Shanti Devi (ở giữa tấm ảnh) khi còn bé
Ngay
từ những thời kỳ đầu tiên của các nền văn minh cổ Ai Cập, Lưỡng Hà, cổ
Hy Lạp,… hiện tượng Luân hồi tái sinh đã được đề cập đến như là một quy
luật của sự sống. Những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều nhà khoa học có
tên tuổi, các giáo sư tiến sỹ, các nhà nghiên cứu, và đặc biệt là các
bác sỹ bắt đầu đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu hiện tượng luân hồi đầu
thai. Trong khi đó tại khắp nơi trên thế giới hiện tượng luân hồi tái
sinh vẫn liên tục xảy ra, dù các trường hợp ấy có được người ngoài cuộc
biết đến hay không.
Câu chuyện có thật về cô bé Shanti Devi đã một thời chấn động toàn thể
đất nước Ấn Độ. Những tờ báo lớn, đài phát thanh, các phái đoàn khoa học
quốc tế ngày đó, thậm chí cả Ghandi cũng đã từng đích thân tới gặp mặt
Shanti hỏi chuyện.
Tại Delhi, hầu như ai cũng biết chuyện bé Shanti tái sinh. Về sau ông
Viresh Narair người anh ruột của Shanti đã thường đón tiếp các nhà báo,
các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới đến tìm hiểu
và ông đã kể lại mọi chi tiết về trường hợp của em gái mình. Nhiều năm
sau khi Shanti Devi qua đời, trường hợp độc nhất vô nhị của bà vẫn thu
hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Cô bé Shanti Devi sinh ngày 11/12/1926 tại Dehli, Ấn Độ. Bé biết nói vào
năm 3 tuổi, chậm hơn các trẻ em bình thường khác nhiều. Bé thường trầm
tư một cách lạ thường. Đôi khi những đứa trẻ khác chọc ghẹo quấy phá, ồn
ào xích mích thì Shanti thường tỏ ra nhẫn nhục chịu đựng, nhưng đồng
thời cũng nghiêm trang như một người lớn và dàn xếp mọi chuyện một cách
êm đẹp. Một ngày, khi Shanti ngồi chung với gia đình trong bữa cơm
chiều, bé bảo mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ nấu những món ăn khác với những gì con đã ăn lúc ở thị
trấn Mathura quá. Những món này con ăn không quen. Còn quần áo cũng khác
với nơi con đã sống trước đây. Mẹ biết không, gia đình con hồi đó có
một tiệm bán áo quần và căn nhà con đã ở sơn màu vàng.
Mọi người trong nhà lúc đầu rất ngạc nhiên nhưng sau đó trở thành quen
và không ai còn quan tâm đến đứa bé con đôi khi phát ngôn những câu “bậy
bạ”… Tuy nhiên, Shanti ngày càng tỏ ra nôn nóng và năn nỉ cha mẹ dẫn
mình đến thăm căn nhà cũ ở Mathura, và để thăm người chồng ngày xưa hiện
vẫn còn sống ở đó.
Một nhà giáo ở Delhi nghe chuyện lạ về Shanti bèn tới tìm hiểu thực hư.
Lúc đó Shanti đúng 8 tuổi. Người giáo viên này yêu cầu bé rằng nếu kiếp
trước quả thật bé đã sống ở thị trấn Mathura và có chồng ở đó thì hãy
thử nhớ lại tên người đó xem. Shanti liền trả lời: “Nếu cháu gặp anh ấy cháu sẽ nhận ra ngay”.
Theo báo cáo ghi lại, sở dĩ Shanti không nhắc đến tên chồng là do phong
tục của người Ấn theo đạo Hindu thì người vợ không bao giờ nói tên
chồng mình cho người khác biết. Thế là ông giáo này bèn mua quà cho bé,
và còn hứa rằng nếu bé nói ra tên người chồng tiền kiếp thì ông ta sẽ
giúp bé đến thị trấn Mathura. Shanti suy nghĩ một hồi rồi xích lại gần
nhà giáo và nói nhỏ vào tai ông ta: “Ông nhớ giữ kín nhé! Tên chồng cháu lúc đó là Pandit Kedernath Chowbey“.
Người cha của bé Shanti cho biết: “Chẳng có ai trong gia đình biết về
những gì bé Shanti đã nói cả. Không ai muốn tìm hiểu xem căn nhà ở
Mathura hay người mà Shanti nói là chồng ấy là có thật hay không! Cả nhà
chúng tôi chỉ mong sao Shanti quên hết những gì cháu thường nhắc đến mà
thôi”.
Về sau, ông giáo ấy lại đến lần nữa và lần này đi cùng một người có vai
vế ở trường, đó là ông Lala Kishan Chand. Hai người này yêu cầu Shanti
mô tả thật rõ ràng căn nhà ở Mathura, cả số nhà, tên đường nữa. Họ ghi
chép lại cẩn thận và hỏi về người đàn ông mà Shanti bảo là người chồng
tiền kiếp của mình. Sau đó, ông Chand viết một lá thư trình bày sự việc
gởi tới tay Pandit Kedenmath Chowbey ở thị trấn Mathura theo địa chỉ ấy.
Họ gọi đây là “một bức thư may rủi” vì họ không chắc có người và địa
chỉ như Shanti đã nói hay không.
Chẳng bao lâu sau, họ nhận được một lá thư từ thị trấn Mathura gởi đến.
Tất cả mọi người trong gia đình Shanti ở Delhi khi nhận được bức thư đều
vô cùng kinh ngạc vì trên phong bì có ghi rõ họ tên của người Shanti đã
từng bảo là chồng mình, là Pandit Kedernath Chowbey. Khi đọc lá thư,
ông Chand vô cùng sửng sốt, vì những gì viết trong thư đều khớp với
những gì mà Shanti đã mô tả. Người viết thư này chính là Chowbey.
Chowbey cho biết rằng anh ta có một người vợ tên là Lugdi Bai đã chết.
Anh ta cũng rất ngạc nhiên về những điều mà ông Chand đã viết trong thư
về chuyện Shanti. Chowbey viết thêm là anh ta sẽ nhờ một người em họ
đang ở Delhi đến gặp mặt Shanti để sáng tỏ thật hư. Khoảng 2 tuần sau,
người em họ của Chowbey tên là Pandit Kanjimall đã tìm đến nhà. Ngay lập
tức Shanti nhận ra người em họ của chồng mình và hỏi thăm đủ chuyện về
con cái, về gia đình ở Mathura, hỏi luôn cả cửa tiệm bán quần áo ở trước
ngôi đền Dwarikadesh tại Mathura của nhà Chowbey. Thấy Shanti còn nhỏ
nhưng lại nói chuyện như người lớn và mọi người trong gia đình cô bé
cũng chưa ai từng đặt chân tới thị trấn Mathura, Kanjimall vô cùng kinh
ngạc. Tất cả những gì mà Shanti mô tả đều hoàn toàn đúng sự thật.
Vào ngày 12 tháng 11 năm 1935, sau khi nhận được thư của người em họ kể
lại chuyện lạ lùng về Shanti, Chowbey bán tín bán nghi, vừa nôn nao hồi
hộp, vội vã đáp tàu hỏa từ Mathura đến Đề Li để gặp Shanti.
Chowbey khi đi còn dẫn theo đứa con trai nhỏ, tên là Nabanita Lall.
Ngoài ra, đi theo Chowbey còn có người em họ là Kanjimall và người vợ
mới mà Chowbey đã cưới sau khi Lugdi qua đời. Khi cả bốn người này tới
nhà Shanti thì cô bé còn đi học chưa về.
Trong khi chờ đợi, người trong gia đình Shanti tiếp chuyện Chowbey và kể
về trường hợp lạ lùng của con gái họ là bé Shanti. Khoảng một giờ sau
Shanti đi học về. Bước vào nhà, cô bé ngạc nhiên vì thấy có nhiều người
trong phòng khách. Shanti vừa chào khách vừa xem mặt từng người. Khi
Shanti nhìn thấy Chowbey thì bỗng nhiên cô bé tỏ vẻ kinh ngạc rồi bước
ngay tới ngồi gần một bên Chowbey một cách e lệ. Tất cả mọi người có mặt
đều im lặng theo dõi. Người nhà Shanti chỉ vào Chowbey và nói:
- Đây là người anh cả của chồng cháu ngày xưa, cháu có nhận ra không?
Shanti vừa mân mê vạt áo vừa trả lời:
- Không phải đâu, đây là chồng của con. Con đã kể chuyện này nhiều lần cho cả nhà nghe nhưng không ai tin con cả.
Mọi người nghe Shanti nói, người này nhìn người kia, còn Chowbey thì
nhìn Shanti chăm chăm. Trong khi đó, người vợ kế của Chowbey ngơ ngác
như đang trải qua một giấc mơ. Shanti chợt thấy đứa con trai đứng bên
Chowbey thì nắm tay nó tỏ vẻ âu yếm vừa hôn vừa khóc sụt sùi một hồi rất
lâu. Shanti bảo mẹ đi tìm đồ chơi cho nó và có lẽ sợ mẹ đi tìm chậm nên
Shanti đã hăm hở chạy đi lục lọi đủ mọi thứ quà đem lại cho “con”.
Cha của Shanti đã kể lại cảnh tượng lạ lùng mà ông đã chứng kiến rõ ràng
khi ấy. Mặc dầu Shanti còn nhỏ nhưng phong thái, cử chỉ lời nói, nét
mặt và ánh mắt đều biểu lộ rõ ràng những đức tính của một người mẹ
thương con. Từ đó không ai còn xem Shanti là một đứa bé con nữa cả. Còn
Shanti thì nước mắt trào ra vì sung sướng. Mọi người thấy cảnh tượng ấy
cũng tự nhiên mủi lòng rơi lệ…
Mặc dù gia đình Shanti giấu kỹ không muốn để người ngoài biết về chuyện
của cô bé, nhưng câu chuyện về bé Shanti vẫn chẳng mấy chốc lan truyền
đi khắp vùng. Nhiều người đổ xô về nhà bé Shanti để tận mắt chứng kiến
câu chuyện lạ thường này.
Chiều hôm đó, Shanti vui vẻ giục mẹ làm cơm mời gia đình Chowbey và chỉ
mẹ những món ăn mà Chowbey thường thích. Shanti trông thấy người vợ mới
của Chowbey đeo nhiều nữ trang trước đây của mình (lúc ấy Shanti là
Lugdi Devi, sau khi Lugdi mất, Chowbey đã lấy nữ trang ấy cho người vợ
kế đeo).
Sau bữa cơm, Shanti mới hỏi Chowbey:
- Anh Chowbey, tại sao anh lại cưới chị ấy? Chẳng phải chúng ta đã
đồng ý với nhau trước khi tôi nhắm mắt là anh sẽ không cưới vợ lần nữa
kia mà?
Mọi người lại một phen kinh ngạc. Câu nói ấy hoàn toàn là của người lớn,
đầy vẻ trách móc, than oán, giận hờn, với lý lẽ mà ngoài người lớn ra
một đứa trẻ tuyệt đối không thể nào phát ngôn một cách tự nhiên như vậy
được.
Trong khi mọi người còn đang ngơ ngác thì Chowbey đưa hai tay ôm đầu cúi
gục xuống không nói một lời. Có lẽ Chowbey đang tưởng nhớ lại người vợ
cũ của mình cùng những gì mà hai người đã ước hẹn thề nguyền với nhau
ngày trước.
Hồi lâu, Chowbey ngẩng mặt lên nhìn Shanti và hỏi:
- Shanti đã mô tả về ngôi nhà trước đây ở thị trấn Mathura như vậy, Shanti có biết trong vườn nhà có những gì chăng?
Shanti gật đầu nói:
- Phải, tôi còn nhớ rất rõ ngôi nhà và cả khu vườn. Ở góc vườn có một
cái giếng. Tôi thường ngồi bên giếng để giặt quần áo, rửa đồ đạc và tắm
nữa…
Chowbey lại hỏi:
- Làm thế nào Shanti nhận ra con trai Nabanita của mình, vào giây
phút Shanti qua đời lúc đó Nabanita chỉ mới được có 9 ngày thôi?
Shanti trầm ngâm một chút rồi trả lời Chowbey:
- Bởi vì Nabanita chính là cuộc sống của tôi, là cuộc đời tôi…
Ngày 24 tháng 11 năm 1935, một nhóm những người nghiên cứu về hiện tượng
Shanti đến nhà cô bé và cùng đáp tàu hỏa đến thị trấn Mathura để tìm
hiểu và nghiên cứu. Lúc bấy giờ câu chuyện về Shanti đã lan truyền khắp
cả nước. Báo chí Ấn Độ đăng tải nhiều bài về Shanti, những tờ báo lớn
nhất Ấn Độ như Indian Press, The Tej… thường dành nhiều trang lớn để kể
về câu chuyện Shanti.
Cùng đi với đoàn có Shanti và cha mẹ ruột của cô bé. Trên chuyến tàu, khi gần đến nơi, Shanti thốt lên:
- Đã 11 giờ rồi, cổng đền Dwarikadesk sắp đóng đấy.
Trong câu nói ấy, Shanti đã dùng từ ngữ địa phương đặc biệt của người Ấn Độ giáo, vốn khá xa lạ đối với rất nhiều người.
Dân chúng ở thị trấn Mathura trong những ngày ấy xôn xao về chuyện cô bé
tái sinh Shanti sẽ đến thăm lại nơi tiền kiếp cô bé đã sống. Báo chí Ấn
Độ đưa tin ngày hôm đó có đến hơn 10.000 người tề tựu ở Sân ga của thị
trấn Mathura để xem mặt bé.
Khi đó, Shanti ngồi gọn trong lòng ông Deshbandu, một thành viên trong
nghị viện Ấn Độ. Bỗng Shanti thấy một người đàn ông bước về phía mình,
bé liền chạy đến sờ chân người đàn ông ấy với vẻ kính trọng xong đứng
sang một bên nói với Deshbandu: “Đây là người anh chồng lớn tuổi nhất của tôi khi xưa”.
Mọi người nghe Shanti nói thì hết sức kinh ngạc vì quả thật người đàn
ông này chính là anh ruột của Chowbey. Ông ta ở Delhi và đã đáp tàu đến
Mathura thăm gia đình Chowbey vì đã nghe chuyện lạ lùng do Kanjimall kể
lại và bất ngờ gặp nhóm người này ngay tại đó.
Khi bước xuống sân ga, ông Deshbandu bế Shanti lên chiếc xe ngựa chờ sẵn
và bảo người đánh xe cứ nghe theo lời bé Shanti dẫn đường thử xem sao.
Trên đường đi, Shanti cho biết rằng ngày xưa (khi Shanti còn là Lugdi,
vợ của Chowbey) con đường dẫn tới nhà mình chưa được rải đá tráng nhựa
gì cả.
Đến nơi, Shanti bảo người đánh xe ngựa ngừng lại, leo xuống đất rẽ vào
một con đường rồi bước vào một ngôi nhà trồng nhiều cây cối. Shanti gặp
một người Bà La Môn già liền dừng lại kính cẩn chào, xong quay lại nói
với những người đi theo sau:
- Đây là cha chồng của tôi!
Trong khi đó, hai bên đường làng, dân chúng nghe tin từ trước về chuyện
“Shanti về thăm ngôi nhà tiền kiếp” đã tụ tập rất đông để được chứng
kiến tận mắt sự việc.
Shanti sau khi chào cha chồng thì đi ngay vào ngôi nhà một cách rất tự
nhiên. Đây đúng là ngôi nhà của người cha chồng, nơi mà trong tiền kiếp,
Lugdi (Shanti) đã cùng Chowbey đến ở một thời gian.
Shanti đã chỉ chỗ mà trước đây mình đã ngủ, nơi mình đã treo, móc, và
cất quần áo. Shanti còn tỏ ra quen thuộc tự nhiên với những người ở
trong ngôi nhà này. Điều kỳ lạ nhất là trong đám đông đứng gần nhà,
Shanti đã nhận ra người anh ruột của mình ở tiền kiếp và một ông già mà
Shanti gọi là anh của bố chồng.
Đến trưa, những người ở trong nhóm nghiên cứu bảo Shanti chỉ đường cho
họ đến thăm ngôi nhà của vợ chồng Chowbey và Lugdi ngày trước. Cô bé đã
chỉ đường một cách rõ ràng và dễ dàng. Tại đây, Shanti nói rằng ở khu
vườn nhà có cái giếng và thường ngồi tắm ở đó, nhưng bây giờ không ai
thấy cái giếng đâu cả. Shanti tỏ ra bối rối và suy nghĩ. Sau đó, Shanti
đến góc sân dùng chân dậm dậm xuống đất và nói:
- Chỗ này này! Tôi nhớ rõ chính nơi này ngày trước có cái giếng mà…
Những người có mặt xung quanh liền lại ngay nơi Shanti đã dẫm chân lên.
Họ quan sát thật kỹ và khám phá ra rằng có một phiến đá lớn tại đó và do
lâu ngày cỏ, đất phủ lên nên không còn thấy miệng giếng nữa. Mấy người
đàn ông liền cố sức đẩy phiến đá đi và miệng giếng lộ ra.
Bỗng Shanti như chợt nhớ ra điều gì nên vội vã quay vào trong nhà.
Shanti gọi những người trong nhóm nghiên cứu theo mình. Lúc này có mặt
cả Chowbey. Bước vào một căn phòng, Shanti chỉ xuống đất và nói:
- Đây là phòng ngủ của hai vợ chồng tôi lúc đó, tôi có đào xuống nền
nhà của phòng này để chôn giấu một số tiền. Hãy đào chỗ này lên sẽ thấy
cái hộp, trong đó tôi có để tiền…
Khi nền nhà được đào bới lên, mọi người có mặt thấy một cái hộp đặt dưới
một phiến đá nhưng khi mở hộp ra thì không thấy có gì trong hộp cả.
Shanti nhíu mày suy nghĩ rồi cương quyết nói:
- Tôi đã để tiền vào trong cái hộp này mà! Ai đã lấy tiền đó vậy?
Khi đó Chowbey có mặt tại chỗ liền nói:
- Lugdi vợ tôi có chôn hộp tiền xuống nền nhà của phòng này. Khi
Lugdi chết, tôi đã phải đào lấy tiền trong hộp để trang trải mọi thứ.
Góc nhà ở Mathura của vợ chồng Chowbey, nơi Lugdi chôn giấu hộp tiền năm xưa
Shanti
nghe Chowbey nói liền cúi đầu im lặng. Shanti còn chỉ căn nhà của cha
mẹ mình ở tiền kiếp cho những ngưới trong nhóm điều tra nghiên cứu xem.
Shanti bước chân rất tự nhiên và vững vàng lên các bậc tam cấp của ngôi
nhà tựa hồ như đã ở đây hàng nhiều năm rồi. Ngay tại ngôi nhà ấy, đã có
hàng mấy chục người cả đàn ông phụ nữ và trẻ em đứng ngồi chờ xem Shanti
có thể nhận ra cha mẹ ruột tiền kiếp của mình không.
Khi chuyện Shanti lan truyền khắp nơi, gia đình Lugdi vẫn còn nhiều ngờ
vực. Sau đó người nhà Lugdi (tiền kiếp của Shanti) đứng lẫn trong đám
đông chờ Shanti tới, để xem cô bé có nhận ra được cha mình ở kiếp trước
không? Thế rồi khi Shanti đến, cô bé đi thăm toàn thể ngôi nhà và đi
ngang qua đám đông sắp thành hàng ngang đứng quanh vườn nhà. Bỗng Shanti
rẽ qua đám đông, tiến lại nắm tay một người phụ nữ và kêu lên:
- Mẹ! Mẹ…
Sau đó, Shanti lại nhận ra được người cha tiền kiếp của mình đứng lẫn
trong đám đông. Người Shanti nhận là cha ruột của mình ở kiếp trước
chính là cha ruột Lugdi, vợ của Chowbey. Mọi người có mặt lúc bấy giờ đã
la hét vang rền và vỗ tay nồng nhiệt vì đã được trông thấy tận mắt bằng
chứng sống động của hiện tượng tái sinh luân hồi. Shanti còn đưa nhóm
điều tra nghiên cứu đi thăm những nơi mà trước đây Shanti đã sinh sống
khi còn là Lugdi. Dân chúng quanh vùng càng ngày càng đổ xô đến xem
chuyện lạ. Thị trấn Mathura tự nhiên ồn ào náo nhiệt lạ thường. Bốn ngày
sau đó Shanti cùng đoàn trở về Dehli. Thị trấn Mathura xa dần trong tầm
mắt và càng lúc Shanti càng u buồn. Rồi vì quá mệt mỏi, Shanti ngủ
thiếp đi rất lâu trên đường về.
Tiến sỹ K. S. Rawat chụp ảnh với Shanti Devi vào những năm cuối của đời bà
Có
một điều đáng lưu ý là khi gặp Chowbey, nhà nghiên cứu Sushil Bose đã
có dịp hỏi Chowbey chồng của Lugdi về tình trạng sức khỏe và bệnh tình
của Lugdi ra sao đến nỗi phải chết. Chowbey cho biết vợ anh lúc đó là
Lugdi bị nhiễm trùng do đạp phải một mảnh xương và chết vào 10h sáng
ngày 4/10/1925. Sau đó khi trở về Dehli, ông Bose mới hỏi Shanti:
- Shanti bảo trước đây Shanti là Lugdi, vợ của Chowbey. Vậy Shanti có
nhớ lúc mình là Lugdi, thì đã bị thương tích, đau ốm nguy hiểm gì trước
khi qua đời không?
Shanti suy nghĩ một hồi rồi trả lời:
-
Lúc ấy tôi rất sùng đạo, tôi thường hành hương nhiều nơi và hành lễ
đúng thủ tục, đôi khi còn vượt xa các thủ tục đã đề ra. Một hôm, tôi đã
đi bộ bằng chân không quanh ngôi đền lớn ở Harchapiri cả trăm lần. Nhưng
không may tôi đã giẫm phải một mảnh xương sắc nhọn và bị nhiễm độc rất
nặng. Chất độc lan vào máu và bác sĩ đành phải bó tay.
Khi nghe Shanti kể xong, ông Bose đã ghi vào cuốn sổ tay của mình một câu như sau:
- Không còn nghi ngờ gì nữa về hiện tượng tái sinh luân hồi trong
trường hợp của Shanti Devi, một trường hợp điển hình. Tất cả những gì
chính cô bé mô tả đều phù hợp hoàn toàn với thực tế. Đó là điều khẳng
định sự thật hiển nhiên rằng Shanti là kiếp sau của Lugdi và Lugdi chính
là tiền kiếp của bé Shanti.
Trường hợp đầu thai luân hồi của Shanti Devi đã được viết thành sách và dịch ra nhiều thứ tiếng
Câu
chuyện có thật về Shanti từ năm 1935 đến nay đã có rất nhiều các sách
vở và các tài liệu ghi chép được lưu trữ tại các văn khố và thư viện
quốc gia khắp thế giới. Tài liệu “Shanti” được xem là tài liệu mẫu mực
bậc nhất cho các nhà nghiên cứu về tiền kiếp và hậu kiếp tham khảo.
Trước khi Shanti lìa đời 3 hôm, Shanti đã nói với anh mình: “Em nghĩ
em luôn luôn là người chung thủy, trước sau như một với chồng em, cho dù
anh ấy là chồng kiếp trước của em. Hơn nữa anh ấy vẫn còn sống, vì thế
em không muốn tái sinh lại lần nữa”.
Được biết suốt đời Shanti sống độc thân không lấy chồng cho đến ngày nhắm mắt. Bà mất ngày 27/12/1987, hưởng thọ 61 tuổi.
Sưu tầm