Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO VỀ MÔI TRƯỜNG VỚI LÒNG TỪ BI VÀ TÁNH KHÔNG
10/04/2013 14:13 (GMT+7)



Tôi sinh ra trong một gia đình Drokpa (Tạng ngữ nghĩa là Du mục) và trải qua những năm đầu đời ở vùng hoang dã phía đông Tây Tạng. Từ hè sang đông, chúng tôi di chuyển với đàn gia súc trên các miền đất, cắm những chiếc lều đan bằng lông yak ở mỗi nơi đã sống qua. Đó là một cách sinh tồn giản dị và niềm vui mỗi ngày của tôi còn là khám phá những ngọn núi gần đó với chú dê của mình. Nếu may mắn, tôi có thể nhìn thấy những loài gia súc hoang dã như nawa (cừu Tạng) và shaba (loài nai môi trắng) ở những dãy núi đồi gần đó. Thỉnh thoảng, tôi có trông thấy hàng đàn Kiang (loại lừa hoang Tây tạng) băng qua thảo nguyên.

Khi tôi vào lứa bốn, hay năm tuổi, đã có một đợt hạn hán khốc liệt và con suối ở nơi trại của chúng tôi bắt đầu khô cạn. Vì luôn được xem như một đứa trẻ khác thường (dù lúc đó chưa có ai biết rằng sau này tôi sẽ được công nhận là Karmapa thứ 17), dân làng xin cha tôi đề nghị tôi trồng một cây con ở đầu nguồn suối. Tôi nhớ mình đã hướng dẫn cầu nguyện với lòng mong mỏi rằng cái cây đó sẽ mang lại nước về cho mọi người xung quanh. Dù tôi không hề biết là lúc đó tôi đang làm một  hành vi “vì môi trường” hay một cái gì có ý nghĩa quan trọng lắm, nhưng tình thương tôi dành cho thiên nhiên và ý hướng bảo vệ môi trường đã đâm chồi từ hạt giống đó.

Khi lớn lên và bắt đầu nghiên cứu triết lý và các giáo huấn Phật giáo, tôi khám phá ra sự tương hợp giữa Phật học và các hoạt động vì môi trường. Nếu nói về tính đa dạng chủng loài, đặc biệt bao gồm các hệ sinh thái, thì việc hiểu rằng sinh vật dù hữu tri hay vô tri đều là các thành phần của một tổng thể - đây là sự tương hợp gần gũi với đặc tính phụ thuộc lẫn nhau được đề cao trong đạo Phật. Cốt lõi của Đạo phật nằm ở sự hợp nhất giữa lòng từ bi và tánh không : sự tận tụy sâu sắc để làm vơi đi nỗi thống khổ của chúng sanh và việc hiểu biết rằng vạn sự đều thiếu vắng tự tánh. Hai vế của một tổng thể triết lý này trình bày cụ thể về mục đích của việc bảo vệ môi trường. Tôi sẽ giải thích điều mà tôi muốn nói đến.

Ví dụ điển hình nhất mà các Phật tử dùng để giải thích cho lòng từ bi là tình mẫu tử. Hãy xem tất cả như những điều mẹ bạn khả dĩ đã làm cho bạn từ lúc bạn tượng hình, mang bạn chín tháng, trải qua bao khổ sở khi lao động và sinh đẻ, đút mớm bạn ăn, cho bạn mặc, chăm sóc mọi nhu cầu, và lo lắng lâu dài sau khi bạn đã trưởng thành.Hầu hết những người mẹ đều không ngừng chăm sóc con cái họ một cách vô điều kiện. Bất kể là một người có tin có tái sinh hay không, người đó có thể nghĩ rằng mọi chúng sanh đều giống như những người mẹ đối với mình. Thực phẩm được bày trước mặt của chúng ta đã được vun trồng, đóng gói, và chuẩn bị bởi những người mà ta không quen biết. Quần áo ta đang mặc được may bởi những người mà ta chẳng bao giờ gặp. Thế nhưng chúng ta đang hưởng lợi trên hy vọng, mơ ước và sức lao động của họ. Cây cối, động vật và những vật liệu thô, tất cả đều được sử dụng để cung ứng cho chúng ta những thứ đó. Đây chính là sự tương thuộc lẫn nhau tiêu biểu cho cuộc sống – không có thứ nào tự sống riêng rẽ hay tồn tại độc lập. Tất cả chúng ta đều là bộ phận của hệ sinh thái thế giới, và thế giới rất bao dung với chúng ta.

Tánh không, ngược lại, có thể được giải thích một cách tốt nhất là bằng ví dụ về tự ngã. Ta thường tưởng tượng gì khi nghĩ về tự ngã? Chính xác thì cái ngã đó ở đâu? Ở trong tim hay ở trong óc? Ở nơi hơi hít vào hay hơi thở ra? Ở chỗ chuyển động tay chân của ta? Trong tương tác hay trong mối quan hệ với người khác? Cái ngã lúc ta 15 tuổi với 25 tuổi thì khác xa nhau. Bởi cái ngã thì vô thường và cũng bất khả xúc chạm, nên nó thiếu vắng bất cứ tự tánh cố hữu nào. Và vì thế, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại của chúng ta cũng thiếu vắng tự tánh. Điều này không có nghĩa là chúng ta không là gì cả, mà là chúng ta dịch chuyển, tiêu hóa và bài tiết liên tục. Vì thế, chúng ta không cần phải quá bám chấp vào những gì mình kinh nghiệm được và hãy phát triển tánh bình thản trước mọi hiện tượng sự việc. Chứng nghiệm sự tự do này từ sự phán xét về tự ngã và sự tự xem là quan trọng mà cái ngã đó tạo ra có nghiã là chúng ta có thể bỏ qua sự khác biệt giả tạo giữa ngã và những sự vật hiện tượng khác ở khắp nơi.

Điều này có quan hệ thế nào đến môi trường? Theo đạo Phật, sự thiếu hiểu biết (vô minh) về bản tính trống rỗng của tự ngã và sự từ bỏ lòng từ bi là nguyên nhân gốc rễ của thói ích kỷ, sân hận, chấp thủ, và tham lam. Vô minh là lý do khiến con người đã làm giảm chất lượng môi trường và khiến nhiều giống loài bị tuyệt chủng. Vô minh khiến chúng ta coi trọng quá mức bản ngã và bất cứ thứ gì liên quan tới nó, như gia đình của tôi, tài sản của tôi, đất nước của tôi, và thậm chí chủng tộc của tôi. Việc nhận thức sự phân hóa của thế giới thông qua lăng kính hạn hẹp của bản ngã có nghĩa là chúng ta buộc đào mồ chôn Trái Đất mà không chút bận tâm, bởi lẽ Trái Đất đã trở nên thứ gì đó “khác tôi”.

Người theo đạo Phật tin rằng vô minh là lý do con người không còn sống hài hòa với thiên nhiên nữa. Có một sự kiện không may là nhiệt độ ở cao nguyên Tây Tạng đang tăng nhanh hơn các nơi khác trên Trái Đất do sự biến đổi khí hậu. Tôi biết sẽ có những hậu quả khôn lường đối với những thảo nguyên rộng lớn của Tây Tạng, và điều làm tôi buồn lòng là nó báo hiệu sự kết thúc đời sống du mục của người Tây Tạng. Hơn thế nữa, tôi được cho biết rằng toàn bộ thế giới sẽ trở nên nguy hại nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 2◦C. Đặc biệt là nông nghiệp sẽ bị hủy hoại. Chỉ riêng tại Ấn Độ, việc này sẽ làm thiệt hại đáng kể gạo, lúa mì, đậu, là các loại nông sản thô chính của ẩm thực Ấn.

Những hậu quả của việc biến đổi khí hậu không chỉ xảy ra ở cao nguyên Tây Tạng. Tây Tạng là nơi bắt nguồn của các con sông lớn của Châu Á: sông Ấn, sông Hằng, sông Brahmaputra ([sông Phạm Thiên Tử] Ấn độ), sông Irawaddy (Myanmar), sông Dương Tử (Trung Quốc) và sông Mekong. Tây Tạng đôi khi được gọi là như cực thứ ba của Trái Đất vì nơi đây chứa hầu hết lượng băng và nước sau Bắc và Nam Cực. Nếu những nguồn nước này bị cạn hay ô nhiễm, thì sẽ để lại những hậu quả nguy kịch cho hơn một tỷ người. Vì băng tan nhiều hơn khi nhiệt độ tăng lên, nên sự thiếu nước và thực phẩm cũng sẽ tăng trong tương lai gần. Sự thiển cận làm chúng ta không thấy được mối tương quan giữa các hành vi của mình và các hệ quả lâu dài của chúng. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong 50 năm gần đây làm được là nhờ sử dụng nhanh chóng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (năng lượng than, dầu mỏ và khí đốt) trên Trái Đất. Tuy nhiên, những phí tổn tiềm ẩn đang chồng chất và được gánh chịu chủ yếu nhờ vào những thứ ít ra có thể tự bảo vệ chúng. Sớm hay muộn, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá.

Khoảng cách giàu - nghèo đang rộng ra hơn bao giờ hết, những đề xướng phát triển kinh tế dường như đã quên đi người nghèo mà chỉ tận hưởng sự giàu có. Ngoài ra, trong nhiều bộ phận kém phát triển của thế giới, thì sự phân hóa sinh học là quan trọng nhất và sự thoái hóa của môi trường là lớn nhất. Mô hình phát triển kinh tế có thể bảo vệ hoặc hỗ trợ cho những nguồn tài nguyên quý giá của chúng ta không? Chúng ta có thể vay mượn tài nguyên thiên nhiên và hoàn trả lại cho các thế hệ mai sau hay không? Nếu không, chúng ta đang tước đoạt sự giàu có của Trái Đất và gọi những hành vi của mình là phát triển kinh tế.

Nền kinh tế thế giới hiện nay trông như một cây tươi tốt của sự giàu có to lớn. Chúng ta ngưỡng mộ nhiều những nhánh cây và những chiếc lá xanh bóng của nó, và tin rằng đó là cái cây tuyệt nhất trên đời. Nhưng chúng ta chỉ mới nhìn thấy nửa bên trên của nó thôi vì nửa còn lại thì nằm dưới lòng đất. Nếu nhìn được bên dưới bề mặt này, ta có thể phát hiện ra rễ của cái cây đang chết vì sự ngược đãi và bỏ mặc. Điều này có thể chỉ là vấn đề thời gian thôi trước khi tình trạng này tác động lên nửa trên của thân cây. Việc ưu đãi với nhánh hay lá cây chỉ là giải pháp tạm thời, cho tới khi chắc chắn rễ cây được khỏe mạnh, chúng ta không thể đảm bảo được một cái cây khỏe khoắn. Vì vậy tôi vô cùng cảm kích ý tưởng về sự phát triển bền vững, được định nghĩa bởi Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (1987) như là “đạt được những nhu cầu của thế hệ hiện tại chúng ta mà không phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Sau hết, nếu quan điểm về tái sinh đươc chứng minh là đúng, thì chúng ta chính là thế hệ tương lai.

Tôi thấy rất hoan hỉ và thú vị với tinh thần của con người. Sức mạnh của một ý tưởng là rất lớn. Hãy xem quan điểm về nhân quyền    là một ý tưởng đơn giản vốn vượt qua được các dị biệt lớn lao – các chính quyền toàn trị, chiến tranh, và nghèo khổ - để trở thành một ý tưởng phổ quát. Dù là nhân quyền 100 năm trước còn chỉ đơn thuần là một ý tưởng vụng về. Tôi tin là một cuộc cách mạng tương tự về tư tưởng của chúng ta nhất thiết diễn ra ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, kể cả đối thoại về sự phân hóa sinh học. Nên có các quyền cho đời sống hoang dã, các hệ sinh thái, và ngay cả các dịch vụ môi trường chẳng hạn như các vòng tuần hoàn nguyên vẹn của nước.

Tôi rất hoan hỷ hỗ trợ các thỏa ước toàn cầu về việc bảo tồn đời sống hoang dã và các hệ sinh thái, các thỏa thuận chuẩn mực thông thường về an toàn môi trường, cũng như là những nỗ lực đang tiếp diễn để giảm thiểu các thay đổi do con người gây ra với khí hậu Trái Đất. Cốt lõi của từng sự khởi xướng này là động lực chân thành của một vài cá nhân, vốn đã và đang cống hiến cuộc đời mình cho các sự nghiệp đó. Những cá nhân này cho tôi niềm hy vọng lớn lao bởi nếu chúng tôi ta muốn tạo ra sự thay đổi thế giới, thì tiến trình đó phải bắt đầu từ bên trong chính bản thân chúng ta. Thật là không thực tế khi tìm kiếm sự chuyển hóa phần còn lại của thế giới và cứ mong chờ một ai đó lắng nghe theo mà [tự mình] lại không sống và làm người tiên phong.

Nếu có một người với cương vị như là một vị thánh Phật giáo về sinh thái học, tôi sẽ đề cử học giả lỗi lạc Ấn Độ - Tịch Thiên, người đã viết trong tác phẩm Nhập Bồ đề hành luận (Bodhicharyavatara, 1979) vào thế kỉ thứ tám:

Nguyện cho chúng sanh các cõi,
Đã bị quấy nhiễu bởi đau đớn thân tâm,
Nhận được đại dương của hạnh phúc và hỷ lạc,
Từ các đức hạnh của công đức nơi ta.

Trong bài kệ này, ngài Tịch Thiên chọn cách hiến dâng cuộc đời mình để giảm bớt nỗi khổ của người khác nhờ vào sự thấu suốt của Ngài về bản tánh tương thuộc lẫn nhau của đời sống. Nếu chúng ta chấp nhận rằng chúng ta không phải là những cá thể tách biệt nhau mà là một tổng thể đã tạo ra đời sống vạn vật trên Trái Đất, thì chúng ta không thể tiếp tục lãnh đạm với nỗi khổ đau và bệnh tật xảy ra nơi đây. Với hiểu biết này, việc phát triển lòng bi mẫn tới tất cả chúng sanh và chuyển động lực đó thành hành động là ý thức có tính sinh thái nhất mà chúng ta có thể làm.

Trong 100 năm trở lại đây, có hơn 95% loài cọp hoang dã (Panthera tigris) trên thế giới đã biến mất. Khi các nhu cầu của con người đã tiếp tục tăng lên, chúng ta ngày càng lấy từ thiên nhiên ngày càng nhiều hơn và chừa lại mỗi lúc mỗi ít hơn cho các loài động vật khác . Tuy vậy, loài cọp quý này hầu như đã biến mất hoàn toàn do bởi nhu cầu tiêu dùng từ da và các bộ phận thân thể của chúng. Chúng ta đang khiến cho các chủng loài đi đến chỗ tuyệt chủng một cách đơn thuần là bởi chúng ta tin rằng việc trang sức bằng da của chúng làm mình trông sang trọng hơn hay việc tiêu thụ các bộ phận của loài cọp hổ sẽ khiến mình mạnh khỏe hơn. Làm một việc như thế một cách căn bản là phi Phật giáo và rất thiếu từ bi, không chỉ với loài cọp mà là với bản thân chúng ta, vì hành động đó sẽ dẫn tới việc để lại các hạnh nghiệp xấu cho chúng ta.

Từ bi với “kẻ khác”, bất kể là loại người nào, loài động vật gì, cây cối hay các loài thực vật khác, và với cả chính Trái Đất, là việc duy nhất một cách tối hậu sẽ bảo vệ con người chúng ta. Hầu hết người ta quan tâm hàng đầu tới công việc, tài sản, sức khỏe hay gia đình của mình. Cơ bản là hàng ngày họ có thể cảm thấy có những thứ cấp thiết để lo nghĩ hơn là hậu quả môi trường gây ra bởi họ. Dĩ nhiên, việc để tâm đến vấn đề lớn này có nghĩa là phải nhận lấy những lựa chọn và các thay đổi bất tiện trong cuộc đời họ. Tôi cũng không khác gì. Mặc dù được xem là đã từ bỏ việc ăn thịt nhiều năm nay, tôi chỉ trở thành người ăn chay hoàn toàn mới cách đây vài năm. Vài người đã đưa ra một đoạn tài liệu ngắn cho thấy sự đau đớn của các con vật trước và trong khi chúng đang bị giết. Xem tài liệu này, tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi của chúng. Như một tiếng sét, tôi nhận thức được rằng những sinh linh này đang đau đớn cùng cực chỉ đơn giản là để thỏa mãn sở thích quen thuộc của mình. Ăn thịt trở nên điều không thể chấp nhận được đối với tôi lúc đó, và vì thế tôi từ bỏ.

Câu hỏi còn lại là khi nào thì cái giây phút không thể chấp nhận được đó sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta? Liệu chúng ta sẽ cho phép nước biển dâng lên và bao phủ các hòn đảo Thái Bình Dương và dãy Hymalaya bị bào mòn thành đá trọc. Liệu chúng ta sẽ để các loài hoang dã kì diệu bị tuyệt chủng và trở nên mờ nhạt trong câu chuyện được kể cho các thế hệ về sau? Những khu rừng bạt ngàn có nên trở thành đất canh tác để phục vụ cho những nhu cầu bất tận của chúng ta? Liệu rằng chúng ta có nên sống với những ngọn núi rác ngày càng tăng cao vì chúng ta không thể chế ngự được hậu quả của chủ nghĩa tiêu thụ?

Để xã hội giải quyết thành công những thử thách về môi trường của thế kỉ thứ 21, chúng ta phải liên kết những thử thách này với những chọn lựa riêng lẽ làm việc trên cơ sở hàng ngày. Chúng ta không thể đơn thuần giải quyết các phương diện chính trị và khoa học như là sự thay đổi khí hậu, sự khai thác các nguồn tài nguyên mãnh liệt, sự phá rừng, và sự buôn bán động vật hoang dã. Chúng ta cũng phải xử lý các phương diện văn hóa và xã hội của nhừng vấn đề này bằng việc làm thức tỉnh các giá trị nhân bản và tạo ra một dòng chuyển về lòng từ bi, để cho ngay chính động lực trong việc trở thành các nhà bảo vệ môi trường là để đem lại lợi lạc cho những chúng sanh khác

Để làm điều này, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tạo khả năng cho mọi người bảo vệ môi trường. Tôi đến từ một vùng của Tây Tạng, nơi mà những người ở Lhasa xem là lạc hậu, bị bỏ rơi ở phía Tây. Gia đình tôi sống trong những điều kiện mà nhiều người sẽ cho rằng rất khắc nghiệt và kém phát t riển. Và tuy thế cha tôi, người chưa bao giờ được đi học, lại học hỏi từ chính thân phụ của ông rằng nếu bạn muốn bảo vệ một con suối, bạn phải trồng cây. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm ra những người bản xứ đó, những người sống gần gũi nhất với thiên nhiên, thường là những trợ thủ tuyệt vời nhất của chúng ta trong việc nỗ lực bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta muốn cứu vãn Trái Đất, thì mỗi người trong chúng ta phải đóng một vai trò. Chúng ta phải bẽ gãy các rào chắn và tạo dựng nên những chiếc cầu nối. Sau hết, chúng ta đang bảo vệ Trái Đất cho ai nếu chẳng phải là cho tất cả chúng ta?

Thứ hai, việc thiết yếu là chúng ta tìm ra các phương cách giảm thiểu những nguồn năng lượng tiêu thụ hay ít ra tìm cách tiết kiệm các nguồn thay thế như than đá, dầu và khí đốt. Một trong những điều dễ nhất để làm đó là làm cho năng lượng mặt trời và công nghệ năng lượng an toàn thay thế  rẻ hơn. Tu viện chính của tôi ở Tây Tạng, Tsurphu, thật may mắn là vì nó tọa lạc ở gần các con suối địa nhiệt tự nhiên mà chúng tôi dùng để lấy năng lượng. Giờ đây ở Ấn Độ, tôi đang nỗ lực để làm sao tất cả các tu viện thuộc hệ phái Karma Kagyu ở đây có thể tự túc trong việc sử dụng các nguồn năng lượng. Thật tuyệt vời để có thể nói chắc chắn rằng, chúng tôi, những tăng ni Phật giáo không đang gây ra thêm các vấn đề môi trường trên thế giới. Có thể một ngày nào đó, tất cả các quốc gia cũng sẽ đánh giá được chính họ bởi tiêu chí này.

Thứ ba, tôi xin đề nghị các học giả và các hành giả giúp bảo vệ cho cao nguyên Tây Tạng, nơi cung cấp nguồn nước cho nhiều phần đại lục Á Châu. Vì nước ở vùng này chưa hề được thẩm định giá trị, nên chúng ta xem nguồn tài nguyên và các thượng nguồn của nó như là là vật sẵn có để khai thác mà không hề quý trọng. Giờ đây, sông Yarlung Tsangpo (sông Brahmaputra) đang chịu sự đe dọa cạn kiệt từ những đập nước và sông Sengye Tsangpo (sông Ấn) không còn chảy ra đến biển nữa. Như cực thứ Ba của Trái Đất, Tây Tạng bị tổn hại mạnh mẽ do sự thay đổi khí hậu, và những gì đã xảy ra ở đó có tầm quan trọng lớn lao cho vùng còn lại của đại lục Á Châu.

Thứ tư, chúng ta nên thẩm lại một cách tổng quát cái mà chúng ta cho là thành công, liệu đó có phải là sự phát triển và lớn mạnh về kinh tế, hay sự sung túc cá nhân hay không. Mô hình phát triển kinh tế hiện nay không thể đạt được một cách dễ dàng cho đa số của thế giới, những người  phải vật lộn để sống qua ngày. Nếu chúng ta đánh đồng các giá trị chia sẻ, lòng từ ái, và an lạc, như chúng ta làm với sự giàu có và tình trạng xã hội, thì mỗi người chúng ta sẽ phải nỗ lực cho sự thành công dĩ nhiên cho cả một cộng đồng. Chúng ta phải khảo sát những giải pháp thay thế hữu ích và thực tế cho việc hiểu biết thông thường về ý nghĩa của thành công và phát triển, điều mà tất cả chúng ta đều khao khát hướng tới một cách bình đẳng.

Cuối cùng, tôi tin rằng tương lai của chính Trái Đất phụ thuộc vào những người trong chúng ta, người vốn có quyền ưu tiên được sống giản dị hơn. Sống giản dị chính là thể hiện lòng từ bi với bản thân bạn và với thế giới. Một cuộc sống đầy đủ vật chất của cải và thiếu vắng lòng nhân hậu thì thật khó thể chấp nhận theo quan điểm sinh thái và nghiệp quả. Dĩ nhiên, các quảng cáo thì luôn nói với chúng ta rằng con đường tới hạnh phúc nằm ở việc mua các hàng hóa mà họ bán ra. Làm sao mà quảng cáo thuyết phục được chúng ta ngay cả khi ta còn nghi ngờ thông tin của nó? Sự bám chấp của chúng ta vào hạnh phúc, của cải, gia đình của riêng mình và cái Tôi tạo ra sự thiếu sót của một tầm nhìn vốn khiến cho chúng ta trở thành hữu dụng. Tuy vậy, nếu ta giữ được chánh niệm về tánh không của tự ngã, ta có thể tạo ra không gian lớn cho các chọn lựa hơn là chủ trương tiêu dùng theo thói quen. Chúng ta không cần phải sống một cuộc đời bị bán cho mình, chúng ta có thể tạo ra một sự lựa chọn dũng cảm để sống giản dị.

Cội rễ của tất cả các tôn giáo đều là những giáo lý cơ bản như nhau. Sống giản dị. Hành động với lòng từ bi. Tử tế với người khác. Không ở đâu mà một tôn giáo nào đó lại bảo chúng ta bên phá hủy chính cái thứ đã đem lại cuộc sống cho chúng ta. Vì vậy tôi cảm thấy khá tự tin khi nói rằng, từ quan điểm tôn giáo, chúng ta phải gìn giữ mọi sự sống và bảo vệ quả Địa cầu. Riêng phần tôi, tôi có được cảm hứng từ những giáo lý của Đức Phật, từ tâm tủy lời huấn từ mà chúng tôi thực hành để mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh và chấm dứt việc gây hại cho họ. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã từng nói, chìa khóa cho sự sinh tồn của loài người đó là tính trách nhiệm phổ quát.

Tác phẩm “Nhập Bồ đề hành luận” của Ngài Tịch Thiên (1979) vẫn được các Phật tử Đại thừa và Mật thừa học hỏi kỹ lưỡng. “Nhập Bồ đề hành luận” trải ra con đường đạt đến quả vị Phật thông qua việc nuôi dưỡng lòng từ bi và sự thấu suốt tánh Không, được thể hiện dưới dạng những bài kệ giác ngộ và đem lại nguồn cảm hứng cho tất cả những ai mong mỏi từ bỏ những dục vọng và tham đắm của riêng mình, nhằm mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh.

Ở cương vị Karmapa thứ 17, tôi tin chắc rằng hoạt động Phật giáo như vậy có thể được trực tiếp chuyển dạng thành hành vi bảo vệ môi trường. Với quan điểm đó, chúng tôi bây giờ có khoảng 40 nam và nữ tu viện hệ phái Kagyu bên kia dãy Hymalaya, đang thực hiện các dự án về môi trường để xử trí các vấn đề như thoái hóa rừng, thiếu nước, buôn bán động vật hoang dã, thay đổi khí hậu và ô nhiễm, với sự hướng dẫn từ các tổ chức phi chính phủ, kể cả Quỹ Thế giới bảo vệ Thiên nhiên. Chúng tôi biết tuy đây chỉ là một giọt nước trong đại dương và những thử thách phải đối mặt thì phức tạp và rộng lớn hơn là chúng tôi có thể giải quyết một mình. Tuy vậy, nếu mỗi người chúng ta đóng góp một giọt nước trong lành để bảo vệ môi trường, thì tưởng tượng xem cuối cùng đại dương mênh mông này sẽ thuần khiết tới dường nào.

Xin cảm tạ các vị J. Stanley,  D. Goleman,  và D. Chungyalpa vì những đóng góp quý giá của các vị cho tiểu luận này.

Giới thiệu về tác giả

Đức Karmapa là vị lãnh đạo tông phái Karma Kagyu của truyền thừa Phật giáo Tây Tạng. Đức Karmapa thứ 17, Ogyen Trinley Dorje, là nhân vật có ảnh hưởng lớn được sùng mộ bởi hàng triệu Phật tử khắp thế giới. Ngài được xem là tái sinh lần thứ 17 của lãnh đạo một truyền thừa kéo dài 900 năm. Hiện Ngài 26 tuổi. Sinh ra ở Tây Tạng, Ngài vượt đến Ấn Độ vào năm 14 tuổi và sống ở đó từ tháng 1 năm 2000. Là người cống hiến cho môi trường, Ngài dẫn đầu một liên minh các tăng ni Phật giáo Tây tạng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chính cộng đồng của họ ở vùng Himalaya.

Trích văn

Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, 1987. Đề tài Tương lai của chúng ta.

Báo cáo. Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới, New York, Liên Hiệp Quốc.

Tịch Thiên (chuyển dịch bởi Stephen Batchelor) 1979. Nhập Bồ-đề Hành Luận. Viện hoạt động và lưu trữ Tây Tạng, Dharamsala, Ấn Độ.

 

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-90_4-18126_5-50_6-1_17-90_14-1_15-1/di-tren-con-duong-phat-giao-ve-moi-truong-voi-long-tu-bi-va-tanh-khong.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang