Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ngôn ngữ và sự phá sản
14/12/2010 17:23 (GMT+7)




Người nào nói dối là người ấy làm cho dòng nhân duyên ngôn ngữ của họ bị thương tổn và là người suốt đời phản bội nhân cách của chính họ.

Trong đời sống hàng ngày, ta cố ý nói sai sự thật để đánh lừa người khác là chính ta không những chỉ phá hoại và làm thương tổn lời nói của ta, mà chính ta còn làm thương tổn và phá hoại sự hiểu biết và nhân cách của ta nữa.

Lời nói của ta không thể tự có, mà nó có là do liên hệ cả một chuỗi nhân duyên tốt đẹp giữa ta và người, từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai nữa.

Nên, nếu ta cố ý nói sai sự thật là chính ta đã phá hỏng nhân duyên tốt đẹp của ngôn ngữ và làm thương tổn nhân cách cũng như sự hiểu biết của ta. Ta là kẻ phản bội phước báo của ta trong quá khứ và là người đang làm tổn thương những phước báo của ta trong tương lai. Ngôn ngữ của ta chỉ có tác dụng lợi ích cho ta và cho người khác khi chính nó có khả năng chuyển tải sự thật. Hạnh phúc trong đời sống của ta phải được nuôi dưỡng từ chất liệu ấy. Cái chân, cái thiện và cái mỹ của ta cũng từ nơi chất liệu ấy mà biểu hiện.

Ta hãy đối diện và nhìn sâu vào những người câm để thấy rõ nỗi bất hạnh, khổ đau và ước mơ của họ là gì? Và để ta có thể hiểu được ý nghĩa và nhân duyên, cũng như tác dụng của lời nói trong đời sống của chính ta, khiến cho ta không phí phạm ngôn ngữ và không làm cho nhân duyên ngôn ngữ của ta bị tổn thương.

Và ta hãy đối diện với những người điếc để nói chuyện với họ, khiến ta có cơ hội cảm nhận phước báo của ta và thấy rõ những bất hạnh, khổ đau và khát thèm của những người bị điếc.

Người bị câm, thì ước mơ được nói; người bị điếc, thì thèm khát được nghe, nhưng những ước mơ và khát thèm ấy thử hỏi đến khi nào mới trở thành hiện thực đối với họ?

Những người câm có thể trong quá khứ của họ, đã phạm phải vào những sai lầm khi sử dụng ngôn ngữ. Họ có thể đã sử dụng ngôn ngữ phù phiếm và ba hoa để nói với người, hoặc có thể đã sử dụng những loại ngôn ngữ thô lỗ mà đối xử với người, hoặc họ đã sử dụng ngôn ngữ  có tính cách ngoại giao để dối gạt người, chính những sử dụng này đã phí phạm và phá sản ngôn ngữ, khiến cho dòng nhân duyên phát sinh ngôn ngữ nơi chính họ bị tắc nghẽn.

Và người điếc cũng vậy, có thể là những người đã từng không chịu lắng nghe những lời nói chân thực, tốt đẹp từ người khác, họ đã bị phạm phải sai lầm vào những cái nghe, khiến cho dòng nhân duyên phát sinh thính giác nơi họ bị nghẽn tắc.

Bởi vậy, nói và nghe là một trong những dòng nhân duyên phước báo căn bản để làm người, mà ngôn ngữ và âm thanh chân thực là những biểu hiện sống động của phước báo ấy.

Nên, người nào nói dối là người ấy làm cho dòng nhân duyên ngôn ngữ của họ bị thương tổn và là người suốt đời phản bội nhân cách của chính họ.

Câm và điếc đến với chúng ta không phải là một hình phạt từ trên trời cao, hay từ một vị thần thánh nào, mà từ hành động cố chấp không biết lắng nghe và từ những hành động phá sản ngôn ngữ của chúng ta.

Vậy, ta phải biết thực tập hạnh lắng nghe và nói lời chân thực là ta biết tôn trọng những giá trị thẳm sâu của ngôn ngữ và biết trân quý một trong những phước báo lớn nhất của ta và của thế giới chúng ta.

Và con người chỉ là người khi nào họ biết nói sự thực cho nhau nghe; và nếu không nói lên được sự thực cho nhau nghe, thì con người càng nói là ngôn ngữ và nhân cách của họ càng bị phá sản, hay càng nói là họ càng đưa nhau đi vào thế giới của hai người câm và điếc.■

 

Nguồn: Tập San Pháp Luân 37


Các tin đã đăng:
Về đầu trang