Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Buổi thuyết trình: “”
Tạ Ân Phúc
12/06/2011 18:12 (GMT+7)

Ngày nay, để thực hiện chữ "tâm" trong kinh doanh, hay còn gọi là đạo đức trong kinh doanh, các doanh nghiệp không những phải đưa ra các chiến lược cạnh tranh lành mạnh, mà còn cần xem xét ngành nghề kinh doanh đó có lợi cho xã hội, cho đất nước, có gây thiệt hại cho môi trường sống hôm nay và mai sau hay không. Đã có biết bao cảnh báo về môi trường, mà hậu quả là lũ lụt, là những dòng sông “chết” vì chất thải công nghiệp cùng những hệ lụy khác. Đã có biết bao cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm mà hậu quả là những ca ngộ độc thức ăn và sâu xa hơn nữa là bệnh tật ngày càng gia tăng...

Nhằm trang bị những nền tảng đạo đức cho người trẻ có chí hướng muốn bước vào môi trường kinh doanh trong tương lai, vào chiều thứ Bảy, ngày 04/06/2011, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã mời Đại đức Tiến sĩ Thích Quang Thạnh - Chánh thư ký Ban Phật giáo Quốc tế TW, Phó tổng thư ký viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM - trình bày đề tài: "Chữ Tâm trong Kinh Doanh" để họ đạt được những ước mơ của mình với đầy đủ những giá trị 'Tài, Đức và Trí' khi thực hiện công việc kinh doanh của mình.

Khởi đầu bài thuyết giảng của mình, Đại Đức cho hay để áp dụng chữ tâm trong kinh doanh thì cần phải biết được ý nghĩa, khái niệm của “tâm”, thầy đặt ra các câu hỏi: “Tâm là gì?” và thăm dò quan điểm và cách hiểu của cử tọa về tâm. Một chị cho hay tâm là chuẩn mực đạo đức như công bằng, lẽ phải. Một anh thì cho rằng tâm là một chuẩn mực đúng đắn, hợp đạo lý trong cuộc sống để con người dựa vào đó làm bất cứ điều gì trong xã hội. Một bác lớn tuổi quan niệm tâm là con người hướng thiện, làm điều tốt, làm điều lành. Và cuối cùng một bác khác cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện”, chữ thiện chính là tâm.

Sau khi tham khảo ý kiến cử tọa, thầy cho hay nếu tâm là mực thước, chuẩn mực về đạo đức, về lẽ phải, vậy thì ai đưa ra chuẩn mực đó? Con người tự đưa ra chuẩn mực và làm theo đạo đức con người, theo quan điểm của con người suy nghĩ, điều này cần phải xem lại liệu có hợp lý hay không khi nói về tâm. Chữ tâm có nhiều quan điểm, có thể là quan điểm của Công Giáo, Phật Giáo, hoặc là quan điểm chung của cộng đồng xã hội.

Theo chữ Hán, tâm là tim, đó chỉ là hình thức vật chất, đó không phải là ý nghĩa của đạo Phật muốn nói đến. Theo quan điểm Duy Thức Học của Phật giáo, chữ “tâm” thực sự thì không sinh, không diệt, hằng hữu không bao giờ bị hủy diệt. Nếu tâm có hình dạng, tướng mạo thì tâm đó là vọng tâm, là cái tâm thay đổi theo ngoại cảnh chứ không phải chân tâm, vốn là cái tâm chân thực, cởi bỏ mọi vọng tưởng, phiền não, trở về với bản tính thật có của con người là thanh tịnh, sáng suốt. Muốn có được chân tâm thì phải tu, nghĩa là tìm về bên trong của chính mình. Trong trạng thái bình thường của con người, đôi khi chúng ta cảm thấy tâm hồn rất thanh thản, nhẹ nhàng, thoải mái, không ảnh hưởng bởi thế sự, không tính toán, không suy nghĩ, tâm hồn đang tận hưởng giây phút an bình, đó là lúc chân tâm tỏ lộ.

Phật giáo quan niệm có 8 loại hình tướng của tâm gọi là thức, thức là sự phân biệt, phân tích, phân loại và nhận biết đối tượng. Tám thức này bao gồm năm thức giác quan (tiền ngũ thức): nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức; ý thức; mạt na thức và a lại da thức.

Năm thức đầu tiên, tiền ngũ thức, ứng với 5 giác quan của của con người, là bóng dáng của tâm, thường không bền vững gọi là vọng thức. Tùy theo giác quan nào nhận thức mà thức ấy được xác định cụ thể. Từ thức thứ nhất đến thức thứ bảy gọi là vọng tâm, chỉ có thức thứ tám, a lại da, là chân tâm.

- Nhãn thức: Mắt tiếp xúc với đối tượng, nhận thức được đối tượng thì nhãn thức mới sinh ra, mắt không có đối tượng thì nhãn thức không sinh ra.

- Nhĩ thức: Lỗ tai nghe được âm thanh: tiếng sáo, tiếng nhạc, tiếng nói, tiếng la hét, tiếng cầu kinh… Âm thanh là đối tượng để lỗ tai nhận ra các loại tiếng khác nhau, từ đó cho nhĩ thức sinh ra, nếu không gian trầm lắng thì không có sự nhận thức của lỗ tai.

- Tỷ thức: Lỗ mũi ngưởi các loại mùi, mùi là đối tượng làm phát sinh tỷ thức.

- Thiệt thức: Lưỡi tiếp xúc với các vị khác nhau: ngọt, mặn, cay, đắng, nồng… Lưỡi cảm nhận được vị làm thiệt thức nảy sinh.

- Thân thức: Thân tiếp xúc với sự vật như nằm nệm, nằm ở nền đất, đứng, ngồi, quỳ, tùy theo đối tượng thân tiếp xúc mềm mại hay sần sùi thô ráp, hoặc điều kiện thời tiết nóng hay lạnh… sẽ tạo cảm giác thoải mái hay khó chịu cho thân, từ đó thân thức nảy sinh.

- Thức thứ sáu gọi là ý thức là tất cả tư duy, suy tính, nhận thức được con người sử dụng trong mọi hoạt động của mình.

Người ta thường sống trong 5 thức đầu tiên và thức thức sáu là ý thức để phân biệt, nhận thức sự vật, đôi lúc bản thân mình cho là thật nhưng có khi là giả, đôi khi thấy sự việc trước mắt theo mình là người ta sai nhưng chưa chắc, cần phải cân nhắc để biết đúng sai. Chẳng hạn có một cái đồng hồ, mắt phân biệt là có, có thì giữ, khi mất thì tiếc. Khi nhìn thấy sự vật như thế là giả có, không phải thật có, khi các yếu tố kết hợp với nhau thì mới là cái đồng hồ, nhưng khi tháo rời các bộ phận ra thì không còn là hình dạng đồng hồ nữa. Một ví dụ nữa, chẳng hạn thấy đôi trai gái trong tiệm cà phê, đôi lúc lại nghĩ là đôi tình nhân nhưng biết đâu là đối tác trò chuyện làm ăn.

- Mạt na là thức chấp ngã, là bản ngã, cái tôi của con người. Chính vì con người nô lệ cho cái tôi, nên ai động chạm đến mình thì mình bảo vệ, ai nói oan cho mình thì giải thích để minh oan. Người ta sống thường lệ thuộc vào lời khen chê, vì thế cái ngã làm khổ con người.

- A lại da chính là chân tâm, là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, chứa tất cả 7 thức. Sự nhận thức của con tùy theo đối tượng mà các thức phát sinh, chứ không dựa vào tâm thật sự. Chân tâm chỉ xuất hiện đối với những người có quá trình tu, sống bằng sự thanh tịnh vốn có của nó.

Khoa học giải thích được những gì có hình dạng, dung mạo nhưng tôn giáo giải thích cả những gì không có hình tướng. Khoa học không đi vào tâm linh được, nên đôi khi không chứng minh được những điều tích cực của chiều kích tâm linh.

