Trong bài luận này, con không có tham vọng đi sâu từng ngõ ngách của tác phẩm mà chỉ giới hạn tìm hiểu những gì đã được học hỏi và nghiên cứu. Với nội dung đề tài quá sâu sắc nhưng sự hiểu biết của con còn non cạn, nên trong khi làm bài không sao tránh khỏi những sai sót, ngưỡng mong quý Ngài chỉ bảo cho để bài viết được lưu loát hơn.
II.1 TÌNH HÌNH CÁC TỰ VIỆN TRUNG QUỐC THỜI SƠ ĐƯỜNG:
Thời sơ Đường chính sách về tôn giáo mặc dầu có khuynh hướng nghiên về Lão giáo, nhưng đại loại vẫn chủ trương khoan dung đối với các tôn giáo, nhưng phát triển hùng mạnh vẫn là Phật giáo. Có thể nói rằng trong lịch sử tồn tại và phát triển ở Trung Hoa, thời đại nhà Đường là giai đoạn phát triển cao độ của Phật giáo. Đặc biệt “những tư tưởng và trường phái phản ánh tính đặc thù Trung Hoa như Thiền tông, Thiên Thai tông.v.v… lần lược ra đời”.[1] Có thể nói đây là thành quả độc đáo của các thiên tài Phật giáo, mở ra một chương mới trong lịch sử triết học Trung Quốc.
Lúc này, Thiền tông tự thành Tông phái cho đến lúc ngài Hoài Hải giảng pháp tại núi Bách Trượng Tân Ngô- Giang Tây thời trung diệp nhà Đường, sự phát triển của Thiền tông còn chịu nhiều hạn chế rất lớn, nguyên nhân căn bản là do bản thân Thiền tăng vẫn chưa có tự viện độc lập của mình mà phương thức hành sự độc đáo của Thiền đồ nảy sinh mâu thuẫn xung đột không giải quyết được với Phật luật và giáo qui xưa, đồng thời cũng chưa xuất hiện bộ thanh quy Thiền môn thích ứng với nhu cầu phát triển của Thiền tông.[2]
Đứng trước tình hình ấy, Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của Thiền tông từ lúc thành lập và căn cứ vào nhu yếu cần thiết của sự phát triển nên tiến hành cải giáo qui tự sáng lập ra Qui thức Thiền môn, mau chóng được Thiền lâm trong thiên hạ tiếp thu tuân hành và được gọi là Bách Trượng Thanh qui.
II.2 TIỂU SỬ TỐ BÁ TRƯỢNG HOÀI HẢI:
Bách Trượng Hoài Hải (720-814), là một Thiền sư Trung Quốc, một trong những vị Thiền sư danh tiếng nhất đời nhà Đường, nối pháp Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Sư họ Vương, quê ở Trường Lạc, Phúc Châu. Lúc nhỏ theo mẹ đi chùa lễ Phật, Sư chỉ tượng Phật hỏi mẹ: "Đây là gì?" Mẹ bảo: "Phật." Sư nói: "Hình dung không khác gì với người, con sau cũng sẽ làm Phật." Sư xuất gia lúc còn để chỏm và chuyên cần tu học Giới, Định, Huệ. Sau Sư đến tham học với Mã Tổ làm thị giả và được Mã Tổ truyền tâm ấn.
Sư xuất gia từ thở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích thiền đốn ngộ, nghe thiền sư Mã Tổ đạo Nhật khai hóa ở Nam Khang (nay là núi Mã Tổ ở Giang Tây), Sư bèn hết lòng y chỉ. Sau khi nói pháp Mã Tổ, Sư được đàn tín thỉnh trụ trì Đại Trí Thọ Thánh thiền tự ở núi Đại Hùng thuộc Hồng Châu, núi cao chót vót, nước suối Ngô Nguyên bay xuống ngàn thước, nên có tên là núi Bá Trượng. Sư trụ trì chưa đầy một tháng, người bốn phương đến tham học vân tập hơn một nghìn, trong đó Qui Sơn và Hoàng Bá làm thượng thủ. Từ đó pháp môn càng ngày càng hưng thạnh, tông phong lừng lẫy, Sư bèn quyết ý lập ra Thiền viện đầu tiên. Trước kia các tự viện Thiền tông đều nhờ vào chùa của luật tông, từ nay mới được lập riêng. Sư là người khởi sáng cho Thiền tự được độc lập, soạn định chế độ tòng lâm, gọi là Bá Trượng thanh quy, nên cũng được tôn xưng là Tổ Trung Hưng của thiền tông.
Sư để lại nhiều bài thuyết giảng quý báu trong Bách Trượng quảng lục và Bách Trượng ngữ lục. Trong đó Sư đề cao việc "lìa bỏ tất cả những vọng tưởng tức như như Phật" và khuyên thiền sinh tu tập pháp môn vô phân biệt.
II.3 SƠ LƯỢC NỘI DUNG BẢN BÁCH TRƯỢNG THANH QUY:
Như lời nói đầu của tác phẩm, "Sách Bách Trượng thanh quy" do Tổ Bách Trượng - Hoài Hải (720 - 784) biên soạn vào trung diệp đời Đường để làm cương lĩnh sinh hoạt cho Tăng, Ni tại các tùng lâm, có giá trị như một kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động trong đời sống của người xuất gia. Nhưng trải qua thời gian vật đổi sao dời, sách đã bị thất lạc. Tuy vậy, một phần nội dung của nó đã được các bộ sách khác thu dụng. Thế rồi vào năm đầu niên hiệu Chí Nguyên (1335), vua Thuận Đế nhà Nguyên với tấm lòng hộ pháp nhiệt thành, muốn các tự viện thiền lâm sinh hoạt có nề nếp kỷ cương, bèn truyền lệnh cho Thiền sư Đông Dương - Đức Huy - cháu nối dòng pháp đời thứ 18 tổ Bách Trượng - căn cứ vào các bộ thanh quy đang hiện hành tu chỉnh, biên soạn lại một bộ thanh quy khác; đồng thời truyền lệnh cho thiền sư Đại Hân huynh đệ đồng sư với Đức Huy lo việc hiệu chính rồi đặt tên sách là Sắc tu Bách Trượng thanh quy. Sách gồm hai phần, tám quyển, chín chương, khoảng hai trăm tiêu đề, một đoạn duyên khởi ở đầu sách và phần phụ lục gồm bảy mục.
Về Tính chất và nội dung của Bách Trượng Thanh Quy được thể hiện rõ nơi hai chương đầu (Chúc ly, Báo ân) thuộc quyển 1, với các tiểu mục như: Lễ chúc thọ Thánh hoàng, lễ chúc thọ Hoàng thái tử…(chương 1: Chúc Ly). Các ngày Giỗ kỵ Quốc gia, Cầu đảo…(chương 2: Báo Ân).
Hai chương Báo Bổn, Tôn Tổ thuộc quyển 2 gồm 6 tiểu mục: Lễ Phật Đản sinh, Lễ Phật Thành đạo và Bát Niết bàn (chương Báo Bổn), Lễ giỗ kỵ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Lễ giỗ kỵ Tổ Tôn Tổ) nêu rõ về các ngày Lễ, ngày Giỗ mang tính căn bản, tính nhớ nguồn của người tu Phật nơi các Tự viện.
Từ chương 5 (Trụ Trì) đến chương 9 (Pháp Khí) là phần chính của sách, nên sự ghi nhận, mô tả ở đấy là rất chi tiết, đầy đủ. Chẳng hạn như chương Trụ trì gồm 6 phần: công việc hằng ngày của Trụ trì, Thỉnh tân Trụ trì, Vào Tự viện mới, Thoái viện, Qua đời, Thương nghi tiến cứ tân Trụ trì, với hơn 50 tiểu mục.
Hoặc chương Đại chúng (Chương 7) gồm 23 phần với hơn 30 tiểu mục. Chương Pháp khí (chương 9) gồm 7 phần (Chuông, Bảng, Mõ, Chuỳ, Khánh, Não bạc, Trống) riêng Chuông có 3 tiểu mục, Trống có 6 tiểu mục v.v…
Có thể nói, Sư là người đầu tiên trong Thiền tông lập và kết tập những quy luật hành động hằng ngày của thiền sinh trong một thiền đường. Trước đó tất cả những thiền sinh chỉ là "khách" trong những chùa của tông phái khác - thường là Luật viện (Luật tông) - với những nghi quỹ họ phải tuân theo. Từ lúc Sư lập ra quy luật mới, nhiều thiền đường được thành lập với những điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu của thiền sinh. Sư nhấn mạnh sự kết hợp giữa thiền và các việc lao động trong và ngoài thiền viện như làm ruộng, cuốc đất trồng cây. Câu nói của Sư "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực) đã gây ấn tượng đến ngày nay. Thiết lập thanh quy, tổ Bách Trượng nhắm vào bốn mục đích:
a) Không làm ô uế chúng trong sạch, nảy sinh chuyện cung kính, tin tưởng.
b) Không hủy hoại tăng hình, tuân theo Phật chế định. .
c) Không phiền quan lại, công môn, tránh chuyện kiện tụng .
d) Không tiết lộ ra ngoài, bảo hộ kỷ cương của tông phái.[3]
Theo quy luật mới, thiền sinh làm việc tự nuôi sống (các Tỳ - Khưu thời Phật Thích-ca không được phép làm việc) nhưng song song với công việc hằng ngày, Sư vẫn giữ lại truyền thống đi khất thực và cho đó là một phương tiện tu luyện tâm. Những quy luật mới này được ghi lại trong Bách Trượng thanh quy. Mặc dù nguyên bản của quyển sách này đã mất nhưng các quy luật này vẫn còn được tuân hành nghiêm chỉnh cho đến ngày nay. Trong đời sống của người xuất gia, về cơ bản, giới luật chính là trang nghiêm tự thân, hướng về mục tiêu hoàn thiện chính mình, còn những quy định, thanh quy thiền môn là pháp thức hành xử trong các mối quan hệ đối nhân, tiếp vật. Sống là sống với, do đó những pháp quy mang bản chất thanh tịnh và giải thoát sẽ là hệ quy chiếu cần thiết để ổn định một đời sống tập thể.
II.4 GIÁ TRỊ VÀ ỨNG DỤNG:
Thanh quy của tổ Bách Trượng như một hệ thống quản lý của một tổ chức xã hội thu nhỏ, việc thành lập các phân ban, có thể xem là một bước tiến vượt bậc trong việc ổn định sinh hoạt tu học tại các chốn tòng lâm thời bấy giờ. Theo Sắc tu “mục đích thiết lập chấp sự Tăng hai tự là để lo công việc cho Tăng chúng, nhân đó giữ gìn uốn nắn kỷ cương, hoằng dương Phật pháp… Đến như quản lý tiền tài lương thực vải vóc là các chuyện thứ yếu hằng ngày, cả chuyện nắm bắt các quy định về đạo cũng như đời, không chuyện nào là không xử lý can thiệp”.[4]
Trải qua quá trình phát triển, để tạo nên một sự thống nhất trong quản lý, điều hành và tổ chức, các ngôi tự viện tại Trung Hoa và các nước trong khu vực mang dấu ấn văn hóa Trung Hoa phần lớn đều y cứ vao “Bách Trượng Thanh Quy” làm cơ sở để điều hành hoạt động Phật sự. Như vậy, trong việc quản lý và tổ chức một ngôi tự viện nói chung, ảnh hưởng của Bách Trượng Thanh Quy là một thực tế nghiêm túc cần phải ghi nhận.
Trước hết, cần phải thấy rõ rằng vẫn còn giá trị từ xưa cho đến nay, thanh quy được áp dụng trong các tự viện như một hệ thống tổ chức có qui cũ, giúp người xuất gia thực hiện nếp sống đạo, nhằm đưa đến giải thoát. Nếu như hoàn thiện đầy đủ các phẩm chất cần thiết của người xuất gia theo Thanh quy là chúng ta đang thực nghiệm một hướng tu nghiêng về xu thế lợi tha của Bồ tát. Với thực tiễn sống vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông.
Ngoài ra, sự ra đời luận điểm này của ngài Bách Trượng là sự khẳng định tính khế thời, viên dung đặc thù của Phật giáo trong những giai đoạn lịch sử nhất định, trong những không gian văn hóa nhất định. Khi đặt ảnh hưởng đến Trung Hoa, sự tùy biến linh hoạt trong phương thức hoằng pháp và hành pháp là một trong những cơ sở khẳng định sự bền vững trong sự phát triển Phật giáo. Qua thực tiễn của luận điểm ấy, các tư duy, ý nghĩ tiêu cực cho rằng Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, thụ động hoàn toàn chấm dứt trong cái nhìn khách quan của xã hội. Ở một tầng nghĩa sâu hơn, mang tính tâm linh thì phương châm thời danh của ngài Bách Trượng là một khuyến tấn tu tập. Giản đơn hơn có thể hiểu, một ngày không tu tích cực tu tập, chuyển hóa tâm linh thì ngày ấy không xứng đáng với sự thọ nhận các vật phẩm cúng dường. Do vậy, trong cả hai tầng nghĩa, châm ngôn thời danh “một ngày không làm, một ngày không ăn” của ngài Bách Trượng là một sự chứng tỏ tính thiết thực, năng động trong mọi giai đoạn phát triển của Phật giáo.
Với những giá trị được dẫn khởi sơ lược ở trên, lẽ dĩ nhiên, đối với những ai mang trọng trách liên quan đến việc điều hành, tổ chức hoạt động Phật sự của một tu viện hay thiền viện, thì việc trang bị kiến thức về "Bách Trượng Thanh Quy” là một nhu cầu không thể thiếu.
Sách Bách Trượng thanh quy vốn do Đại sư Bách Trượng biên soạn vào thế kỷ thứ 8, đời Đường, là một nỗ lực nhằm tập hợp, hệ thống hoá, làm cương lĩnh sinh hoạt cho Tăng Ni tại các Tòng lâm ở Trung Hoa, sau khi Phật giáo đã du nhập và phát triển nơi đất nước rộng lớn này gần 7 thế kỷ. Bách Trượng Thanh Quy đã được lưu hành rộng khắp nơi, có giá trị như một kim chỉ nam hướng dẫn mọi sinh hoạt trong đời sống của người xuất gia, trải qua mấy trăm năm.
Có thể nói, trong thời nhà Đường, Phật giáo đã đạt đến cực thịnh. Nhiều tu viện, thiền viện có số lượng Tăng chúng lên đến vài trăm người. Do đó, có thể nói, đối tượng áp dụng của "Bách Trượng thanh quy” nhắm đến là những tu viện, thiền viện to lớn và quy mô là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, xét về cách thức tổ chức, những tu viện và những ngôi chùa nhỏ cũng có thể y cứ theo bản thanh quy này để xây dựng một bản thanh quy phù hợp với điều kiện thực tế.
Tóm lại, trong đời sống của người xuất gia, về cơ bản, giới luật chính là trang nghiêm tự thân, hướng về mục tiêu hoàn thiện chính mình, còn những quy định, thanh quy Thiền môn là pháp thức hành xử trong các mối quan hệ đối nhân, xử thế. Sống của đời sống là tuân theo những pháp quy mang bản chất thanh tịnh và giải thoát sẽ là hệ quy chiếu cần thiết để ổn định một đời sống tập thể. Bộ sách này cung cấp cho chúng ta hầu như gần hết các thuật ngữ chuyên dụng trong thiền môn về mọi phương diện như chức vụ, danh xưng, cơ sở, lễ nghi, pháp khí, công cụ hành đạo v.v… Có thể nói, từ hơn 600 năm qua, bộ Bách Trượng Thanh Quy có ảnh hưởng khá sâu rộng đối với Thiền tông Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Thích Đồng Nhiên
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng (dịch), Nxb. Phương Đông, tập 1, 2008.
2. Bách Trượng Thanh Quy, Sa Môn Thích Bảo Lộc (dịch), Nxb. Phương Đông, 2008.
3. http://www.kientanh.com/Luan5/ToBachTruongKLNQ.html.
4. http://www.phapluanonline.com
[1] Viên Trí, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 222.
[2] Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Thích Phước Sơn và Lý Việt Dũng (dịch), Nxb. Phương Đông, tập 1, 2008, tr. 24.