Đại giới đàn Huệ Lưu 2008 - Ảnh: Bảo Thiên
Bạch Hòa thượng, Đức Phật dạy, đối với người xuất gia, giới luật có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Ngay từ khi còn tại thế, Đức Phật đã luôn nhắc nhở rằng, muốn duy trì
Phật pháp không cách nào bằng truyền giới và vâng giữ giới luật. Điều
này, được Đức Phật của chúng ta khái quát lại trong một câu khá súc tích
là “Truyền đăng tục diệm”. Giới được xem như của báu của mỗi người tu
sĩ Phật giáo, phải gìn giữ cho thật miên mật, tránh để xâm phạm. Vì nếu
mất của báu đó được ví như cây dừa đứt đầu, như chiếc lá vàng lìa cành,
như cây kim sút lỗ và như cục đá bể làm hai… không thể cứu vãn được. Lúc
này, người xuất gia ấy chỉ có hình tướng trong khi giới thể không còn
và chẳng khác nào người phàm tục.
Nói như vậy, với những tác động của đời sống vật chất hiện nay,
việc giữ giới sẽ trở nên quá khó khăn, nhất là đối với người xuất gia
trẻ?
Thực sự ra, việc giữ giới nên biết không phải là quá khó hay dễ mà
cần phải ý thức đó là chí nguyện, là phạm hạnh, là huệ mạng, nên giới
thường được ví như chiếc thuyền duy nhất chở người mê đến bờ giác, với
tầm quan trọng như vậy nên việc giữ gìn cần phải hết sức nghiêm mật, như
“giữ con ngươi trên đôi mắt” của mỗi người, dù hoàn cảnh nào, bất luận
tuổi trẻ hay cao niên. Song song đó, người thọ lãnh và giữ giới cũng cần
biết điều gì thuộc về giá giới và tánh giới. Giá giới có giá trị trong
từng không gian và địa phương nhất định vì có thể linh động. Riêng tánh
giới thì có giá trị xuyên không gian và thời gian, không thể linh động
và tuyệt đối phải giữ gìn không vi phạm.
Như vậy, giới luật Phật giáo có tính khai mở, hoàn thiện và phù hợp
với hoàn cảnh cuộc sống trong giai đoạn phát triển của con người rất cao
và rất thuận tiện cho mỗi người xuất gia, bất kể lớn hay nhỏ có thể giữ
gìn trong mọi hoàn cảnh để tăng trưởng phạm hạnh, thăng hoa trong đời
sống giải thoát.
Để tạo điều kiện cho người đã thọ giới giữ giới thanh tịnh thì Tăng
đoàn trong mỗi tự viện và cả hệ thống Giáo hội cần phải có sự nghiêm
ngặt. Không nên có sự thông cảm hay nể vì đối với những hành vi vi phạm
giới luật mà phải có sự hướng dẫn, giảng dạy và xây dựng lý tưởng xuất
gia từ khi còn sơ cơ. Đức Phật luôn khuyến khích đệ tử của Ngài phải
thường xuyên tiến tu, hiếu học, biết tàm quý và đổi mới để nhận thức
điều gì cần thiết trong mỗi thời kỳ mà giữ gìn thật nghiêm túc, tránh
trái phạm giới đã thọ lãnh.
Trong Đại giới đàn Hành Trụ có chương trình truyền giới Thập
thiện và Bồ tát cho Phật tử tại gia, vậy khi phát tâm thọ họ cần phải chuẩn bị về mặt tâm tánh như thế nào, bạch Hòa thượng?
Thọ Thập thiện và Bồ tát giới là một trong những bước ngoặt quan
trọng của người Phật tử trong tiến trình tu Phật, thể hiện sự phát
nguyện đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi. Phát Bồ đề
tâm, hành Bồ tát đạo sẽ đạt công đức và phước báu to lớn. Chính vì lẽ
đó, Phật tử tại gia khi phát tâm thọ Thập thiện và Bồ tát giới cần phải
nhiếp phục những chướng duyên, tâm ý thật thanh tịnh khi đến với giới
trường và sau khi lãnh thọ cần nỗ lực giữ gìn, thực hành nhằm tạo sự an
lạc cho bản thân, gia đình và người xung quanh.
HT Thích Minh Thông -Tuyên luật sư
Đại giới đàn Hành Trụ 2011
Hòa thượng có lời khuyên nào đến giới tử thọ giới kỳ này trước khi họ đến với Đại giới đàn?
Đại giới đàn chính là nơi xác tín giá trị muôn đời của giới luật, tôn
vinh đời sống phạm hạnh. Tuy nhiên, để thọ giới được thành tựu phải cần
3 yếu tố: Giới trường trang nghiêm, giới sư thật sự thanh tịnh và giới
tử phải thể hiện sự khát ngưỡng. Về phía mình, mỗi giới tử trước khi
nhập giới trường cần phải tự kiểm chứng lại lòng thành của mình đối với
giới pháp của Đức Phật để tăng trưởng tín tâm và lãnh thọ viên mãn. Sau
khi đã đắc giới thì đạt được phước báu và đứng vào hàng Chúng trung tôn,
mỗi giới tử phải không ngừng tu trì, trang nghiêm tự thân và giữ gìn
giới thể để làm lợi lạc cho mình, cho người.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
HT. Thích Trí Quảng - Phó
Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM,
Trưởng ban Tổ chức kiêm Chánh Chủ khảo Đại giới đàn Hành Trụ 2011:
“Đại giới đàn Hành Trụ là một trong những Phật sự vô cùng quan trọng
của năm 2011 trong ý nghĩa “Truyền đăng tục diệm”, hướng đến chào mừng
30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và kết thúc nhiệm kỳ VII
(2007-2012) của Phật giáo TP.HCM. Với ý nghĩa như thế, Thường trực Ban
Trị sự Thành hội quyết định tổ chức một cách trọng thể và trang nghiêm,
chú trọng đến nội dung hơn là hình thức. Theo đó, giới tử sau khi
trúng tuyển sẽ phải tập trung 3 ngày để tham học và thực tập các nghi
thức sinh hoạt Tăng đoàn một cách thống nhất rồi mới đăng đàn. Sau khi
thọ giới, giới tử sẽ tiếp tục ở lại để nghiên cứu luật tạng Phật giáo
vừa lãnh thọ.
Song song, công tác khảo hạch giới tử cũng sẽ được đầu tư và quan tâm
của Ban Tổ chức. Nội dung khảo hạch chủ yếu tập trung vào 4 cuốn luật
tiểu và chương trình Phật học phổ thông (4 quyển) do HT. Thích Thiện Hoa biên soạn dành cho giới tử hàng Tỳ kheo. Riêng giới tử hàng Sa di sẽ tập trung vào 2 cuốn Luật tiểu và nội dung Phật pháp căn bản trong 2 quyển Phật học phổ thông.
Tất cả giới tử cũng cần nghiên cứu lịch sử Phật giáo từ thời du nhập
cho đến ngày nay và hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sẽ có hai hình thức khảo hạch gồm trắc nghiệm và viết tự luận để kiểm tra khả năng nhận thức Phật giáo của giới tử”. |
Gia Trúc thực hiện