Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những chuyện luân hồi hiện đại
Tỳ kheo Thích Tâm Quang trích dịch
26/01/2013 21:17 (GMT+7)

Bà đã từng đi diễn giảng tại Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Anh, Ái Nhĩ Lan và đã xuất hiện nhiều lần trên các đài vô tuyến truyền thanh truyền hình.

Giáo Sư Carey Williams, người Hoa Kỳ, chuyên dạy Y Tế, phụ trách nhiều lớp giảng dạy về sự sống chết của con người.

Chúng tôi xin trích dịch một vài chuyện trong cuốn Reincarnation, A New Horizon In Science, Religion and Society của hai tác giả do nhà Xuất Bản Julian Press, New York, phát hành năm 1984.

-ooOoo-

-1-

TRƯỜNG HỢP LY KỲ CỦA GEORGE RITCHIE ÐÃ CHẾT RỒI SỐNG LẠI, HIỆN NAY LÀ BÁC SĨ, ÐÃ THẤY NHỮNG GÌ KHI HỒN LÌA KHỎI XÁC.

Tác Giả: Sylvia Cranston và Carey Williams

Trường hợp lạ lùng của bệnh nhân George Ritchie đã chết rồi sống lại (hiện đang là Bác Sĩ Tâm Trí) đã khiến cho các Khoa Học Gia cũng như các nhà Tâm Lý Học đặc biệt chú ý. Bác Sĩ Raymond Moody đã bỏ ra 5 năm để nghiên cứu trường hợp đặc biệt này. Bác Sĩ Raymond Moody vừa là Bác Sĩ vừa là nhà Phân Tâm Học, là tác giả cuốn sách nổi tiéng "Life After Life"với số độc giả cả triệu người đã phổ biến trường hợp của George Ritchie đến thế giới Tây Phương. Cuốn sách do Bác Sĩ Raymond Moody viết để tặng Bác Sĩ George Ritchie, trước đây là một bệnh nhân trong Quân Ðội. Câu chuyện có thật này đã được đưa lên màn ảnh với tựa đề Beyond And Back. Cuốn phim này đã làm chấn động dư luận.

Lúc 20 tuổi, George Ritchie, một sinh viên y khoa với hoài bão trở thành bác sĩ, đã phải gia nhập Quân Ðội. (Sau này George Ritchie đã trở thành vị bác sĩ trẻ tuổi nhất tốt nghiệp tại Ðại Học Ðường Virginia). Khi chiến tranh chấm dứt cũng là lúc George Ritchie tốt nghiệp y khoa. Bác Sĩ George Ritchie là Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Nội Khoa và Ngoại Khoa Richmond, chuyên về tâm trí và đã trở thành Viện Trưởng Viện Tâm Trí của Bệnh Viện Towers ở Charlotsville. Bệnh Viện này đã sát nhập với Ðại Học Ðường Virginia. Hiện nay Bác Sĩ George Ritchie có một phòng mạch riêng tại Richmond và là Chủ Tịch Sáng Lập Viên Ðoàn Thanh Niên Quốc Tế.

Tài liệu này được viết theo trong cuốn "Return From Tomorrow" của Bác Sĩ George Ritchie và trong băng ghi âm của Bác Sĩ có nhiều chi tiết chưa được tiết lộ.

Là một người lính được huấn luyện tại trại Barkeley, Texas, George Ritchie nhận định rõ giá trị của một người lính bộ binh trong Quân Ðội Hiện Ðại với cơ khí hóa tối tân. Vì nhu cầu cần Bác Sĩ để phục vụ cho Quân Ðội nên George Ritchie được tuyển chọn gửi đi huấn luyện tại Ðại Học Ðường Y Khoa Virginia. Nhưng chẳng may trước hôm đi, George Ritchie bị bệnh nặng, hai lá phổi bị sưng, phải vào nhà thương điều trị. Thời đó thuốc Penicilline được coi là phát minh kỳ diệu nhưng cũng không chữa nổi căn bệnh xưng phổi, bệnh tình của George Ritchie rất trầm trọng.

Người phụ trách trông nom khu George Ritchie điều trị đã thấy George Ritchie tắt thở. Ðược báo cáo Bác Sĩ trực đến khám nghiệm, xác nhận George Ritchie đã chết và ra lệnh làm thủ tục đem George Ritchie vào nhà xác. Chính trong khoảng thời gian 9 phút này việc lạ lùng đã xảy ra.

Bác Sĩ Donald G. Francy, Y Sĩ Trưởng của Trại Barkeley gọi trường hợp của George Ritchie sống lại là một trong những sự lạ lùng và ly kỳ nhất chưa từng bao giờ có. Trong một bài đã được kiểm chứng, Bác Sĩ Francy viết như sau:

"Bệnh nhân George Ritchie đã chết hẳn rồi lại sống lại rất mạnh khoẻ là một trường hợp chưa từng có. Ðiều đáng lưu ý là một người bị bệnh tim, khi tim ngưng đập có thể dùng cách này hay cách khác để làm tim đập lại. Nhưng trường hợp của George Ritchie với bệnh sưng phổi, cơ thể đã bị nhiễm độc, các cơ quan trong người đều bị phá hủy thì việc làm cho trái tim đập lại không thể thực hiện được. Hơn nữa, George Ritchie đã chết ít nhất là 9 phút, thì bộ não hư hỏng không thể toàn vẹn được."

Bây giờ là khoảng thời gian sau khi George Ritchie đã được xác nhận là thực sự chết nhưng anh cảm thấy tinh thần tỉnh táo thấy mình như trong một thân xác vật vì khác lạ được chuyển đến một căn phòng nhỏ trong lúc tình trạng trở nên nguy kịch. Lúc này khoảng nửa đêm. Ý nghĩ đầu tiên của anh là phải đi chuyến xe buýt sáng sớm để tới Trường Y Khoa tại Richmond để kịp dự lễ khai giảng khóa mới. Nhưng lạ lùng thay! Quần áo của anh đâu rồi? Anh tìm khắp nơi trong phòng. À! có lẽ ở dưới giường chăng?

"Tôi đi vòng quanh, rồi lạnh cứng. Có người nào đó đang nằm trên giường tôi kìa! Tôi lại gần, đó là một người đàn ông còn trẻ, tóc mầu nâu cắt ngắn, nằm ngay đơ. Nhưng... không thể như thế được! Chính tôi vừa ra khỏi cái giường này mà. Tôi thắc mắc, khó hiểu sự kỳ lạ này. Thật là quá lạ lùng nghĩ đến việc này - nhưng không còn thì giờ nữa!"

Anh phải đi tìm người phụ trách nơi đây để lấy lại quần áo. Ritchie trông thấy một trung sĩ đang đi ngoài hành lang, anh chận lại và yêu cầu ông ta giúp đỡ. Nhưng người này không thấy anh và cũng không nghe thấy anh nói cứ tiếp tục đi thẳng khiến anh phải tránh ra nhường lối cho ông ta đi.

Nóng lòng tới Trường Ðại Học, Ritchie ra khỏi bệnh viện rồi bay theo hướng bắc về Richmond với một tốc độ nhanh chóng. Anh phân vân không biết đi có đúng đường không.

"Một con sông rộng ở dưới tôi. Tôi thấy có một cái cầu dài, cao và tít đằng xa bên kia sông có một hành phố lớn mà tôi chưa bao giờ đến cả. Tôi muốn đáp xuống kiếm người hỏi thăm. Tôi từ từ ngưng lại, ngay dưới tôi có hai con đường chập lại làm một và tôi bị cuốn hút bởi một luồng ánh sáng xanh chiếu ra từ một bảng hiệu gắn đèn nê-ông của một tòa nhà có mái ngói đỏ. Tấm bảng hiệu "Past Blue Ribbon Beer" treo ngay trên cửa sổ và trước nhà bảng hiệu "Cafe" lơ lửng trên cửa ra vào...

Trên con đường nhỏ dẫn vào quán Cafe bán đêm này, có một người đang rảo bước. Tôi bèn xuống đi bên cạnh và hỏi:

"Làm ơn cho tôi biết đây là thành phố nào?"

Ông ta vẫn tiếp tục đi thẳng... Chúng tôi tới quán Cafe.Ông ta xay tay nắm cửa bước vào. Có lẽ Ông ta bị điếc hẳn? Tôi lấy tay trái đập lên vai của Ông ta. Không có gì cả mà hình như tay tôi vừa để vào khoảng không. Rõ ràng tôi thấy ông ta mà, tôi còn nhận ra ông ta có một chòm râu đen ở cầm cần phải cạo đi nữa."

Mọi suy nghĩ Ritchie tựa hẳn vào một người đàn ông đang mắc dây điện thoại ở kế bên và đi xuyên qua.

Trước khi đi đến phần kế tiếp, chúng tôi thấy cần phải báo cáo là, một năm sau đó, bất ngờ Ritchie đã khám phá ra tên của thành phố này. Trên đường trở về trại Barkeley trước khi đi công tác tại Âu Châu, Ritchie cùng những người bạn sinh viên y khoa đi xe hơi về trại. Ðến ngày thứ ba họ tới Tiểu Bang Missisipi, một Tiểu Bang mà chưa bao giờ Ritchie đặt chân tới cả. Khi đến vùng ngoại ô của Vicksburg, Ritchie đã tả lại như sau:

"Thành phố này tuy xa lạ nhưng hình như rất quen thuộc. Tôi đã biết rõ từng nét cong của bờ biển, từng khúc rẽ đường. Nơi đó, tôi biết rõ đường phố như thế nào! Tôi biết chắc chỉ còn một con đường ngắn là tôi có thể đến ngôi nhà trắng có mái ngói đỏ, có chữ Cafe bằng nê-ông gắn trên cửa ra vào. Khi xe tới gần tôi nhận được ra con đường nhỏ mà tôi đã cùng một người không nhận ra tôi đi tới quán này. Cũng còn cả cột điện thoại mà tôi đã đứng ở đó rất lâu... bao lâu? Giờ nào, ngày nào với loại thân hình nào?"

Trong cơn thoát xác, Ritchie cảm thấy đi Richmond thật phù phiếm không ai thấy và nghe được anh cả.

"Nếu tôi có trở về gia đình thì cũng chẳng ai thấy tôi? Ý tưởng cô đơn xâm chiếm tôi, dù sao tôi cũng phải về ngay nơi mà mọi người thấy tôi và nghe được tôi chứ.'

Rồi George Ritchie nghĩ đến cái xác hãy còn đang nằm tại bệnh viện. Ritchie đã vội vàng quay trở về bệnh viện tại Trại Barkeley. Tới nơi Ritchie đã phải xục xạo tìm lại cái xác nằm tại một trong hai trăm căn phòng của 5 ngàn binh sĩ đang ngủ. (Lúc đó Trại Barkeley có 250 ngàn khóa sinh)

Ðèn không được sáng, thật khó khăn mới nhìn được mặt họ.Cả giờ rồi, đã toát cả mồ hôi, qua hết phòng này đến phòng khác mà vẫn không kết quả. Ðột nhiên anh nhớ ra! Tay trái anh có đeo một cái nhẫn hội viên Phi Gamma Delta. Và tiếp tục tìm kiếm, anh đã tìm được cái xác một người đàn ông trong một căn phòng nhỏ, phủ một tấm chăn và tay trái có đeo chiếc nhẫn.

"Tôi tiến lại từ từ, mắt dán chật vào cái bàn tay đeo nhẫn. Tôi khiếp hãi. Dưới ánh đèn mờ ảo, tôi thấy bàn tay đó thật trắng và thật mềm. Trước đây, tôi đã nhìn thấy bàn tay này ở đâu rồi nhỉ? Tôi đã nhớ ra: Cha Dabney nằm trong phòng khách Moss Side. Tôi lùi lại gần cửa ra vào. Người nằm trên giường đã chết. Tôi cảm thấy khó chịu như trước đây tôi đã phải ở chung với người chết trong một phòng... Nhưng... cái nhẫn là của tôi mà, vậy chính là tôi mà - vậy thì một phần của tôi nằm trên cái giường này, phủ bởi tấm chăn. Vậy có nghĩa là tôi đã... Ðó là lần đầu tiên tôi đã trúc nhận đến chữ 'chết" liên quan đến những gì đang xảy ra cho tôi. Nhưng tôi chưa chết mà - sao tôi có thể chết trong khi tôi vẫn còn thức đây? Tôi bấu vào tấm chăn, cố gắng kéo xuống để mắt tôi nhìn được phía ngoài. Nhưng vô ích, tất cả các cố gắng của tôi cũng không đủ để tạo một cơn gió nhẹ thoáng qua căn phòng im lặng nhỏ bộ này. Sau cùng thất vọng tôi ngồi xuống giường. Tôi nghĩ: Tôi đã thoát ra khỏi xác nên không tiếp xúc lại được. Ðây là chính là lúc tôi cảm thấy da thịt tôi và tôi (hình hài và linh hồn) ở hai hành tinh riêng biệt."

Chợt George Ritchie thấy trong phòng tự nhiên sáng hẳn lên. Anh nhìn vào cái bóng đèn 15 watts và chắc chắn cái bóng đèn này không thể sáng đến thế được!

"Tôi ngạc nhiên thấy ánh sáng càng ngày càng rúc lên ở trong phòng, tất cả các bóng điện trong bệnh viện thắp lên cũng không thể sáng như thế, tất cả những ngọn đèn trên thế giới cũng không thể sáng như thế, sáng như cả triệu ngọn đèn dùng để bàn cùng cháy lên một lúc."

Bây giờ George Ritchie nhận thấy không phải là ánh sáng mà là một người đang bước vào phòng, nói đúng hơn là một Người được làm bằng ánh sáng.

"Con Người này đã tỏa ra sức thần thông của chính mình xưa hơn cả thời gian và hiện đại, hơn bất cứ ai mà tôi đã được gặp."

Người này đã nhìn thấy suốt cuộc đời của anh." Người này đã biết đến cả những gì khó ưa trong tôi, Người đã chấp nhận và thương yêu tôi".

Người này đã hỏi anh: "Anh đã làm được những gì trong đời?" Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhưng anh lẩn tránh. Cuối cùng là anh cũng phải trả lời là chẳng làm được gì trong suốt cuộc đời.

Không thể nào trong một vài chương mà có thể kể hết được. Con Người Thiên Thể này đã dẫn dắt Ritchie đi; sau này Ritchie gọi là "Một Cuộc Kinh Lý Giáo Dục". Ritchie đã được dẫn đến thế giới thiên thể ở tầng trời cao nhất. Ỏ thế giới thiên thể này Ritchie đã nhìn thấy cảnh các linh hồn đam mê nhục dục Những người nghiện rượu được kéo ra khỏi các quán rượu, các quán cà phê và đây là địa ngục của họ: Những người nghiện rượu trông thấy người khác đang uống mà không được động đến cái ly. Ritchie nhìn thấy những người khác vì say mê ái dục mà trở thành bất lực. Ðây là địa ngục của họ, Ritchie đã nhìn thấy những người tự tử vì thất vọng. Ritchie cũng được dẫn đến thăm một văn phòng mà người thoát xác đang la hét và bắt người làm phải thi hành công việc như thế nào nhưng các người làm này đâu còn tuân lệnh nữa. Ðây là ông chủ đã quá cố của Ritchie.

Tuy đã được Southern Baptist (một tông phái Tin Lành) dậy dỗ nghiêm khắc Ritchie cũng vẫn thấy giật mình. Anh thấy Anh đang ở trong một Thư Viện Vĩ Ðại có nhiều cuốn sách nói về vũ trụ mà chưa ai viết - và cuốn Thánh Kinh chỉ là một mà thôi.

Khi được đưa tới tầng trời thứ ba thì Ritchie bị ngất ngây bởi vô lượng ánh sáng của người Ðồng Hành Thiên Thể mà sau này Ritchie nghĩ là Ðấng Tối Thượng, Tối Cao hơn cả. Ðó là Ðức Chúa Christ với người Thiên Chúa Giáo - Ðức Phật với người Phật Giáo - Khrisna (Phạm Thiên) với người Ấn Ðộ Giáo - Messiah Giáo Chủ với người Do Thái Giáo - Có lẽ tất cả đều đúng.

Ðã đến lúc phải trở về với nhiều nuối tiếc. "Những bức tường đã ngăn chận chúng tôi. Những bức tường rất hẹp như những cái hộp; rồi trong khoảnh khắc tôi nhận ra được cái phòng của bệnh viện mà tôi đã bỏ đi trong một thời gian". Anh cố gắng nhập vào cái xác đang nằm trên giường, Anh cố gắng mở mắt nhưng không sao mở mắt được vì bị tấm chăn phủ mất. Anh muốn dở hai tay nhưng không thể được và cảm thấy như đang nâng hai thanh sắt nặng. Anh chậm chạp xích hai bàn tay lại gần nhau và xoay cái nhẫn vài lần.

Rồi đầu óc Ritchie lại mờ đi. Ritchie lại rơi vào tình trạng hôn mê và hình như lại chết một lần nữa. Chính sau này thân xác anh cử động được nhưng đầu óc anh vẫn mê man mất 3 ngày. Lần này khi mở mắt ra anh nhìn thấy cô y tá đang nhìn anh mỉm cười và nói: "Thật vui mừng ông đã trở lại với chúng tôi, đã có lúc chúng tôi tưởng không thành công".

Sau này Ritchie được biết khi người trông nom bệnh viện trở lại để sửa soạn đưa Ritchie vào nhà xác thì đôi tay anh đã được đổi vị trí. Nguyên lúc Bác Sĩ khám nghiệm phủ mặt Ritchie, đặt hai cánh tay thẳng và để đôi bàn tay úp xuống. Nhờ vậy Ritchie đã nhìn thấy cái nhẫn của mình. Nhận thấy có sự thay đổi (đôi tay không ở vị trí có) người trông nom (binh nhì) vội cấp báo Bác Sĩ. Sau khi khám nghiệm lại cẩn thận, vị Bác Sĩ đã một lần nữa tuyên bố Ritchie đã chết hẳn.

Tuy nhiên người trông nom bệnh viện này không thừa nhận lời tuyên bố của Bác Sĩ đề nghị: "Có thể chích một mủi Adrenalin vào thẳng tim cho Ritchie sống lại". Về việc này, George Ritchie đã nhận xét như sau: "Việc này không thể có được, thứ nhất là vì một người binh nhì đâu có thể tranh cãi với cấp sĩ quan chỉ huy của mình, hơn nữa lại là một bác sĩ chuyên môn có bằng cấp, thứ hai lời đề nghị của người trông nom trên phương diện y khoa chuyên môn thật là lố bịch và buồn cười. Bệnh sưng phổi đã làm tê liệt tất cả các bộ phận trong cơ thể việc tiêm thuốc kích thích tim không thể chấp nhận được. Về trường hợp của tôi, bất cứ một nhà y khoa nào cũng không thể làm gì hơn được. Ấy thế mà đề nghị cho một người đến canh chừng của người trông nom bệnh viện với Bác Sĩ cho rằng việc này không hữu lý đã được chấp thuận và đề nghị này lại thành công!

Thời gian bình phục thật là khó khăn. Khi trở về Richmond, Ritchie chỉ như một bộ xương, không ai có thể tin được Ritchie có thể theo học lớp y khoa. Phải mất đúng một năm Ritchie mới hoàn toàn bình phục. Sau đó Ritchie được chuyển trở lại Trại Barkeley và được gửi sang phục vụ một đơn vị ở Âu Châu. Khi chiến tranh kết liễu, Ritchie đã tiếp tục học lại, đậu Bác Sĩ và đã trở thành một Bác Sì chuyên khoa về tâm trí.

Bác Sĩ George Ritchie đã viết như sau:

"Khi tôi xin vào nội trú tại Ðại Học Ðường Virginia, một người bạn đã khuyên tôi đừng nên cho Ban Tuyển Chọn biết chuyện tôi đã xuất hồn vì những người chấm điểm có thể nghi ngờ tôi. Người đầu tiên phỏng vấn tôi là Bác Sĩ Wilfred Abse, Giáo Sư Ngành Phân Tâm Học, Tâm Lý Học thuộc Viện Tâm Trí và là một trong những người đứng đầu trong Ngành Phân Tâm Học tại Virginia. Ngay khi bước vào phòng Bác Sĩ Abse đã nói với tôi:

"Tốt, này Bác Sĩ Ritchie hình như Ông đã được gặp Chúa Christ. Tôi tưởng rằng cơ may của tôi đã bị ném qua cửa sổ. Bác Sĩ Abse là người Do Thái, một người nghiên cứu về triết học Freud. Ông ta đã trực tiếp phỏng vấn tôi. Tôi đã nói hết sự thực và không dấu diếm chút nào về việc xảy ra tại Trại Barkeley, Texas.

Không thể ngờ được hai tuần lễ sau cuộc phỏng vấn tôi nhận được thư thông báo Ban Tuyển Chọn đã chấp nhận tôi vào nội trú và tôi đã trở thành một Bác Sĩ về tâm trí.

Những năm sau này, Bác Sĩ Abse trở thành người bạn thân của tôi. Trong một câu chuyện giữa chúng tôi, Bác Sĩ Abse đã cho biết: "Mọi người nơi đây đều biết rõ câu chuyện xuất hồn của Anh; nếu trong cuộc phỏng vấn Anh dấu diếm thì tôi đã không chọn Anh vì cho Anh là một người không có tinh thần vững vàng, một người như vậy ắt hẳn không thể phân biệt đâu là sự thật, đâu là ảo tưởng."

Cũng tại Bệnh Viện này, Bác Sĩ George Ritchie đã tiến tới chức vụ Viện Trưởng Viện Tâm Trí.

-ooOoo-

-2-

MỘT NGƯỜI NÔ LỆ DA ÐEN MÙ LÒA TRỞ THÀNH NHẠC SĨ LỪNG DANH

Tác Giả: Sylvia Cranston và Carey Williams

Chú mù Tom sanh năm 1849 tại Georgia,Hoa Kỳ trong thời kỳ chế độ nô lệ còn đang mạnh mẽ. Là một người da đen, chào đời vào thời này, lại bị tàn tật ngay từ lúc mới sanh, thật là một bất hạnh!

Trong một tạp chí, Webb Garrison đã viết một bài với tựa đề "CHÚ MÙ TOM VÀ SỰ HUYỀN BÍ CỦA ÂM NHẠC". Ông đã ghi như sau:

"Hầu hết mọi nông dân tại Georgia trong một trăm năm qua đã đặc biệt chú ý đến việc thương mọi nô lệ. Trong đó có Perry H. Oliveer ở Quận Moscogee. Bởi thế khi người nô lệ da đen của ông sanh ra một đứa con trai mù thì tự nhiên ông phải thất vọng vô cùng. Ít lâu sau trong một cuộc đấu giá nô lệ, ông đem bán người mẹ cho Tướng James Bethune ở Columbus, Georgia. Sau đó ông mới đem thằng nhỏ da đen bị mù ra khỏi nơi dấu và nói rằng: "Tôi quên không cho Ngài biết người đàn bà nô lệ này còn đứa con trai. Tôi đồng ý cho không đứa nhỏ này" (Theo Coronet, tháng 7 năm 1952 ). Người mẹ đáng thương cùng đứa con trai mù 1 tuổi đau lòng từ bỏ căn nhà và bạn bè để về làm nô lệ cho người chủ mới xa lạ. Tướng James Bethune đặt tên cho đứa trẻ là Thomas Green Bethune, nhưng cả thế giới này chỉ biết Chú là "Chú Mù Tom". Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "My Antonia" bà Willa Cather đã thuật lại cuộc đời của Chú mà bà gọi là Người Mù Arnault.

Trong nhiều bài tường thuật về sự kỳ diệu này, bài có giá trị nhất là bài của Bà Ella May Thornton, Quản Thủ Thư Viện Georgia, 1 Quản Thủ được xếp vào hàng danh dự của các Tiểu Bang. Ðó là Bài "Sự Huyền Bí Của Chú Mù Tom" của Bà đăng trong tập "The Georgia Review" xuất bản mùa đông năm 1961. Sau đây là một đoạn:

"Lúc Tom còn nhỏ đang phải bồng trên tay thì Tom đã tỏ ra rất nhậy cảm trong bất cứ một tiếng động nào và đặc biệt về âm nhạc. Tất cả những người trong giòng họ Tướng James Bethune lúc bấy giờ phần đông đều thông minh, học thức và giàu lòng từ thiện đều công nhận tài năng khác thường của đứa bộ da đen này.

Khả năng kỳ diệu về âm nhạc được khám phá khi chú Tom mới lên 3 tuổi. Vào một buổi chiều trên thềm ngôi biệt thú, thình lình giọng của Chú vang lên hòa ca với giọng hát của các ái nữ Tướng Bethune. Không những Chú đã ca phần êm dịu ở phần đầu bản nhạc nhưng phần thứ hai mới là khó hát nhất... Thế mà Chú đã trọn vẹn hát hết bản nhạc một cách tài tình không gượng gạo.

Cuộc trình diễn bất ngờ lần sau vào năm Chú lên 4 tuổi, cũng vào một buổi chiều các thiếu phụ trẻ tuổi sau khi đã chơi dương cầm mấy tiếng đồng hồ tản mác quanh biệt thự. Bỗng nhiên họ được nghe lại những bản nhạc mà họ đã chơi từ lúc đầu. Mọi người vội vã trở về phòng khách, họ sửng sốt thấy một chú Mọi đen nhỏ xíu đang say sưa dạo nhạc trên đàn dương cầm với những bản mà chú vừa được nghe.

Trước đây không một ai trong gia đình Tướng Bethune cho phép Chú Tom được chạm vào cây đàn. Ella May Thornton còn nhấn mạnh thêm: "Một đứa trẻ nô lệ mà đánh đàn dương cầm thì làm sao có thể dấu nổi một gia đình đông đúc như gia đình Tướng Bethune!".

Tạp chí Nghiên Cứu về âm nhạc xuất bản Tháng 8 năm 1940 đã ghi nhận như sau: Ngay khi bắt đầu chơi dương cầm, Chú đã biết sử dụng các phím đàn trắng và đen, Như vậy chứng tỏ Chú đã từng hiểu biết về dương cầm của âm nhạc Tây Phương. Các phím đàn dương cầm sắp xếp không như nốt thường mà do óc sáng chế kỳ diệu cuả một người có biệt tài về âm thanh. Thật khó sử dụng đối với một đứa bộ bị mù và chưa từng được ai chỉ dẫn huấn luyện. Bà Thornton nhấn mạnh: "Chú có thể chơi các bản nhạc cổ điển nổi tiếng một cách thành thạo, khác hẳn những người chơi đàn 'bằng tai' thường thấy. Chú Tom đã dùng các ngón tay mình một cách rất chính xác nhà nghề. Cho nên năm 1862, một chuyên viên điêu luyện về âm nhạc nói là Chú Tom chơi đàn giỏi được như vậy, chắc chắn phải được học ở 'Nhà Trường'". Mặc dù thần kinh Chú Tom hoàn toàn bị giới hạn nhưng nếu cho Chú vào học tại các Trung Tâm dành cho các trẻ em chậm phát triển thì thật sai lầm. Chú Tom có một bộ óc điện tử có thể ghi và trình tấu lại các bản nhạc dù mới chỉ nghe có một lần. Với khả năng siêu việt Chú có thể lập lại chính xác một bản nhạc mới dài 20 trang. Ngoài ra Chú Tom còn có khả năng sáng tạo nữa. Bà Thornton nhớ lại "Thời bấy giờ ở Columbus, Georgia có rất nhiều giáo sư âm nhạc; trong đó có giáo sư Carlo Patti, anh của Bà Adelina. Tướng Bethune đã nhờ Giáo Sư Patti chỉ dạy thêm nhạc cho Chú Tom. Chính Giáo Sư là người đã từng dậy nhạc cho các ái nữ của Tướng Bethune, nhưng ông từ chối và nói như sau: "Tôi không thể chấp nhận lời yêu cầu, Thế giới chưa bao giờ thấy được một sự lạ như thế ở một người da đen, và từ xưa tới nay chưa từng thấy một hiện tượng nào như thế. Tôi không thể dạy cho Chú thêm một chút gì nữa, tầm hiểu biết của Chú về âm nhạc còn hơn cả chính tôi đã biết và đã học - trường hợp thần đồng này quả là một ngoại lệ và sự việc này đã biến thành một hiện tượng hữu hình. Tôi không thể hiểu nổi. Tất cả những gì tôi có thể giúp Chú ấy là cho Chú ấy nghe những bản nhạc hay và chính Chú ấy sẽ tự ghi lại và tự tấu được không cần sự hướng dẫn hay chỉ bảo của tôi."

Vào lúc 8 tuổi Chú bắt đầu trình diễn các bản hòa tấu trước công chúng. Lúc 12 tuổi, trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc, Chú Tom trình diễn tại Nữu Ước trong một cuộc hòa tấu ngày 19 Tháng Giêng năm 1861. Trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc này, Chú đã trình diễn rất nhiều lần tại các thành phố sau chiến tuyến của cả hai phe bảo thủ và thống nhất. Hòng ngàn binh sĩ cả hai phe lâm chiến đã được dự thính nghe Chú trình diễn. Một số khán giả này đã tường thuật lại một cách thích thú và trung thực về tài năng của Chú trong các Nhật Ký, Tùy Bút, Phỏng Vấn xuất bản trên các báo chí sau đó. Năm 1866 và năm 1867, Chú đã đi trình diễn tại các Quần Ðảo thuộc Anh Cát Lợi, tại Lục Ðịa và trên khắp nước Mỹ. Chú đã trình diễn tại Tòa Bạch Ốc và chính Chú điều khiển buổi trình diễn này.

Chú Tom không bị giới hạn về một loại nhạc nào cả, Chú có thể trình diễn Nhạc Khúc của Beethoven, Mendelsohn, Bach và Chopin và cũng có thể chơi các bản nhạc bất luận về loại gì.

Nguồn cảm hứng đến với Chú trong lúc Chú ngồi dạo dương cầm khiến cho Chú sáng tác được những bài ngẫu hứng cùng những bản trường ca bất hũ có tới cả nghìn bản. Các sáng tạc với âm điệu tuyệt vời cùng những lời nhạc rất hay có thể nói lên Chú Tom đã nắm được trọn vẹn khoa học và kỹ thuật về âm điệu nhạc lý. Chỉ có thể cho rằng tất cả các yếu tố tạo thành sức mạnh âm nhạc đó đã có sẵn trong con người Chú Tom.

Ella May Thornton đã kết thực bài tham cứu bằng một câu hỏi: "Một câu được đặt ra để hỏi các Nhà Tâm Lý Học, các Nhà Vật Lý Học, các Nhà Khoa Học cùng các Chuyên Gia về Âm Nhạc có thẩm quyền có thể giải thích về trường hợp này của Chú Tom không? Sau một thời gian nghiên cứu tôi đã không tìm được câu trả lời. Chỉ có thể giải thích được đó là Luân Hồi và người ta đã kết luận rằng ở một thời điểm nào đó, ở một nơi nào đó, ở một kiếp nào đó Chú Tom đã là một nhà nhạc sĩ siêu đẳng."

Sự hiện diện của Chú Mù Tom ở Âu Mỹ đã có một ý nghĩa đặc biệt. Trong giai đoạn cuối cùng của chế độ mọi nô người da đen tại Hoa Kỳ, Chú Mù Tom đã chứng tỏ cho hàng triệu khán thính giả trên thế giới biết rằng một người nghèo, bị khinh rẻ, bị coi là chậm tiến, một người da đen thất học đã làm nên sự nghiệp vĩ đại mà không một người da trắng nào dù tài giỏi đến mấy nữa cũng không làm được. Phải chăng tài năng này Chú đã có từ kiếp trước? Cho nên các giáo sư đã tìm được sự giải thích, đó là Luân Hồi. Tương tự như thế trường hợp của Bà Sơ Teresa, một Tu Sĩ Ky-Tô-Giáo, Giáo Sư Mỹ Thuật tại Chủng Viện Brooklyn, có mặt trong một buổi thuyết trình về luân hồi của Hội Thanalogy Foundation tại Ðại Học Ðường Columbia, được hỏi bởi một học sinh rằng có phải những nét vẽ điêu luyện của Sơ là do sự huấn luyện và thực hành sau nhiều năm kinh nghiệm mà có phải không? Sơ Teresa đã xác nhận là do tiền kiếp của Sơ mà có.

Trong những chuyện luân hồi do Tiến Sĩ Ian Stevenson điều tra đã chứng minh được có luân hồi nên con người đã có những khả năng đặc biệt, điều mà những khả năng đến với con người từ lúc nào và phát triển từ bao giờ chúng ta không phát hiện được. Ian Stevenson đã nêu lên thí dụ: "Trong hiện kiếp chúng ta biết đi đứng nhưng không ai có thể nhớ lại chúng ta đả biết tự lúc nào. Con người tuy không nhớ được những gì ở tiền kiếp song những tài năng và những cá tính đặc biệt ở kiếp trước đã là các chất liệu cho chúng ta trong kiếp này."

Các tin đã đăng:
Về đầu trang