Câu chuyện xảy ra ở chùa Long Thiền, hay còn gọi chùa Cây Thị, ở thôn Xuân Hoà, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Bí ẩn ngôi chùa 200 năm vẫn chưa rõ nguồn gốc
Sư trụ trì của chùa, bà Thích Nữ Hạnh
Châu hồi ức quá khứ, sau thời gian dài xuất gia tu hành ở nhiều nơi khác
nhau, cách đây chừng 16 năm, bà cùng người chị em song sinh và hai chú
tiểu dắt nhau về tiếp quản ngôi chùa Cây Thị.
Đến nay, ngôi cổ tự vẫn ẩn chứa nhiều
bí ẩn như: Chưa biết ai là vị tổ lập chùa? Chùa được xây dựng từ năm
nào? Ước tính đến nay, Long Thiền Tự ít nhất đã trên 200 năm tuổi. Tương
truyền, ngày xưa cạnh chùa mọc lên cây thị đại thụ, vòng thân to đến
bảy người ôm không xuể. Đứng cách xa hơn chục cây số vẫn thấy rõ tán cây
nên dân làng đặt thêm tên gọi chùa Cây Thị. Vào những năm chiến tranh
chống Mĩ ác liệt, cổ thụ bị bom đạn dội phá đã chết dần chết mòn, giờ
chỉ tồn tại trong kí ức.
Sư cô Thích Nữ Hạnh Châu kể, ngày về
tiếp quản chùa, gần như cổ tự xuống cấp xập xệ. Ngôi chùa nhỏ, dột nước
khắp nơi chẳng khác nào căn nhà cấp bốn lâu ngày bỏ hoang. Ngày trước
xung quanh chùa chẳng có ai dám dựng nhà sinh sống, mới 4h chiều đã
chẳng ai dám đi ngang đoạn đường băng qua nghĩa địa.
Đàn rắn lục nghe tiếng tụng kinh lại quăng mình xuống nền chính điện
Thế nhưng điều khiến chị em vị sư cô
ớn lạnh, ám ảnh nhất là ngôi chùa quá nhiều rắn cư trú. Bấy giờ xung
quanh chùa đâu đâu cũng gặp rắn. Thậm chí lúc hái rau không chú ý, tay
bốc nhầm đầu rắn là chuyện thường, lúc ngủ rắn còn cuộn cạnh bên
giường.
Lo sợ, ngày ngày hai vị sư cô làm cây
để vợt rắn đem đi nơi khác thả, tích cực phát dọn cỏ cây nhưng: “Đuổi đi
rồi, đàn rắn lại bò về, chúng xuất hiện khắp nơi. Có hôm mở thùng gạo
chuẩn bị nấu cơm đã thấy con rắn cuộn thành cục đen sì nằm lù lù. Nhiều
con to gần bằng hai ngón tay người lớn gộp lại”, vị sư cô khẽ rùng mình
nhớ lại.
|
Chánh điện - nơi đàn rắn thường ngóc đầu nghe kinh |
Chưa hết, hễ mỗi lần mình cùng phật tử
tụng kinh niệm phật, từ nóc chánh điện lại xuất hiện hàng chục con rắn
xanh. Đàn rắn sau hồi lâu ngóc đầu “lắng nghe” kinh phật lại quăng mình
rơi lộp độp xuống nền chánh điện.
“Chúng rơi xuống trúng cả lưng các sư,
bò lổm nhổm xung quanh mấy người đang tụng kinh. Có hôm sợ quá, nhiều
người phải vùng chạy ra ngoài”, vị sư cô kể.
Đàn rắn lục ngóc đầu nghe kinh Phật
đều đặn như cơm bữa. Lạ hơn nữa, chúng không hề tấn công người và có sự
phân bố rõ rệt: Rắn mình xanh ẩn nấp trên nóc chánh điện, xung quanh
vườn chùa là rắn thân đen.
Sự lạ lặp đi lặp lại khiến ai nấy nghĩ
rằng, đàn rắn xanh kia là hoá thân của bậc thiền sư quá cố từng tu hành
ở chùa cổ. Bấy giờ chị em vị sư trụ trì bèn khấn nguyện rằng nếu quả
thật các sư tổ hoá thân vào rắn, xin đừng xuất hiện mỗi khi phật tử tụng
kinh niệm phật nữa.
Bởi nếu tiếp tục xuất hiện sẽ khiến
mọi người sợ hãi, không ai dám tụng kinh tiếp nữa. Quả như lời khấn
nguyện, kể từ sau đó đàn rắn xanh xuất hiện thưa hẳn dù vẫn sinh sống
trên nóc chùa.
Cũng liên quan đến đàn rắn rơi lộp độp
xuống nền chánh điện mỗi khi nghe tiếng kinh, sư cô trụ trì chùa Cây
Thị cho biết: Trước ngày tháo dỡ chùa cũ vào năm 2003, bà lên thắp nhang
nhẩm niệm: “Có thí chủ tốt bụng cúng dường tam bảo xây mới chùa đàng
hoàng hơn. Các Ngài linh thiêng xin tạm lánh nơi khác”.
Không ai có thể lí giải được chuyện dù
mọi hôm đàn rắn xanh xuất hiện như nấm trên nóc chánh điện, nhưng hôm
tháo mái chùa khởi công xây dựng, đám thợ không hề bắt gặp con rắn nào.
Cũng từ khi xây mới, giống rắn sinh sống xung quanh chùa rời đi đâu
không ai rõ.
Có lẽ không ít người sẽ hoài nghi
những lời kể trên nhưng với cư dân địa phương, chuyện rắn nghe kinh,
gieo mình lộp độp xuống nền chánh điện chùa Cây Thị thì ai cũng nhiều
lần tận mắt thấy.
Bà Ngô Thị Năm (77 tuổi), nhà ngay đầu
đường lớn dẫn vào chùa xác nhận: “Ai chẳng biết rắn ở chùa Cây Thị
nhiều vô kể. Thời gian đầu vì sợ rắn cắn, mấy sư cô định bỏ chùa nhưng
dân làng năn nỉ mãi, đêm đêm vào chùa ngủ chung để trấn an mấy sư. Đàn
rắn sống nhiều nhất ở vị trí sau lưng tượng phật ở chánh điện, tôi nhìn
thấy đã ớn lạnh cứng luôn cổ họng”.
Khó lí giải ngôi chùa khoan 9 giếng đều gặp nước mặn
“Trăm sự lạ, ngàn sự lạ”. Đó là những
lời nhận xét của cư dân địa phương về cổ tự Cây Thị. Đơn giản nhất là
câu chuyện nước uống, những người đang tu hành tại chùa Cây Thị hàng
chục năm nay vẫn sử dụng nước nhiễm mặn để sinh hoạt. Sư trụ trì Thích
Nữ Hạnh Châu cho hay từ lúc về tiếp quản chùa, phía sau chánh điện có
giếng đào nhưng nước mặn chát không thể uống được.
Lấy làm lạ, sư cô tìm hiểu những gia
đình xung quanh mới biết mọi nhà đều có giếng đào ở độ sâu tương tự
nhưng nước không bị nhiễm mặn. Nhà chùa có sang xin nhà dân cho khoan
nhờ giếng trên đất của họ nhưng đều bị từ chối bởi quan niệm mất mạch
nước. Không ai giải thích được tại sao cả vùng đất rộng lớn, chỉ có khu
đất chùa Cây Thị toạ lạc toàn mạch nước nhiễm mặn.
|
Sư trụ trì Thích Nữ Hạnh Châu kể về những chuyện khó lí giải tại ngôi chùa |
Đến những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ
kinh phí, sư cô Hạnh Châu thuê nhóm thợ đến chùa khoan giếng. Thêm lần
nữa, ai nấy lắc đầu thở dài bởi tất cả chín vị trí xung quanh chùa đều
cho kết quả nước nhiễm mặn. Ngay vị trí cách giếng đào gia đình cạnh
chùa cách nhau chỉ vài bước chân cũng nhiễm mặn.
“Lần khoan thứ chín, nước trào lên dù
nhiễm mặn nhưng có thể dùng được. Từ đó đến nay, các sư thay phiên gánh
nước ngọt về nấu cơm, đun nước uống. Còn những sinh hoạt khác vẫn dùng
nước lợ”, sư cô Hạnh Châu cho biết.
Sự thật khá thú vị cuối cùng người
viết xin chia sẻ cùng bạn đọc: Hai vị sư cô đứng ra tiếp quản chùa Cây
Thị từ hàng chục năm trước là chị em song sinh. Hai thiếu nữ Nguyễn Thị
Phụng (tức sư cô Thích Nữ Hạnh Châu) và Nguyễn Thị Hoàng (tức sư cô
Thích Nữ Hạnh Ngọc) từ nhỏ vốn mê mẩn kinh phật, thường rủ nhau lên chùa
nghe tiếng kinh.
Năm xấp xỉ tuổi đôi mươi, đôi chị em
Phụng - Châu chắp tay xin bố mẹ được phép xuất gia nhập chùa. Cô em út
của hai sư cô song sinh cũng theo tu tại một ngôi chùa khác ở Bình
Thuận.
“Gia đình có ba chị em gái thì cả ba
đều đi tu cả. Lúc đầu bố mẹ có ngăn cản nhưng bởi ai cũng quyết tâm đành
chiều ý các sư”, sư cô Thích Nữ Hạnh Ngọc mỉm cười trải lòng.
Người dân phường Phong Nẫm “bật mí”,
trước hai vị sư cô, từng có nhiều nhà tu hành về tiếp quản cổ tự Cây
Thị. Nhưng lần lượt, tất cả các vị sư đều xin phép cáo từ bởi nhiều lí
do khác nhau. Chỉ đến khi hai vị sư song sinh về trụ trì, chùa Cây Thị
mới “thay da đổi thịt” trở thành cổ tự lớn nhất vùng như hôm nay.
Dân làng vẫn cho rằng khu đất chùa Cây
Thị vốn là nghĩa địa lâu năm, là đất hội (nơi để những dụng cụ tổ chức
lễ mai táng - NV) nên cực kì “nặng âm khí”. Phải nhờ “vận mạng” lớn, hai
sư cô song sinh mới có thể trụ lại “đất thiêng”.