Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Luận thêm về bài phỏng vấn người cõi âm
13/09/2011 18:53 (GMT+7)


Mặc dù không trực tiếp phỏng vấn được ông Huỳnh Văn Lương (người cõi âm) nhưng qua đoạn băng ghi âm về cuộc nói chuyện của ông với người thân trong gia đình tôi thật sự xúc động và đã vỡ ngộ ra nhiều điều.
 
Gần 10 năm nghiên cứu hành trì theo Phật pháp, chưa khi nào tôi tiếp cận được một nhân chứng  thông hiểu cõi giới âm, dương  đến như vậy. Tìm lại các kinh điển Phật đối ứng, tôi thấy chính xác đến từng chi tiết.
 
Trong phần 2 của bài viết tôi xin được trích một số  thuyết lý lấy từ trong kinh  Phật để bạn đọc hiểu và tin hơn nữa. Các đệ từ Phật chúng ta sẽ thấy mình thật sự may mắn khi  được tiếp cận với giáo lý Nhà Phật. Để có được duyên Phật trong kiếp này có lẽ trong chúng ta đã từng tu tập nhiều kiếp trong quá khứ.
 
Nghiệp chiêu cảm làm cho người âm rất khổ
 
Đối với Phật giáo, phút giây cận tử nghiệp của con người là rất quan trọng. Thông qua lời thuyết giảng của ông Lương với các cộng sự, những người lính từ 2 phí ta thấy, con người sau khi chết vẫn giữ nguyên tâm trạng lúc lâm chung khi bước vào cõi giới âm (thân trung ấm).
 
Vì vậy mà sau mấy chục năm những người lính chết trận do tâm sát đeo bám vẫn cứ tiếp tục chiến đấu bắn giết nhau. Dù chẳng còn thân xác. Nếu không tiếp cận được với pháp Phật có lẽ không biết bao giờ họ mới thoát ra được tâm trạng trả thù đó.
 
Tất cả mọi người sau khi chết nếu không phải cực thiện hay cực ác (tái sinh ngay lập tức) đều phải đối diện với những hành động tác tạo trong vô lượng kiếp quá khứ của chính mình. Chính các trạng thái ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại… tham, sân, si thói quen hàng ngày đã ăn sâu vào trong tiềm thức nên người chết vẫn cảm giác có nhu cầu như một người còn thân xác.
 
Việc chưa chấp nhận mình đã chết đã làm cho họ lâm vào tình trạng lạnh lẽo cô đơn, đói khát, khổ sở. Theo Lạt ma hoá thân Lobsang Ramp thì  “Vì không chấp nhận cõi giới khác nên người chết không hoàn toàn sang hẳn cõi âm mà ở nơi chuyển tiếp giữa hai cõi. Các vong linh không siêu thoát được đều rất đau khổ, họ không ý thức được rằng mình đã sang một cõi khác mà cứ bám lấy cõi trần, thần trí mê man, điên đảo….chỉ khi nào vong linh trở nên tỉnh táo, có thể nhận thức được rõ rệt những sự việc xẩy ra chung quanh, ý thức được sự chết của mình và chấp nhận sự chết đó họ mới siêu thoát được”.
 
Tất cả những cảm giác đó đều do sự chiêu cảm của nghiệp mà hiện ra. Trong Kinh Địa Tạng, Ngài Địa Tạng Bồ Tát nói với Ngài Phổ Hiền Bồ Tát rằng: “Thưa Nhơn Giả! Đó đều là do chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế….Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh.
 
Lạt ma Lobsang Ramp còn cho rằng,“sự không siêu thoát sẽ tạo nên nhiều đau khổ. Linh hồn của họ bị giam hãm, bao bọc một cái vỏ do chính họ tạo ra nên không còn thấy gì bên ngoài….Theo thời gian khi dục vọng giảm bớt, cái vỏ này sẽ tan dần và đến một lúc nào đó họ sẽ ý thức được điều này và sẽ siêu thoát”.
 
Sau khi mất thân xác, ông Lương đã nói rằng, xung quanh ông bao bọc một màu đen đỏ và không thấy gì cả.
 
Pháp môn Mật Tông cho rằng, xác thể và dục thể có tan dã hết thì con người mới siêu thoát và đầu thai vào kiếp mới được. Dục thể được cấu tạo bằng những ham muốn, thèm khát, tình cảm nói chúng… Dục thể là cái quyết định thời gian con người phải sống bên cõi âm lâu hay chóng. Những người ít ham muốn có tâm hồn thanh khiết dễ siêu thoát hơn những người có nhiều dục vọng.
 
Trường phái Nam Tông cho rằng, con người sau 49 ngày nếu chưa tái sinh được thì họ được xếp vào các loại cô hồn, ma quỷ vất vưởng. Vì vậy mà thuyết lý của tông phái Nam truyền  không cho là có thế giới trung thân trung ấm. Những người không siêu thoát được sau 49 ngày đều là những chúng sinh còn bám chấp quá nhiều vào cuộc sống dương trần nên trong kiếp tái sinh tiếp theo khả năng  họ sẽ vào cõi giới ngạ quỷ.
 
Bây giờ thì chúng đã hiểu vì sao nói, sau khi mất thân người 70 – 80 % là tái sinh vào kiếp ngạ quỷ là như vậy. Nghiệp báo của chúng ta sau khi mất thân người còn đang chông chênh. Nếu tâm còn bám chấp vào cuộc sống dương trần quá mạnh, ở trong cõi giới âm quá lâu. Càng lâu bao nhiêu thì kết nghiệp duyên ngạ quỷ càng nhiều và thế là cảnh giới tiếp theo của ta sẽ là ngạ quỷ.
 
Sự vi diệu, bất khả tư nghì của các câu Thần chú Phật
 
Để chuyển hoá được tâm thức, chuyển nghiệp, tiêu trừ nghiệp chướng… chư Phật và Bồ Tát đã ban cho chúng sinh rất nhiều câu Thần Chú. Nhiều người trong chúng ta thường coi nhẹ việc tụng kinh trì Chú, vì chưa thấy được hiệu quả trước mắt.
 
Khi con người còn thân xác do thể vất chất quá nặng nên năng lực của các câu thần chú tác động đến tâm thức không nhiều. Khi con người mất thân xác thì nó như một liều thuốc thần dược chuyển hoá tâm thức rất nhanh.
 
Vì thế mà ông Lương có nói, chỉ mới tiếp cận đạo Phật gần đây nhưng sức xoay chuyển nghiệp báo rất nhanh, trong từng sát na.
 
Theo ông, chỉ khi tiếp cận với Phật đạo tâm ông mới sinh buông bỏ. Sau khi trì tụng Chú Đại Bi, nghe thuyết pháp ông mới thấy sắc màu xunh quanh mình chuyển từ mầu đen đỏ sang màu sáng. Sắc màu hay từ trường ánh sáng bao quanh người dương cũng như người âm thể hiện tư tưởng trạng thái tình cảm của tâm thức (Vấn đề này tôi đã nói khá sâu trong bài viết Chụp ảnh người âm – Vì sao các vòng tròn phát sáng).
 
Qua những điều ông nói ta thấy, pháp Phật thật là vô biên. Các câu thần chú thật là vi diệu và bất khả tư nghì.  
 
Như vậy, sự buông bỏ không chỉ dành cho những người tu hành khi còn sống mà nó còn vô cùng cấp thiết cho những vong linh trong việc siêu thoát. Nếu chúng ta không tập thói quen ngay lúc còn sống thì chúng ta khó có thể sinh tâm buông bỏ khi bước qua thế giới bên kia.
 
Không phải chúng sinh nào cũng may mắn được tiếp cận Phật pháp tại cõi giới âm như ông Lương. Nếu như không có duyên gặp Phật pháp, không trì tụng kinh Chú, có lẽ cảnh giới tái sinh tiếp theo của ông khó thoát khỏi súc sinh và ngạ quỷ.
 
Mật Tông cho rằng, Sự cầu nguyện nhất là sử dụng các câu thần chú sẽ phát ra các âm thanh đặc biệt có công dụng rung động cõi âm tác động vào thần thức giúp nhưng linh hồn đang bị bao bọc trong vỏ kén mê muội tỉnh thức. Không phải chỉ những câu thần chú mới có hiệu quả mà những lời cầu nguyện chân thành của người thân có hiệu quả tốt đẹp không kém…
 
Lời cầu nguyện có một sức mạnh tư tưởng có một mãnh lực rất mạnh ở cõi giới bên kia.
 
Hồi hướng công đức để trợ duyên giảm nghiệp báo cho người mất
 
Nếu các vong linh không siêu thoát được, ở càng lâu trong cõi giới âm thì càng tạo nghiệp duyên  tái sinh vào thế giới ngạ quỷ. Người Tây Tạng cho rằng, thời gian ngay sau khi chết là hết sức quan trọng vì khi đó linh hồn vừa rời khỏi xác, đang xúc động cần phải hướng dẫn trấn an.
 
Nếu không được chỉ dẫn rõ rệt linh hồn có thể quyết luyết quanh quẩn không thể siêu thoát được và trở thành các loại cô hồn không nơi nương tựa hoặc có khi bị sinh vật cõi âm lợi dụng đưa vào những nẻo nguy hiểm.
 
Để người chết không bị sống lâu trong thế giới âm và mau chóng được siêu thoát, vai trò của những người thân rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên ông Huỳnh Văn Lương yêu cầu con cháu trong nhà lập trai đàn cúng đề cầu siêu cho ông và những người quanh ông được siêu thoát. Sống ở trong cảnh giới đó ông hiểu rằng, nếu không có sự trợ duyên của người thân thì người cõi âm rất khó siêu thoát được.  
 
Trong Kinh Địa Tạng có đoạn: “Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho… Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát, tu tạo nhân duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết”.  
 
Khi người cháu gái nói làm công đức để hồi hướng  cho ông nội vì (ông đang bị quả báo tái sinh vào cảnh khổ). Ông Lương trả lời người thân gần nhất là hàng con cái hồi hướng có hiệu quả nhất sau đó mới đến con cháu. Khi làm việc lành tạo công đức chớ có sát sinh bất cứ một sinh vật nào. Nếu còn sát sinh thì chỉ tạo thêm nghiệp xấu cho người cõi âm.
 
Trong Kinh Địa Tạng, Ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng bạch cùng Đức Phật rằng: “Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn vv… mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm-Phù-Đề, ngày lâm chung, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái… Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”.        
 
Ngài Địa Tạng giải thích như sau:“Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm”.
 
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã cũng đã chứng minh điều đó. Khi ông niệm 108 câu Nam Mô A Di Đà Phật thì không những ông mà cả 7 nhà ngoại cảm có mặt trong nghĩa trang Trường Sơn đều nhìn thấy các vong linh ngồi xuống trong tư thế thiền định niệm theo.
 
Nhà ngoại cảm cho rằng, chỉ có câu Phật hiệu đó là món quà quý giá nhất đối với các chúng sinh ở cõi giới âm. Câu Phật hiệu đó sinh tâm buông xả  mọi sự bám chấp và có thể siêu thoát được. Nếu chúng ta cứ lo đốt vàng mã cúng gà vịt, xây mộ thật to cho người âm là chúng ta muốn họ sống lấu hơn nữa trong thế giới vô cùng khổ sở đó.
 
Giữ tâm trong sáng, trì tụng kinh chú, niệm Phật cũng là tạo công đức
 
Vì đã thoát ra khỏi thân xác nên người âm đọc được hết mọi suy nghĩ của người dương. Họ cảm nhận được những gì mà người khác đang suy nghĩ. Có một chi tiết rất hay. Trong khi đang trò chuyện, cô bạn đồng nghiệp (cô cháu gái) nghĩ đến con chó bị ốm ở nhà không ai chăm sóc. Ông Lương bỗng kêu lên sao xung quanh mình thấy toàn chó thế này!
 
Điều này cho thấy, sau khi mất người thân, nếu người trong nhà hàng ngày trì tụng kinh chú Phật và thường xuyên nhớ đến người đã chết thì các vong linh sẽ tiếp cận được Phật pháp. Vì lúc đó họ chưa đi đâu cả vẫn quanh quẩn ở trong nhà.  
 
Những câu thần chú và sự cầu nguyện khuyên giải sẽ tác động vào tâm thức người mất, các vong linh  họ sẽ hưởng được sự an lạc và siêu thoát. Đây là một hình thức trợ duyên rất tốt cho người âm. 
 
Qua chi tiết này ta thấy vì sao phải luôn giữ sự trong sáng trong tâm. Vì khi ta khởi niệm lên những vọng tưởng không tốt thì thế giới ma quỷ sẽ xâm nhập vì đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu.
 
Vì nhân quả báo ứng không sai biệt nên phải tu khi được thân người
 
Có rất nhiều lần trong cuộc nói chuyện với người thân trong gia đình,  ông Lương khuyên người thân của mình “phải tu”. Gặp ai ông cũng bảo “phải tu”  vì cuộc sống con người rất ngắn ngủi. Tiền bạc nhiều để làm gì, quyền cao chức trọng để làm gì, càng nhiều thì càng chất thêm nghiệp khổ lắm. Chỉ cần đủ ăn đủ mặc là tốt rồi. Có tu thì mới thay đổi nghiệp chướng của mình. Không tu thì cứ theo nghiệp mà tái sinh vào các cảnh giới khổ.
 
Khi không còn thân xác, tiếp cận được với đạo Phật, xunh quanh ông sáng dần lên, ông đã nhìn được rất rõ quy luật nhân quả thông qua các kiếp quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
Có một mẩu đối thoại khi nói về hậu kiếp của những người trong gia đình rất lý thú. Ông đã nhìn được một số người thân của mình sau khi mất thân sẽ về cảnh giới nào. Nguyên do vì sao họ lại đầu thai ở cảnh giới đó. Người có công đức thì sẽ chuyển thân làm người đàn ông. Người không chịu làm việc, lười biếng lại thiếu nợ người khác thì dầu thai lên kiếp chó. Người ham chơi cờ bạc thì tái sinh thành người nghèo khổ sách giỏ đi ăn xin một nửa kiếp đầu…
 
Tất cả đều là do nhân gieo trong kiếp này mà phải chịu quả báo trong tương lai.
 
Một cuộc nói chuyện không thành vì sự cố chấp của người con gái, ông đã nhìn ra ngay được quả báo của bà là có người cha không yêu thương trong kiếp người tương lai. Toàn bộ cuộc sống của ông khi còn thân xác cho đến khi tồn tại ở thế giới âm đều chuyển động theo quy luật nhân quả. Ông đã nhìn thấu rõ và hiểu được tầm quan trọng cần phải tu khi còn thân xác người như thế nào.
 
Trong Kinh địa Tạng có nói: “Vì thế chúng sinh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy”   
 
Qua bài phỏng vấn ta cũng thấy rất rõ vì sao chúng sinh cõi âm không thể tu được mà phải có thân người mới tu được. Vì người cõi âm không thể thực hiện được ngũ giới và tu thập thiện. Người cõi âm không thể giữa được 10 câu niệm Phật A Di Đà Phật mà không xen tạp, vì vọng tưởng trong tâm thức vong linh tăng gấp 9 lần so với người có thân xác.
 
Người âm không có người hộ niệm để xua đuổi các oan gia trái chủ. Vì vậy, dù có cố gắng họ cũng không thể vãng sinh về Tây Phương cực lạc. Họ chỉ có thể gieo nhân bằng cách gieo chủng tử Phật vào tâm thức thật nhiều để đến khi được thân người tiếp cận với Phật pháp họ sẽ tu hành.
 

Nam Mô A Di Đà Phật ! Xin được hồi hướng công đức này về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Xin được hồi hướng công đức này cho ông Huỳnh Văn Lương cùng các cộng sự của ông, những người lính của cả hai phía và các chúng sinh đang thành Phật đạo!

http://www.phattuvietnam.net/doisong/tamlinh/16263.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang