Là Phật tử có nghĩa là tự nguyện theo Tam quy (ti-sarana), Ngũ giới (pañca-sila), tức là nương tựa vào Tam bảo (ti-ratana) và giữ gìn năm giới căn bản của đạo Phật.
Trên mặt lý thuyết, Giới giữ một vị trí quan trọng đến nỗi một phần ba của Tam tạng Kinh điển (ti-pitaka) được dành riêng cho Giới Luật. Đó là Luật tạng (vinaya-pitaka), đứng bên cạnh Kinh tạng (sutta-pitaka) và Luận tạng (abidhamma-pitaka).
Trên mặt thực hành, Giới cũng đóng một vai trò mấu chốt trong đời
sống Tăng đoàn. Một người muốn xuất gia đi tu thì đầu tiên phải thọ giới Sa-di (samanera) hoặc Sa-di ni (samaneri), rồi sau một thời gian mới thọ cụ túc giới (upasampada),phát nguyện tuân theo Giới bổn để trở thành Tỳ-kheo (bhikkhu) hoặc Tỳ-kheo ni (bhikkhuni).
Mặc dù quan trọng như vậy nhưng Giới Luật rất ít khi được đề cập đến
hay trình bầy trong các bài thuyết giảng về giáo lý, ngoài Tăng đoàn.
Lý do có lẽ là Giới Luật được xem là một môn học khô khan, nhàm chán,
không thu hút được quần chúng như các bài giảng về Kinh hay về Pháp.
Hơn nữa, đối với đa số Phật tử, Giới Luật thuộc về lãnh vực riêng biệt
của nhà tu hành, với hàng trăm giới luật phải ôn lại đều đặn, trong khi
người cư sĩ chỉ cần biết rõ 5 giới căn bản là đủ. Vả lại, biết nhiều hơn
để làm gì, khi mà Giới Luật thường được coi như những giáo điều cố
định, miễn bàn tới bởi vì, cũng như lời của một vị Trưởng thượng, "
chúng như vậy và luôn luôn sẽ là như vậy "...
Để đóng góp vào sự hiểu biết thêm về Giới Luật, chúng tôi xin dựa lên
một số tài liệu căn bản, đặc biệt của HT Thiện Siêu (§1), HT Trí Quang
(§4), và TS Nhất Hạnh (§8), để cố gắng trả lời một cách cặn kẽ những câu
hỏi sau đây:
1- Giới là gì, Luật là gì? Giới và Luật khác nhau thế nào?
2- Giới được phân loại ra sao?
3- Có những nghi lễ nào liên quan đến Giới?
4- Tại sao đức Phật lại chế ra giới, và ngài chế giới trong những hoàn cảnh nào?
5- Luật Tạng được soạn thảo ra sao, và gồm những cuốn nào?
6- Vi phạm giới, tội nặng nhẹ ra sao? Giải quyết thế nào?
7- Giới đóng vai trò gì trong sự tu tập cá nhân?
8- Giới có lợi ích gì trong đời sống xã hội, cộng đồng?
9- Vì sao có nhiều giới luật liên quan đến tình dục và quan hệ nam-nữ như vậy?
10- Giới Luật có cần phải thay đổi hay không?
11- Hiện nay đã có những đề nghị thay đổi Giới Luật nào?
1) Giới là gì, Luật là gì? Giới và Luật khác nhau thế nào?
Giới và Luật thường được xem là giống nhau, và nhiều khi được gọi
chung là Giới Luật. Nhưng xét kỹ ra thì Giới và Luật cũng có phần khác
nhau.
Giới (sila, phiên âm: Thi-la) có nghĩa là đạo đức nói chung
(éthique, ethics), đồng thời là những phép tắc (préceptes, moral rules),
đặt ra cho các Phật tử xuất gia và cư sĩ đã thọ giới.
Luật (vinaya, Tỳ-nại-gia) có nghĩa là kỷ luật (discipline) gồm những phép tắc, những phương thức qui định đời sống Tăng đoàn (sangha), và được ghi lại trong Luật tạng.
Theo HT Thiện Siêu, nếu so sánh với thuốc men, thì Giới cũng như dược
tánh, và Luật cũng như dược liệu, thang thuốc. Chẳng hạn như nếu Giới
là acide salicylique, thì Luật là viên Aspirine. " Giới là điều răn,
Luật là phương thức thực hành điều răn đó "(§1).
Như vậy, Giới có nghĩa rộng hơn, cũng như những nguyên tắc tổng quát,
trong khi Luật có tính chất thực tiễn, đi vào chi tiết hơn. Do đó,
người ta quen dùng chữ " Giới " hay " Giới cấm " cho tất cả các Phật tử,
và dành chữ " Giới Luật " cho những người xuất gia tu hành.
2) Giới được phân loại ra sao?
Giới có nhiều cách phân loại (§1) :
a / " Biệt giải thoát giới ", " Đạo cộng giới " và " Định cộng giới ".
" Biệt giải thoát giới " (patimokkha, phiên âm: Ba-la-đề-mộc-xoa,từ pati = hướng về, mokkha =
giải thoát), là những giới nằm trong Luật tạng, được áp dụng cho các
Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, từ thời đức Phật cho đến nay. Chúng được gọi như
vậy là vì thọ giới nào thì được sự lợi ích, sự giải thoát của giới đó,
cũng như theo luật nhân quả, gieo nhân nào thì được quả ấy.
Nhưng cũng có hai loại Tỳ-kheo không cần thọ giới :
- " Thiện lai Tỳ-kheo ", là những nhà thiện căn đến với đức Phật khi
ngài chưa chế giới, dốc tâm theo ngài tu tập, cho nên " tu phát tự lạc "
(râu tóc tự rụng), " y pháp cụ túc " (áo cà sa tự dính vào mình), trở
thành Tỳ-kheo.
- " Phá kiết sử Tỳ-kheo ", là những người không cần thọ giới mà tu
hành chứng ngộ (" kiến đế Tỳ-kheo "), đoạn trừ được mọi phiền não kiết
sử.
Đó là những người theo " Đạo cộng giới " và " Định cộng giới ", chỉ
tu hành theo Pháp trí tuệ, quán Tứ đế, Vô ngã, Vô thường, v.v. (Đạo cộng
giới), hoặc thiền định (Định cộng giới), mà đạt mức tâm vô lậu, pháp
nhãn thanh tịnh, tuy không tu giới mà ngộ đạo.
b/ " Biệt giới " và " Thông giới " (hay " Bồ Tát giới ")
- " Biệt giới " là giới của hàng xuất gia và cư sĩ, và mỗi hàng phải thọ một số giới nhất định:
* Có 5 giới chung cho tất cả các Phật tử (pañca-sila):
1) không giết hại mạng người (hán-việt bất sát)
2) không nói dối (hv. bất vọng ngữ)
3) không trộm cắp (hv. bất đạo)
4) không tà dâm (hv. bất dâm)
5) không say rượu.
* 10 giới cho các Sa-di và Sa-di ni (dasa-sila). Thêm vào các giới trên là:
6) không ăn sau 12 g trưa
7) không chơi hay nghe ca nhạc, nhẩy múa
8) không trang điểm, xức dầu thơm, đeo nữ trang
9) không nằm giường cao, sang trọng
10) không nhận tiền, và vàng bạc.
* 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền thống
Nguyên Thủy; 250 giới cho Tỳ-kheo, 348 giới cho Tỳ-kheo ni, theo truyền
thống Đại thừa.
- " Thông giới " (hay " Bồ Tát giới "), là giới ai thọ cũng được. Cư
sĩ hay tăng sĩ, già hay trẻ, cơ thể khoẻ mạnh hay bị bệnh tật, khuyết
tật, đều có thể thọ giới được (trong khi trẻ quá hay già quá, bị bệnh
tật hay khuyết tật nặng, không được thọ " biệt giới ", tức là xuất gia)
miễn là hiểu được Pháp và có Bồ-đề tâm. " Thông giới " có tính chất bình
đẳng hơn và không bị hạn chế bởi hình tướng.
c/ " Tánh giới " và " Già giới "
- " Tánh giới " thuộc về đạo đức tự nhiên (morale naturelle) và có
tính chất phổ biến. Ví dụ như giết người, nói dối, ăn cắp đều bị xem là
tội, trong bất cứ thời buổi hay xã hội nào. Tăng hay tục, phạm vào đều
có tội. Tuy nhiên khi phạm vào, thì tục gọi là phạm tội, nhưng tăng thì là phạm giới.
- " Già giới " là giới mang theo hai ý nghĩa: 1) để ngăn sự cơ hiềm
của thế gian, sự chê bai, dị nghị của người đời (chẳng hạn như tăng ni
không được ăn mặc bê bối, hở hang, để người ta chê cười, phải ăn mặc và
có tác phong đàng hoàng); 2) để ngăn sự phạm trọng giới (chẳng hạn như
không uống rượu, để đừng gây nên tội nặng hơn).
3) Có những nghi lễ nào liên quan tới Giới?
a/ Đối với các Tăng Ni:
Một người muốn xuất gia thì sau một thời gian làm Sa-di khoảng 2 - 3
năm, dưới sự đề nghị và hướng dẫn của một vị Thầy, được làm lễ thọ cụ túc giới (*1) trong một giới đàn, trước Tăng chúng (*2), với tam sư thất chứng (ba người thầy, bẩy người làm chứng). Vị thầy Kiết-ma (kamma) (*3) lúc đó lên tiếng hỏi ba lần: " Ngày hôm nay có vị đó tên là X, xin theo Hòa thượng tên là Y, thọ cụ túc giới. Nếu Tăng chúng ai bằng lòng cho vị ấy thọ giới thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói lên ". Sau một lần xin, ba lần hỏi như vậy, vị ấy mới được thọ giới và trở thành Tỳ-kheo, gọi là " Bạch tứ Kiết-ma Tỳ-kheo
" (*4). Người đó phải suốt đời trì giới, và mỗi lần phạm giới thì phải
được cử tội, xử tội và giải tội bằng cách sám hối, trước một số Tỳ-kheo
hay một mình, tùy theo tội nặng nhẹ.
Những ngày mồng 1 và rằm, các Tăng và Ni đoàn mỗi bên họp nhau lại để làm lễ, nghe giảng và nhắc lại những giới luật đó, tức là Ba-la-đề-mộc-xoa hay " Biệt giải thoát giới ".
Lễ tự tứ (pavarana) thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ
(*5). Ngày đó, mọi người tự mình yêu cầu người khác nêu ra các tội lỗi
mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ-kheo khác, để mình sám hối cho
thanh tịnh, cho nên còn gọi là " tùy ý ". Người chỉ lỗi trước đó phải "
cầu thính ", tức là báo trước cho người ta biết là mình sẽ nói lỗi của
họ ra trước Tăng chúng.
b/ Đối với các cư sĩ:
Tại các chùa thường có tổ chức lễ " thọ bát quan trai ", vào các ngày mồng 1, 8, 15 (rằm), 21 âm lịch, gọi là ngày Bố Tát (uposatha). " Trai " có nghĩa là nhịn ăn (jẻne, fasting). Trong những ngày " trai giới " đó, các cư sĩ (nam, upasaka, Ưu-bà-tắc;nữ, upasika, Ưu-bà-di), nguyện tuân theo 8 giới (atthanga-sila)
trong 10 giới Sa-di và Sa-di ni: giới 7 và 8 gom lại làm một (không
chơi hay nghe ca nhạc, nhẩy múa, không trang điểm, xức dầu thơm, đeo nữ
trang), và giới 9 trở thành giới 8 (không nằm giường cao, sang trọng).
4) Tại sao đức Phật lại chế ra giới? Và ngài chế giới trong những hoàn cảnh nào?
Theo truyền thống, trong 12 năm đầu, đức Phật chưa chế ra giới, vì
chưa có chuyện gì rắc rối xẩy ra trong Tăng đoàn, có thể gây nên cản trở
cho sự tu tập của tăng ni.
Nhưng vào năm thứ 13, có xẩy ra chuyện Na-đề-tử ân ái với vợ cũ, cho
nên Phật mới bắt đầu chế giới. Mỗi khi chế một giới, ngài lại nói 10 lợi
ích (" cú nghĩa ") của việc chế giới đó: " Vì sự kiện toàn của Tăng
già, sự trường tồn của Chánh Pháp, sự an lạc của Tăng chúng, sự tăng
trưởng của lòng tin, sự đoạn diệt phiền não trong hiện tại và tương
lai... "
Cứ như vậy, mỗi khi xẩy ra một sự cố, ngài lại chế thêm một giới, và
dần dần số giới mỗi ngày một gia tăng, đa số là giới nhẹ và một số ít là
giới nặng.
Chúng ta hãy xem lại trong những hoàn cảnh nào 4 giới nặng đầu tiên
được chế ra (§1). Tuy đó chỉ là những truyền thuyết kể lại trong Kinh,
khó lòng kiểm chứng được, nhưng chúng cũng không kém phần lý thú.
a) Giới thứ nhất: bất dâm
Na-đề-tử là một đệ tử xuất gia của đức Phật, xuất thân từ một gia
đình giầu có. Năm đó bị hạn hán mất mùa, dân tình đói kém, Tăng chúng
phải phân tán nhau đi các vùng chung quanh khất thực. Tình cờ, Na-đề-tử
đi ngang quê mình, vào nhà khất thực. Mẹ của ông gặp lại con mừng rỡ,
khóc lóc, van xin ông ở lại, đừng xuất gia nữa. Ông khăng khăng từ chối.
Cuối cùng, bà mẹ van xin ông để lại cho bà một đứa cháu để nối nghiệp
gia đình và lo hương khói tổ tiên. Vì thương mẹ, cho nên Na-đề-tử chấp
thuận ái ân một lát với người vợ cũ, rồi từ giã ra về với chúng Tỳ-kheo.
Tưởng là chuyện đã xong, nhưng từ đó Na-đề-tử ăn năn, hối hận, ăn ngủ
không yên, thân hình tiều tụy. Thấy vậy, các vị Tỳ-kheo khác hỏi lý do
tại sao, Na-đề-tử kể chuyện đó cho họ hay. Họ đem chuyện bạch lên đức
Phật, ngài liền quở trách và chế ra từ đó giới thứ nhất là bất dâm, tức là hàng xuất gia không được có quan hệ tình dục, ngay cả với vợ chồng cũ của mình. Đối với người cư sĩ, thì không được tà dâm, tức là có quan hệ tình dục bất hợp pháp.
b) Giới thứ hai: bất đạo
Tỳ-kheo Đàn-ni-ca nguyên là con nhà thợ gốm, làm một căn chòi tranh
trên núi để ở. Có người đi lượm củi thấy chòi vắng nên dỡ đi, lấy củi về
nấu bếp. Khi về thấy chòi bị dỡ đi, ông bèn xây lên một căn chòi bằng
đất nung, kiên cố mầu đỏ chói. Phật thấy vậy bảo ông nên phá bỏ đi, ông
trù trừ nên đức Phật sai các Tỳ-kheo khác phá bỏ căn chòi đó. Ông liền
đi tới khu rừng của vua Bình-sa (Bimsara) và nói với người kiểm
lâm rằng: " Vua Bình-sa có hứa cho tôi dùng cây để làm cốc tu ", rồi
vác rìu đốn cây xả cành lá lung tung. Quan triều đình đi qua thấy vậy
hỏi người kiểm lâm, và chất vấn Đàn-ni-ca về tội đốn cây quí của Vua mà
không xin phép. Câu chuyện rắc rối này đến tai Phật, cho nên ngài chế ra
giới thứ hai là " bất dữ nhi thủ " (người ta không cho thì không lấy),
hay là bất đạo (không đượctrộm cắp).
c) Giới thứ ba: bất sát
Lúc bấy giờ có một số Tỳ-kheo ở tại vườn bên sông Bà-cừu, tu theo
quán bất tịnh để dứt lòng ái dục. Khi quán thấy thân thể mình nhơ nhớp,
hôi hám không chịu nổi, chứa đầy phân tiểu, vi trùng lúc nhúc lại càng
nhàm chán hơn, nên mới tìm cách hủy diệt thân mình. Họ xin " nếu có ai
giúp đỡ chúng tôi giải thoát khỏi kiếp sống này thì được phước lớn ". Có
một Tỳ-kheo tên Vật-lực-già-nan-đề, là sa môn mới xuất gia, nghe vậy
liền rút dao ra đâm chém, càng giết càng hăng say, cho là mình độ giúp
bao nhiêu đồng môn được giải thoát. Sau mùa an cư, các Tỳ-kheo thường về
vấn an đức Phật, nhưng năm ấy ngài thấy sao mà về thưa thớt quá. Ngài
phái các Tỳ-kheo đi nghe ngóng, thì tới nơi nghe thiên hạ đồn rầm lên là
mấy ông thầy tu không biết làm sao mà giết nhau nằm la liệt, hôi thối
không chịu nổi. Các Tỳ-kheo về bạch Phật, thì Phật nói: " Ta dậy chánh
pháp, mà họ hành tà pháp ". Từ đó, ngài chế ra giới bất sát (không được giết hại), và dậy các đệ tử thay quán bất tịnh bằng quán sổ tức, để đừng đâm ra chán đời mà hủy hoại thân thể.
d) Giới thứ tư: bất vọng ngữ
Năm đó bị hạn hán mất mùa, lương thực không có bao nhiêu. Tại một
thôn nọ, có một nhóm Tỳ-kheo bàn bạc với nhau và tìm ra một cách để được
cúng dường hậu hĩnh. Một người tự nhận là mình đã chứng A-la-hán, đạt
được nhiều thần thông siêu đẳng, và những người kia phụ họa là đúng như
vậy, nếu cúng cho vị ấy thì sẽ được công đức vô lượng. Thiên hạ đua nhau
cúng dường, và cả nhóm ăn uống dư giả. Sau mùa an cư, các Tỳ-kheo về
hầu Phật, ai nấy đều xanh xao hốc hác, duy có nhóm ở thôn nọ thì hồng
hào béo tốt. Phật hỏi: " Các Tỳ-kheo khất thực ra sao? ". Họ trả lời: "
Dễ lắm, thưa Thế Tôn ". " Ủa! Sao mấy Tỳ-kheo kia nói là khó lắm cơ mà! "
Bí quá, họ đành phải thú thực là đã nói dối và đánh lừa các thí chủ.
Đức Phật khiển trách họ và chế ra giới bất vọng ngữ (không được nói dối).
Như vậy, cứ mỗi khi hữu sự, tức là có xẩy ra một chuyện gì rắc rối,
gây xáo trộn trong đời sống Tăng đoàn, thì ngài lại chế ra một giới. Có
nhiều giới rất ngộ nghĩnh, chẳng hạn như:
1- Một hôm, có một vị khách tăng tới thăm một Tỳ-kheo, không gõ cửa
trước mà đẩy mạnh cửa đi vào. Chẳng may có một con rắn trên xà nhà rớt
xuống vai ông, ông hoảng quá kêu réo um sùm, làm náo động tất cả mọi
người. Câu chuyện được bạch lên Phật, Phật liền đặt ra luật trước khi vào phòng người khác phải xin phép.
2- Một Tỳ-kheo đi khất thực, cứ xăm xăm đi vào nhà người ta, bỗng
nhiên thấy một người phụ nữ lõa thể nằm trên giường. Ông hoảng quá, cắm
đầu chạy ra, không may đụng phải ông chồng đang về nhà. Ông chồng thấy
bà vợ lõa thể và ông sư đang chạy trốn thì sinh nghi, đánh cho vị
Tỳ-kheo một trận nhừ tử. Đức Phật từ đó chế ra giới đi khất thực đâu thì phải biết đường biết hướng, không phải chỗ nào cũng vào, và phải đi từ hai người trở lên.
3- Cũng lại một Tỳ-kheo đi khất thực, vào nhà gặp một người phụ nữ.
Cô này tính lả lơi, thấy vị sư trẻ đẹp trai, muốn quyến rũ cho bằng
được. Cô nói là nếu không chịu thì cô sẽ tự quào cho rách mặt. Vị
Tỳ-kheo khiếp quá, vùng bỏ chạy. Không may cũng lại gặp ông chồng đang
về nhà. Ông chồng thấy cô vợ mặt mày rướm máu, lại thỏ thẻ: " Vị sư này
định làm chuyện phi pháp, em không chịu nên ông ấy quào vào mặt em ".
Nhìn lại thì thấy vị Tỳ-kheo có móng tay dài, nên ông chồng không còn
ngờ vực gì nữa, đánh cho vị Tỳ-kheo một trận nhừ tử. Đức Phật biết
chuyện này, liền chế ra giới không được để móng tay dài.
4- Có những giới đặt ra còn ngộ nghĩnh hơn nữa: chẳng hạn như khi ngồi trong chúng tăng, không được đằng hắng to tiếng; đi vệ sinh, không được thở mạnh quá...
5- Và có những giới không quan trọng, nhưng lại có thể gây nên những
hiềm khích, xáo trộn trong đời sống tăng đoàn. Chẳng hạn như câu chuyện
sau đây ở Kosambi, thuật lại trong Kinh (§1).
Hôm đó, có một vị Thượng tọa Pháp sư (chuyên về dậy Pháp) đi tắm, tắm
xong quên đổ nước thừa trong chậu. Vị Thượng tọa Luật sư (chuyên về dậy
Luật) tắm sau, thấy vậy liền trách: " Tại sao tắm xong thầy lại không đổ nước thừa đi? Như vậy là phạm tội Đột-kiết-la
". Thượng tọa Pháp sư trả lời: " Vâng, tôi quả là vô ý, xin thành thật
sám hối ". Câu chuyện tưởng đã xong, nhưng Thượng tọa Luật sư lại kể lại
với đệ tử của mình, rồi cứ thế đồn ầm cả lên, đệ tử của Thượng tọa Pháp
sư liền mách lại cho thầy của mình. Ông này cũng cảm thấy khó chịu,
mình đã xin lỗi ông Luật sư này mà ông ấy còn làm khó dễ, thật là quá
quắt. Thế rồi lời qua tiếng lại, tịnh xá chia ra làm hai phe chửi bới
nhau dữ dội. Đức Phật đi xa về thấy vậy bèn lấy lời khuyên bảo, nhưng
không ai chịu ai, họ còn nói: " Thế Tôn cứ lo việc của ngài, chúng con
lo việc của chúng con ". Can ngăn mãi không được, đức Phật đành ôm bình
bát lên núi để nghỉ dưỡng. Tại đó, có một con voi già và một con khỉ
già, bị đàn voi và đàn khỉ trẻ quậy quá, nên cũng lên ẩn trên núi. Vì
chung một cảnh ngộ, nên cả ba rất hợp với nhau. Hằng ngày, voi đi lấy
nước, khỉ lấy trái cây về cúng Phật. Cho nên trong tranh chuyện Phật
giáo thường có hình ảnh voi và khỉ cúng Phật cũng là để ghi lại
chuyện đó. Tại tịnh xá, hàng cư sĩ đến hầu Phật không thấy ngài đâu
liền hỏi lý do. Các Tỳ-kheo trả lời ầm ừ qua loa, cho nên các cư sĩ tẩy
chay, cấm vận lương thực. Cuối cùng, bí quá họ cũng phải nói rõ sự thật
và tỏ ra rất ân hận. Sau khi đã nhận lỗi và giảng hòa với nhau, họ cùng
nhau đi thỉnh Phật trở về.
5) Luật tạng được soạn thảo ra sao, và gồm những cuốn sách nào?
Sau khi đức Phật Thích Ca diệt độ, vào khoảng 480 trước CN, các đoàn
thể tăng già, rải rác trong vùng Đông Bắc Ấn Độ, bỗng nhiên ở trong một
tình trạng vô cùng bối rối, hoang mang: không có ai thay thế ngài, và
cũng không có gì dựa lên để tiếp tục hoằng pháp. Theo Kinh tạng Pali,
trong khi một số Phật tử đang vật vã than khóc, thì có một vị Tỳ-kheo
tên là Bạt-nan-đà (Subhadda) lên tiếng: " Này các hiền hữu,
đừng khổ sở lo lắng làm chi! Chúng ta thật may mắn được thoát khỏi ngài
Đại Sa môn. Ngài quen nói đến nhàm tai: 'Các người nên làm cái này, các
người nên tránh cái nọ '. Bây giờ, chúng ta mới có thể tự do làm những
gì chúng ta muốn, và không bị bắt buộc làm những gì chúng ta không muốn
". Nghe như vậy, vị đại đệ tử là Đại Ca Diếp (Maha-kassapa) vội vàng đề nghị triệu tập ngay một hội nghị kết tập Tăng đoàn để ôn lại và ghi lại những lời dậy của đức Phật.
Như vậy, theo truyền thuyết, Hội nghị Kết tập đầu tiên tụ họp trong động Thất Diệp tại Vương Xá thành (Rajagriha), xứ Magadha, với 500 đệ tử của đức Phật đều đã chứng quả A-la-hán (arahat), để cùng nhau ôn lại nền tảng Luật (vinaya) và Pháp (dhamma). A-nan-đà (Ananda),
là người thị giả thân cận của đức Phật, và cũng là người cuối cùng
chứng A-la-hán, được trao công việc ôn lại những bài thuyết pháp của
ngài, và Ưu-bà-li (Upali) công việc ôn lại những giới luật ngài đã chế ra.
Kết tập (samgiti, hv. Chúng đẳng tụng) có nghĩa là tất cả ngồi lại với nhau và tụng lại lời đức Phật dậy. A-nan-đà hoặc Ưu-bà-li ngồi giữa đọc từng câu một: " Tôi nghe như vầy (evam maya srutam, hv. như thị ngã văn)...
", nếu trong chúng có ai nghe lời dậy khác thì phát biểu, nếu không thì
thông qua. Như vậy, theo truyền thống, bộ Luật đầu tiên trong Luật Tạng
(vinaya-pitaka) được gọi là bộ Bát thập tụng, do
Ưu-bà-li tụng 80 lần mới xong. Thời đó chưa có ghi thành văn tự gì hết,
mà chỉ lưu lại trong trí nhớ và truyền khẩu cho nhau.
Về sau, vào khoảng hơn 100 năm sau Phật diệt độ, dưới thời vua A-dục (Ashoka),
Tăng đoàn bắt đầu rải rác khắp nơi, và phân chia làm nhiều nhóm ghi nhớ
và hành trì Luật có phần khác nhau. Một Hội nghị Kết tập lần thứ nhì
được tổ chức tại Tỳ-xá-li (Vaishali) nhân một sự bất đồng về
Giới Luật, và cũng là điểm khởi đầu của một sự rạn nứt, phân chia đạo
Phật nguồn gốc thành những bộ phái khác nhau.
Đối với đa số nhà Phật học, có nhiều khả năng Luật Tạng đã có những
đổi thay từ Hội nghị Kết tập đầu tiên cho đến Hội nghị lần thứ nhì và
sau nữa, cho đến khi được viết tay trên lá bối (lần đầu tiên tiếng pali
tại Sri Lanka thế kỷ thứ I trước CN, và tiếng sanskrit tạp Phật tại Ấn
Độ thế kỷ thứ II sau CN). Cho nên ngoài một phần cốt lõi chính ban đầu,
còn nhiều điều vụn vặt bên ngoài được thêm vào sau.
Theo truyền thống, từ một bộ Luật ban đầu phân chia ra thành 6 bộ Luật thuộc các trường phái khác nhau (§1, 3):
- Một bộ bằng tiếng pali của Xích Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya), dùng tại các nước theo PG Nguyên Thủy (Theravada);
- 5 bộ được dịch sang tiếng Hán: 1) Tứ PhầnLuật của Pháp tạng bộ (hay Đàm-vô-đức, Dharmaguptaka), là bộ Luật phổ thông nhất tại các nước theo PG Đại thừa. 2) Thập TụngLuật của Nhất Thiết Hữu bộ (hay Tát-bà-đa, Sarvastivada), 3) Ngũ Phần Luật của Hóa địa bộ (hay Di-sa-tắc, Mahisasaka), 4) Tăng Kỳ Luật của Đại chúng bộ (hay Ma-ha-tăng-kỳ,Mahasanghika), 5) Hữu Bộ Luật của Da-du-la Nhất Thiết Hữu bộ (Mula-sarvastivada), được dùng bởi PG Tây Tạng và Mông Cổ.
Nhìn đại khái, thì các bộ Luật đó đều giống nhau trên những điểm
chính yếu, chỉ khác nhau trên một số chi tiết lặt vặt. Ngoài ra, cũng sẽ
xuất hiện những bộ luận về Luật.
Khi đạo Phật truyền bá sang Trung quốc, ngài Đạo Tuyên lấy Tứ Phần Luật làm căn bản, và khai sáng nên Luật Tông. Từ đó Tứ Phần Luật phát triển mạnh, và ở Việt Nam từ xưa tới nay cũng dùng Tứ Phần Luật để hành trì.
Tứ Phần Luật gồm có 60 cuốn, có thể chia ra làm 2 phần:
- Phần 1 là giới bổn của tăng ni, tức là 250 giới Tỳ-kheo và 348 giới Tỳ-kheo ni.
- Phần 2 gồm 20 Kiền-độ (chương), về các qui định về thọ giới, thuyết
giới, phạm tội, sám hối, an cư, tự tứ..., về áo quần, thuốc men, phòng
ốc, và một số câu chuyện thời đức Phật.
6) Vi phạm giới, tội nặng nhẹ ra sao? Giải quyết thế nào?
Theo Tứ Phần Luật,Giới bổn của Tăng Ni được chia ra làm 8 loại: 1) Khí hay Ba-la-di; 2) Tăng tàn; 3) Bất định; 4) Xả đọa; 5) Đơn đọa; 6) Hối quá; 7) Chúng học hay Học pháp; 8) Diệt tránh. (§1, 3)
Đứng về mặt nặng nhẹ, thì các giới của của Tăng Ni có thể chia ra làm 3 loại:
- A) những giới nặng nhất, phạm vào thì mất tư cách Tỳ-kheo, không làm sao mà cứu vãn được nữa.
- B) những giới nặng, phạm vào thì tư cách Tỳ-kheo chỉ còn lại một
chút, phải được cử tội, xử tội và giải tội bởi 20 vị Tỳ-kheo mới mong
cứu vãn được.
- C) những giới vừa hay nhẹ, chỉ cần được giải tội, sám hối là đủ, một mình hay trước một số Tỳ-kheo, tùy theo tội.
Như vậy, giới bổn của Tỳ-kheo gồm 250 giới, chia ra làm (§1, 4):
- Loại A: 4 giới Ba-la-di (parajika) hay Cực ác, còngọi là " Khí
" có nghĩa là vứt bỏ. Phạm tội nặng nhất này thì bị vứt bỏ đi, bị trục
xuất khỏi Tăng đoàn. Tội này còn gọi là Ma thắng (bị Ma vương thắng) hay
Tha thắng (bị người khác thắng mình), hay là " bất cộng trụ ", tức là
không còn được tham dự vào công việc của Tăng đoàn. Ba-la-di gồm 4 tội:
1) đại dâm dục, tức là giao hợp với người khác phái, và ngay với cả
người cùng phái, với súc vật; 2) lấy của người ta không cho, trộm cắp;
3) sát hại mạng người, đồng lõa giết người, và ngay cả khuyến khích sự
chết; 4) đại vọng ngữ, tức là mạo nhận có thần thông.
- Loại B: 13 giới Tăng tàn (hay Tăng-già-bà-thi-sa, sanghadisesa)
là tội cũng nặng, nhưng còn có thể cứu vãn được, bằng cách hội đủ 20
Tỳ-kheo Kiết-ma đúng Luật và sám hối. Trong 13 giới này có những giới
liên quan tới tình dục, xây phòng ốc và chia rẽ tăng đoàn (phá tăng).
- Bất định (aniyata) là tội không dứt khoát là nặng hay vừa, giữa Ba-la-di, Tăng tàn và Ba-dật-đề. Có 2 giới Bất định liên quan tới giới dâm dục (ngồi ở chỗ khuất hay chỗ trống với nữ nhân, và nói lời thô tục, phi pháp).
- Loại C, là những giới sau:
- Xả đọa (hay Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, nissaggiya-pacittiya) gồm 30
tội liên quan tới sự tích tụ các đồ vật trái phép như áo quần, thuốc
men, thức ăn, tiền bạc. Ai phạm tội ấy thì phải đưa đồ vật đó ra để xả
bỏ trước Tăng chúng (4 người trở lên), và xin sám hối trước một vị
Tỳ-kheo.
- Đơn đọa (hay Ba-dật-đề, pacittiya) gồm 90
tội như tiểu vọng ngữ, nói xấu, bạo động, giết hại côn trùng, tham lam,
uống rượu, chơi với người xấu, đi cùng đường với nữ nhân... Phạm tội
thì chỉ phải đọa thôi, không phải xả.
- Hối quá (hay Ba-la-đề-xa-ni, patidesaniya), còn gọi là Hướng bỉ hối, gồm 4 giới nhẹ liên quan tới thức ăn. Người phạm tội này chỉ cần hướng đến một Tỳ-kheo khác nói tội và xin sám hối.
- Chúng học hay Học pháp (hay Thức-xoa Ca-la-ni, sikkha-karaniya) thuộc vào Đột-kiết-la, sekhiya, gồm 100
học pháp, tức là các điều nên học, nên áp dụng trong sinh hoạt hàng
ngày, các oai nghi nhỏ nhặt. Các tội Đột-kiết-la tuy nhẹ nhưng rất dễ
phạm, khi biết phạm rồi chỉ cần sám hối và tự hứa không tái phạm nữa.
- Diệt tránh (adhikarana-samatha), cũng thuộc vào Đột-kiết-la, gồm 7 phương thức để chấm dứt sự bất hòa giữa chúng tăng.
Giới bổn của Tỳ-kheo ni hơi khác một chút (§1, 4):
- Ba-la-di có 8 thay vì 4.
Ngoài 4 giới Ba-la-di Tỳ-kheo thì còn thêm 4 giới nữa là: 5)
nhiễm tâm xoa chạm: " cùng với người nam cũng có tâm ô nhiễm, thân thể
chạm nhau, từ nách tới đầu gối, hoặc bóp hoặc xoa, hoặc kéo hoặc đẩy,
hoặc xoa trên hoặc xoa dưới, hoặc bồng lên hoặc bế xuống, hoặc nắm hoặc
bóp mạnh "; 6) nhiễm tâm tám sự: " cùng với người nam cũng có tâm ô
nhiễm, chịu cho nắm tay, nắm áo, vào chỗ khuất, đứng chung, nói chung,
đi chung, thân thể dựa nhau, cùng nhau hẹn hò "; 7) giấu che tội Ba-la-di của Tỳ-kheo ni khác; 8) theo kẻ bị chư tăng cử tội.
Để ý là hai giới 5 và 6, nếu Tỳ-kheo phạm phải thì nhẹ hơn, tức là Tăng tàn, chứ không phải Ba-la-di.
- Tăng tàn: có 17 thay vì 13
- không có Bất định
- Hối quá: có 8 thay vì 4
- Đơn đọa: có 178 thay vì 90
Tổng cộng là 348 giới (hơn Tỳ-kheo 40 %).
Đặc biệt là Tỳ-kheo ni lại còn phải tuân theo Bát Kỉnh Pháp (gurudhamma). còn gọi là Bát Trọng Pháp (*6). Theo truyền thuyết, 5 năm sau khi Tăng đoàn Tỳ-kheo được thành lập, bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajapati Gotami),
là dì và mẹ nuôi của đức Phật, cùng với 500 nữ nhân dòng họ Thích Ca,
đến khẩn cầu đức Phật cho phép đi tu và thành lập Ni đoàn. Bà khẩn cầu
đức Phật ba lần, nhưng cả ba lần đều bị từ chối. Cuối cùng, nhờ sự bênh
vực của A-nan-đà, đức Phật chấp thuận, nhưng với điều kiện là Tỳ-kheo ni
phải tuân theo Bát Kỉnh Pháp. Bát Kỉnh Pháp là 8
điều lệ hạ thấp địa vị của Tỳ-kheo ni, bắt Tỳ-kheo ni phải phục tòng
Tỳ-kheo, đồng thời đặt Ni chúng dưới sự chỉ huy và sự bảo trợ của Tăng
chúng.
Nói tóm lại, theo Luật tạng có rất nhiều giới các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo
ni phải thọ trì, nếu giữ cho đúng thì khó vô cùng. Nói như HT Thiện
Siêu: " Nếu chúng ta bỏ suốt cả cuộc đời để học Luật thì chưa chắc
đã hiểu hết cái ngóc ngách, tỉ mỉ của nó. Sở dĩ có nhiều ngóc ngách cũng
chỉ để trừ tâm bệnh cùa chúng sanh. Cái nghiệp của chúng sanh nó ngóc
ngách như vậy, nên Phật phải chế giới tỉ mỉ để trừ nó "(§1).
Và trên thực tế thì khi phạm giới, cách xử phạt và giải tội linh động, uyển chuyển hơn trên lý thuyết rất nhiều (*7).
7) Giới đóng vai trò gì trong sự tu tập cá nhân?
Mục đích của giới, trên nguyên tắc, là để " phòng phi chỉ ác", tức là phòng ngừa các điều phi pháp và ngăn chận các điều ác quấy, đồng thời cũng là " chỉ ác tác thiện
", tức là ngăn chận các điều ác và thành tựu các việc lành. Cũng như
lời dậy đức Phật trong Kinh Pháp Cú, 183, lập lại bởi thiền sư Ô Sào: " Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo " (Không làm các điều ác, thành tựu các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh, ấy lời chư Phật dậy).
Điều cũng nên ghi nhận là giới không phải chỉ là một sự cấm đoán đơn
thuần (không được làm cái này, không được làm cái nọ) mang tính chất tiêu cực, mà bao hàm cả tính chất tích cực
tự nó nẩy lên do sự trì giới. Chẳng hạn như trì giới không sát hại sẽ
làm nẩy lên lòng từ bi, không trộm cắp sự bố thí, không nói dối sự thành
thật, không tà dâm sự thanh tịnh, không say sưa sự tỉnh thức (§5).
Thật ra, bản chất của đạo Phật là một con đường giải thoát chứ không phải là một hệ thống luân lý, mô phạm,
cấm đoán con người làm điều này, bắt buộc con người làm điều nọ. Hai từ
" ác " và " thiện " cũng không có trong đạo Phật nguồn gốc, mà được
mượn tiếng Hán để dịch hai từ Pali " akusala " và " kusala ". " Akusala " gồm các ý muốn gây nên nghiệp (kamma-cetana) xấu, đi cùng với 3 căn (mula) xấu là tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Ngược lại, " kusala " gồm các ý muốn gây nên nghiệp tốt, đi cùng với 3 căn tốt là không tham (alobha), không sân (adosa=metta, từ) và không si (amoha=pañña, huệ). Như vậy thì những điều " ác " là những nhân xấu đưa tới những quả xấu, phiền não (kilesa), khổ đau, và những điều " thiện " là những nhân tốt đưa tới những quả tốt, lìa phiền não, diệt khổ đau (§5).
Trong Trung Bộ Kinh, 78, đức Phật tuyên bố : " Giới tạo nghiệp tốt (kusala-sila) là gì? Đó là tác động thân (kaya-kamma) tốt, tác động khẩu (vaci-kamma) tốt, tác động ý (mano-kamma) tốt, và sự thanh tịnh trong cách sinh sống, mà ta gọi là giới ".
Đối với ngài, ý muốn hành độnghay tác ý (cetana) là điều quan trọng hơn cả: " Này các Tỳ-kheo, tác ý (cetana) là cái ta gọi là hành động, bởi vì là qua tác ý con người hành động bằng thân, khẩu, ý... " (Tăng Chi Bộ Kinh, VI, 63). Khác với Bà-la-môn và Thị-na giáo (jaïn),
đạo Phật quan niệm rằng chỉ có hành động cố ý mới tạo nghiệp, trong khi
hành động vô tình không tạo nghiệp. Do đó, tầm quan trọng của giới, sự
phạm giới nặng hay nhẹ, tùy thuộc ở tác ý, ở ý thức con người trong mỗi trường hợp.
Giới có liên quan mật thiết với hai môn học " vô lậu " khác là Định (samadhi) và Huệ (pañña). Kinh Đại Bát Niết Bàn có nhắc lại lời đức Phật: " Định sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Giới, Huệ sẽ đem tới kết quả và ích lợi lớn nếu phát triển với Định. Tâm phát triển với Huệ sẽ giải thoát khỏi các lậu hoặc (asava), tức là dục lậu (kamasava), hữu lậu (bhavasava), tri kiến lậu (ditthasava) và vô minh lậu (avijjasava)". Trong tám Chánh đạo (atthangika-magga),
thì chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc vào Giới; chánh tinh tấn,
chánh niệm, chánh định thuộc vào Định; chánh kiến, chánh tư duy thuộc
vào Huệ (§5).
Vì " tâm dẫn đầu các pháp " (Kinh Pháp Cú, 1), cho nên Giới có thể xem là một điểm khởi đầu, một giai đoạn của sự tu tập: nhờ giữ Giới cho nên tâm mới Định, nhờ Định cho nên mới có Huệ, nhờ Huệ mới có giải thoát.
Nhà tu hành thường ban đầu còn nhiều lậu hoặc, cho nên cần phải chú
tâm đến tác ý trong mọi hoạt động của thân, khẩu, ý. Phải tự kiểm soát,
tự kiềm chế đừng để cho tâm buông lung, ô nhiễm bởi các lậu hoặc, và làm
nẩy lên những cái mà ngày nay người ta gọi là " cảm xúc tiêu cực ". Đó
là chức năng của các giới luật Ba-la-đề-mộc-xoa (Biệt giải
thoát giới) đặt ra cho các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni. Các giới luật này được
xem như là phương tiện nhiếp tâm trao cho bởi đức Phật: càng nhận được
nhiều giới luật tức là càng được ưu ái trên con đường giải thoát...(§1)
Theo HT Thích Trí Quang, " Đại thể, giới luật của Tỳ-kheo và
Tỳ-kheo ni có 2 phần: phần 1 là giới luật, phần 2 là oai nghi. Phần 1 là
những giới điều cấm tội lỗi thật sự, phần 2 là những giới điều cấm cử
động bất xứng. Tức như loại Khí có thể nói là giới luật cả, loại Học
pháp có thể nói là oai nghi cả. Còn các loại khác thì có giới là giới
luật, có giới là oai nghi, có giới là cả hai. Tất cả giới luật và oai
nghi như vậy tạo thành một bậc Chúng trung tôn. Giới điều nhiều đến mấy
đi nữa, như Tứ phần luật nói, hễ có " thiểu dục tri túc " (ham ít, biết
đủ), kèm theo " tàm quí " (biết hổ thẹn), thì giữ được hết cả, kể cả
khai giá (linh động và hạn chế) của mỗi giới điều cũng thấy ra và giữ
trọn "(§4).
5 giới cuối cùng của Sa-di và Sa-di ni, cũng như 3 giới cuối cùng của
cư sĩ trong ngày " thọ bát quan trai " cũng đi theo tinh thần " thiểu dục tri túc " đó, nhằm tập trung tâm trí vào tu học, không để xao lãng bởi trần cảnh và các vui thú nhất thời.
Nói như vậy thì Luật không thể tách rời ra khỏi Pháp, và Luật chính
là một phần của giáo pháp do đức Phật Thích Ca để lại. Chúng ta hãy nghe
bài kệ cuối cùng của ngài trước khi nhập Đại Bát Niết Bàn:
" Hỡi các Tỳ-kheo!
Hãy chánh niệm, tỉnh giác,
Trì giới, định tâm, nhiếp ý.
Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này,
Sẽ lìa vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau "
(Kinh Đại Bát Niết Bàn pali).
8) Giới có những lợi ích gì trong đời sống xã hội, cộng đồng?
Về mặt xã hội, cộng đồng, thì chúng ta phải phân biệt hai loại giới:
- 5 giới chung cho tất cả các Phật tử, còn gọi là " tánh giới " hay giới " tự nhiên " (pakati-sila), và
- các giới dành riêng cho tăng ni, là giới " theo qui ước " (pannati-sila)(§5).
Năm giới căn bản chung cho các Phật tử có thể gọi là đạo
đức tự nhiên, bởi vì được chia sẻ bởi nhiều truyền thống, văn hóa khác
nhau. Nếu so sánh với 10 " mệnh lệnh " (commandements, commandments)
của Thượng Đế ban cho Moïse (Moses) trên núi Sinai, theo truyền thống
Do Thái và Ky Tô giáo, thì chúng ta nhận thấy 4 mệnh lệnh cuối không
khác gì với 4 giới đầu tiên của đạo Phật: " Ngươi sẽ không được giết hại; không được ngoại tình; không được trộm cắp; không được làm chứng gian dối ".
Sự tuân thủ những giới cấm hay mệnh lệnh này dĩ nhiên rất có lợi ích
cho nhân quần, xã hội. Có thể nói chúng là nền tảng của sự an lạc, thái
bình giữa những con người. Hãy thử tưởng tượng một xã hội mà trong đó
tất cả mọi người đều giữ được năm giới: không sát hại, không trộm cắp,
không dối trá, không tà dâm, không say nghiện, thì xã hội đó sẽ an lạc,
thái bình biết bao nhiêu!
Điểm khác biệt là đối với người Phật tử, đó không phải là mệnh lệnh
của Thượng Đế hay của một quyền lực nào, mà chính là con đường mình tự
chọn đưa tới đến giải thoát và hạnh phúc. Theo HT Thanh Từ, " Không
phải được nhiều của cải, tình yêu, v.v... là con người có hạnh phúc.
Hạnh phúc là người sống biết tiết chế, biết tôn trọng hạnh phúc của mọi
người, biết thành thật thương mến nhau. Một dân tộc văn minh là một dân
tộc biết tôn trọng sinh mạng của nhau, tôn trọng những quyền tự do căn
bản của con người. Vì thế, năm giới là nền tảng căn bản đem lại hạnh
phúc cho con người, xây dựng con người sống đúng ý nghĩa văn minh của
nhân loại. Năm giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử, khi bắt đầu
bước chân trên con đường giác ngộ giải thoát. " (§6)
Giới luật dành riêng cho tăng ni có lợi ích khác. Cũng như lời giải thích của đức Phật mỗi khi ngài chế ra một giới: " Vì
sự kiện toàn của Tăng già, sự trường tồn của Chánh Pháp, sự an lạc của
Tăng chúng, sự tăng trưởng của lòng tin, sự đoạn diệt phiền não trong
hiện tại và tương lai... ", giới luật không phải chỉ giúp ích cho
sự tu tập của mỗi người, mà còn cần thiết cho sự đoàn kết, sự an tịnh
của Tăng đoàn. Giới bổn có thể được xem như là một nội quy nhằm giữ kỷ
luật trong một tổ chức và phải được tôn trọng bởi tất cả các thành viên.
Chẳng hạn như trong giới bổn Tỳ-kheo có Học pháp, là các điều nên học, nên áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày, và Diệt tránh, là các phương thức để giải quyết sự bất hòa giữa tăng chúng.
Trên nguyên tắc, trong khi " tánh giới ", tức là 5 giới căn bản, tạo nghiệp (khi
giết hại thì kết quả sẽ là..., khi trộm cắp thì kết quả sẽ là..., khi
tà dâm thì kết quả sẽ là...,v.v.), thì giới luật " theo qui ước ", dành
riêng cho tăng ni, không tạo nghiệp, hay đúng hơn tạo nghiệp trung tính, không ác không lành (§5).
Nhưng xét kỹ lại, thì chúng ta sẽ thấy có những giới luật " theo qui
ước " tạo nghiệp, có những giới luật không. Chẳng hạn như nếu Tỳ-kheo ni
phạm hai giới Ba-la-di 5 và 6: " cùng với nam nhân có tâm ô nhiễm, thân
thể chạm nhau, xoa bóp, bồng nhau, nắm tay, v.v. " thì đã là tạo nghiệp
vì có khả năng lôi kéo đi xa hơn, tức là đến quan hệ tình dục. Nhưng
nếu chỉ là đi cùng đường, ngồi bên nhau, hẹn gặp nhau, không có tâm ô nhiễm, thì có là phạm giới và tạo nghiệp không? Đó chính là cái khó khăn của sự phân định giới hạn giữa phạm giới và không phạm giới.
9) Tại sao lại có nhiều giới luật liên quan đến tình dục, ảnh hưởng lên quan hệ nam-nữ như vậy?
Từ câu chuyện đức Phật chế ra giới bất dâm do Na-đề-tử lỡ ân
ái với vợ cũ, chúng ta có thể rút ra một bài học quan trọng: mục đích
của giới " bất dâm " chỉ là để giải quyết một vấn đề tâm lý.
Nếu Na-đề-tử chỉ ân ái với vợ cũ, rồi sau đó quên đi, không bị dằn vặt
bởi mặc cảm tội lỗi và tiếp tục tu hành như cũ, thì đâu có vấn đề gì?
Nhưng khốn nỗi con người sinh ra khi đã có tình dục rồi thì có luyến ái,
có luyến ái rồi thì bị dằn vặt, tất cả đều tương quan mật thiết với
nhau, và cũng như sinh lý và tâm lý, không thể nào tách rời nhau được.
Để dốc tâm tu tập hướng về giải thoát, đức Phật đã chọn lựa cho mình
và các đệ tử của mình con đường xuất gia. Xuất gia là lìa bỏ gia đình,
sống một cuộc đời độc thân không ràng buộc, một mình nơi sơn cốc hoặc
giữa một đoàn thể tăng già trong tu viện. Bởi vì một khi đã bị tình dục,
luyến ái chi phối, vấn vương gia đình vợ con, thì khó lòng định được
tâm, giữ được tâm cho tĩnh lặng.
Đó là lý do của giới " bất dâm ", tức là đối với người cư sĩ
Phật tử không được quan hệ tình dục phi pháp, và đối với Tỳ-kheo và
Tỳ-kheo ni không được quan hệ tình dục với bất cứ người nào, và ngay cả
với súc vật (giới Ba-la-di hay Khí 1).
Nhưng chúng ta có thể tự hỏi tại sao đối với người xuất gia lại có nhiều giới luật liên quan tới tình dục và quan hệ nam-nữ như vậy? Chẳng hạn như bên phía Tỳ-kheo có những 25 giới (1 Khí, 5 Tăng Tàn, 2 Bất Định, 12 Đọa, 2 Hối quá, 3 Chúng học), Tỳ-kheo ni có 37 giới (3 Khí, 3 Tăng Tàn, 28 Đọa, 3 Chúng học) cộng thêm 8 Kỉnh Pháp, vị chi là 45 giới. Tại sao lại có nhiều giới về tình dục với những chi tiết chi li, nhỏ nhặt như vậy?
Lý do có lẽ là đức Phật và các vị Luật sư đã tỏ ra rất tinh tường về
sinh lý và tâm lý liên hệ đến tình dục. Cũng như khoa học ngày nay đã
chứng minh rõ ràng, tình dục là một năng lượng mãnh liệt của sự sống do
bản năng sinh sản của mọi sinh vật. Tục ngữ đã có câu " lửa gần rơm thì
bén ", và luân lý Khổng Mạnh cũng đã dùng câu " nam nữ thọ thọ bất thân "
để làm bức rào ngăn cản sự gần gũi giữa nam và nữ.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn pali, người ta cũng nhận thấy có một đoạn trao đổi giữa A-nan-đà và đức Phật:
- " Bạch Thế Tôn, chúng ta phải cư xử thế nào đối với phụ nữ ?
- Này A-nan-đà, hãy tránh nhìn theo họ.
- Nhưng Thế Tôn, nếu chúng ta nhìn thấy họ, thì phải làm thế nào ?
- Này A-nan-đà, hãy tránh nói chuyện với họ.
- Bạch Thế Tôn, nếu chúng ta phải nói chuyện với họ, thì phải làm sao ?
- Này A-nan-đà, nếu nói chuyện, thì phải đề phòng, cảnh giác."
Thật ra, tính xác thực của đoạn trao đổi này rất đáng ngờ vực, vì hai
lý do : 1) câu hỏi này không ăn nhập gì với các câu hỏi đặt ra bởi
A-nan-đà trước và sau đó (về các thánh địa, cách xử sự với nhục thể đức
Phật), 2) lúc bấy giờ A-nan-đà đã quá già (người em họ này sanh cùng
ngày với đức Phật), và đã gần đạt được thánh quả A La Hán, cho nên làm
sao còn có thể bị lôi cuốn bởi sắc dục? Do đó, rất có thể đoạn trao đổi
này đã được thêm vào về sau bởi các soạn giả của bài kinh, để nói rõ lên
chủ trương đề phòng, tránh né của họ đối với phụ nữ.
Các vị soạn ra Giới Luật cũng thừa biết rằng về tình dục, chuyện này
có thể lôi kéo tới chuyện kia, chẳng hạn như khi một nam một nữ đã gặp nhau nơi vắng khuất, thì có thể họ sẽ tán tỉnh nhau, rồi cầm tay cầm chân, rồi dần dần đi xa hơn nữa...
Do đó, tất cả những gì liên quan đến thể xác khả dĩ kích thích tình
dục nơi mình hay người khác đều bị cấm đoán. Đặc biệt đối với Tỳ-kheo
ni, có những giới cấm như: " không mặc tăng kỳ (áo lót), tắm sông khỏa
thân, đùa giỡn, ngồi xoạc đùi, không che kín thân mình trong nhà cư sĩ,
đi lắc mình làm dáng, ăn tỏi, trang điểm, đeo nữ trang, xức dầu thơm,
nghe kỹ nhạc, nhờ người xoa bóp ", thậm chí như " dùng quá nhiều nước
tác tịnh (rửa hạ bộ), cạo lông 3 chỗ ", cũng không được phép vì có khả
năng đưa tới thủ dâm...(4§)
Vì muốn nhổ tận rễ mọi tham ái, muốn hủy bỏ mọi cơ hội đưa tới dâm
dục, cho nên các vị soạn ra Giới Luật đã đi sâu vào chi tiết các giới
luật liên quan đến tình dục và quan hệ nam-nữ giữa các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo
ni, nam và nữ cư sĩ.
Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, họ không ngờ rằng, cũng như khoa học đã
chứng minh ngày hôm nay, thủ dâm không phải là một chứng bệnh, mà là một
hình thái tự nhiên của tình dục, đặc biệt vào tuổi thanh niên tràn đầy
nhựa sống, khi tâm não bị ảnh hưởng mạnh bởi các hormone sinh dục.
Chắc hẳn đã có không ít tăng ni trẻ tuổi đã bị dằn vặt nội tâm (nội
kết) do những mâu thuẫn giữa bản năng và một số giới luật liên quan đến
tình dục. Vào một lúc nào đó, họ có thể bị dồn ép (refoulé) nhiều hơn là
thanh cao hóa (sublimer), theo từ ngữ của Freud, cho đến khi đạt được
sự thanh cao thực sự với thời gian tuổi tác, khi năng lượng tình dục đã
bắt đầu tàn lụi.
10) Giới luật có cần phải thay đổi hay không?
Trong lịch sử phát triển của đạo Phật, đã có những bất đồng ý kiến
nẩy ra rất sớm về Giới Luật, dẫn tới Hội nghị Kết tập lần thứ hai tại
Tỳ-xá-li (Vaishali), khoảng 100 năm sau khi đức Phật viên tịch, nhằm chấn chỉnh lại Giới Luật.
Chuyện xẩy ra là Da-xá (Yasha), một vị trưởng lão của tăng đoàn phương Tây, nhân đi qua Vaishali,
thấy tăng đoàn phương Đông tại đây phạm phải 10 điều giới luật, trong
đó có uống rượu, ăn ngoài giờ và thu nhận tiền bạc tín đồ, nên có lời
khiển trách. Nhưng nhóm Tỳ-kheo Vaishali tìm cách mua chuộc ông, rồi
đuổi ông ra khỏi tỉnh thành. Ông liền thông báo cho một số trưởng lão và
cùng triệu tập một Hội nghị để tra xét sự việc theo giới luật. Kết quả
phán quyết là nhóm Tỳ-kheo Vaishali phạm luật, và bắt họ phải
nhận lỗi trước Tăng chúng. Nhưng nhóm Tỳ-kheo này, trẻ hơn và đông hơn,
không công nhận sự phán quyết này và cùng nhau kết tập lại một cách
riêng rẽ, lấy tên là Mahasangiti (Đại Chúng Đẳng Tụng) và sau này Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), tách rời ra khỏi nhóm kia là Sthaviravada (Thượng Toạ Bộ). Sự kiện này, cũng như câu chuyện kể lại ở Kosambi,
chứng tỏ rằng Giới Luật có thể là một lý do chia rẽ trầm trọng giữa
Tăng đoàn, và có thể gây nên tổn hại thay vì lợi ích cho sự tu tập.
Về 5 giới căn bản của người Phật tử, không ai chối cãi sự cần thiết
và sự ích lợi cho bản thân cũng như cho xã hội của chúng, và do đó cũng
không có mấy đề nghị thay đổi, ngoại trừ thêm một số chi tiết cho phù hợp với thời đại, như 1) ...không sát hại súc vật, không làm hại môi trường,
thiên nhiên, trái đất; 2) ...không bóp méo, trốn tránh, che đậy sự
thật, 3) ...không ăn cắp của công, không tham nhũng, không gian lận, 4)
...không phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác bằng cách tư tình
phi pháp, 5) ...không hút thuốc, nghiện thuốc hay ma túy, không dùng các
chất hóa học gây rối loạn thần trí.
Ngược lại, đối với các giới cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, tức là Ba-la-đề-mộc-xoa (Biệt giải thoát giới), thì vấn đề thay đổi được đặt ra, vì một số lý do:
1) Số giới luật quá nhiều, làm cho Luật trở nên một môn học
phức tạp, nhàm chán. Điều nguy hiểm là, cũng như người Pháp thường nói: "
Nhiều luật quá giết chết luật " (trop de lois tue la loi), cho nên quá
nhiều giới luật sẽ làm cho nhà tu hành coi thường, và xem sự bắt buộc
học tập Luật đều đặn chỉ như một hình thức.
2) Nhiều giới luật đã lỗi thời, và chỉ có thể áp dụng được
trong những điều kiện sinh hoạt vào thời đức Phật, cách đây 25 thế kỷ.
Có những giới luật phù hợp với tập quán Ấn Độ, nhưng không có lý do áp
dụng ở nơi khác, thí dụ như " không được ăn nửa bỏ trong miệng, nửa để
ngoài " vì người Ấn Độ ăn bằng tay, trong khi đó nơi khác dùng đũa hoặc
nĩa.
3) Đa số giới luật là những giới nhẹ, nhỏ nhặt, vụn vặt, không cần thiết.
Chẳng hạn như " không được xỉa răng, hỉ mũi hướng về tượng Phật ". Nếu
muốn chú tâm vào những giới quan trọng, chính yếu một cách nghiêm chỉnh,
thì người ta phải bỏ đi những giới thứ yếu, nhỏ nhặt, không cần thiết.
4) Sự chênh lệch đối xử quá rõ rệt giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni, giữa nam và nữ,
khi Tỳ-kheo ni phải giữ 348 giới, cộng với Bát Kỉnh Pháp, trong khi
Tỳ-kheo chỉ giữ có 250 giới. Đó cũng là một điểm vừa lỗi thời, vừa đi
ngược lại với tinh thần bình đẳng của đạo Phật, thể hiện trong câu đầu
tiên của Cương yếu Giới Luật: " Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, dù tân dù cựu, về mặt giới luật thể tánh đồng nhất "(§1).
Điều này đã khiến cho một số nhà Phật học đặt lại vần đề về thời điểm
xuất hiện và quá trình hình thành của Luật tạng, với giả thuyết là một
số lớn giới luật cho Tỳ-kheo ni đã được thêm vào khoảng 1 - 2 trăm năm
sau đức Phật tịch diệt bởi các vị Luật sư nam giới.
Trong đa số các nền văn minh, cho đến tận gần đây, xã hội được tổ
chức theo hệ thống gia trưởng trong đó nam giới nắm quyền lực chủ yếu,
cho nên thái độ " trọng nam khinh nữ " vẫn được coi là bình thường, ngay
cả trong các tổ chức tôn giáo. Nhưng với sự tiến hóa của xã hội và ảnh
hưởng của văn hóa Tây phương, cuộc đấu tranh cho nữ quyền và sự bình đẳng nam nữ
đã trở thành một trào lưu mạnh mẽ và đã đạt được một số thành tích đáng
kể. Tại các nước tân tiến coi trọng nhân quyền, phân biệt đối xử theo
giới tính bị coi là phạm pháp, cũng như kỳ thị chủng tộc hay các thành
phần thiểu số trong xã hội.
Gần đây, đạo Phật rất được ưa chuộng và được nhiều người đi theo tại
Tây phương, nhưng có một điều thường làm người Tây phương không ưa thích
là sự thiếu bình đẳng nam nữ trong sự đối xử giữa Tăng và Ni,
nếu không muốn nói là sự ngược đãi, chèn ép phái nữ, đặc biệt được tỏ rõ
trong Giới bổn Tỳ-kheo ni và Bát Kỉnh Pháp.
Dĩ nhiên, khi đặt vấn đề đổi thay Giới Luật, là một vấn đề vô cùng
trọng đại, thì có một số nhà tu hành, đặc biệt trong hàng giáo phẩm,
khăng khăng gạt bỏ ý kiến này, và dựa lên những lập luận sau:
1) Vấn đề Giới Luật của Tăng và Ni là vấn đề nội bộ của đoàn thể Tăng-già (sangha),
không dính dáng gì đến giới cư sĩ Phật tử. Thay đổi giới luật hay không
là việc của Tăng-già, và chỉ có Tăng-già mới có quyền quyết định.
2) Giới Luật là do đức Phật chế ra, cho nên người ta không có quyền
thay đổi, cũng như không có quyền thay đổi Kinh điển, là những lời dậy
của đức Phật. Giới Luật đã có và tồn tại từ 2500 năm nay, bao nhiêu thế
hệ Tăng Ni đã thọ giới và trì giới như vậy, việc gì phải thay đổi?
3) Nếu muốn thay đổi giới luật đi chăng nữa, thì ai là người có thẩm
quyền thay đổi? Phật giáo không có một Giáo Hoàng như bên Công giáo, và
ngay cả đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng chỉ là người dẫn đầu của giáo phái Tây
Tạng Gelugpa thôi, chứ không thể quyết định cho tất cả các tổ chức Phật
giáo trên thế giới.
Để trả lời cho những lập luận này, chúng ta nên nhắc lại rằng :
1) Tăng-già, là một trong Tam bảo, không phải chỉ bao gồm các vị tu
hành xuất gia, mà còn gồm cả tất cả các cư sĩ tại gia (" tứ chúng ").
Tất cả đều có quyền và có bổn phận tham dự vào sự cải tiến đạo Phật, nếu
việc đó tỏ ra cần thiết. Từ xưa đến nay, cư sĩ vẫn đóng một vai trò
quan trọng trong các sinh hoạt Phật giáo và trong sự trường tồn của đạo
Phật, cũng như trong câu chuyện xẩy ra tại Kosambi.
2) Một điều quan trọng đã được ghi lại trong Kinh, là trước khi đức
Phật Thích Ca diệt độ, ngài đã căn dặn cho A-nan-đà, người đệ tử thân
cận nhất của ngài: " Này A-nan-đà, sau khi ta ra đi, nếu Tăng đoàn muốn, có thể bỏ được trong Giới Luậtnhững điều nhỏ nhặt, không đáng kể " (Kinh Đại Bát Niết Bàn Pali).
Rất có thể lúc đó đức Phật đã nhớ đến câu chuyện ở Kosambi,
giữa hai vị Thượng tọa, một người đã phạm một giới nhỏ nhặt, đã nhận lỗi
và xin sám hối, nhưng người kia lại cố chấp, phạm vào " giới cấm thủ " (shilabbata paramasa),
cho nên hậu quả là gây nên xáo trộn và chia rẽ trong Tăng đoàn. Cũng
như thuốc men, các giới nhỏ nhặt có thể gây nên phản ứng phụ có hại hơn
bệnh tật, và trong trường hợp đó cần phải được loại bỏ đi.
Nhưng khi Đại Ca Diếp (Maha-kassapa), trong Hội nghị kết tập
đầu tiên, gặn hỏi A-nan-đà rằng đó là những điều nào, thì người thị giả
không biết trả lời ra sao, vì lý do lúc đó đức Phật vô cùng mệt nhọc
nên không dám hỏi tiếp. Đại Ca Diếp liền khiển trách A-nan-đà về chuyện
đó, và lấy một quyết định rất quan trọng cho sự thiết lập Giới Luật sau
này: " Những điều đức Thế Tôn không chế ra, thì không được chế thêm;
những điều đức Thế Tôn đã chế ra, thì cứ giữ nguyên, không được thay
đổi ".
Như vậy, có thể nói rằng những người thủ cựu, muốn giữ nguyên Giới
Luật như thời đức Phật, thì đi theo quan điểm của Đại Ca Diếp. Còn những
người tiến bộ, muốn thay đổi Giới Luật, gạt bỏ những điều nhỏ nhặt,
không cần thiết, mới thật là trung thành với lời dặn dò cuối cùng của
đức Phật.
Người ta vẫn cho rằng đạo Phật là đạo " khế cơ, khế lý ", là con đường " tùy duyên, bất biến ". Nếu vậy, tinh thần đó phải được thể hiện một cách cụ thể, bằng cách hiện đại hóa đạo Phật, làm cho đạo Phật thích nghi với hoàn cảnh môi trường
mới, bởi vì xã hội, tập quán đã thay đổi quá nhiều. Trừ khi chịu thu
mình như một cổ vật trong viện bảo tàng, đạo Phật không thể nào tránh
khỏi sự đổi thay, luân chuyển giữa lòng cuộc sống.
Giới Luật do đức Phật chế ra cách đây 2500 năm nay tại Ấn Độ không thể nào thích hợp với xã hội ngày hôm nay, điều đó đã hẳn.
Cái khó là ai sẽ là người đứng ra đề nghị những tu chỉnh, bổ túc, sửa
đổi cần thiết đó, và liệu họ có sẽ được hưởng ứng rộng rãi không?
11) Hiện nay đã có những đề nghị thay đổi Giới Luật nào?
Tại Đài Loan, từ mấy năm nay đã xuất hiện một phong trào vận động hủy bỏ Bát Kỉnh Pháp, khởi xướng bởi Ni giới. Phong trào này mỗi ngày một lan rộng và có thể có nhiều lý do:
1- Tinh thần bình đẳng nam nữ đã trở thành phổ biến trong xã hội Đài Loan và không thể tránh ảnh hưởng đến Tăng Ni đoàn.
2- Phật giáo Đài Loan đang phần nào bị " thế tục hóa " bằng những tư tưởng thế học của Tăng Ni.
3- Phật giáo Đài Loan không tổ chức theo Giáo hội, mà tổ chức theo
tông phái, mỗi tông phái phát triển độc lập và có qui luật riêng.
4- Thế lực của ni giới Đài Loan đang lớn mạnh dần và nắm thế chủ đạo
trong mọi lãnh vực: tổ chức, ngoại giao, văn hóa, xã hội, v.v. (§7).
Đối lại với các lập luận bảo thủ bênh vực Bát Kỉnh Pháp, cho rằng những qui luật khắt khe này không nằm ngoài mục đích bảo vệ nữ giới, thì những người chủ trương bác bỏ Bát Kỉnh Pháp cho rằng tám điều đó đều lỗi thời và không còn lý do tồn tại trong xã hội ngày hôm nay.
Về phía Việt Nam, thay vì kêu gọi hủy bỏ Bát Kỉnh Pháp thì Thiền sư Thích Nhất Hạnh chế ra Bát Kỉnh Pháp
cho Tăng sĩ (§8), tức là những bổn phận của một Tỳ-kheo đối với Tỳ-kheo
ni, nhưng ai cũng hiểu đó là để lập lại sự bình đẳng nam nữ giữa Tăng
và Ni.
Thật ra, điều mà Thiền sư Nhất Hạnh nhắm đến có tính cách rộng lớn
hơn, và đã bắt đầu từ gần 50 năm nay. Đó là sự tu chỉnh lại giáo chế,
nhằm hiện đại hóa đạo Phật và đưa đạo Phật đi vào cuộc đời.
Trong cuốn sách " Đạo Phật hiện đại hóa ", xuất bản năm 1965 tại VN,
Thầy đề nghị phân biệt hai dòng tu theo đạo Phật, là dòng Thể Nhập và dòng Tiếp Hiện (§9).
Đối với dòng Thể Nhập, có tính chất xuất thế, chuyên sâu về giáo lý và kinh nghiệm tâm linh, thì " Giới
luật sẽ được đơn giản hóa, và tu chỉnh lại, để thích hợp hơn với nếp
sống tu viện. Hai trăm năm mươi giới sẽ còn lại độ chừng ba mươi giới
căn bản và cần thiết. Sụ tu chỉnh giới luật phải được xem như là cần
thiết và thích hợp với tinh thần khế cơ của đạo Phật. Không lý sống
trong một xã hội cách xã hội đức Phật đã mấy ngàn năm mà nếp sống giới
luật vẫn là nếp sống cũ. Rất nhiều điều khoản trong giới luật Tỳ-kheo đã
không còn hợp thời; những vị tăng sĩ nào đã thọ Tỳ-kheo đều công nhận
như thế. Vậy không có lý do gì mà các vị tăng sĩ trong dòng tu Thể Nhập
không triệu tập được một cuộc hội họp để nghiên cứu và tu chỉnh giới
luật của các vị.
Ở đây chúng tôi không dám mạo muội đề nghị một dự ban giới luật
mới cho các vị trong dòng tu Thể Nhập, bởi vì việc làm đó sẽ để dành cho
một đại hội tu chỉnh giới luật do các vị chủ trương. Nhưng chúng tôi có
thể nói rằng giới luật ấy sẽ rất đơn giản và sẽ là Đại thừa tâm giới,
nghĩa là không có tính cách công thức và bề ngoài. Thực ra sống trong
một tu viện Thể Nhập, các vị không cần có giới luật nữa, mà chỉ cần một
bản kỷ luật do các vị thiết lập ra để giúp cho sự tu học của các vị
tránh được mọi trở ngại "(§9).
Đối với dòng Tiếp Hiện, có tính chất nhập thế, đem đạo Phật đi vào cuộc đời, phụng sự cho xã hội, thì " Họ
sẽ được làm lễ thọ giới - giới luật của họ không phải là giới luật xuất
thế, mà là giới luật nhập thế. Giới luật ấy là tâm giới - mang tính
cách của Bồ tát giới, biểu lộ tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, biểu
lộ triết học hành động của đạo Phật. "(§9)
Dòng tu Tiếp Hiện đã được thành lập bởi Thiền sư Nhất Hạnh năm 1966
tại VN, và từ Đạo Tràng Mai Thôn, tại Pháp, đã phát triển trên nhiều
nước trên thế giới, nhất là tại Tây Phương. Dòng tu gồm có bốn chúng:
xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam và tại gia nữ, và được hướng dẫn
bởi 14 giới Tiếp Hiện (*8)(§8). Dĩ nhiên, sự có mặt của những người tại gia,
có gia đình trong một dòng tu Phật giáo không được chấp nhận bởi dư
luận truyền thống một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với một số dòng tu
tại Tây Tạng và Nhật Bản, cho phép tăng sĩ lập gia đình, thì đó là một
chuyện bình thường, và hiện nay bên phía Công giáo tại Tây phương cũng
đang có một phong trào kêu gọi hủy bỏ sự bắt buộc các linh mục sống độc
thân.
Tại Đạo Tràng Mai Thôn, năm giới căn bản cũng được thay thế bằng " Năm giới tân tu
", nhằm tôn trọng và bảo vệ sự sống, môi trường, hạnh phúc gia đình, sự
thật, sự hòa hài xã hội và sự tỉnh thức của chính mình, và 10 giới
Sa-di và Sa-di ni cũng được hiện đại hóa như vậy, tuy vẫn giữ nguyên
tinh thần cốt tủy ban đầu.
Về các giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni (hay Khất sĩ nam và Khất sĩ
nữ), thì TS Nhất Hạnh cùng với Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn đã
thành lập một Giới bổn Khất sĩ Tân tu (The Revised Pratimoksha), sau
khi tham vấn với nhiều vị tăng Luật sư cũng như trưởng thượng ở Việt
Nam và ngoại quốc. Giới bổn mới này đã được công bố ngày 31/3/2003 tại
Viện Đại Học Tăng Già Trung Ương Seoul, Hàn quốc. Số giới vẫn giữ nguyên
(250 cho Tỳ-kheo và 348 cho Tỳ-kheo ni), nhưng cũng có những thay đổi
đáng kể, và một số giới cũ được thay thế bằng giới liên quan đến các
phương tiện trong thời đại mới, như xe hơi, điện thoại, máy phát thanh,
truyền hình, vi tính, Internet, v.v. (*9)(§8).
Kết luận
Mục đích của Giới Luật trong đạo Phật không nằm ngoài định tâm, nhiếp ý, làm chủ được cái tâm để hướng về giác ngộ, giải thoát. Hiểu như vậy thì Luật nằm ở trong Pháp, Pháp không xa rời Luật. Người Phật tử khi phát nguyện giữ giới ý thức được rằng đó là một pháp môn tu học cho chính mình, để giúp mình tinh tấn trên con đường tuệ giác, chứ không có gì khác.
Thói thường, con người dễ bị lôi cuốn bởi tham, sân, si, và
khi còn là thanh niên bởi tình dục, cho nên cần tự kiềm chế mình bằng
cách trì giới. Có Giới thì tâm mới Định được, có Định thì Huệ mới nẩy
sinh. Làm việc lành, tránh điều xấu, thì tâm mới thanh tịnh.
Năm giới căn bản của người Phật tử là những tánh giới, những
giới " tự nhiên ", phổ biến, có giá trị trong mọi nền văn minh và mọi
thời đại, không thể nào thiếu sót được. Áp dụng năm giới đó sẽ tránh
được bao nhiêu khổ đau, mang lại bao nhiêu an lành cho con người và xã
hội.
Những giới thêm vào cho Sa-di và Sa-di ni, cho cư sĩ thọ bát quan trai chỉ nhằm vào thúc đẩy hành giả dốc tâm tu học, tập " thiểu dục, tri túc ", không để xao lãng bởi những vui thú nhất thời.
Vấn đề đặt ra là với Ba-la-đề-mộc-xoa (Biệt giải thoát giới), gồm 250 giới luật của Tỳ-kheo và 348 giới luật của Tỳ-kheo ni (trong Đại Thừa), cộng với Bát Kỉnh Pháp.
Những giới luật này đã được chế ra từ thời đức Phật, mỗi khi xẩy ra một
sự cố trong Tăng đoàn, và cũng như các Bộ luật trên thế giới, những
luật này được chồng chất lên nhau, mỗi ngày một nhiều hơn.
Như vậy số giới luật cho Tăng Ni trở nên quá nhiều, với khoảng 2 - 3 chục có thể gọi là quan trọng (Ba-la-di và Tăng tàn),
nhưng đa số là những giới luật nhỏ nhặt, có tính chất ngóc ngách, tỉ mỉ
hoặc lỗi thời. Hơn nữa, mặc dù Bát Kỉnh Pháp được bênh vực thế nào
chăng nữa, sự bất bình đẳng nam nữ giữa Giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni
cũng nổi bật lên rõ rệt.
Thật ra, quan niệm bảo thủ còn tương đối phổ biến trong đạo Phật, vì người ta vẫn còn phân biệt đạo và đời,
xuất thế và tại gia, nam và nữ tu sĩ, cho nên việc giới luật của nữ
nhiều hơn và khắt khe hơn nam, xuất gia nhiều hơn và khắt khe hơn tại
gia, được xem là bình thường... Nhưng nếu hiểu được đạo không lìa được khỏi đời, cũng như tâm không rời được khỏi thân, hoa sen không tách xa được khỏi bùn lầy, và tất cả đều bình đẳng về Phật tánh như nhau, thì còn lý do gì để mà phân biệt?
Thế giới, xã hội đã đổi thay rất nhiều, và đòi hỏi một sự thích hợp hóa, hiện đại hóa
không ngừng trong mọi lãnh vực. Từ vài chục năm nay, hiện tượng toàn
cầu hóa và sự truyền bá đạo Phật tại Tây phương như môt cuộc Chuyển Pháp
luân mới, là những sức mạnh thúc đẩy đạo Phật phải đổi mới, gìn giữ và
phát triển cái tinh túy, cốt tủy của mình (trong đó có những giới luật
chính), đồng thời gạt bỏ những cái rườm rà, lặt vặt, lỗi thời, đi ngược
lại với nguyên tắc bình đẳng của thời đại, tức là những giới luật nhỏ
nhặt, không cần thiết.
Chúng ta phải nhắc lại là chính đức Phật Thích Ca trước khi viên tịch cũng đã dặn dò các đệ tử là " có thể bỏ đi những giới luật nhỏ nhặt, không đáng kể ".
Như vậy, tu chỉnh lại Ba-la-đề-mộc-xoa, bỏ đi Bát Kỉnh Pháp không
phải là phản lại đức Thế Tôn mà ngược lại là trung thành với những lời
dặn cuối cùng của ngài.
Đó là không phải là công việc riêng của các nhà tu hành, các nhà lãnh đạo Phật giáo, mà là việc của tất cả các Phật tử, một việc làm tập thể qui mô rộng lớn,
họp lại tất cả các Giáo hội trên thế giới, với các vị Trưởng thượng
cũng như các Tăng Ni trẻ, trong một Đại hội Kết tập Phật giáo Toàn cầu
của thời đại mới. Chắc chắn sẽ có những bất đồng ý kiến nẩy lên, và có
khi sẽ phải bỏ ra cả chục năm sau mới thiết lập được một Giới bổn hoàn
chỉnh với sự đồng thuận của đa số Phật tử.
Tuy nhiên, như vậy cũng hơn là một công trình đơn độc, lẻ tẻ của một
vài cá nhân can đảm đi tiên phong, dù là Giáo chủ của một Giáo hội, hay
Tổ sư của một trường phái đi chăng nữa. Một sự cải tổ giáo chế được thực
hiện bởi toàn thể Phật tử trên thế giới bao giờ cũng êm đẹp và bền vững
hơn.
Nhưng cũng có thể - và khả năng đó không ít - là đạo Phật sẽ không
bao giờ là một đạo Phật duy nhất và đồng nhất, sẽ luôn luôn đa dạng với
nhiều ngành, nhiều bộ phái phát triển khác nhau, cũng như từ lúc ban
đầu, ít lâu sau khi đức Thế Tôn diệt độ.
Trịnh Nguyên Phước
Olivet, 02/10/2011
Nguồn: Người Cư Sĩ
Chú thích
(*1) Thọ cụ túc giới (upasampada) là nhận giới đầy
đủ (cụ túc = đầy đủ). Chỉ có Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni mới thọ cụ túc giới.
Người xin thọ giới gọi là " giới tử ". Khi " giới pháp " (Giới cũng
thuộc vào Pháp, vì do đức Phật chế ra) đã được Tăng chúng " Bạch tứ
Kiết-ma ", đưa nó vào người của giới tử rồi thì nó biến thành " giới thể
", và từ đó phát ra " giới hạnh ", thân, khẩu, ý đều y như Pháp, hành
trì giới luật tinh nghiêm, đồng thời xuất hiện " giới tướng ", oai nghi
hiện ra bên ngoài ai trông thấy cũng biết là người có giữ giới.
(*2) Theo Luật tạng, thì một tăng đoàn muốn được gọi là tăng đoàn hợp
pháp, chính thức, thì phải có ít nhất là 4 vị Tỳ-kheo đã thọ cụ túc
giới. Thông thường thì một tăng đoàn gồm 20 vị Tỳ-kheo là một tăng đoàn
có thể làm được tất cả mọi điều theo Luật đã định, như tổ chức thọ cụ
túc giới, lễ Tự tứ (pavarana) vào mỗi cuối mùa an cư, v.v...
Trong một tăng đoàn, thường có một vài vị Tỳ-kheo tinh thông về Luật,
nắm vững Giới Luật (học ít nhất 3 năm), gọi là Luật sư.
(*3) Kiết-ma hay Yết-ma (p. kamma, s. karma)
có nghĩa là nghiệp, là hành động cố ý (action volontaire) của cá nhân
hay tập thể. Trong Luật, khi Tăng chúng tập họp để thuyết giới, biểu
quyết một việc gì, thì gọi là Kiết-ma. Kiết-ma như vậy là một phương
thức biểu quyết để xử lý công việc trong Tăng đoàn.
(*4) " Bạch tứ kiết-ma " được dùng khi phải biểu quyết cho
những vấn đề quan trọng như thọ cụ túc giới, phải hỏi ý kiến Tăng chúng
ba lần (một lần bạch, ba lần Kiết-ma). Những việc không quan trọng bằng,
thì dùng " Bạch nhị " (một lần bạch, một lần Kiết-ma). Còn nếu chỉ nêu
ra vấn đề cho đại chúng mà không cần lấy ý kiến biểu quyết thì gọi là "
Đơn bạch ".
(*5) An cư: các Tỳ-kheo trong mùa mưa ba tháng phải kéo nhau về an cư tại một tịnh xá (vihara),
chứ không được đi khất thực tản mác đó đây, để không dẫm đạp lên côn
trùng, phá hoại cỏ cây. Thường thường thì xẩy ra mùa hè, cho nên gọi là "
an cư kiết hạ ".
(*6) 8 điều lệ Bát Kỉnh Pháp đó như sau:
1. Một Tỳ-kheo ni, dù có trăm tuổi hạ cũng phải kính trọng Tỳ-kheo.
Khi gặp một Tỳ-kheo phải đứng dậy, cúi mình đảnh lễ và xử sự đúng phép
tắc.
2. Tỳ-kheo ni không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ-kheo.
3. Mỗi nửa tháng, Tỳ-kheo ni phải đợi chúng Tỳ-kheo quyết định ngày lễ Bố Tát và giờ Tỳ-kheo đến giáo giới.
4. Sau khi an cư, Tỳ-kheo ni phải xin Tự tứ trước hai Tăng ni chúng về: thấy, nghe và nghi.
5. Tỳ-kheo ni phạm tội Tăng tàn phải làm pháp sám hối Ma-na-đỏa (manatta) trước hai Tăng ni chúng trong nửa tháng.
6. Sau khi học tập sáu giới pháp trong hai năm, Tỳ-kheo ni phải xin thọ cụ túc giới trước hai Tăng ni chúng.
7. Trong bất cứ trường hợp nào, một Tỳ-kheo ni không được mắng chửi hay nặng lời đối với Tỳ-kheo.
8. Tỳ-kheo ni không có quyền khiển trách, cử tội Tỳ-kheo. Ngược lại, Tỳ-kheo được quyền cử tội Tỳ-kheo ni.
(*7) Thí dụ như muốn kết tội Ba-la-di sát hại, thì phải hội
đủ các yếu tố, như: đối tượng phải là người, phải chết thật, người phạm
phải cố ý, tỉnh táo (chư không tưởng là ma, quỷ...). Và tuy Ba-la-di
là tội nặng nhất, trên nguyên tắc phải loại bỏ ra ngoài Tăng đoàn,
nhưng trong trường hợp ăn năn, hối lỗi (chỉ cho Tỳ-kheo thôi, Tỳ-kheo ni
không được), cũng có thể xin phép Kiết-ma trước 20 vị Tỳ-kheo để học Ba-la-di. Được phép học Ba-la-di (là một hình thức sám hối) rồi, thì được ở lại chùa, nhưng không được phép dự vào công việc của Tăng đoàn.
Ngoài ra, có 6 trường hợp phạm tội Tăng tàn, đáng lẽ ra phải
sám hối với 20 Tỳ-kheo, thì chỉ cần đến trước một Tỳ-kheo, nói lên tội
của mình thì được thanh tịnh. Đó là khi kẻ phạm tội là người thông hiểu
Kinh, Luật hoặc Luận tạng, là người Thượng tọa Trưởng lão, là người đại
phước đức hay là người " tàm quí " (biết hổ thẹn).
(*8) 14 giới Tiếp Hiện là:
1. Không được thờ làm thần tượng một chủ nghĩa một lý thuyết nào, kể
cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong
đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn mà không là
những chân lý tuyệt đối.
2. Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân
lý bất di bất dịch để trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải luôn luôn học
hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Phải
suốt đời là một người tìm học.
3 . Không được ép buộc người ta theo mình, bất cứ bằng cách nào. Phải tôn trọng tự do của kẻ khác .
4. Không được trốn tránh khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý
thức về khổ đau của sự sống. Phải tìm tới những kẻ khổ đau.
5 . Không được đặt một trong bốn thứ danh, lợi, tài, sắc làm mục tiêu
chính của đời sống mình. Phải học hạnh tri túc để nghĩ đến kẻ khác.
6. Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Phải quán từ bi để tha thứ
cho tất cả những người gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của mình,
ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh.
7. Không được nói những lời có thể tạo nên sự bất hòa và tan vỡ trong
đoàn thể. Phải áp dụng ái ngữ để hòa giải tất cả những vụ bất hòa, dù
lớn hay nhỏ.
8. Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Không được
nói những lời gây chia rẽ, căm thù; không được loan truyền những tin
mình chưa biết là có thực; không được phê bình và lên án những điều mà
mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thực và có giá trị xây
dựng.
9. Không được sống một đời sống cách biệt quá với những kẻ khổ đau. Phải sống đời tri túc, giản dị nhưng không lập dị.
l0. Không được lợi dụng đạo Phật. Phải giữ cho đạo Phật tính cách thanh cao tuyệt đối của lý tuởng đời mình.
11. Không được sống theo tà mệnh. Phải chọn những nghề nghiệp lương
thiện, nhất là những nghề có thể giúp mình thực hiện được lý tưởng từ bi
cứu khổ của đạo Phật.
12. Không được sát hại nhân mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ nhân mạng.
13. Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải bất
hợp pháp. Phải bảo vệ quyền tư hữu của kẻ khác nhưng phải biết ngăn ngừa
những kẻ làm giàu một cách bất lương và trên sự đau khổ của quần chúng.
14. Không được tà dâm, không có ý lợi dụng không trong sạch những
người khác phái. Phải trong sạch và phải biết bảo vệ cho sự trong sạch.
(*9) Trong Giới bổn Khất sĩ Tân tu, các giới của Tỳ-kheo gồm
có: Giới Rơi Rụng (4), Giới Tăng Tàn (27), Giới Buông bỏ và Phát Lộ
(32), Giới Phát Lộ (110), Giới Chúng Học (70), Diệt tránh (7). Các giới
của Tỳ-kheo Ni gồm có: Giới Rơi Rụng (8), Giới Tăng Thân Giải Cứu (36),
Giới Buông Bỏ và Phát Lộ (40), Giới Phát Lộ (142), Giới Uy Nghi (Chúng
Học) (115), Diệt Tránh (7). Để xem chi tiết, xin vào :
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/gii-lut/42-gii-t-kheo
và http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/gii-lut/43-gii-t-kheo-ni
Tài liệu tham khảo
(§1) THÍCH THIỆN SIÊU
Cương yếu Giới Luật
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nhà Xuất bản TP HCM, 1996
http://daitangkinhvietnam.org/tang-luat/giai-luat-pali-va-han/756-cng-yu-gii-lut.html
(§2) THÍCH CHƠN THIỆN
Giới Học
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/1-bai/phap004.htm
(§3) ANSON BÌNH
So sánh tóm tắt các bộ Luật Tỳ-kheo
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-vbud/vbkin139.htm
(§4) THÍCH TRÍ QUANG dịch giải
Tỳ-kheo Giới
http://daitangkinhvietnam.org/tang-luat/giai-luat-pali-va-han/578-t-kheo-gii.html
Tỳ-kheo Ni Giới
http://daitangkinhvietnam.org/tang-luat/giai-luat-pali-va-han/577-t-kheo-ni-gii.html
(§5) NYANATILOKA
Buddhist dictionary - Manual of Buddhist terms and doctrines
Island Hermitage Publications, 1956
(§6) THÍCH THANH TỪ
Tam Quy, Ngũ Giới
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/1-bai/phap018.htm
(§7) THÍCH GIẢI HIỀN
Ni giới Đài Loan vận động hủy bỏ Bát Kỉnh Pháp
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-60_4-2783_5-50_6-1_17-88_14-1_15-1/
(§8) THƯ VIỆN THÍCH NHẤT HẠNH
Giới Luật: Hai lời hứa; Năm giới; 14 Giới Tiếp Hiện; 10 Giới Sa Di và Sa Di ni; Giới Tỳ kheo; Giới Tỳ kheo ni; Bát Kỉnh Pháp.
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/gii-lut
(§9) NHẤT HẠNH
Đạo Phật hiện đại hóa
Lá Bối, 1965
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/tac-phm/159-o-pht-hin-i-hoa