Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chữ "Tín" và chữ "Tâm" trong kinh doanh làm ăn
27/10/2013 17:56 (GMT+7)

Bởi có giữ được niềm tin thì mới có cơ hội phát triển thương hiệu, trong trường hợp kinh doanh có lãi, hay mới giữ được các mối quan hệ làm ăn lâu dài, trong trường hợp có thua lỗ nhất thời. Buôn bán lời hay lỗ nhất thời không khiến người ta mất đi cơ hội tạo dựng sự nghiệp thành đạt. Nhưng không có chữ tín, không biết tôn trọng chữ tín thì đừng nuôi hy vọng làm giàu thanh thản và bền vững. Có tín và có tâm thì sẽ có tất cả.
Cơ chế xã hội hiện tại có lắm “cơ hội” cho nhiều người nỗ lực đầu tư làm ăn và tìm cách làm giàu. “Cơ hội” có nhiều thì càng có nhiều thách thức được đặt ra. Đặt ra cho toàn xã hội và cho chính mỗi người. Lớn nhất vẫn là thách thức đạo đức. Làm sao cạnh tranh được với các công ty tập đoàn lớn? Làm sao để kinh doanh có lãi, phát triển thương hiệu, trong khi thị trường tràn ngập hàng gian hàng giả? Giữ chữ tín có lợi gì khi mà thương trường đầy biến động và nạn bội tín?... Có quá nhiều biến thái hư thực khiến lương tâm nghề nghiệp ray rứt; mặt khác, người ta cũng dễ dao động lắm trong không khí một thương trường còn ngổn ngang như thế.  

Rõ ràng, kinh tế thị trường buổi giao thời khó tránh được các biến động lớn về mặt nhân tâm. Tuy vậy, người kinh doanh hiền trí ít thay lòng đổi dạ giữa thương trường biến động và kiên trì gầy dựng thương hiệu của mình bằng chữ tín và chữ tâm. Bởi người hiền trí có sự hiểu biết sâu xa về những biến động nhất thời và có niềm tin vững chắc về nhân quả của việc mình làm. “Làm nghiệp không lỗi lầm hay làm nghề không rắc rối, là điềm lành tối thượng”, người hiền trí hiểu và tin như thế. Vị ấy thấy rõ giá trị và ảnh hưởng sâu xa của chữ tín và chữ tâm trong kinh doanh nên kiên định làm ăn chân chính đúng pháp và tuyệt nhiên không thất tín đối với bất cứ ai.
 

 
Có thể bạn còn phân vân, nhưng đạo Phật lưu ý với mọi người rằng chữ tín và chữ tâm bay rất xa, tác dụng và ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp của người làm kinh doanh, không chỉ trong hiện tại, đời này, mà còn ở tương lai, đời sau. Câu chuyện đàm luận sau đây [1] giữa hai bậc giác ngộ, đề cập về nhân và quả của người làm kinh doanh buôn bán, gợi suy nghĩ cho chúng ta về hệ quả lâu dài của chữ tín và chữ tâm trong kinh doanh làm ăn:

Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, đi đến thất bại?

Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn?

Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn?

Do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, lại được thành tựu ngoài ý muốn?

- Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa hẹn như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, nhưng người ấy không cho như đã hứa. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến chỗ thất bại.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, nhưng người ấy không cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy không đi đến thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, và người ấy cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, và người ấy cho hơn như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu người ấy có buôn bán gì, buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.

Này Sàriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, đi đến thất bại. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, được thành tựu ngoài ý muốn.

 
                                                     


[1] Kinh Buôn bán, Tăng Chi Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Đào

http://phatgiaoaluoi.com/news/Loi-day-Phat/Chu-Tin-va-chu-Tam-trong-kinh-doanh-lam-an-3836/#.Um8JLlOhRdg

Các tin đã đăng:
Về đầu trang