Đối với hàng xuất gia, Sa di có 10 giới, Tỳ kheo có
250 giới, Tỳ kheo ni có 380 giới, Bồ tát có 10 giới trọng và 48 giới
khinh. Tất cả những điều luật này do Phật chế, trong khi Ngài tại thế,
tùy theo từng hoàn cảnh, người nào cần áp dụng điều khoản nào thì Phật
cho điều đó.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa, sẽ thấy tất cả điều khoản mà
Đức Phật đưa ra không nhằm mục đích ràng buộc người, nhưng nhằm giúp cho
mọi người thực hiện được những điều kiện cần thiết cho đời sống an lạc.
Ví dụ quý vị muốn tu theo Phật, xin quy y Tam bảo, thì quý thầy sẽ
truyền cho năm giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm,
không nói dối, không uống rượu. Đó là năm giới căn bản mà Phật chế cho
Phật tử tại gia, nếu nhìn ở mặt tích cực, sẽ giúp quý vị được an lạc,
giải thoát; nhưng nhìn ở mặt tiêu cực, sẽ có một số hạn chế sinh hoạt
của quý vị. Khuôn giới luật này được ví như chiếc vòng kim cô trên đầu
Tề Thiên, không có vòng này sẽ chạy lạc ra ngoài, sẽ không được an vui,
giải thoát. Vì vậy, Đức Phật đưa cho cái khuôn giới luật để chúng ta
sống được an toàn.
Chính vì vậy mà từ khởi đầu, đối với các vị giải
thoát Tăng, Phật không chế đặt giới điều, vì các ngài không vi phạm điều
tội lỗi, nên không cần có giới điều. Điều này cũng giống như Tề Thiên
về đến Cực lạc, xin Đức Quan Âm cởi chiếc vòng kim cô. Ngài bảo về đến
đây thì vòng kim cô tự mất, là ý muốn nói khi nào chúng ta còn phạm lỗi
lầm thì còn cần một số nguyên tắc sống để ngăn ngừa việc ác; nhưng nếu
sống tốt rồi, không cần có nguyên tắc nữa.
Nguyên tắc hay giới điều giúp chúng ta giải thoát và
giải thoát được phần nào thì giới theo đó biến mất. Còn theo giới điều
đến cố chấp, nghĩa là giới không còn tác động mà cứ giữ làm cho mình
không giải thoát. Thể hiện ý này, trong kinh Di Đà, Phật nói rằng ở Tây phương Cực lạc, tên địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh còn không có, làm gì có giới.
Vì vậy, về Niết bàn, Cực lạc, không có giới; thậm chí
quý vị phát nguyện tu Bát quan trai giới một ngày thanh tịnh thì cũng
không cần giới, vì giới không có tác dụng nữa. Thật vậy, các Phật tử về
chùa tu Bát quan trai thì tại đây tám giới này không có tác dụng, nên
chúng ta không cần phải giữ. Ví dụ giới không sát sinh, chúng ta tu một
ngày ở chùa, chắc chắn việc sát sinh không thể xảy ra. Còn chúng ta đi
ra ngoài thì điều này mất tác dụng, tức dễ dàng vi phạm giới. Giống như
những người làm nghề săn bắn, hay chài lưới cả đời làm ác, cho nên tu
Bát quan trai, Phật nói rằng chư Tăng suốt đời không sát sinh, vậy quý
vị ngưng một ngày không sát hại chúng sinh có được hay không? Nếu tu Bát
quan trai, phải giữ giới không sát sinh trong một ngày thì họ mất quyền
lợi nhiều, nhưng muốn tu thì phải tuân thủ giới này trong một ngày,
không thể khác. Nhưng chấm dứt một ngày tu Bát quan trai, sang ngày mai
họ lại tiếp tục nghiệp sát sinh. Thiết nghĩ họ giữ được giới luật trong
một ngày đã là tốt đối với họ để được kết duyên lành với Phật, còn hơn
cả đời làm ác. Hơn nữa, vì làm ác nên khi thọ quả báo, bị đọa vào chốn
tam đồ, thì cũng nhờ việc kết duyên lành đó sẽ khiến cho họ nhớ đến
Phật, hướng tâm về Phật, mà được thoát khổ.
Còn các Phật tử quy y Tam bảo, phát nguyện giữ năm
giới này trọn đời, gọi là tận hình giới; nghĩa là từ khi phát nguyện giữ
giới cho đến chết, suốt đời ta không phạm năm giới cấm. Khi thọ giới,
giới sư hỏi giới thứ nhất như chư Phật suốt đời không sát hại chúng
sinh, quý vị muốn là Phật tử phải không được sát hại chúng sinh, có giữ
được hay không ? Có Phật tử mạnh dạn trả lời "Có"; nhưng cũng có Phật tử
ấp úng nói nhỏ thôi, vì còn suy nghĩ không biết giữ được không; sự do
dự như vậy đã thể hiện rằng lương tâm của mình cũng đã nghe biết được
điều ngăn cấm này rồi.
Riêng tôi, đối với đạo tràng Pháp Hoa, làm lễ quy y
không truyền năm giới, mà chỉ truyền ba pháp quy y thôi; vì có Phật tử
tốt, e sợ hứa giữ mà không giữ được thì bị mất tư cách Phật tử. Cho nên,
tôi không truyền năm giới, vì xét thấy điều chính yếu là tánh giới, hay
giới thể có từ thể tánh của chúng ta. Nhưng tất cả chúng sinh đều có
nghiệp, giữ giới một ngày đã khó, mà bảo giữ suốt đời thì khó lắm. Cho
nên, theo tôi, chỉ cần ba pháp quy y, tức trọn đời theo Phật, theo Pháp,
theo Tăng để tu hành.
Đối với việc tuân thủ từng giới điều một, chỉ riêng
giữ giới không sát sinh đã rất khó. Thật vậy, giữ giới này thì từ trên
là Thánh Tăng cho đến loài vi tế côn trùng không được sát hại. Khi hứa
giữ giới như vậy, chúng ta cảm thấy sợ, vì các loài nhỏ nhất mà chúng ta
không thấy thì làm sao tránh khỏi việc không sát hại. Và trong thân của
quý đạo hữu có bao nhiêu vi trùng sống nhờ trong đó, nếu mình uống
thuốc thì nó chết, mà không uống thuốc thì mình chết. Về giới này, có
một số thầy nghĩ rằng thà giữ giới mà chết còn hơn là phá giới để sống.
Vì suy nghĩ và do dự trước tình huống này, cho nên có
thầy đã hỏi tôi có nên uống thuốc hay không? Tôi trả lời rằng nếu tôi
bảo thầy uống thuốc là tôi xúi thầy sát sinh, còn bảo không uống thuốc
là xúi thầy tự sát. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nâng lên một bước để
không rơi vào chấp giới điều thì có trí tuệ sẽ xét xem ta chết có lợi
hay con vi trùng chết có lợi. Nếu con giun trong cơ thể mình chết có lợi
thì để nó chết; còn ta chết có lợi thì ta chết. Thiết nghĩ trên bước
đường tu của chúng ta, Phật đạo dài xa, ta cần giữ mạng sống để làm
nhiều việc lợi ích cho chúng sinh mà ta chưa làm. Cho nên, ta cần sống
để làm thì sẽ có nợ đối với con giun, chúng ta xin khất lại món nợ này,
khi nào có cơ hội thuận tiện chúng ta sẽ trả mạng cho nó.
Ta cần sống vì còn một số việc chưa làm, chẳng hạn
như nghiệp và phiền não chúng ta chưa giải quyết xong, nhưng chết thì
mang qua kiếp sau, không biết đi đường nào, mà nếu đi vào ba đường ác
thì càng khó hơn nữa. Vì vậy, nếu chúng ta có trí tuệ thì sẽ có vô số
phương tiện để hóa giải. Cho nên, bước thứ nhất, ta chưa giải thoát thì
thử nghĩ xem ta chết, hay nó chết, mà Ta là ai và Nó là ai? Còn nghĩ ta
chết không được mà nó chết cũng không được, thì cả hai thứ này sẽ làm
chúng ta khổ.
Vì vậy, nếu biết duy trì mạng sống và phát triển cao
hơn là Tâm chúng ta thanh tịnh, thì Ta và Nó không còn hiện hữu trong
lòng ta, hay nói cách khác, Ta và Nó là Một. Cho nên, ta hành trì tu
tập, thì ta giải thoát và nó cũng được giải thoát. Nó và ta có duyên với
nhau, nó mới vào ở trọ trong nhà ngũ uẩn của ta, nhưng ta chỉ dành một
thời gian cho nó ở nhờ, còn thời gian khác là của chúng ta để chúng ta
tu đắc đạo, thì nó cũng nhờ sự giải thoát đó mà đi lên, không phải nó ở
đây làm con giun mãi. Chính vì vậy, ta tu đắc đạo, giải thoát sẽ kéo
theo những người liên hệ lên bờ giải thoát. Nó sống theo ta và chết cũng
theo ta, thì ta đắc đạo, nó cũng được theo.
Thật vậy, trong thân tứ đại này gọi là nhà có chứa vô
số chúng sinh. Phật cũng dạy rằng trong ngôi nhà ngũ uẩn chứa đầy vô số
sinh mạng; nhưng tất cả những chúng sinh này tùy thuộc ở ta, vì ta là
chủ nhà. Do đó, quan trọng là làm sao tu cho nhà ngũ uẩn này sáng lên,
biến ngũ uẩn thành Cực lạc, thành Niết bàn, thì chúng sinh ở trong đó
cũng đồng lên Cực lạc, cùng chứng Niết bàn.
Nhà ngũ uẩn của chúng ta còn có nhiều loài vi trùng
khác có liên hệ với ta trong nghiệp báo. Ta có duyên với nó, nó mới chui
vô đục khoét nhà ngũ uẩn của chúng ta. Quán sát ngũ uẩn thân thấy chứa
biết bao loài vi trùng và quán thọ thì khổ, từ đó chúng ta thấy được mối
liên hệ giữa ta với thế giới vô hình, với các loài. Trong nhà ngũ uẩn
của ta cũng như của mọi người đều có các loài chúng sinh, nhưng khéo tu,
ta cải tạo và vun bồi ngũ uẩn cho tốt hơn, nghĩa là nghiệp ác chúng ta
giảm do giữ giới, thì ngôi nhà này sẽ tốt lần. Thật vậy, bước đầu, trong
ngũ uẩn thân toàn là xấu ác, nhưng kiên trì giữ giới, không làm ác, thì
từ thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn cho đến thức uẩn được cải tạo trước.
Do hành động ác không có, nên chúng ta ngủ mơ , tất
cả những gì xấu đều mất. Có người thưa với tôi rằng khi ngủ thường mơ
thấy ác. Tôi nói vì nhà ngũ uẩn của ông chứa toàn ác nghiệp; thậm chí
nghiệp ác nặng thì ngay cả lúc thức nó cũng hiện ra, làm cho họ lo sợ,
buồn khổ.
Tu theo Đại thừa, không theo giới điều, tôi lạy Phật,
tụng kinh, ngồi thiền và dạy Phật tử cũng làm như vậy, nghĩa là đem
Phật pháp vào nhà ngũ uẩn thì nhà ngũ uẩn sáng lên, tâm chúng ta an. Tu
như vậy một khoảng thời gian, tâm chứa giáo pháp Phật, mời thỉnh Phật và
hiền thánh vào thì tâm chúng ta có hiện tượng tốt. Và tâm tốt thì thân
cũng tự động tốt theo; các con giun cũng tự mất, không còn theo đòi nợ
mình.
Có thể khẳng định rằng siêng năng lạy Phật, tụng
kinh, tham thiền, không theo giới điều; nhưng Phật, Bồ tát và hiền thánh
đến với ta được, thì điều xấu phải mất. Phật cũng dạy rằng pháp Phật ví
như nước có công năng rửa sạch trần tâm chúng ta, nghiệp ác sẽ không
còn. Đó chính là giới đức.
Không theo giới điều, không nghĩ đến phạm giới điều
này, giới điều kia, không nghĩ nên hay không nên làm điều này, điều nọ,
nhưng chuyên tụng kinh, lạy Phật, tham thiền, thì tội cũng không sanh.
Đó cũng là pháp hành trì theo kinh Duy Ma.
Còn theo giáo điều, ta sợ phạm giới, nên đem giới vào
lòng và ta bị mắc kẹt với nó, gọi là bệnh cố chấp. Người tu Đại thừa
hoàn toàn vô tâm, không có ý sát hại, cho nên nếu lỡ đạp chết con kiến
thì, nói tôi vô tình giẫm lên thân mạng của các vị, tôi xin hồi hướng
công đức cho các vị về Tịnh độ, tức chia sẻ cho nó cũng được sinh về
Tịnh độ.
Chúng ta cải tạo lần thân ngũ uẩn của mình thành Pháp
thân, về tâm lý và sinh lý đều được cải tạo, nên các loài theo ta cũng
được sống an ổn trong Phật pháp.
Bước thứ nhất, tu theo giới điều, có một số nguyên
tắc mà chúng ta cần giữ để ngăn chặn các việc ác. Khi các việc ác không
phạm, thì việc thiện sinh ra, thì từ nhiều giới điều, chúng ta thu hẹp
lại còn tam tụ tịnh giới. Chỉ giữ tam tụ giới này là tất cả việc ác
không làm, tất cả điều thiện, điều lợi ích chúng sinh thì làm và giữ tâm
ý cho thanh tịnh.
Việc nào là ác và chúng ta căn cứ vào đâu để phân
định ác và thiện? Đối với tôi, tất cả những việc gì mà xã hội và loài
người coi là không tốt, không chấp nhận, thì chúng ta không làm; vì ta
sống trong xã hội loài người. Loài người coi việc sát sinh, gian tham
trộm cắp, tà dâm, nói dối không tốt thì chúng ta cũng có quy định này
trong giới căn bản. Và thứ năm là uống rượu cũng không tốt, vì làm tâm
chúng ta không sáng và có thể tác động chúng ta gây ra tội ác. Xã hội đã
quy định năm việc nói trên là những việc ác. Do đó, người giữ gìn không
phạm năm giới cấm này là người tốt.
Giới Phật chế rất thực và rất có lợi. Nếu không giữ
được năm giới, Phật cho phép giữ một giới, ta cũng được một điều tốt. Ví
dụ như giữ giới suốt đời không nói dối thì sẽ được người ta tin mình
hoàn toàn cũng có lợi lắm. Có thể lấy xã hội làm thước đo, nếu xã hội
đánh giá ta tốt thì ta tốt thực. Nếu xã hội đánh giá ta xấu thì ta xấu.
Làm tất cả việc lành cũng căn cứ trên xã hội. Theo
Phật, có mười điều lành gắn liền với ba nghiệp thân, khẩu, ý. Về thân
nghiệp, chẳng những không sát sinh mà còn phóng sinh, cứu mạng các loài,
không trộm cắp mà còn bố thí giúp đỡ người bất hạnh, không tà dâm mà
cuộc sống phạm hạnh còn tác động cho người khác thanh tịnh. Về khẩu
nghiệp, không nói dối, mà còn nói lời đúng đắn, không nói lời độc ác mà
nói lời hòa nhã, từ ái, không nói lời bịa đặt mà nói đúng sự thật, không
nói lời gây chia rẽ mà nói lời đoàn kết, hòa hợp. Về ý nghiệp, tâm
không tham sân si mà tâm luôn rộng lượng, mát dịu và sáng suốt.
Phật dạy rằng ai làm được mười nghiệp lành như vậy có
tư cách là chư Thiên, tức trên con người một bậc. Người được ba nghiệp
thanh tịnh, làm được mười điều lành thể hiện biểu tượng đáng được kính
trọng, còn trước đó, giữ năm giới thì chỉ mới không phạm tội thôi.
Và tụ giới thứ ba là làm lợi ích chúng sinh cũng rất
khó; vì chúng sinh đa dạng và ta làm một việc nào đều có phản ứng phụ.
Ví dụ làm được lòng người này thì sẽ mất lòng người kia. Thực tế như hai
người xích mích với nhau, nhờ tôi phân giải, nói người nào đúng cũng
không được, làm sao lợi ích cả hai bên là điều không đơn giản.
Muốn lợi ích cả hai, phải phát huy đạo lực cao, được
người kính trọng thì mình nói, người ta mới nghe. Vì vậy, phải hóa giải,
chứ không phải phân giải. Phân giải thì không ai bằng lòng, nhưng hóa
giải bằng đạo đức thì người nghe lòng họ tự nhiên cởi mở và chấp nhận;
không cần giải quyết, họ cũng hòa với nhau, vì tất cả tranh chấp đều do
nghiệp mà ra. Vì vậy, đối trước một vị cao tăng có đạo đức, lòng sân hận
của người ta tự lắng xuống, lòng ganh tỵ tự mất, nên họ được an vui
giải thoát, gọi là hóa giải. Đó là lấy tâm từ bi hóa giải tâm hơn thua,
vì lòng từ bi của bậc cao đức mới có khả năng bao phủ được nghiệp ác của
người, khiến họ vơi được phần nào phiền não, mới chấp nhận lời khuyên
của vị cao đức.
Tóm lại, đề tài đưa ra là hành trì giới luật giúp cho
quý Phật tử có được nhận thức đúng đắn để áp dụng trong cuộc sống được
lợi lạc. Bước đầu, quý vị cần hành trì giới điều cho thành tựu. Tiếp
sang bước thứ hai cao hơn, lấy đạo đức hóa giải mọi việc bất như ý xảy
ra trong cuộc sống mình, chứ không nêu ra giới một, giới hai, giới ba để
tiếp tục phiền não. Vì theo Phật, tâm ác không còn, mà chỉ có tâm thiện
và tiến xa hơn, tâm thanh tịnh, thì thiện còn không có, huống chi là
ác.
Vì vậy, sống trong xã hội, chúng ta tôn trọng phong tục tập quán của
xã hội để thành mẫu người tốt dưới mắt mọi người, tất nhiên cuộc sống
của mình sẽ được an lạc. Nhưng phát huy lên trên bước đường tu, luyện
cho tâm trong sạch thì giới đối với chúng ta không còn là sự hành trì
giới điều nữa, mà đã chuyển hóa giới thành đức, thành hạnh sinh ra, chắc
chắn được người kính trọng. Làm như vậy hoàn toàn khác với sự cố chấp
vào giới điều, cho rằng phải giữ giới như thế này thế kia mới tốt, cho
nên thấy ai không như vậy thì mình cho rằng không tốt, là đem cái không
tốt ấy vào lòng mình khiến mình trở thành khó tánh, bực bội, phiền não.
Như vậy càng tu càng khổ, chẳng thể giải thoát được; đó là con đường sai
lầm mà quý Phật tử phải tránh, vì chúng ta theo đạo Phật là đạo của trí
tuệ, của từ bi, của thanh tịnh, của giải thoát.
HT.Thích Trí Quảng
http://giacngo.vn