Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Buồn vì rác !
Chân Quang
03/12/2011 09:55 (GMT+7)


Miếng bánh miếng kẹo bây giờ cũng phải tốn cả một túi nhựa cao cấp làm bao bì. Vài tiếng đồng hồ sau khi ăn, miếng bánh kẹo đó đã được tiêu hóa hết, nhưng mảnh bao bì ny lông sẽ tồn tại 500 năm, lâu hơn cả đời sống của người ăn miếng bánh đó. Cứ cái đà này, vài trăm năm nữa, rác sẽ là sự hiện diện chính của hành tinh này.

Rất nhiều món hàng hóa bán ra trên thị trường mà phần bao bì không sử dụng lại mắc tiền hơn sản phẩm được gói bên trong để sử dụng. Số tiền ta trả cho món hàng đó hết hai phần ba là tiền trả cho phần bao bì.
 
Rất nhiều món hàng mà nguyên liệu để chế tạo bao bì lại quý giá hơn cái phần sản phẩm chính gói bên trong. Người ta phải khoan xuống biển sâu để tìm nguyên liệu; người ta phải đào tung cả đất, chặt bỏ cây cối, phá hết thảm xanh thực vật, để tìm nguyên liệu; người ta phải tốn đất trồng cây để trích lấy nguyên liệu làm bao bì… Nhưng sau khi xé bao bì ra để lấy sản phẩm chính mà dùng, người ta lập tức vất bỏ bao bì như một thứ rác rưởi đáng khinh. Cái suy nghĩ sai lầm này vừa là ngu dốt, vừa là không đạo đức, vừa là tội ác.
 
Bây giờ con người bắt đầu ý thức việc phải tái chế lại những thứ rác có thể tái chế được, nhưng ý thức về việc tái chế còn quá ít trong toàn thể loài người. Vài gia đình biết phân loại rác, nhưng dịch vụ thu gom rác thì không có phương tiệc chuyên chở rác riêng từng loại, và cũng chưa có các cơ sở tái chế mạnh mẽ nhận lấy rác các loại để tái chế.
 
Hoặc ngay trong gia đình chẳng thiết gì đến việc tái chế, chỉ bỏ rác chung một thùng cho gọn, không vứt bừa bãi đã là tử tế lắm rồi. Rác nhựa, ny lông, trộn lẫn với rác phân hủy ướt sủng bốc mùi, gây khó khăn rất nhiều cho việc tái chế. Việc rửa sạch rác để tái chế lại gây ra ô nhiễm nặng nề cho khu vực xử lý tái chế rác thải. Vài khu công nghiệp từ chối hãng xưởng hoạt động tái chế kiểu này vì ô nhiễm nước thải chung cho khu công nghiệp, khiến cho nước thải của khi không đạt tiêu chuẩn quy định của quốc gia.
 
Hầu hết bao bì được in màu đẹp để giới thiệu sản phẩm, in bởi các loại mực in hóa học phức tạp, càng gây khó khăn bội phần cho việc tái chế. Hóa chất mực in lẫn với nguyên vật liệu khi nghiền  để tái chế, và khiến cho thành phẩm mất các tính năng lý hóa cần thiết để sử dụng trở lại. Vật tái chế vì thế không có giá trị cao khi cung cấp cho thị trường, nên đã không khuyến khích hoạt động đầu tư tái chế.
 
Các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm thì gần như phủi tay hết trách nhiệm khi đã giao hàng và lấy tiền, không bận tâm đến việc tái chế các bao bì và sản phẩm khi đã hết sử dụng. Chính sách hậu mãi bảo hành sản phẩm chỉ là giúp khách hàng sử dụng món hàng bền lâu hơn, chứ không quan tâm đến việc món hàng khi đã hết được sử dụng.
 
Người sử dụng thì xem món hàng là rác khi không dùng nữa. Ở giai đoạn ban đầu, người ta quý hóa nâng niu từng chút nguyên vật liệu tìm được để chế tạo sản phẩm. Sản phẩm được chế tạo xong rồi thì được quý hóa nâng niu để trưng bày mua bán. Khách hàng mua về thì quý hóa nâng niu khi đang còn sử dụng. Nhưng chỉ cần hết sử dụng thì lập tức món hàng đó trở thành rác, loại đáng khinh. Chưa có loài vật nào tráo trở như con người.
 
Chính sách kinh tế thị trường của thế giới hiện nay thì xem việc tiêu thụ mua sắm là động cơ của sự phát triển kinh tế, càng mua nhiều càng giúp các công ty hãng xưởng ăn nên làm ra. Các đường lối, sách lược, đều thúc đẩy con người mua sắm tiêu thụ. Khi có nhiều khách hàng, các nhà sản xuất dồn sức khai thác tài nguyên Trái đất để tìm lấy nguyên vật liệu.
 
Những nguyên vật liệu quý giá đó như kim loại, nhựa, gỗ, khoáng chất hiếm, dầu mỏ… ban đầu là vật liệu tự nhiên của môi trường, sau khi được sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng, và cuối cùng là vất bỏ thành rác thải. Tiến trình đó đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng để cho các quốc gia có được cái gọi là phát triển kinh tế, tăng cao GDP, nâng cao đời sống người dân, chen lên vị trí cường quốc…
 
Với tốc độ đó thì con người đang chế biến toàn bộ Trái đất này thành rác chẳng bao lâu. Trái đất đang dần dần biến thành Trái rác. Con người sẽ phải ở trên Trái rác đó, ở trên đống rác đó, do khuynh hướng muốn giàu có hưởng thụ tiện nghi của mình.
 
Con người phải quay đầu lại để thấy bờ, như cách nói của đạo Phật, biết được lối sống sai lầm của mình đang phá hủy tài nguyên môi trường của Trái đất, đang làm ô nhiễm không khí, nguồn nước, và mặt đất. Con người phải cầm mảnh rác lên và hiểu rằng nó là điều quý giá của hành tinh này. Một miếng giấy, một miếng nhựa, một mảnh gỗ, một que sắt, một miếng thủy tinh, một mảnh vải, một vỏ chuối, chút nước thải… đều là tài sản quý giá của hành tinh, không ai được quyền xem thường khinh rẻ.
 
Con người phải sử dụng lại tất cả những thứ đó như là điều thân thiết của mình, để không điên cuồng đào bới tàn phá tìm kiếm nguyên vật liệu khác của Trái đất nữa. Tái Chế, bây giờ là mệnh lệnh của lương tâm, mệnh lệnh của đạo đức, mệnh lệnh của Trí tuệ. Ai không hiểu sâu về vấn đề Tái Chế, người đó thiếu tư cách làm người, lời nói này không cường điệu quá đáng. Ai không tham gia vào tiến trình Tái Chế, người đó là kẻ thiếu trách nhiệm với hành tinh, nếu nói nặng hơn, đó là kẻ tàn ác.
 
Tái Chế, phải là quyết tâm của toàn thể nhân loại. Tái Chế, phải trở thành luật pháp nghiêm minh. Tái Chế, phải trở thành niềm tự hào hạnh phúc của loài người.
Ý thức về việc Tái Chế phải được đưa vào chương trình giáo dục. Mỗi lớp sẽ hiểu về quy trình Tái Chế khác nhau, càng lên cao thì kỹ thuật tái chế càng  phức tạp hơn, đối với các vật dụng đã được chế biến tinh xảo hơn.
 
Cấp một hiểu việc Tái Chế đối với các bao bì đơn giản. Cấp hai hiểu việc Tái Chế với các sản phẩm máy móc cơ khí phức tạp. Cấp ba hiểu việc Tái Chế đối với các sản phẩm điện tử tinh vi, các con chip nano cực kỳ cao cấp, vân vân…
 
Cùng một lúc Nhà nước phải ra bộ luật Tái Chế cho cả nhà sản xuất phân phối sản phẩm và các hộ tiêu dùng sản phẩm.
 
Nhà sản xuất phân phối sản phẩm phải có biện pháp gắn bó với người tiêu dùng để thu hồi bao bì  và sản phẩm khi hết được sử dụng, để đem vế tái chế. Nhà sản xuất phân phối có chính sách ưu đãi cho những ai giữ gìn bao bì sản phẩm thật tốt để hoàn trả lại cho nơi cung cấp. Nhà sản xuất phân  phối phải giải trình được biện pháp thu hồi tái chế này thì Nhà nước mới cấp phép cho hoạt động.
 
Ban đầu điều này có vẻ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng chẳng bao lâu, nhà kinh doanh sẽ được phần thưởng rất lớn từ việc thu hồi tái chế này.
Luật cũng sẽ bắt buộc các hộ tiêu dùng phải giữ gìn kỹ lưỡng các bao bì và các sản phẩm khi hết sử dụng, cũng như các loại rác thải khác. Cấm tuyệt không cho làm ướt, làm bẩn, các loại rác bằng giấy, nhựa, kim loại… để khi tái chế không phải tốn nhiều nước rửa. Các loại rác có thể phân hủy thì được dùng để làm dưỡng chất cho đất nông nghiệp trồng trọt, và có quy trình thu hồi chế biến riêng.
 
Hiện nay một số nhà máy chế biến rác đã ép rác thành gạch xây nhà, đây là cách xử lý rác nông cạn, biếng nhác, và phí phạm. Rác phải được chế biến trở lại thành nguyên vật liệu ban đầu. Do đó, khi các kỹ sư chế tạo sản phẩm, họ đã phải tính đến việc tái chế tất cả sản phẩm của họ.
 
Họ sẽ tạo nên các sản phẩm sao cho khi thu hồi tái chế cực kỳ dễ dàng. Hiện nay các kỹ sư chỉ thiết kế chế tạo sản phẩm sao cho bán chạy mà thôi. Vì thế, việc thu hồi tái chế sản phẩm rất khó khăn tốn kém. Nếu Luật Tái Chế ra đời có hiệu lực, chính các kỹ sư sẽ phải có trách nhiệm hơn, tính toán kỹ hơn, để giúp việc thu hồi tái chế dễ dàng đơn giản, ít tốn kém nhất.
 
Để có thể có những sản phẩm dễ thu hồi và tái chế, chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải đón nhận các loại bao bì không sặc sỡ đẹp mắt như trước kia, vì giảm thiểu mực in hóa chất. Nhưng đó là dấu hiệu của văn minh tiến bộ.
 
Ta đừng nghĩ một hành tinh văn minh tiến bộ là hành tinh có đầy nhà chọc trời, đầy máy móc tinh xảo. Không, hành tinh văn minh tiến bộ là hành tinh không có rác, các sản phẩm không sặc sỡ giả tạo, mọi thứ đều bình dị thiên nhiên, rừng cây tràn ngập. Ngày nào được tiếp xúc với người ngoài hành tinh ta sẽ thấy điều đó. Họ không cho phép vất bỏ bất cứ thứ gì thành rác thải. Mọi thứ trên đời đều đáng yêu đáng quý.
 
Vấn đề bây giờ là ta có quyết tâm tạo nên bộ luật Tái Chế đó để đưa nền văn minh Trái đất cao hơn không, hay là tiếp tục nhút nhát, chờ đợi, để nhìn Trái đất suy tàn, rồi Trái đất nổi giận.
 
Chừng ấy sóng thần, chừng ấy bão tố, chừng ấy động đất, chừng ấy dịch bệnh, chừng ấy chiến tranh… dường như chưa đủ để cảnh tỉnh con người. Không lẽ con người đợi đến khi tận thế thực sự rồi mới ôm nhau khóc, nói với nhau rằng, giá mà chúng ta sống tốt hơn từ trước, rồi tất cả biến mất…
 
Xin hãy góp một bàn tay, một tiếng nói, để bảo vệ hành tinh này. Xin hãy nói với gia đình mình về Rác; xin hãy nói với bạn bè mình về việc Tái Chế; xin hãy nói với mọi người về việc bảo vệ môi trường sống cho mai sau. Xin hãy cúi xuống nhặt miếng rác lên, giũ sạch bụi, xếp lại, bỏ vào túi, đem về cất một chỗ chờ giao cho cơ sở Tái Chế.
 
Xin bớt hát về tình yêu nam nữ nữa, mà hãy hát về tình yêu quê hương, tình yêu nhân loại, tình yêu sự Tái Chế, tình yêu những mảnh rác mà vô tình từ lâu ta đã xem thường.
 
Khi gặp nhau bây giờ chẳng cần hỏi khỏe không, ăn cơm chưa, công việc thế nào, mà hãy hỏi nhau có thu được gì để Tái Chế không. Tái Chế, đó là tình yêu và niềm vui của loài người tiến bộ khôn ngoan đạo đức.
 

http://www.phattuvietnam.net/5/27/17271.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang