Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Một cao Tăng của Phật giáo Nga sau 80 năm viên tịch vẫn như còn sống
16/10/2011 21:01 (GMT+7)


Đó là thông tin đã được loan tải trên các phương tiện truyền thông ở Nga liên quan đến một vị Lạt-ma ở Buryat. Mộ phần của ngài đã được khai quật vào đầu thế kỷ thứ 21. Trong mộ phần có một quách gỗ. Và trong quách gỗ có một nhục thân nhà sư Phật giáo ngồi trong tư thế “liên hoa”. Nhục thân được bảo quản như một xác ướp, nhưng không phải là xác ướp. Da thịt vẫn mềm mại, và các khớp vẫn còn co duỗi được. Nhục thân mặc y hậu bằng vải lụa.

Di ảnh đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov,
Khambo Lama đời thứ 12 lúc sinh thời

Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov, Khambo Lama đời thứ 12 là nhân vật thật sự rất nổi tiếng trong lịch sử Nga. Ngài học ở Anninsky Datsan –  một Đại học Phật giáo ở Buryatia mà ngày nay chỉ còn là phế tích, và đã có bằng y học và bằng triết học về Tính Không. Ngài đã viết một bộ bách khoa về dược lý.

Năm 1911, Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov được suy cử lên ngôi vị Hambo Lama – Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Nga. Trong giai đoạn từ năm 1913 đến năm 1917, ngài tham gia các hoạt động xã hội của Nga hoàng (Tsar), được mời tham dự lễ kỷ niệm 300 năm trị vì của Vương triều Romanov, và đã khai sơn ngôi chùa đầu tiên ở St. Petersburg. Ngài 19-3-1917, Nga hoàng Nikolai Đệ nhị đã tặng ngài giải thưởng St. Stanislav.

Trong thời kỳ Đệ nhất Thế chiến, đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov đã sáng lập Hội Huynh đệ Buryat (Buryat brothers) và là linh hồn của tổ chức này. Ngài ủng hộ quân đội tiền tài, lương thực, quân phục, và thuốc thang. Ngài cũng xây dựng một loạt bệnh viện để các Lạt-ma bác sỹ cứu chữa các quân nhân bị thương. Do những đóng góp này, ngài được tặng giải thưởng St. Anna và các giải thưởng khác.

Kim thân bất hoại của đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov,
Khambo Lama đời thứ 12 được triển lãm
tại chính điện Tu viện Ivolginsky Datsan

Năm 1926, đức Thượng thủ Itigelov khuyên các nhà sư nên rời khỏi Nga vì “học thuyết đỏ đang đến.” Tuy nhiên bản thân ngài thì không rời khỏi Nga. Năm 1927, đức Thượng thủ Itigelov, 75 tuổi, cho biết ngài đang chuẩn bị viên tịch và nói các Lạt-ma khởi sự thiền định. Các Lạt-ma không muốn thực hiện cuộc thiền định này vì đức Thượng thủ Itigelov vẫn còn đang sống. Vì đức Thượng thủ Itigelov bắt đầu tự thân thiền định nên các Lạt-ma đã tham gia với ngài và chẳng bao lâu sau thì ngài viên tịch.

Đức Thượng thủ Ititgelov đã để lại một di chúc yêu cầu an táng ngài như khi ngài đang ngồi trong tư thế hoa sen trong một chiếc quách bằng gỗ tùng và chôn ngài tại nghĩa trang truyền thống. Di chúc này của ngài đã được thực hiện.

Trong một chúc thư khác, ngài yêu cầu Tăng chúng khai quật mộ phần của ngài vài năm sau khi an táng. Đây là điểm kỳ thú, vì điều này có nghĩa là, ngài đã biết trước được nhục thân ngài vẫn còn giữ nguyên vẹn. Di chúc này của ngài được chư Tăng thực hiện năm 1955 và 1973, nhưng chư Tăng sợ hãi không dám tiết lộ việc này với ai, vì chế độ cộng sản thời đó không dành một chỗ đứng nào cho tôn giáo trong xã hội.

Tu viện Ivolginsky Datsan tọa lạc tại Tây Siberia,
gần Hồ Baikal, là tu viện Phật giáo quan trọng nhất ở Nga

Mãi đến tháng 9-2002, lần đầu tiên một cuộc khai quật công khai nhục thân Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov được tiến hành sau 75 năm kể từ khi ngài viên tịch. Nhục thân ngài sau đó đã được chuyển đến tu viện Ivolginsky Datsan, nơi an vị nhục thân ngài ngày nay.

Tại tu viện Ivolginsky Datsan, nhục thân đức Thượng thủ Itigelov bị phân hủy không đáng kể do việc khai quật, nhưng vẫn còn nằm trong tình trạng bảo quản đã làm đau đầu các nhà khoa học và thu hút hàng ngàn tín đồ Phật tử. Chư Tăng và quan trọng nhất là các nhà khoa học, các nhà bệnh lý học đã tiến hành nghiên cứu nhục thân ngài một cách kỹ lưỡng.

Tháng 11-2004, Giáo sư Viktor Zvyagin thuộc Trung tâm Pháp y Liên bang Nga đã khảo sát nhục thân đức Thượng thủ Itigelov tại Ivolginsk và tiến hành phân tích tóc, da và mẫu móng tay của ngài tại thủ đô Moscow. Giáo sư Zvyagin kết luận rằng, nhục thân Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov nằm trong tình trạng của một người đã chết 36 giờ.

“Trong những năm hành nghề, tôi gặp rất ít trường hợp thi hài được bảo quản, nhưng đó cũng chỉ là kết quả của việc ướp xác hoặc kết quả của điều kiện môi trường khắc nghiệt,” Giáo sư Zvyagin chia sẻ. “Nhưng nhục thân Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov là một trường hợp rất khác biệt, và đối với tôi là khó hiểu. Đây là một hiện tượng cần phải được nghiên cứu cặn kẽ nhất.”

Một tuyên bố chính thức của các nhà khoa học về nhục thân ngài đã được đưa ra. Theo đó, toàn bộ cơ bắp, các mô bên trong, các khớp co duỗi mềm mại và da vẫn được bảo quản cực tốt, không có dấu hiệu thối rữa. Điều đáng chú ý là nhục thân chưa hề được ướp xác hay bó xác.

Phật tử tin rằng đức Khambo Lama đời thứ 12 là hiện thân của đức Damba Dorja Zayayev, Khambo Lama đời thứ nhất sinh năm 1702. Đức Lạt-ma Damba Dorja Zayayev trụ thế 75 năm. Và 75 năm sau khi ngài viên tịch, Lạt-ma Dasha-Dorzho Itigelov được sinh ra và cũng trụ thế 75 năm.

Kim thân của đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov,
Khambo Lama đời thứ 12

Bên cạnh đó, Phật tử cũng tin tưởng rằng tình trạng nhục thân đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov, được hiểu không giống như những trường hợp khác trong lịch sử, là bằng chứng chứng minh ngài đã đạt đến trạng thái tính không. Vì vậy, ngài đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều Lạt-ma, các chú Sa di bước đi trên con đường tâm linh và những con đường khác của Phật giáo.

Đã hai năm trôi qua, nhục thân của đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov hiện vẫn giữ trong không khí tự nhiên cùng với sự tiếp xúc của nhiều ngươi, mà không có bất kỳ một chế độ bảo quản nào bằng máy điều hòa nhiệt độ hoặc độ ẩm. Làm thế nào mà nhục thân đức Thượng thủ vẫn được duy trì trong điều kiện như thế? Không ai hiểu nổi việc này.

Đây là trường hợp kim thân bất hoại độc nhất vô nhị được biết đến và được chứng thực trên khắp thế giới. Việc ướp xác và bó xác đã được biết đến trong một số các quốc gia và dân tộc như: việc ướp xác của Chi Lê (Chinchora), của Ai Cập, của các vị Thánh Cơ-đốc giáo, và của các lãnh tụ cộng sản v.v. Vài thi hài đã được phát hiện trong tình trạng đông cứng, nhưng khi chúng tiếp xúc với bầu không khí ô-xy thì chúng bị tan rã trong vài giờ.

Tuy kinh điển Phật giáo có miêu tả về kim thân bất hoại như vậy, nhưng không có bằng chứng chứng thực. Vâng, bây giờ thì đã có rồi đó.

Trong hai năm sau khi khai quật, nhục thân đức Thượng thủ Dasha-Dorzho Itigelov không bị phân hủy, không bị thối rữa, không bị mốc, và cũng không có một dấu hiệu xấu nào xảy ra. Trước khi viên tịch, đức Thượng thủ Itigelov cho biết ngài sẽ để lại một thông điệp cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Đó là bức thông điệp vô ngôn. Giờ đây, đến lượt chúng ta cần phải hiểu thông điệp không lời đó.

Thích Minh Trí tổng hợp (Theo bumninorn.ru và sacred-destinations)

http://www.giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang