Đến Vạn Phúc (Hà Đông- Hà Nội) những ngày cuối tháng Giêng (Quý Tỵ) ở
đâu người dân cũng bàn chuyện "thần xà" hiển linh, "nói" với dân làng:
"Phải làm lễ cúng vào ngày 28 tháng Giêng (âm lịch) và phải có bò thì
sẽ phù hộ cho dân làng yên ấm, làm ăn thuận lợi".
"Thần xà" hiển linh giữa đêm rằm?
Miếu Vạn Phúc là di tích lịch sử được người dân nơi đây cho rằng rất
linh thiêng. Theo thần tích, ngôi miếu này thờ thần Thành hoàng làng,
người đã có công tạo dựng nên đất Vạn Phúc và truyền nghề trồng dâu,
dệt lụa cho người dân nơi đây. Bà là A Lã Đế Vương- thần hiệu sắc phong
quốc vương thiên tử, nga hoàng đại vương. Bà sinh ngày 10 tháng 8 tại
Châu Tự Long Đạo (Tuyên Quang) cha là Hùng Thụy hậu duệ của vua Hùng.
Trong quần thể khu di tích trên dưới 1.00m2 này có miếu thờ Thành
hoàng, am thờ ông Hoàng xà và Thần đa.
Lễ tế “thần xà” hôm 28 tháng Giêng (9/3) tại Miếu Vạn Phúc. (Ảnh Thành Long)
Chúng tôi đến miếu, một số cụ phụ lão và người dân đang ngồi trong
bàn của gian hậu đường nói chuyện về ngày lễ sắp tới. Cụ từ Nguyễn Duy
Diễm, 72 tuổi đưa chúng tôi đi thắp hương, miếu Bà và hương án thờ ông
Hoàng xà và Thần đa. Chúng tôi hỏi chuyện "ông Hoàng xà" (thần xà) hiển
linh vào tối đêm rằm, cụ Diễm kể hào hứng như chuyện vừa mới xảy ra:
"Chuyện "ông Hoàng xà" hiển linh là có thật, rất nhiều người dân trong
làng cùng chứng kiến. Lúc ấy, khoảng 7h30' ngày Rằm tháng Giêng, người
dân lễ miếu rất đông. Cháu Triệu Ngọc Ánh cũng đi lễ miếu. Bỗng dưng,
cháu Ánh kêu lạnh, rồi người co rúm lại. Mười ngón tay quặp lại, đỏ như
có lửa, lưỡi thè dài ra, mắt trợn tròn lồi cả ra đỏ au. Ánh ngã xuống
đất, trườn đi bằng bụng và không nói gì, hình dạng như rắn và trườn về
phía cây đa cổ thụ (thần đa). Cho rằng "thần xà" hiển linh, nhiều người
trong làng vội vàng kêu cầu nơi am thờ miếu Bà, nên "thần xà" được
"khai khẩu". "thần xà" đói, khát nên tôi lấy 5 chai nước lavie đưa ra,
Ánh đổ cả xuống đất rồi lè lưỡi uống nước. Ánh đổ cả nước lên đầu, ướt
sũng người giữa ngày giá rét".
Cụ từ Diễm kể chuyện và dẫn chúng tôi đến nơi thờ "thần đa" và "thần
xà". Theo cụ, cây đa cổ thụ (thần đa) cũng có tuổi 1000 năm rồi, đó là
nơi "ông Hoàng xà" sống. Còn chuyện tại sao trong miếu Bà lại có hai
"thần" này, liệu "ông Hoàng xà" có phải do bà A Lã Đế Vương, thuần phục
hay có liên quan như thế nào thì cụ từ Diễm không rõ lắm. Cụ Diễm kể:
"Khi dân làng làm lễ ở miếu Bà, thì "thần xà" được "khai khẩu", Ánh tự
xưng: "Ta là "thần xà", và đòi gặp chủ tịch phường. Nhưng hôm ấy, ông
Thuỷ - chủ tịch phường lại đi vắng, bà con mới nói: "Thần xà" muốn
truyền dạy gì cứ nói với dân làng. "thần xà" nói rằng yêu cầu phải làm
lễ vào ngày 28 tháng Giêng, trong lễ phải có bò. Dân làng làm lễ sẽ
được phù hộ yên ấm, làm ăn phát đạt".
Cụ từ Nguyễn Duy Nghiễm (72 tuổi) trò chuyện với PV tại vị trí xảy ra hiện tượng "Thần xà khai khẩu" ở Miếu Vạn Phúc.
Trò chuyện với chúng tôi, mẹ chồng chị Ánh, bà Nguyễn Thị Hà nói: "Có
người đi lễ ở miếu Bà gọi điện cho tôi bảo mang gạo, mang trứng ra lễ
kêu cho con Ánh. Tôi mang trứng và gạo ra, cũng có nhiều nhà ở gần miếu
cũng đưa trứng ra lễ. Khi làm lễ xong, Ánh trở lại bình thường. Như
vậy, "thần xà" đã "nhập" vào Ánh khoảng 30 phút".
Khi tôi hỏi Ánh thời gian ấy có biết gì không, chị lắc đầu: "Tôi
không biết gì hết, chỉ nghe dân làng kể lại hành động và lời nói của
mình. Trong làng cũng có vài người, dùng điện thoại ghi lại hình ảnh
với thời gian 25 phút. Nhưng ông chủ tịch phường yêu cầu chỉ xem và
không được sao lại phát tán ra ngoài".
Nhiều người dân làng Vạn Phúc cũng khẳng định, có nhiều người đã từng
nhìn thấy "ông Hoàng xà", nhưng ông chưa từng "nhập" vào ai. Ánh là
người đầu tiên có may mắn này. Người ta cũng kể, hôm Tết, có một gia
đình ở Thái Nguyên đi qua miếu nhìn thấy "ông Hoàng xà" nằm trên ngọn
đa, buông thõng đầu xuống. "Với những người may mắn, có duyên mới gặp
được "ông Hoàng xà"" - cụ từ Diễm nói vậy.
"Người hoá rắn" vốn "yếu bóng vía"?
Nói về chị Triệu Ngọc Ánh, người "vong xà nhập", cụ từ Diễm cho
biết: "Cháu Ánh vốn là người yếu bóng vía và vài lần có "biểu hiện bất
thường". Nhưng lần này, "Thần xà" "nhập" vào người đưa ra yêu cầu bức
xúc là điều chưa từng có".
Tiếp chuyện chúng tôi, mẹ chồng chị Ánh cũng khẳng định: "Con dâu nhà
tôi vốn "yếu bóng vía", lần này, trong lúc không còn ý thức được, cháu
đã nói là "Thần xà".
Chị Triệu Ngọc Ánh sinh năm 1987, tuổi Đinh Mão, theo những nhà
nghiên cứu tâm linh người phụ nữ đứng chữ Đinh, một số người sẽ ứng căn
đồng. Khi tiếp xúc với Ánh, tôi có cảm giác đôi mắt của chị có cái gì
đó long lanh, rất cuốn hút người đối diện phải lắng nghe tiếng nói nhỏ
nhẹ. Chị Ánh nói: "Mọi người cứ nói tôi yếu bóng vía nhưng tôi là người
có thần kinh bình thường và không mê tín. Tôi không đi lễ lạt ở đâu
xa. Hàng tháng ngày mồng một và ngày rằm, tôi chỉ ra lễ ở miếu bà. Tôi
chỉ biết thành tâm, chắp tay cầu xin những gì mình nghĩ thôi".
Chúng tôi hỏi chuyện những lần bị coi là có "hiện tượng bất thường",
chị Ánh cũng chẳng giấu giếm: "Tôi không bị tai nạn, hay có gì bất
thường xảy đến hồi nhỏ cả. Tôi nhớ, hồi năm học lớp 6, có một buổi tuối
đầu tiên, nhìn thấy cụ bà "hiện về". Tôi chưa bao giờ nhìn thấy các cụ
ngoài đời, nhưng trong buổi tối hôm ấy, trong lúc mơ màng tôi nhìn
thấy cụ bà và tả lại vóc dáng thì bố mẹ tôi khẳng định là đúng". Chúng
tôi được biết, trong chuyến đi Đồ Sơn nghỉ mát, chị Ánh cũng đã từng bị
mê sảng và và tự xưng là bộ đội. Mẹ chồng chị Ánh kể: "Hôm ấy, cả nhà
đi nghỉ mát, bỗng cháu Ánh mệt mỏi như bị cảm gió. Trong lúc không còn
là mình, cháu nói mơ mình là bộ đội đã từng hy sinh ở đây. Cháu chỉ một
khóm trúc và khẳng định được chôn cất ở đấy. Một số người dân địa
phương cũng chứng kiến. Hôm đó cháu nói nhiều, cả quê quán, đơn vị của
anh bộ đội. Nhưng vì không có máy ghi âm nên tôi cũng chỉ nhớ được ngày
mất của anh bộ đội và nói với người dân ở gần đấy, đến ngày ấy thì
thắp cho vong linh anh bộ đội nén nhang".
Nhà chồng chị Ánh có ông chú ruột đã mất, trước đây chị vẫn hay mơ
thấy. Thông qua những lần như thế, chị Ánh đã dẫn dụ cả gia đình, họ
hàng tìm được bà cô tổ mất khi 9 tuổi và thời gian cách đây mấy chục
năm. Chính bà mẹ chồng chị Ánh về làm dâu cũng không hề biết có bà cô
tổ ấy. Khi nghe chị Ánh nói, bà gọi điện về quê ở Phú Xuyên (Hà Nội)
mới hay có bà cô đó thật. Họ hàng ở quê cũng chẳng nhớ bà cô ấy mất
ngày nào. Khi đưa chị Ánh về quê, chị đã chỉ được nơi chôn cất bà cô tổ
trước sự kinh ngạc của nhiều người. Và lần này, "thần xà" hiển linh
ứng vào chị là lần thứ ba mà nhiều người được biết.
Bò tế thần được tặng cho gia đình khó khăn
Sau sự kiện "thần xà" hiển linh, người dân Vạn Phúc đã tự phát tâm
công đức đóng góp tiền để làm lễ và xây dựng am thờ "thần xà", "thần
đa". Am này đã có từ xa xưa, nay người dân chỉ tu bổ lại.
Sáng ngày 6/3 (25 tháng Giêng), tôi cũng may mắn được họp với Ban
quản lý di tích miếu Bà và được biết, trong lễ sẽ có bò. "Chúng tôi
không giết thịt bò, không tổ chức ăn uống linh đình mà dân làng và du
khách thập phương chỉ đến lễ và uống nước thôi. Bò tế thần sẽ chọn một
con bò cái thật đẹp, tắm rửa sạch sẽ. Sau khi làm lễ xong, dân làng Vạn
Phúc đem tặng cho một gia đình khó khăn ở làng Kim Lan (Gia Lâm- Hà
Nội), nơi có đền thờ thân phụ của Thành hoàng làng A Lã Đế Vương. Đây
là làng có kết nghĩa với làng Vạn Phúc từ xa xưa. Chúng tôi làm điều
này là theo đúng lời truyền chỉ của "thần xà": "Không được giết bò, phải
nuôi để làm sức kéo".
Cũng theo cụ Diễm, dân làng cũng đã liên hệ với làng Kim Lan để bên
ấy chọn lựa một gia đình khó khăn và có đủ tư cách để nhận bò tế lễ. Cụ
Diễm cho biết: "Chúng tôi đã liên hệ với người được chọn tặng bò. Họ
rất vui bởi đó là sự may mắn gửi đến cho họ".
Ông Đỗ Xuân Thuỷ, chủ tịch phường Vạn Phúc (Hà Đông- Hà Nội) khẳng
định: "Tôi không chứng kiến việc "thần xà" hiển linh nên cũng không
bình luận. Sau chuyện này, chúng tôi cũng ra văn bản nghiêm cấm vận
động tuyên truyền mê tín dị đoan và vận động quyên góp trong dân. Còn
việc, người dân tự đóng góp làm lễ, theo tín ngưỡng, văn hoá tâm linh
thực hiện theo đúng khuôn khổ cho phép của pháp luật thì chúng tôi
không can thiệp.
Ban đầu, người dân định làm lễ xong sẽ tổng kết mùa lễ hội xuân Quý
Tỵ và có giết bò ăn uống. Chúng tôi có nói với Ban di tích và người
dân, hãy làm mọi việc theo sự huấn cải của thần phả. Hãy tạo ra vật
nuôi để tạo sự no ấm, giống thần phả đã từng ghi đức Thành hoàng đã ra
công ân đức chăm lo đời sống nhân dân. Tất cả nghi thức làm lễ như thế
nào, chúng tôi giao cho Ban quản lý di tích và không can thiệp".
Trước việc thông tin người dân Vạn Phúc đã phát tâm quyên góp kinh
phí để làm lễ "thần xà", TS. xã hội Trịnh Hoà Bình cho rằng; "Người dân
ở Vạn Phúc làm ăn buôn bán nên họ rất "tín". Tôi cũng hoan nghênh khi
họ đã có chủ trương tặng bò cho gia đình khó khăn làm vốn. Đó là hành
động, nghĩa cử cao đẹp".
Lịch sử Miếu Vạn Phúc
Miếu Vạn Phúc đã có trên 1.000 năm thờ
Thành hoàng A Lã đế vương. Bà sinh ngày 10 tháng 8 tại Châu Tu Long
Đạo Tuyên quang, cha là Hùng Thuy hậu duệ của Vua Hùng, mẹ là Phạm
Khương sau khi được lập làm Nga hoàng đệ nhị cung phi ở thành Đại La.
Bà đi du ngoạn đến ấp Vạn Bảo, thấy cảnh đẹp, dân cần cù, phong tục
thuần hậu bà liên ở lại đây cho đến cuối đời. Bà dùng nhân nghĩa để
cố kết lòng người, lấy hòa mục yên vui để xây dựng nên mỹ tục, bà dạy
chữ, dạy nghề chăn tằm dệt lụa cho dân khiến vùng đất này càng trù
phú. Do công đức to lớn của bà nên sau khi mất dân tôn làm Thành
hoàng và lập miếu thờ tại nơi bà hóa (ngày 25 tháng Chạp). Những khi
đất nước có giặc, các tướng đến cầu, bà phù hộ đều được linh ứng. Từ
thời vua Lê Hiến Tông đến thời vua Lê Khải Định được ban 11 sắc phong
hiện còn nơi giữ tại nơi thờ Bà.
|
Theo Minh Khánh - NĐT