Nói đến “Chữ Tâm trong Kinh Doanh” phải hiểu rằng “thương trường là chiến trường”, không đấu tranh thì ngã gục nhưng đấu tranh thế nào cho phù hợp với luân thường đạo lý, tôn ti trật tự đạo đức là vấn đề cần đề cập. Giáo lý nhà Phật quan niệm chữ tâm, nghĩa là chân tâm chỉ xuất hiện cho những người đã có qua trình tu, nên mặc đề cập đến chữ “tâm” trong kinh doanh, nhưng thật sự là tạm dùng những nguyên tắc đạo đức của con người qua 7 thức vọng dựa trên nền tảng chân tâm để xử lý tình huống trong kinh doanh.

Những nguyên tắc đạo đức này có hợp lý cho kinh doanh hay không cũng cần được sử dụng uyển chuyển, không cứng nhắc theo khuôn phép nhưng cũng không vì thế mà buông lỏng, không cần đến. Nếu chỉ chăm chú đến nguyên tắc thì không thể làm kinh doanh, nhưng đó là những nền tảng để đi vào kinh doanh, người trẻ cần biết những nền tảng đạo đức này để biết cách bước vào thương trường phù hợp với luân thường đạo lý làm người.

Một người muốn ra làm kinh doanh cũng cần có điều kiện đối với bản thân là phải biết có khả năng hay không, bên cạnh đó cần dựa vào trí chứ không phải dựa vào cảm xúc để xác định lĩnh vực kinh doanh. Kinh doanh không thể chỉ dựa vào sở thích vì nó dựa vào cảm xúc mà không dựa vào sự suy xét sáng suốt.

Tu dưỡng tâm để phát triển trí tuệ: Muốn làm kinh doanh, nền tảng đầu tiên là cá nhân người trẻ cần phải có quá trình tu dưỡng đạo đức nhân tâm cho chính mình. Đối với nhà Phật là tu dưỡng giới định tuệ, đối với người Công Giáo là giữ những điều răn của Chúa, để làm sao dần đạt đến mức độ bản chất của tâm, để có được nền tảng đạo đức thật sự.

Nếu kinh doanh mà chỉ dùng kiến thức, không có sự tu dưỡng đạo đức, chỉ biết dùng tính tham lam, mưu cầu tiền tài danh lợi thì sẽ rơi vào hoàn cảnh mạnh hiếp yếu lẫn nhau, đấu đá lẫn nhau.

Cần xác định và chọn lựa công việc kinh doanh bằng cách dùng tâm hồn sáng suốt để chọn ngành nghề và địa điểm kinh doanh phù hợp với đối tượng cần kinh doanh.

Để thực hiện chữ “TÂM” trong kinh doanh phải có trách nhiệm để biết được hậu quả của công việc, lợi ích cá nhân và cộng đồng. Làm kinh doanh là để kiếm tiền nhưng cần xem xét ngành kinh doanh đó có lợi cho mình và xã hội hay không, có gây hại cho môi trường sống hay không. Chẳng hạn vụ việc công ty Vedan tuy có lợi ích về mặt nào đó cho con người, nhưng cách xử lý chất thải của công ty đã phá hoại môi trường trầm trọng.

Một số người khi kinh doanh không có “tâm”, chỉ biết làm sao kiếm được tiền là trên hết, họ đã bị lòng tham chi phối trong kinh doanh, bên cạnh đó, một số lãnh đạo chính quyền sống bằng những đồng tiền hối hộ đã làm cho môi trường kinh doanh méo mó. Bất cứ ai dù làm kinh doanh hay làm bất cứ công việc gì mà không tôn trọng đạo đức con người, không mang lại lợi ích cho mình và người khác thì sớm muộn gì cũng mang rắc rối cho con người và xã hội. Tuy nhiên, những người làm sai về kinh doanh, kinh doanh không đúng đắn như vụ việc Vinashin (theo kết luận thanh tra, hiện nợ hơn 96.000 tỷ đồng) phải được xem như là bài học cho giới trẻ ngăn ngừa bản thân, đừng chê bai họ, đừng xem thường họ. Khi tôn trọng họ, thì bản thân mới học được bài học của họ để mình không vấp phải.

Về tư tưởng trong kinh doanh: Làm kinh doanh là đấu tranh để sinh tồn, nhưng cần chiến đấu và đấu tranh công bằng, dùng tài trí, chiến lược chứ không phải bằng thủ đoạn, cần nhớ rằng nhân nào quả đó. Cần tôn trọng đối thủ kinh doanh, đừng bao giờ hãm hại người khác để đánh bại đối thủ trên thương trường. Tôn trọng người khác là đấu tranh trên thương trường bằng sự công bằng.

Về đạo đức trong kinh doanh: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó” nhưng không phải là không làm được. Ngược lại, “có tài mà không có đức thì vô dụng”, nghĩa là đường kinh doanh sẽ không lâu dài. Cần dựa vào các nguyên tắc đạo đức để kinh doanh, đừng nương theo lòng tham và dùng thủ đoạn để triệt tiêu người khác, mình cũng sẽ không bền, vì nếu hại người thì một ngày nào đó cũng sẽ có người khác hại mình. Theo thuật xã giao, nếu muốn người khác cư xử tốt với mình thì trước tiên phải cư xử tốt với người khác. Có tài mà có đức thì con đường kinh doanh sẽ gặp thuận nhiều hơn là gặp nghịch cảnh, nếu có gặp nghịch cảnh thì nhờ tư cách đạo đức của mình sẽ có nhiều người giúp vượt qua khó khăn.

Về mặt ứng xử, người lãnh đạo trong kinh doanh phải biết lắng nghe, nghĩa là học tập mọi đối tượng, mọi lứa tuổi vì mỗi con người có kho tàng quý báu mà người lãnh đạo cần học tập. Người kinh doanh cần chiến thắng nhân tâm nơi những người cùng cộng tác, cùng làm việc cho mình bằng cách tôn trọng họ, biết bảo vệ họ, biết cách làm cho họ có cái quyền trong vị trí của mình, biết lắng nghe ý kiến của họ. Cư xử cũng là một dạng của đạo đức người làm kinh doanh, tùy đối tượng mà ứng xử.

Với bài thuyết trình của mình, Đại Đức hy vọng rằng những người trẻ khi bước vào đường kinh doanh sẽ thành công hơn những người đi trước dựa trên nguyên tắc đạo đức và chiến thuật của một người có trí tuệ. Thầy chúc các bạn trẻ khi kinh doanh sẽ thuận buồm xuôi gió, chớ thấy sóng gió mà ngã tay chèo, làm gì cũng thanh thản, bình tĩnh thì tất cả mọi việc sẽ qua thôi. Vui buồn, thành công hay thất bại là làn sóng của cuộc đời, nên cần bình tĩnh để giải quyết mọi thứ trong cuộc sống.

“Vân khứ vân lai thiên bổn tịnh

Hoa khai hoa lạc thọ hà can”.

Mây có đến hay mây có đi bầu trời vẫn thanh tịnh. Hoa có nở hay hoa có tàn thì cái cây không có liên quan. Nói như thế không phải để sống trong cuộc đời lại vô tri, vô giác, vô cảm xúc, mà là để nhận thức rõ được bản chất của cuộc sống là như thế, đến rồi lại đi. Trên thương trường đừng để lay động bởi lời hay, tiếng ngọt, lời mặn nồng, đắng cay chua chát của thiên hạ mà chỉ lắng nghe và soi lại bản thân mình. Làm chủ bản thân, sống trong cái tĩnh, cái trầm lắng của chân tâm, tâm hồn thanh tịnh thì tâm sáng suốt, sẽ giải quyết được mọi việc một cách thỏa đáng.

Nguồn: vietcatholic.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang