Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nổ lò phản ứng hạt nhân, lại bàn về tri túc của Phật giáo
Minh Thạnh
25/03/2011 16:51 (GMT+7)

Nguy cơ có thể có thêm lò phản ứng hạt nhân phát nổ đã được nói đến.

Hàng mấy trăm ngàn người đã di tản, trước mức phóng xạ gia tăng vượt mức báo động.

Một tai nạn hạt nhân nếu xảy ra như Chernobyl ở Liên Xô vào giữa thập niên 1980 là điều hết sức kinh hoàng và khủng khiếp hơn nhiều, so với một vụ sóng thần hay động đất. Việc nhiễm xạ có thể gây chết nhiều người, nhưng không phải một lúc, mà cứ kéo dài qua tháng này năm nọ với thiệt hại nhân mạng không thể thống kê được chính xác một lúc.

Vùng đất bị tàn phá vì động đất và sóng thần có thể hồi sinh ngay khi thiên tai đã đi qua. Nhưng vùng đất nhiễm xạ sẽ trở thành một vùng đất chết trong nhiều thập kỷ.

Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân không phải làm cả nước Nhật lo sợ, ngừng hoạt động nhiều nhà máy điện hạt nhân, người dân nhiều nơi chịu sống với ánh đèn cầy, không còn TV, tủ lạnh, máy điều hòa không khí…

Mà những nước chung quanh cũng đều rúng động vì bụi phóng xạ đâu có bị giới hạn bởi đường biên giới quốc tế. Vụ Chernobyl, mây có bụi phóng xạ bay tới Tây Âu và theo mưa rơi xuống.

Nhà máy điện hạt nhân có ở khắp nơi trên thế giới và được lên kế hoạch xây dựng ồ ạt. Chắc chắn, một tai nạn hạt nhân ở Nhật sẽ làm cả thế giới lo lắng, nặng nề với cảm giác đang sống bên cạnh những quả bom nguyên tử, không  biết xảy ra tai nạn khi nào.

Điều này liên hệ gì đến Phật giáo?

Tri túc!

Đó là điều người Phật tử chúng ta nghĩ ngay đến khi thấy người dân Nhật xếp hàng mua nến, rồi dùng những bữa cơm trong ánh sáng leo lét. Chắc họ đang ao ước được dùng 1 bóng đèn mươi watt, 1 TV 14 inch thay vì những ngọn bách đăng, đèn trang trí rực rỡ, TV 50 inch…

Tri túc là như vậy đó, và không tri túc cũng là như vậy đó.

Chữ tri túc của nhà Phật dùng ở đây không chỉ là tri túc đối với điện năng, mà là đối với tất cả mọi thứ.

Riêng điện năng, ở Nhật Bản cũng như nhiều nước trên thế giới, đó là một thứ hàng hóa. Người tiêu dùng càng mua điện nhiều, người bán điện càng có lời.

Nhưng nếu như vậy, thì đơn giản quá đối với chữ tri túc. Hầu như tất cả mọi thứ hàng hóa giờ đây đều làm ra từ điện, kể cả thực phẩm, vải vóc, xe cộ…

Một tôn giáo mới vay mượn một số khái niệm từ Phật giáo (Đạo Thanh Hải), lấy một chút ít khái niệm tri túc ra để vận dụng, khuyên tín đồ, chủ yếu là ở Mỹ, dùng xe lưỡng năng (một phần chạy xăng, một phần chạy điện) coi như là một thứ giáo lý tri túc ứng dụng vào thời đại.

Vận dụng tri túc như vậy thật là nông cạn. Vì xe lưỡng năng cũng nạp điện. Và thói quen đổi xe lên đời cũng buộc phải sản xuất nhiều xe hơn bằng điện năng. Vì vậy, phải xây dựng nhiều nhà máy điện. Nhà máy điện chạy bằng than đá, chạy bằng dầu khí… rồi tới chạy bằng phản ứng hạt nhân.

Và thế là, do không tri túc, nhân loại đã tạo quanh mình những quả bơm nổ chậm, mà hôm nay nó đã nổ ở nước Nhật.

Còn thủy điện gây lũ làm chết người, phá hoại tài sản mùa màng thì chúng ta cũng đã nếm trải. Đó là chưa kể việc làm đảo lộn sinh thái, biến động thủy văn, thay đổi khí hậu.

Tất cả đều do quay lưng lại với lời dạy của đức Phật, coi thường 2 chữ tri túc, cứ thấy trước mắt đều là không đủ, cứ càng xài tới, điện càng thiếu, cúp điện và… xây nhà máy điện hạt nhân.

Để rồi có một ngày một phần người dân phải đốt đèn cầy mà sống và lo gói ghém hành lý tư trang đi tỵ nạn phóng xạ.

Ngồi trong máy lạnh, đi làm bằng xe con, xem TV 50 inch mới hài lòng… thì thấy lời Phật dạy khó mà chấp nhận.

Đến khi kinh hoàng vì tai nạn hạt nhân, đóng cửa hàng loạt nhà máy điện nguyên tử để tạm yên tâm trong vài ngày,  vài tuần, thì có lẽ, ai cũng nghiệm ra lời Phật dạy.

Bây giờ, khi những bản án tử hình vì bệnh ung thư treo lơ lửng trên đầu người dân Nhật vì phóng xạ thì đã là lúc phải nhắc đến lời dạy của Đức Phật về tri túc.

Tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi vô hạn, dù bằng mọi cách, kể cả bóp óc nghĩ ra những giải pháp tiên tiến nhất, thì cũng không thể an tâm, nếu không tri túc.

MT

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang