Tại sao phải quy y mới trở thành người Phật tử ?
Nếu
bạn không quy y, có nghĩa là bạn chưa quyết tâm gieo hạt giống Bồ đề
(Bodhi – giác ngộ) trong tâm thức của bạn. Bạn có thể làm nhiều việc
lành theo bản tính thiện sẵn có trong con người của bạn, nhưng bất chợt
một cơn sân hận hay cuồng si nổi lên, bạn sẽ bị cuốn vào con đường tăm
tối theo tập quán nghiệp của mình; và như thế bạn sẽ phải đắm chìm trong
tội lỗi và không có một bến bờ giác ngộ khả dĩ nào để nương tựa. Nhưng
khi bạn đã quy y Tam Bảo, tức là bạn đã gieo vào tàng thức của mình hạt
giống Bồ đề; và nếu bạn luôn tưới tẩm, chăm sóc cho hạt giống Bồ đề của
mình qua việc hành trì giới pháp căn bản, có nghĩa là bạn đã tạo cho
chính mình một năng lực phòng hộ vô hình mà lúc nào và ở đâu bạn cũng
cưu mang.
Vì thế, cho dầu đôi khi các cơn gió độc của tham lam, sân hận, và cuồng
si có nổi dậy trong tâm của bạn thì chính năng lực phòng hộ vô hình này
sẽ là nơi nương tựa của bạn. Nó sẽ khơi dậy từ trong tiềm thức sâu xa
cái hạt giống Bồ đề mà ngày nào bạn đã một lần gieo trồng với biết bao
chân thành và ước nguyện. Cho dầu sau khi quy y, bạn đã xao lãng hay
thậm chí quên đi cái hạt giống Bồ đề mà chính bạn đã gieo trồng, thì cái
hạt giống đó vẫn ngủ yên trong tàng thức của bạn. Khi duyên đến, nó sẽ
tái hiện trở lại như một cố nhân hiện về với bao thâm tình và tha thiết.
Và rồi, với ánh sáng và tình thương của nó, bạn lại có thể tiếp tục
chăm non cây Bồ đề đã một thời bị lãng quên. Đấy là tất cả lý do mà
người Phật tử cần phải quy y.
Có trường hợp nào không quy y nhưng có tu tập mà vẫn được giác ngộ, giải thoát không?
Có,
nhưng điều đó rất hy hữu! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đã giác
ngộ, giải thoát do tự thân Ngài tu tập, phát hiện chân lý, và chặt đứt
mọi trói buộc của nhân duyên khổ đau. Ngài được gọi là bậc kiến đế thành
Phật, tỏ ngộ chân lý mà thành Phật. Năm vị Thánh tăng đầu tiên và một
số các vị Thánh đệ tử của Đức Phật cũng vì nghe Pháp do Ngài giảng
thuyết mà đạt được giải thoát, chứng đắc A la hán.
Các
bậc Duyên Giác do ngộ được chân lý Duyên Khởi mà ngộ đạo. Nói chung,
không quy y Tam Bảo mà được giác ngộ, giải thoát quả thực hiếm hoi đối
với người bình thường. Bạn nên nhớ rằng, quy y Tam bảo chỉ là bước khởi
đầu để trở thành người Phật tử đi theo con đường giác ngộ; nhưng chuyện
có được giác ngộ và giải thoát hay không còn tùy thuộc vào khả năng tu
tập của chính bạn. Trên thực tế, sau khi quy y, bạn cần phải thực hành
các giới, các Nhiếp pháp, các hạnh Ba la mật để thành tựu đời sống an
lạc, giải thoát.
Vậy giới luật của đạo Phật và các tôn giáo khác có giống nhau hay không ?
Có
phần giống nhau và cũng có phần khác nhau trong giới luật của Phật giáo
và các tôn giáo khác. Sự giống nhau thuộc về đạo đức căn bản của con
người. Sự khác nhau thuộc về con đường giác ngộ và giải thoát. Chúng ta
hãy lấy một vài thí dụ về sự giống nhau và khác nhau như sau:
a/ Đạo đức căn bản:
Phật giáo bao gồm năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà
dâm, không nói dối, và không uống rượu hay nghiệp ngập, say sưa). Thiên
Chúa giáo bao gồm mười điều răn (thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính
mến Người trên hết mọi sự, không kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ, giữ ngày
Chúa nhật, thảo kính cha mẹ, không giết người, không ngoại tình, không
lấy của người, không làm chứng dối, không muốn vợ chồng người, và không
tham của người). Hồi giáo bao gồm một số tín điều như (Chỉ tôn thờ một
Chúa Trời (Allah), vinh danh và kính trọng cha mẹ, tôn trọng quyền của
người khác, bố thí cho người nghèo, cấm giết người, ngoại trừ trường hợp
đặc biệt (như thánh chiến), cấm ngoại tình, bảo vệ và chu cấp trẻ mồ
côi, cư xử công bằng với mọi người, trong sạch trong tình cảm và tinh
thần, khiêm tốn. Ngoài ra còn có các quy luật như: Một lần trong đời,
phải hành hương về thánh địa Mecca, không được ăn thịt heo, cấm uống
rượu, cấm cờ bạc, cấm gian dâm…(Theo Kinh Qur'an)
b/ Giới đưa đến giải thoát, giác ngộ:
Năm giới trong Phật giáo gắn liền với các nghiệp của thân, miệng và ý.
Chúng ta có thể chia ra như sau: Đối với thân, không sát sinh, trộm
cướp, và tà dâm; đối với miệng, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều,
không nói lời thêu dệt, và không nói lới xấu ác; đối với ý, không tham
lam bỏn xẻn, không sân hận thù oán, và không tà kiến cố chấp. Do vậy,
nếu gìn giữ ba nghiệp được trọn vẹn, bạn sẽ tự thân đi vào cung điện
Niết bàn, thể nhập đời sống giải thoát giác ngộ. Ở đây, yếu tố thứ ba,
tức tâm thức là thành phần quan trọng trong việc điều phối các nghiệp
của thân và miệng (xem câu hỏi 19). Cho nên tu tập và xây dựng chánh
kiến là yếu tố quyết định để mở cửa giải thoát. Trong giới pháp của Phật
giáo, như bạn thấy, không có yếu tố tôn thờ hay vinh danh một Thượng Đế
độc tôn nào hết mà chỉ nhằm vào tu tập ba nghiệp của chính bản thân.
Đấy là điều khác biệt căn bản giữa giới pháp của Phật giáo và các tín
điều của các tôn giác khác. Ngoài năm giới căn bản này, trong Phật giáo
còn có một hệ thống giới luật đặc biệt cho những người tu sĩ, nghiêm
khắc hơn, đấy là giới pháp của bậc Thánh, bao gồm giới của hàng Thanh
Văn và Bồ Tát. Tuy nhiên, đối với người Phật tử tại gia, ngoài việc thọ
trì năm giới, bạn cần phải thực hành các Nhiếp pháp và các hạnh Ba la
mật để tăng trưởng các căn lành và vun trồng tâm Bồ đề.
Khải Thiên