Đáp:
Vấn đề sau khi chết, linh hồn tồn tại hay không tồn tại và linh hồn
người chết sẽ đi về đâu? Đây là một vấn đề rất phức tạp, thật khó chứng
minh. Vấn đề nầy, có nhiều luận giải quan niệm khác nhau, tùy theo quan
niệm giải thích của mỗi Tôn giáo và tùy theo niềm tin của mỗi người. Tuy
nhiên, người Phật tử khi đặt định niềm tin theo một điều gì, chúng ta
cần nên phối kiểm tìm hiểu vấn đề bằng lý trí và qua sự sát nghiệm luận
cứ kỹ càng, chớ không nên nghe đâu tin đó. Nhứt là đối với những người
nói bừa không có một luận cứ vững chắc và không có một niềm tin nào cả.
Tốt hơn hết là chúng ta nên cẩn trọng trong khi nghe người khác nói.
Qua
câu
hỏi trên, nếu phải luận giải cặn kẻ rõ ràng, thì thật là dài dòng. Ở
đây, chúng tôi chỉ dựa theo quan điểm của Phật giáo, mà xin được trình
bày góp ý qua một vài nhận xét thô thiển của chúng tôi, còn vấn đề tin
hay không là tùy ý ở nơi mỗi người.
Bảo rằng, con người sau khi chết
còn có một cái hồn tồn tại và rồi đi đầu thai, chớ không có nghiệp báo
gì hết, theo Phật giáo, thì quan niệm lý giải đó không thể chấp nhận
được. Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất tử. Vì đó là lối
chấp của ngoại đạo.
Ngày xưa, thời Phật, có 2 phái ngoại
đạo nêu ra 2 chủ thuyết: một là « Thường kiến » hai là « Đoạn kiến ».
Phái Thường kiến cho rằng, linh hồn con người mãi mãi là con người, dù
có tạo tội ác đến đâu, chết rồi cũng tái sinh trở lại làm người. Ngược
lại, phái Đoạn kiến thì cho rằng, con người sau khi chết là không có
linh hồn tồn tại đời sau, nghĩa là mất hẳn. Họ chấp như thế, nên Phật
gọi họ là phái Đoạn diệt hay Đoạn kiến. Vì quan niệm và tin như thế, nên
họ tha hồ làm ác, vì không có tội lỗi quả báo ở đời sau. Đây là 2 phái
gây tác hại lớn làm đại loạn trật tự an bình cho xã hội. Hai phái nầy,
theo chủ trương của họ là, không có nhân quả báo ứng. Nhưng chúng ta
đừng quên rằng, nhân quả
là một chân lý phổ biến, tiềm tàng trong mọi sự vật và chi phối tất cả.
Không một loài nào thoát khỏi nhân quả. Do Đức Phật sau khi giác ngộ
chân lý, Ngài nói ra cho chúng ta biết như thế.
Vì căn cứ theo
luật nhân quả mà nhà Phật nêu ra thuyết nghiệp báo. Hễ chúng ta gây tạo
nghiệp nhân gì, sớm hay muộn gì cũng phải có kết quả. Phật giáo không
chấp nhận có một linh hồn bất tử như thế. Vì như thế là rơi vào lối chấp
Thần ngã của ngoại đạo như đã nói ở trên.
Theo Phật giáo, tất
cả đều do nhân duyên sanh. Nghiệp báo cũng từ nhân duyên, nhân quả mà
hình thành. Theo Duyên khởi luận của Phật giáo, trong đó, có nêu ra
thuyết A lại da duyên khởi. Thuyết nầy thuộc Đại thừa Phật giáo.
A lại da là thức thứ 8 sau
thức Mạt na. Thức nầy còn gọi là Tàng thức. Là cái thức trùm chứa tất
cả chủng tử thiện ác. Nói Tàng thức, vì thức nầy có 3 công năng: « năng
tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng ».
Năng tàng là thức nầy có
khả năng hay dung chứa tất cả Pháp. Sở tàng là khả năng để đựng chứa
chủng tử các pháp. Do 2 công năng nầy, nên khi chúng ta gây tạo nghiệp
thiện ác, thì tất cả những hạt giống thiện ác đó đều được huân chứa vào
cái kho Tạng thức nầy. Đến khi đủ nhân duyên, thì những chủng tử ấy phát
khởi hiện hành. Những chủng tử (hạt giống) được cất giữ vào trong kho
nầy gọi đó là nghiệp thức. Chính cái nghiệp thức nầy là chủ động theo
duyên mà tiếp nối thọ sanh đời sau. Nhà Phật gọi đây là tiếp nối vòng
sanh tử luân hồi
trong Lục đạo ( Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh ).
Như vậy, theo thuyết nghiệp cảm duyên khởi và A lại da duyên khởi
của Phật giáo, thì mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của 3 nghiệp: thân,
miệng, ý tạo tác của chúng ta, đều được cất giữ trong cái kho Tạng thức
nầy hết, không sót mất một hạt giống thiện ác nào.
Dụ như một
thửa đất chúng ta gieo nhiều loại hạt giống khác nhau, khi mới gieo
xuống ta không thấy chúng nẩy mầm lên, vì không thấy nên ta tưởng là
chúng bị mất hay không lên, nhưng khi gặp mưa ướt đất, đủ duyên, thì
chúng lại nẩy mầm lên. Khi nẩy mầm lên, thì giống nào nẩy mầm theo giống
nấy. Như hạt cam, hạt ớt, hạt ổi v.v…mỗi
thứ lên khác nhau, chúng không bao giờ lộn lạo. Khi chưa đủ duyên,
chúng nằm yên đó, chớ không mất.
Cũng thế, nếu hiện đời, chúng
ta huân tập nhiều hạt giống lành như niệm Phật, làm lành, làm phước v.v…
vào Tàng thức, thì chính những hạt giống đó nó có công năng dẫn dắt
chúng ta đến cảnh giới lành sanh ra, để tiếp tục hưởng những quả báo tốt
đẹp mà do chúng ta đã gây tạo trong hiện đời nầy. Nhà Phật gọi đó là
nghiệp dẫn. Ngược lại, nếu chúng ta tạo nghiệp ác thì cũng như thế. Nên
nói, tùy nghiệp thọ sanh là vậy. Nên biết, nghiệp là hành động lặp đi
lặp lại nhiều lần thành thói quen. Chính thói quen nầy khi thuần thục,
thì nó có một sức mạnh phi thường để tùy duyên chiêu cảm thọ sanh.
Như
người ghiền cờ bạc, họ
đi kiếm nơi nào có sòng bài, thì họ nhào vô chơi. Người ghiền nhạc, thì
đi tìm phòng nhạc để ca hát v.v… Khi tập thói quen, dĩ nhiên có thói
quen tốt và có thói quen xấu. Thói quen tốt hay thói quen xấu, một khi
đã tiêm nhiểm thành ghiền nặng rồi, thì chính thói quen đó nó dẫn dắt
chúng ta, tùy theo sở thích mà chiêu cảm, Thói quen hay sở thích nào
nặng (cực trọng nghiệp), thì nó có một năng lực rất mạnh để tìm đến môi
trường thích hợp mà thọ sanh, nên gọi là nghiệp cảm. Về điểm nầy, trong
Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn cũng có nói: “Như nhơn phụ trái, cường giả
tiên khiên, tâm tự đa đoan, trọng xứ thiên trụy”. Nghĩa là: Như kẻ mắc
nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó.
Thường
ta nghe trong kinh nói, người khi
chết, thần thức xuất ra. Nói thần thức, chính là cái nghiệp thức A lại
da, nói rõ ra là những chủng tử thiện hoặc ác đã kết thành nghiệp. Và
chính nghiệp thức nầy là đầu mối của việc thọ sanh đời sau đó vậy.
Người
đời vì không biết, nên cho là có một cái linh hồn đi đầu thai. Chữ đầu
thai có nghĩa là có một cái hồn nhẩy vào cái bào thai để thọ thai. Hiểu
như thế, thì không phù hợp với hai thuyết: Nghiệp cảm và A lại da duyên khởi
của Phật giáo như đã nói ở trên. Không phải có một cái linh hồn đi đầu
nầy đầu kia để kiếm đường chui vào một chỗ nào đó. Theo thuyết A lại da
duyên khởi, thì không chấp nhận quan niệm đó. Vì trong thức nầy có đủ
chủng tử hữu lậu và chủng tử vô lậu. Chủng tử hữu lậu là
những hạt giống tùy duyên mà phát sanh ra thiên sai vạn biệt, tức hiện
tượng giới; còn chủng tử vô lậu, đưa đến chỗ giải thoát.
Tóm
lại, người nào đó nói rằng sau khi con người chết, có một cái hồn tồn
tại đi đầu thai và không có nghiệp báo gì hết, thì điều nầy như đã tạm
nêu ra đôi nét giải thích trên, thì quan niệm đó không đúng.
Trong quyển Quy Sơn Cảnh Sách
giảng giải của Thiền Sư Thích Thanh Từ ở trang 77 có đoạn Hòa Thượng
nói: “Người thế gian cho rằng mọi người đều riêng có một linh hồn là cái
tính linh khôn ngoan sáng suốt, mà đã khôn ngoan thì sao lại chịu vào
nơi khổ? Ai cũng nghĩ rằng sau khi chết linh hồn mình sẽ sinh ra làm
người nữa và chấp chặt cho linh hồn đó là mình.
Đạo Phật thì gọi đó là Tâm Thức. Cái tâm thức nầy tùy theo chỗ
huân tập thiện ác mà đến, chứ không cố định. Vì không cố định nên nó
không phải là cái khôn ngoan biết lựa chọn, mà chỉ tùy NGHIỆP dẫn đi trong tam đồ, lục đạo mà thôi.
Tâm thức khác linh hồn ở chỗ đó. Nếu nói chúng ta có linh hồn thì sẽ
tưởng như đó là một tinh thần duy nhất, nếu là duy nhất cố định thì
thiện ác, mãi mãi không thay đổi. Nhưng tâm thức chúng ta luôn luôn biến
chuyển, gần người lành thì hấp thụ điều lành, gần kẻ ác thì hấp thụ
điều ác. Như vậy, tâm thức là một dòng thiện ác sanh diệt, chính dòng
thiện ác đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ lành hay dữ, nghiệp nào
nặng sẽ lôi mình trước, đó là ý Tổ Quy Sơn nói “trọng xứ thiên trụy”.
Như vậy, Phật giáo không chấp nhận có một cái linh hồn trước sau như một và
càng không chấp nhận cái hồn đó đi đầu thai, như người đời lầm tưởng.
Còn bảo rằng không có nghiệp báo gì hết, quan niệm nầy, theo Phật giáo
cho đó là thuộc hạng người Nhứt xiển đề, tức bất tín cụ. Đây là hạng
người họ không có lòng tin nhân quả. Chẳng những không tin mà họ còn bài
bác nhân quả nữa. Hạng người như thế, thật chúng ta khó trao đổi luận
giải với họ được.
Như đã nói, thuyết nghiệp báo là đặt định trên
chiều thời gian nhân quả mà nói. Người nói như thế, thiết nghĩ, họ chưa
tìm hiểu về thuyết nghiệp báo. Và chưa hiểu nghiệp là
gì. Nếu vì chưa hiểu, thì tốt hơn hết là nên tìm hiểu, chớ không nên
nói càn bướng mà chuốc lấy khổ lụy vào thân.
Namo Sakya Muni Buddha