Dũng và Quỳnh nhận giải I Euréka 2011 - Ảnh: CTV
Trong bối cảnh một số nơi thờ tự bị “bội khói” nhang đặc biệt trong
dịp lễ Tết thì đề tài là một hướng mở để người sử dụng nhang hiện nay có
cách nhìn mới về loại nhang không hại sức khỏe và môi trường. Trong đầu
năm mới, nhóm cho biết tin vui đề tài: “Sản xuất một vài loại nhang
thân thuộc với môi trường” đã đoạt giải I - Giải sinh viên nghiên cứu
khoa học Euréka 2011.
Từ khảo sát thực tế
Hỏi vì sao lại chọn đề tài “cây nhang”, hai bạn cho biết trong những
lần đi chùa chơi, phát hiện nhiều người sử dụng nhang “quá tay” không
chỉ ba cây mà tới một bó. Như vậy nhiều người đến chùa thắp nhang nhiều
sẽ gây ô nhiễm. Tuy rằng, có nhiều chùa đề bảng khuyến cáo chỉ thắp 1
hoặc 3 cây nhưng hình như người đi chùa không hề quan tâm. Đây cũng là
vấn đề thời sự của mỗi mùa lễ Tết nên nhóm rất quan tâm và chọn đề tài
này.
Để thực hiện đề tài nghiên cứu, có cơ sở thực tiễn đi vào sản xuất,
hai bạn Dũng và Quỳnh đã bỏ ra khá nhiều thời gian để đi khảo sát 31
ngôi chùa, 3 ngôi nhà có tang sử dụng nhang tại TP.HCM và gởi phiếu thăm
dò tại 420 hộ gia đình ở 6 quận: 3, 6, 8, Thủ Đức, Gò Vấp và Bình Tân.
Kết quả khảo sát tại 420 hộ gia đình cho thấy, mỗi ngày 420 hộ này đã
sử dụng 3.368 cây nhang, và trong các ngày lễ Tết 420 gia đình đã sử
dụng 78.861 cây/năm. Lượng nhang sử dụng ở các quận có sự chênh lệch,
đặc biệt ở quận 8 có tỷ lệ cao nhất. Kết quả tổng hợp cho thấy đa số
người sử dụng có ý muốn hướng đến cây nhang có mùi thơm chiếm 76,9%;
thân thiện với môi trường: 75, 43%; không có hơi khí độc: 77,6 %; ít
khói bụi: 80,47 %; giá thành thấp: 78,71%; thời gian đốt lâu: 61,43%.
Kết quả khảo sát và thống kê cũng cho biết lượng sử dụng nhang của 31
ngôi chùa, một ngày bình thường sử dụng 34.120 cây nhang, ngày lễ -
rằm: 103.113 cây. Một năm vào ngày thường 11.122.990 cây, các ngày lễ
tết trong năm thắp 3.505.856 cây.
Kết quả cũng cho thấy, đa phần người sử dụng biết đến tác hại của các
loại nhang đang sử dụng và cũng mong muốn có một sản phẩm thân thiện
với môi trường.
Qua khảo sát, thí nghiệm, phân tích thành phần trên mẫu sản phẩm
nhang hiện bán trên thị trường, hai bạn Dũng và Quỳnh đã phát hiện,
ngoài nhang trầm thật có giá thành rất đắt (hơn 300.000 đồng/thẻ) thì
các loại nhang sản xuất trong và ngoài nước khác có hương liệu rất độc
hại, có chất gây ung thư, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Quá trình phân tích cho thấy kết quả độc hại khác nhau, nhưng các
loại nhang trên thị trường đa phần đều có thành phần độc hại, nhất là
các loại nhang có hương liệu, màu vàng óng. Các loại nhang có chất độc
là do sản xuất với nguyên liệu bằng mùn cưa của những loại gỗ có chứa
độc tính và trong quá trình sản xuất người ta nhúng nhang vào hóa chất
để tạo mùi. Tưởng rằng khi nhang cháy thì cho ra mùi thơm nhưng không
phải vậy, nhang thơm là do tẩm hóa chất vào cây nhang, chất thải rắn sau
khi nhang cháy hết cũng rất có hại cho sức khỏe.
Cây Hương Xanh sản xuất thử nghiệm - Ảnh: CTV
Bạn Nguyễn Hàn Dũng cho biết: “Khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khi
trình bày trước Hội đồng chấm thi TP mất hết gần 2 năm. Quá trình nghiên
cứu của nhóm rất gian nan, mất nhiều công sức, phải đi thực tế nhiều
nơi, thăm dò, tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ xin ý kiến, nghiên cứu thực
nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm và tìm tòi nguyên liệu mới thay thế… Cái
khó của nhóm là hiện nay dù người sử dụng biết nhang mình đang dùng có
độc hại nhưng chưa có một nghiên cứu nào chứng minh, phân tích rõ ràng
nên vẫn cứ sử dụng. Khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm cũng không biết dựa
và tài liệu nào, may nhờ thầy hướng dẫn giúp đỡ, rối chỗ nào nhờ thầy
gỡ chỗ đó.”
Đề tài và mẫu sản phẩm nhang mang tên Hương Xanh trước hết được trình
tại Hội đồng khoa, lên Hội đồng trường và sau đó là tham dự giải Euréka
của TP.HCM và đoạt được giải I đề tài nghiên cứu dành cho sinh viên
nghiên cứu khoa học.
… đến sản xuất thực nghiệm
Sau quá trình mày mò nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm nhang qua các
nguyên liệu: bùn, sơ dừa, vỏ trấu, quả óc chó, so sánh độ mịn đẹp về mặt
hình thức, độ cháy lâu, và chất độc hại sau khi đốt… Kết quả cho thấy
nhang dùng nguyên liệu bằng vỏ cây óc chó có độ mịn đẹp, nguyên liệu rẻ,
dễ tìm, cháy tốt, sản xuất nguyên liệu vỏ cây này có thể giảm một lượng
chất thải rắn ra môi trường.
Sau khi cân nhắc kỹ các yếu tố, điều kiện sẵn có, nhóm quyết định
chọn loại nhang làm bằng nguyên liệu vỏ cây óc chó để đưa vào sản xuất.
Loại nhang này có thể có ứng dụng dùng thay thế cho các loại nhang đang
dùng rất cao bởi hiện nay ở nước ta hoàn toàn trồng được loại cây này,
đây là loại cây mà Đông y khuyên dùng hàng ngày. Hiện một số doanh
nghiệp ở Đồng Nai đã dùng vỏ cây óc chó làm chất đốt trong lò hơi,
nguyên liệu rất phong phú. Hai bạn cho biết, đầu vào thì khỏi lo vì đã
bảo đảm, ổn định và giá thành rẻ hơn rất nhiều (chỉ 1.500 đồng/kg so với
bột áo hiện nay có giá 7.000 đồng/kg).
Hiện nay trên thị trường, đa số bột áo để sản xuất nhang làm từ bột
gỗ (mùn cưa) có chất độc hại cao sẽ cho cây nhang có độc hại, gây nguy
hại đến sức khỏe con người về lâu dài. Để giải bài toán khó này, giải
pháp là tìm nguyên liệu tối ưu cho cây nhang sạch. Vỏ óc chó là loại
nguyên liệu đáp ứng các tố cần và tối ưu nhất.
Đồ cắm nhang tự chế cho cây Hương Xanh không chân - Ảnh: CTV
Hai bạn Dũng và Quỳnh cũng đưa ra những tính toán chi tiết cho sản
xuất, so sánh cây nhang mới với cây nhang thường cho thấy mỗi cây nhang
mới tiết kiệm được 5 đồng. Như vậy nếu so sánh lượng nhang được sử dụng ở
31 chùa: 12 triệu cây nhang/năm khi áp dụng sản xuất cây nhang mới sẽ
tiết kiệm được được 60 triệu đồng nếu nhân lên số lượng nhang sử dụng
trong toàn bộ chùa trong thành phố cộng với lượng nhang sử dụng ở nhà
dân thì con số này không nhỏ. Con số nhóm đưa ra rất “khủng” nếu sử dụng
sản phẩm mới đến năm 2020 sẽ tiết kiệm được... 800 tỷ đồng.
Và, nếu 31 ngôi chùa sử dụng nhang mới một năm sẽ giảm 1,02 tấn chất
thải rắn, từ năm 2011 đến 2020 giảm 13.593 tấn và rất nhiều chất gây hại
sức khỏe, đặc biệt khi nhang có sử dụng hương liệu khi cháy sẽ tạo ra
chất Pah (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons) là hợp chất cacbon đa vòng
thơm, là hợp chất ô nhiễm chính có khả năng gây ung thư được thải ra môi
trường. Và nhiều loại thành phần độc hại khác như cacbon, tro bụi,
butadiene, benzen… có thể gây ung thư phổi, phế quản và nhiều bệnh khác
trên đường hô hấp. Bên cạnh đó, khi sử dụng nhang thường cần một khoảng
kinh phí không nhỏ để thu gom và xử lý chúng.
Cây Hương Xanh
Hai bạn Dũng và Quỳnh đặt cây mới là Hương Xanh và tự chế tạo vật cắm
nhang mới cũng là nỗ lực rất lớn của nhóm. Nguyên liệu của Hương Xanh
gồm có bột đá, keo nhang và vỏ cây óc chó. Hương Xanh thân thiện với môi
trường, không mùi, có kích thước nhỏ gọn bằng ½ cây nhang thường. Đặc
biệt, cây nhang này không có chân để giảm tối thiểu nguyên liệu, hóa
chất trong quá trình sản xuất và lượng tro tàn của chân nhang còn lại
sau khi đốt.
|
“Còn
một năm nữa là ra trường, em dự định sẽ phát triển đề tài này làm luận
văn tốt nghiệp để mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất. Ước
mơ của em hiện nay là sau khi tốt nghiệp, nếu có vốn, em sẽ đưa Hương
Xanh vào sản xuất đại trà, chắc là sẽ rất khó khăn nhưng em tự tin Hương
Xanh có đầy đủ yếu tố của một sản phẩm sạch dễ được mọi người chấp
nhận, đặc biệt là những ngôi chùa có sử dụng nhiều lượng nhang hàng
ngày” - Nguyễn Hàn Dũng chia sẻ. |
|
Ưu điểm của Hương Xanh là giá thành rẻ, nguyên liệu sản xuất được
dùng trong thực phẩm không có chất độc hại, lượng chất thải ra như chân
nhang là không có, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất độc gây hại cho
sức khỏe con người và lượng tro thải ra ngoài ít hơn rất nhiều so với
nhang thường.
Do chưa có đủ điều kiện, nhóm làm Hương Xanh sản xuất bằng thủ công
nên cây nhang hiện nay chưa đẹp, qua khảo sát ý kiến người sử dụng rất
tán thành giải pháp thay thế bằng cây nhang chất liệu mới. Tuy vậy, đối
với nhóm, Hương Xanh có thay thế được sự đa dạng và “sức quyến rũ bằng
thị giác và xúc giác” của nhiều loại nhang trên thị trường hiện nay hay
không còn phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, sự thay đổi thói quen, thị
hiếu cũng như ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, mọi người và môi trường
xung quanh.
Và, Hương Xanh có đủ “dũng mãnh” để thay thế hay không còn phải chờ
nhà đầu tư và sự hỗ trợ về truyền thông của chính quyền, các ngành có
liên quan.