thường tập trung ở các yếu tố có khả năng hủy hoại môi trường, những mối hiểm họa lớn lao về môi trường mà con người đang và sẽ phải đối phó thì trong cuộc họp quan trọng lần này, trọng tâm của vấn đề chính là một tổng thể các biện pháp giải quyết có hiệu quả, trong đó có vấn đề tài chính để thực hiện.

Tiếp theo Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất năm 1992, còn có khoảng gần một chục cuộc hội nghị thượng đỉnh quốc tế khác do Liên Hiệp Quốc triệu tập với sự có mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia nhằm mục đích lay động mọi thành viên quốc gia và cá nhân trên thế giới nhất trí cao hướng sự tập trung của mình vào việc bảo vệ môi trường sống chung của loài người trên Trái Đất.

Tìm thêm trong kinh sử để soi sáng thêm cho các vấn đề sinh tử đã nêu trên, có lẽ chúng ta dễ dàng đồng tình với quan điểm khá quen thuộc của Aristote (384- 322 Thieàu ChöûuN) rằng “Mọi sinh vật đều có điều kỳ diệu của nó”. Ý tưởng chính xác này có lẽ không khác gì mấy so với Khổng Tử (551- 479 Thieàu ChöûuN) cũng mấy ngàn năm trước phát biểu về mối tương quan ứng xử đáng phải có với con người và các loài vật trong môi trường sống, mà ông coi là “đồng loại”, còn được Tư Mã Thiên ghi lại trong bộ Sử ký (“Khổng Tử thế gia”): “Tát cạn đầm làm khô nước cá thì giao long (thuồng luồng) không hợp âm dương, trút tổ chim phá vỡ trứng thì phượng hoàng không còn bay lượn. Vì sao thế? Là vì người quân tử tránh làm thương tổn đến đồng loại của mình” (Kiệt trạch hạc ngư tắc giao long bất hợp âm dương, phúc sào hủy noãn tắc phụng hoàng bất tường. Hà tắc? Quân tử húy thương kỳ loại dã). Loại ý tưởng thâm trầm sâu sắc và nhân bản như thế của người xưa, có thể dẫn chứng được nhiều thêm nữa, phải chăng là những lời khuyến cáo rất giá trị đối với loài người ngày nay liên quan đến trách nhiệm phải bảo vệ môi trường sống của chính mình bằng cách tôn trọng mọi sinh linh đang cùng sống chung trong ngôi làng Địa Cầu? Thiết nghĩ đây cũng là vấn đề nhân bản có tính thời đại, thể hiện một triết lý nhân sinh vừa khôn ngoan vừa nhân đạo của con người hiện đại ý thức rằng sự tồn tại và an toàn của mình trong giới tự nhiên là không thể tách rời hoặc đối lập với những đồng loại sinh vật khác mà mỗi cá thể đều có phần đóng góp vào sự nghiệp chung vĩ đại của tạo hóa cũng như đều có vai trò riêng trong tổng thể sự quân bình cần thiết của sinh giới.

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ TẬN THẾ VÀ SỰ CHỌN LỰA LỐI SỐNGCỦA CON NGƯỜI

Tạo hóa dựng nên con người, ban cho ngôi nhà Trái Đất để ở và các thứ tùy dụng, nhưng từ khi có lịch sử đến giờ, con người hình như vẫn phải tiếp tục tìm cách giải quyết những vấn đề cơ bản của mình, để được sống bình yên, no đủ và hạnh phúc. Nền khoa học kỹ thuật mà có lúc người ta tưởng là phép mầu, nay đã không chứng tỏ được khả năng chế ngự tuyệt đối của nó đối với sức mạnh huyền diệu của thiên nhiên. Trái lại cách sử dụng khoa học theo kiểu nào đó như đã từng được thấy còn có thể đẩy con người đến trước những mối đe dọa mà giải pháp khó có thể được minh định một cách chắc chắn.

Giờ đây, đứng trước nhiều mối hiểm họa, nhất là tình trạng khủng hoảng môi sinh có tính toàn cầu - hệ quả của nạn nhân mãn và sự phát triển thiếu cân bằng của nền khoa học kỹ thuật, nỗi ám ảnh về một ngày “tận thế” nào đó không phải là không có thực đối với một bộ phận không nhỏ con người trên hành tinh. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó chỉ có thể suy diễn theo độ nhạy cảm riêng của mỗi người thôi chứ chưa thể tìm đủ được căn cứ khoa học để chứng minh theo hướng khẳng định hay phủ định; và nếu điều đó giả định có xảy ra thì cũng không ai có thẩm quyền để xác nhận về mặt thời gian chừng nào nó xảy ra, khi mà con người vẫn còn đang đi tới trong cuộc hành trình vất vả của mình mà cái đích tối hậu còn tùy thuộc rất nhiều ở họ.

Như được biết, từ lâu và thời nào nhân loại cũng có những nhà tiên tri, các khái niệm về “tận thế” hay “mạt pháp” hay “Hội Long Hoa”..., tùy theo tôn giáo, cũng được một số không ít người tin theo. Ngoài ra, một số nhà tu hành cũng đã dựa vào những niềm tin như thế để khuyến khích con người làm điều thiện, tránh điều ác, “tu mau kẻo trễ”, xét cho cùng về nhiều mặt đều có tác dụng lợi lạc cho cuộc nhân sinh, dựa trên niềm xác tín rằng điều ác vẫn còn có thể trừ bỏ được. Trên thực tế, các lời tiên tri gì gì đó cũng có thể có giá trị nhất định riêng của chúng, vì cũng là sản phẩm tư duy của loài người. Chúng chỉ khác với các dự báo mang tính khoa học ở chỗ con đường và phương pháp tiếp cận, một đằng chú trọng trực giác và những suy nghiệm thuần túy tâm linh hoặc tư tưởng, còn đằng kia căn cứ trên khoa học thực nghiệm. Nhưng ngay cả tất cả các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội dựa trên điều tra - thống kê và thực nghiệm cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề của con người (như hạnh phúc, đau khổ, sự rủi ro, cái chết...), vì thế nếu có sự hợp tác, bổ sung lẫn nhau giữa khoa học, triết học, tôn giáo thì đó cũng là điều mà loài người tiến bộ hoàn toàn có thể chấp nhận được, nếu không muốn nói là phải nên như thế.

Trong tình trạng biến đổi khí hậu sâu sắc hiện nay, với nguy cơ bầu khí quyển nóng dần, mặt nước biển dâng lên, môi trường bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt..., người ta tuy chưa thể đoán ra chính xác ngày tận thế cụ thể nhưng đã có thể trông thấy được hiện tượng “tận thế cục bộ hay từng phần”, biểu hiện ở những trận thiên tai ngày càng khủng khiếp với mỗi lần tiêu diệt đến hàng trăm ngàn người, mà các hậu quả về mặt đấu tranh xã hội tiếp sau là không thể tránh khỏi!

Mặc dù dự báo vẫn chỉ là dự báo, phải đợi sự kiểm nghiệm của thực tiễn mới đủ điều kiện đánh giá đầy đủ, nhưng một khi nó đã được đưa ra căn cứ vào những dữ liệu đầu vào tương đối chính xác thì thường thường cũng có thể đạt được một mức độ khả tín nhất định, hay tệ nhất cũng chỉ ra được xu thế phát triển chung mà xu thế này không thể đảo ngược so với những điều đã được dự báo. Trong một thế giới vốn dĩ liên thông toàn diện mọi mặt cả về thiên nhiên lẫn kinh tế - chính trị - xã hội, tùy thuộc vào hàng triệu triệu yếu tố tác động qua lại lẫn nhau và không đứng yên một chỗ trong cái dòng biến dịch bất tận diệu kỳ của thiên nhiên mà kiến thức loài người không thể đo đếm hay kiểm soát được hết, thì người ta cũng không nên quá khắt khe đòi hỏi các điểm dự báo áp dụng cho từng khu vực cụ thể nhất định nào đó trên Trái Đất phải đạt được mức độ hoàn hảo, miễn là nó phải được đưa ra một cách nghiêm túc căn cứ vào các dữ kiện khoa học khách quan chứ không nhằm mục đích vụ lợi rẻ tiền hoặc tùy thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ lực lượng chính trị nào.

Hoặc giả, nhân loại vẫn sẽ còn tồn tại dài dài, không tận thế nhưng cũng không lúc nào được sống yên ổn. Nói như nhà sử học Will Durant, dựa vào thực tế lịch sử đã khảo sát kỹ trong suốt mấy ngàn năm, là “Nếu loài người trở nên đông quá không kiếm đủ thức ăn thì tạo hóa có ba cách để lập lại thế quân bình: nạn đói, bệnh dịch và chiến tranh”. (Nguyễn Hiến Lê, Bài học của Lịch sử, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 24- 25). Durant quên nhắc đến yếu tố thiên tai và các loại nhân họa khác còn giết người nhiều hơn cả nạn đói hay chiến tranh, bệnh dịch, có lẽ vì khi viết bộ Câu chuyện của nền văn minh (The Story of Civilization) nổi tiếng của mình, từ hơn nửa thế kỷ trước, tình trạng thiên tai và nhân họa lúc đó còn ít hơn bây giờ rất nhiều.

Trong khi chưa thể có căn cứ chắc chắn để xác định về hiểm họa và thời gian xảy ra tận thế toàn phần, một thực tế mới ngày nay là phần khá lớn con người cũng đã bắt đầu chịu suy nghĩ nhiều hơn về tương lai cùng thái độ sống hiện tại của mình. Một bản báo cáo quan trọng dày 6.700 trang về tương lai hành tinh, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu do UNESCO, Ngân hàng Thế giới và vài tổ chức khoa học nghiêm túc khác phối hợp thực hiện đã được chính thức công bố vào tháng 8 năm 2009, có thể chứng minh được cho những luận điểm vừa nêu ra ở trên. Được biết, bản báo cáo đã đưa ra kết luận: “Nếu không có tăng trưởng bền vững, hàng tỉ người sẽ rơi vào đói kém và nhiều nền văn minh sẽ sụp đổ”. Loài người muốn tìm kiếm cơ hội sống sót trong biến đổi khí hậu, họ cần phải bỏ ra thật nhiều nỗ lực tương tự như muốn đưa người lên mặt trăng vậy! Bản báo cáo còn đánh giá tình trạng suy thoái hiện nay khiến mười năm tới một nửa thế giới sẽ phải đối mặt với bạo lực, bất ổn do nạn thất nghiệp gia tăng, cộng thêm tình trạng thiếu nước, lương thực và năng lượng, và trên cái nền biến đổi khí hậu, sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề về an ninh môi trường, với cảnh báo rằng những thay đổi về khí hậu sẽ khiến thiệt hại sinh mạng tăng cao, dẫn tới nguy cơ nhiều quốc gia bị xóa sổ, và mối đe dọa bị xóa sổ này đang và sẽ tạo ra những vấn đề rất lớn về chính trị - xã hội.

Nếu mối đe dọa về một ngày tận thế hay mạt pháp có thể làm cho một số người tu tỉnh, bằng cách điều chỉnh lại nhân sinh quan, xem xét lại lối sống - hành động của mình và đặt lại các bậc thang giá trị mà lâu nay mình vẫn nhắm mắt theo đuổi (thí dụ quá chạy theo tiền bạc, của cải vật chất...), thì bản báo cáo nêu trên của UNESCO cũng hi vọng có một tác dụng tượng tự về mặt điều chỉnh nhận thức, lối sống cho loài người hiện đại, khi các tác giả tự tin rằng họ cũng thấy một chút tích cực về tương lai: “Tin tốt lành là khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu sẽ giúp loài người chuyển dịch từ lối cư xử và suy nghĩ ích kỷ, coi mình là trung tâm, sang lối ứng xử trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng thế giới... Nhiều người tin rằng thảm họa kinh tế hiện nay là một cơ hội để đầu tư cho một thế hệ công nghệ xanh tiếp theo, đánh giá lại những lý thuyết về phát triển kinh tế, và đưa thế giới vào quỹ đạo đến một tương lai tốt hơn...”.

17.4.2011

Trần Khuyết Nghi

(Trích: "Suối Nguồn" số 1. T5/2011 - Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)

(Ảnh minh họa: http://cbqqo.edu.vn)

http://tuvienhuequang.com/chuyen-muc/tu-tuong/1887-2011-10-11-06-43-51.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang