Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đóng Góp của Phật Giáo Vào Việc Xây Dựng Một Nền Văn Hoá Hoà Giải
Trần Trung Phương
15/01/2011 18:16 (GMT+7)


…Ơi con người thế kỷ ở trong tôi
Đã cất xong ngôi mộ cạnh  hồn đồi
Mà thiên đàng hiển hiện ngự trên ngôi
Cho nên tôi khóc, tôi khóc hoài không thôi…
                                                         (Quách Thoại)

Cách đây gần 50 năm, bằng những lời thơ thống thiết của một người có khả năng thấu thị, Quách Thoại, một trong những thiên tài của thi ca Việt Nam hiện đại đã nói lên được phần nào số phận hết sức ‘kỳ lạ’ của con người, một giống loài mà bản chất hạnh phúc luôn tồn tại, như ‘thiên đàng hiển hiện ngự trên ngôi’, nhưng không hiểu vì sao lại chối từ hạnh phúc để đi xây cho mình một ‘ngôi mộ cạnh hồn đồi’. Và vì thế, nhà thơ đã khóc, và tiếng khóc bi thiết ấy vẫn còn vang vọng cho đến tận ngày nay…

Thế kỷ mà nhà thơ Quách Thoại sống với thế kỷ của chúng ta hôm nay có thể khác nhau về nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật…nhưng trong phạm vi của một đời người, chúng ta có thể chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi; tốt có, xấu có-đang diễn ra ở khắp mọi ngõ ngách của thế giới trong từng giây phút. Đặc biệt những thay đổi trên phương diện khoa học kỹ thuật và nền văn minh vật chất đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của biết bao người.

Nhưng bên cạnh những sự thay đổi lớn lao đó, có một điều gần như không bao giờ thay đổi, đó là tình trạng bạo lực mà con người vừa là chủ thể tạo ra vừa là nạn nhân của chính hành động đó. Nếu có sự thay đổi thì chỉ là sự thay đổi từ hình thái bạo lực này sang hình thái bạo lực khác, hoặc thay đổi theo từng phạm vi, tính chất, mức độ… chứ về bản chất, bạo lực không bao giờ thay đổi, và mỉa mai thay nó luôn gắn liền với ‘bước tiến lịch sử’. không ai có thể tính toán một cách chính xác cái gọi là nền ‘văn minh hiện đại’ được xây dựng từ bao nhiêu yếu tố bạo lực, nhưng chắc chắn rằng, nếu có thể số lượng hóa được thì các yếu tố bạo lực này chiếm một tỉ lệ không phải là ít. Chỉ tính riêng những yếu tố bạo lực đã được ‘vật chất hóa’ thành những kho vũ khí khổng lồ của nhân loại thì đủ biết bạo lực có một vai trò như thế nào trong đời sống lịch sử con người.
Hiểu theo nghĩa rộng, bạo lực không chỉ đơn thuần diễn ra trên bình diện xã hội, trong mối tương quan giữa con người với con người mà bạo lực còn xảy ra giữa con người với thiên nhiên, cũng kể đến bạo lực xảy ra giữa con người với chính mình (có thể xem tự tử là một trong nhiều hình thái bạo lực). Và không chỉ có súng nổ, bom rơi, máu chảy thì mới có bạo lực mà bạo lực cũng có thể tiềm ẩn và phát sinh ngay từ bên trong thế giới tư tưởng, khi một ý tưởng bất tịnh vừa mới phát sinh hoặc từ trong sâu thẳm của thế giới tiềm thức, vô thức. Bạo lực, theo một số quan niệm, là một phần tất yếu thuộc về ‘bản chất tối tăm’ của con người. Và cái ‘bản chất tối tăm’ này có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức và mỹ từ khác nhau, tuy có vẻ ‘văn minh’ nhưng không thể che giấu được ‘bản chất bạo lực’ của nó.

Có lẽ hơn bất cứ một bình diện nào khác, bình diện chính trị quốc tế đã thực sự trở thành một sân khấu lớn của các quốc gia mà trong đó bạo lực là một ‘trò chơi’ rất thường được các quốc gia chấp vai một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện. Bạo lực là một thứ triết lý quốc phòng khá phổ biến trên thế giới hiện nay, theo đó ‘Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh’(!!), điều đó đã nói lên tất cả: hòa bình không phải là sự tái lập các giá trị nhân đạo và các lý tưởng đạo đức của con người mà nó chỉ có ý nghĩa  đơn thuần là sự im tắt tiếng súng ở trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến. Một nền hòa bình thật sự có giá trị vĩnh cửu và được đặt trên một nền tảng đạo đức vững chắc vẫn còn là một lý tưởng xa vời trong một thế giới mà bạo lực đang là một dòng chảy chủ đạo.

Văn hóa hòa giải: 
một phương thức ‘đối trị’ với nền văn hóa bạo lực

Theo một lô gíc thông thường, để đối trị với nền văn hóa bạo lực đang phổ biến khắp nơi trên thế giới, không có con đường nào khác hơn là xây dựng và phát triển một nền VĂN HÓA HÒA GIẢI ở tất cả các cấp độ và bình diện khác nhau, không chỉ ở bề rộng  mà còn ở chiều sâu của nền văn hóa này. Như lời Phật đã dạy: “Oán không diệt được oán, chỉ có tình thương mới diệt được oán mà thôi”. Bạo lực không bao giờ có thể dập tắt được bạo lực một cách hoàn toàn và triệt để mà chỉ có một sự hòa giải sâu sắc đặt trên căn bản của hiểu biết và từ bi mới có thể đi đến chấm dứt hoàn toàn bạo lực và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu.

Hiểu theo tinh thần Phật giáo, “hòa giải không phải là thỏa hiệp với mê vọng và sự tàn ác, trái lại, hòa giải là chống đối thường trực với mọi hình thức mê vọng và tàn ác nhưng với tâm đại bi và cái nhìn siêu việt phe phái” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Trái tim mặt trời). Hòa giải, hiểu theo đúng ý nghĩa cao qúy của từ này, không phải là một chiến thuật đối phó có tính chất tạm thời hoặc là dấu hiệu hèn yếu của một người ‘không có lập trường’ mà  thực chất, nó thể hiện được một cái nhìn sâu sắc ‘trùng trùng duyên khởi’ về con người, cuộc đời, thế giới, một cái nhìn siêu việt được tất cả mọi quan điểm, lập trường, “ôm trọn được cả thực tại nhân loại trong lòng như một gà mẹ ấp ủ tất cả những con gà  con của mình dưới hai cánh xòe rộng” (Thích Nhất Hạnh).

Hiểu theo nghĩa rộng, VĂN HÓA HÒA GIẢI là một cấu trúc lớn được xây dựng trên ba cột trụ chính hoặc ba phương thức hòa giải chủ yếu như sau:

1. Hòa giải giữa cá nhân với chính bản thân mình:

Đây chính là phương thức hòa giải có tính chất cơ bản nhất, làm nền tảng vững chắc cho các phương thức hòa giải còn lại. Nếu chiến tranh bắt đầu từ sự xung đột, mâu thuẫn và khủng hoảng ngay từ bên trong tâm thức của con người thì sự chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình cũng phải bắt đầu ngay từ bên trong tâm thức. Rõ ràng một nền hòa bình bền vững chỉ có thể đạt được trên căn bản của sự hòa giải đích thực giữa con người với con người, và sự hòa giải đích thực này không thể không gắn liền với sự hòa giải ở chính bên trong từng cá nhân. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu: “Tâm bình thế giới bình”. Con đường tu tập và chuyển hóa của các tôn giáo, đặc biệt là của đạo Phật, hiểu theo một ý nghĩa nhất định, cũng chính là con đường hòa giải có tính chất tâm linh sâu sắc.

2. Hòa giải giữa con người với con người:

Tất nhiên sẽ là ảo tưởng và thơ ngây khi cho rằng có thể loại bỏ ra khỏi đời sống nhân loại tất cả các mâu thuẫn và xung đột. Có trường phái triết học cho rằng mâu thuẫn và xung đột là nguồn gốc, động lực của quá trình phát triển lịch sử. nhưng cũng sẽ là bi thảm nếu cho rằng tất cả mọi mâu thuẫn, xung đột của con người chỉ có thể giải quyết được bằng bạo lực. Một tôn giáo chân chính không thể là một tôn giáo chủ trương bạo lực hoặc tạo ra những điều kiện để cho bạo lực phát sinh mà một tôn giáo chân chính phải luôn đề cao tinh thần và ý thức hòa giải, nhất là trong một môi trường luôn nảy sinh ra những tình thế có tính chất cực đoan như hiện nay. Với ý nghĩa này, Phật giáo là một nhân tố quan trọng, một chất xúc tác làm khởi động và thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa con người với con người.

3. Hòa giải giữa con người với thiên nhiên:

Cùng với sự phát triển không ngừng của nền văn minh vật chất, trong đó có ‘chủ nghĩa tiêu thụ’, thiên nhiên đang ngày càng trở nên xa lạ và thù địch với con người. Chưa ai biết được sự khủng hoảng môi trường hiện nay sẽ dẫn loài người đi đến đâu, nhưng nếu không đưa ra và áp dụng các giải pháp hữu hiệu để giải quyết thì chắc chắn hậu quả sẽ rất là thảm khốc, đe dọa ngay chính sự tồn vong của loài người. Và dù áp dụng bất cứ giải pháp nào đi nữa, từ chính trị, pháp luật, giáo dục cho đến khoa học, kỹ thuật, kinh tế thì tất cả đều phải xuất phát từ một nền tảng tư tưởng chung là tạo ra một sư hòa giải sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Con người không nên chỉ ‘chinh phục’, ‘khai thác’ thiên nhiên mà còn phải biết chăm sóc, hòa giải với thiên nhiên, hiểu được và cảm thông được với thiên nhiên, bà mẹ vĩ đại nhất của con người.

Từ-Bi-Hỷ-Xả: 
Bốn cột trụ chính để xây dựng nền văn hóa hòa giải

Để giải quyết những mâu thuẫn có tính chất cơ bản nói trên của loài người, chúng ta nên hiểu những giải pháp phiến diện, từng phần như chính trị, kinh tế, tuy quan trọng nhưng không thể giải quyết vấn đế một cách triệt để. Những giải pháp cục bộ là cần thiết và không thể thiếu nhưng chúng cần phải được bổ sung bằng những giải pháp văn hóa và tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo. Không một tôn giáo chân chính nào mà lại không trực tiếp hay gián tiếp đề cao tinh thần hòa giải theo đúng ý nghĩa sâu sắc nhất của từ này. Đặc biệt trong Phật giáo, có thể nói TỪ-BI-HỶ-XẢ là bốn cột trụ chính để xây dựng trên đó một tòa nhà hòa giải thật vững chắc, và chữ BI trong Phật giáo cũng gắn liền với chữ TRÍ, hai điều kiện tối cần yếu, bổ sung cho nhau để đi vào tòa nhà pháp thân và xây dựng một nền văn hóa hòa giải cho con người.

Văn hóa hòa giải không thể chỉ là sản phẩm của một ý thức hệ duy nhất và có tính chất độc tôn. Văn hóa hòa giải chỉ có thể được hình thành từ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các truyền thống, các nền văn minh, văn hóa khác nhau, dầu đó là những nền văn minh, văn hóa đã từng mâu thuẫn và xung đột với nhau trong suốt chiều dài lịch sử.

Tất nhiên, trong một thế giới vẫn còn đầy dãy hận thù và bạo động như thế giới ngày nay, việc đề xướng và tạo điều kiện cho các yếu tố và hạt giống của nền văn hóa hòa giải để nó có thể nẩy mầm và phát triển tươi tốt không hề là một việc dễ dàng. Nhưng để giải quyết những vấn đề nan giải nói trên, không thể có con đường nào khác ngoài CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI như đã trình bày sơ lược ở trên. Có lẽ đó cũng là một trong những THÁCH ĐỐ VĂN HÓA lớn nhất được đặt ra trước loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/pg-td/6359-Dong-Gop-cua-Phat-Giao-Vao-Viec-Xay-Dung-Mot-Nen-Van-Hoa-Hoa-Giai.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang