TIẾC THƯƠNG
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU
Trần Văn Khê
Mặc
dầu biết rằng Hòa thượng Minh Châu sức rất yếu, tuổi rất cao, bịnh rất
nặng không còn sinh hoạt được như xưa, thì việc Thầy viên tịch là lẽ
thường của sanh tử. Nhưng khi nghe tin Thầy từ nay đã vĩnh viễn ra đi,
không còn có thể đến thăm Thầy tại thiền viện Vạn Hạnh nữa, tôi cảm thấy
nhói tim mà không cầm được giọt lệ.
Trong
giây phút xúc động bồi hồi, tâm trí đưa tôi quay ngược dòng thời gian
trở về thời quá khứ, lúc tôi mới bắt đầu gặp và biết đến Thầy năm 1965
tại Valras Plage (Pháp quốc). Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe báo tin
Thầy Minh Châu – một vị cao tăng của nước Việt Nam đặc biệt đến gặp tôi
tại Valras vì có việc rất cần, muốn tìm tôi để cùng thảo luận…
Trong
lúc đang bận rộn rất nhiều việc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và
Hội đồng quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, công việc lại không có liên quan
đến những Phật sự Phật giáo, bản thân tôi cũng không phải là Phật tử,
cho nên tôi không hiểu có việc gì quan trọng mà một vị Thầy lớn như Thầy
Minh Châu lại tìm đến tận nước Pháp xa xôi này. Khi gặp mặt, Thầy Minh
Châu cho tôi biết rằng Thầy sắp lập một viện đại học Vạn Hạnh, mà trong
đó Thầy định sẽ có một khoa về Việt Nam học (chuyên dạy về văn hóa Việt
Nam) song song với việc giảng dạy Phật học cho hàng tăng ni, Phật tử.
Thầy muốn mời tôi về cộng tác với Thầy và đảm nhiệm việc giảng dạy Âm
nhạc truyền thống tại viện này. Tôi rất cảm động khi nhớ lại hình ảnh
Thầy Minh Châu không hề quản ngại gian khổ, lặn lội đường xa hàng ngàn
cây số, bay từ Việt Nam sang Paris, rồi từ Paris phải đổi 2 lần xe lửa
đến Valras Plage để tìm một người cộng sự mà Thầy nghĩ là đắc lực, ngỏ
lời mời tôi về dạy học tại Việt Nam. Tôi rất kính phục việc làm của Thầy
Minh Châu, không những lo nghĩ cho việc giáo dục – đào tạo về Phật học
mà còn lo nghĩ về vấn đề văn hóa dân tộc, muốn tinh thần dân tộc luôn
luôn song hành cùng đạo pháp. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, từ việc
nghiên cứu âm nhạc đến việc giao dịch quốc tế trong lãnh vực âm nhạc của
tôi đang tiến triển rất tốt, và một khi công việc của tôi được giới
chuyên môn nhìn nhận, thì tôi sẽ có cơ hội để góp tiếng nói của mình
giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam một cách hữu hiệu, đồng thời có thể
góp phần làm cho thế giới hiểu được giá trị văn hóa Việt Nam. Thầy Minh
Châu nghe vậy rất thông cảm với ý định của tôi.
Tuy
vẫn tiếp tục ở bên Pháp, nhưng năm 1967, khi Nhà xuất bản Labergerie
muốn thực hiện một Bách Khoa Từ Điển về “Âm nhạc tôn giáo trên thế
giới”, trong nước ta lại đang thời kỳ chiến tranh nên không có một
chuyên gia nào đồng ý gởi một bài về âm nhạc tôn giáo tại Việt Nam, thì
tôi được ban biên tập khẩn khoản yêu cầu tôi viết một bài về âm nhạc
Phật giáo để Việt Nam có thể góp mặt với các quốc gia khác trong từ
điển. Ngoài sự giúp đỡ trực tiếp của hai Thầy Thích Nhứt Hạnh và Thích
Thiện Châu đang có mặt tại Paris, còn có sự giúp đỡ từ phía Việt Nam của
Thầy Thích Minh Châu khi Thầy yêu cầu Ban nghiên cứu Đại học Vạn Hạnh
gởi cho tôi những tư liệu về nghi lễ Phật giáo.
Đến
năm 1974, khi có dịp ghé lại đất nước Việt Nam trong lúc đi dự hội nghị
bên Úc châu, tôi đã được Thầy Minh Châu mời thuyết trình về “Âm nhạc
truyền thống dân tộc Việt Nam” tại Đại học Vạn Hạnh, cùng với sự tham dự
của các vị tu sĩ, nhân sĩ trí thức và báo giới Saigon lúc bấy giờ. Lần
đó, tôi được đích thân Thầy Minh Châu trao tặng món quà kỷ niệm và mời
tôi cùng uống trà đàm đạo sau buổi diễn thuyết.
Trong
câu chuyện trà đàm với Thầy Minh Châu, tôi mới bắt đầu biết thêm về quá
trình tu tập của Thầy, từ lúc Thầy sang Ấn Độ du học và đỗ bằng Tiến sĩ
Phật học về kinh tạng Pali, cùng ý định của Thầy phiên dịch từ tiếng
Pali sang tiếng Việt những bộ kinh tạng Phật giáo có giá trị cao.
Những hình ảnh kỷ niệm buổi nói chuyện nhạc truyền thống tại Viện đại học Vạn Hạnh 1974 với sự chủ trì của Hòa thượng Thích Minh Châu (Ảnh tư liệu Trần Văn Khê)
Trong
những lần đi dự hội nghị quốc tế về Phật học, có lẽ Thầy thường nhắc
tới tôi như một người bạn thân nên khi sang Mông Cổ với tư cách Trưởng
đoàn Hội đồng quốc tế âm nhạc, sau khi tiếp tôi thì viện trưởng viện
nghiên cứu Phật học tại Ulan Bato có nhờ tôi chuyển giao tới Thầy Minh
Châu lời thăm hỏi nồng hậu mà nói rằng: “Tôi biết rằng Giáo sư là
một người bạn thân của Hòa Thượng Thích Minh Châu nên tôi nhờ Giáo sư
chuyển lời hỏi thăm của tôi đến Hòa Thượng”.
Sau
khi nước nhà thống nhứt, mỗi năm tôi đi điền dã về nước đều có đến thăm
Thầy Minh Châu để nói qua kết quả tôi đã thâu thập được trong mỗi việc
làm của mình. Thầy Minh Châu rất quan tâm. Đến khi tôi ngỏ ý muốn dựng
lại một nghi lễ cúng ngọ đúng theo phong cách Phật giáo miền Trung thì
Thầy Minh Châu sẵn sàng liên hệ một dàn nhạc biết biểu diễn Đại Nhạc,
Tiểu Nhạc theo phong cách cung đình Huế và đích thân Thầy Minh Châu chủ
lễ. Thầy đã phái Thầy Tịnh Quang giải thích cho tôi tường tận mỗi bài
tán, tụng được dùng trong nghi lễ và tôi được phép ghi âm ghi hình tất
cả thời cúng ngọ. Nhờ vậy mà tôi hiểu rõ chi tiết nội dung và ý nghĩa
của thời cúng. Sau buổi làm việc, tôi được mời thọ trai với Thầy Minh
Châu tại chùa. Thầy Tịnh Quang tiếp tôi đến chiều để trả lời cho tôi về
những điều tôi muốn biết trong nghi lễ Phật giáo.
Đến
năm 1997, trong khóa đào tạo tăng – ni sinh lần IV của đại học Vạn
Hạnh, với sự đề nghị của Ni sư Thích nữ Trí Hải, Thầy Minh Châu tổ chức
một buổi giảng đặc biệt của tôi về “Những nét đặc thù trong cách tán
tụng theo nghi lễ Phật giáo miền Trung” cho tất cả tăng ni trong đại học
cùng tham gia. Có rất nhiều chư tăng ni, khách mời từ các chùa khác
tới. Chính Thầy Minh Châu chủ trì buổi giảng và giới thiệu tôi một cách
rất nồng hậu.
Trà đàm với Thầy Minh Châu (ảnh tư liệu Trần Văn Khê)
Khi
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đến dưỡng bịnh tại Vạn Hạnh, tôi xin phép
Thầy Minh Châu được vào hậu liêu để gặp Hòa Thượng thì Thầy Minh Châu
cùng đi theo tôi để nói chuyện với Thầy Thiện Siêu. Cử chỉ của Thầy làm
cho tôi rất xúc động vì mỗi khi tôi có dịp đến thiền viện, Thầy không bỏ
qua một cơ hội nào để gặp tôi.
Khi
Hòa Thượng Thích Thiện Châu viên tịch, có một buổi lễ truy niệm Hòa
Thượng được tổ chức tại Đại học Vạn Hạnh, tôi có đến dự nhưng lúc đó tôi
từ Pháp về nên đến chùa mà vẫn mặc Âu phục. Trong chánh điện có bàn thờ
để chính giữa với di ảnh của Thầy Thiện Châu. Bên mặt, chư Hòa Thượng
đều vận y phục chỉnh tề. Phía bên trái, mấy hàng ghế dành cho đại diện
chánh quyền và quan khách mặc Âu phục. Khi dự lễ, tôi ngồi vào hàng ghế
dành cho những người khách mặc Âu phục, thì Thầy Minh Châu liền cử một
vị thị giả đến mời tôi sang bên hàng ghế dành cho chư Tăng để ngồi kế
bên Thầy. Tôi hơi ngại vì mình không phải là một tu sĩ Phật giáo, cũng
không mặc y phục theo nghi lễ như quý Thầy, nhưng Thầy Minh Châu đã nói
rằng: “Cái áo không quan trọng. Giáo sư là bạn thân của Thầy Thiện
Châu, lại là bạn thân của tôi, nên chỗ ngồi của Giáo sư phải là ở bên
cạnh tôi”. Tôi vô cùng xúc động vì nhận thấy Hòa Thượng Minh Châu đối xử với tôi hết sức đặc biệt và nồng hậu…
Và
gần đây nhứt, vào ngày 20.10.2011, tại Thiền Viện Vạn Hạnh, nhân dịp
khánh tuế lần thứ 94 của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tôi được mời tham
dự buổi chiếu ra mắt bộ phim “Sen Vàng Ngát Hương” nói về cuộc đời của
Thầy. Nhưng không ngờ rằng, lần đến Vạn Hạnh năm ngoái là lần mà Thầy và
tôi không gặp nhau, do sức khỏe quá kém. Và đến nay thì vĩnh viễn không
còn gặp nữa…
Hôm
nay nhớ lại những sự kiện đã qua, tôi không chỉ tiếc thương một vị cao
tăng có đóng góp rất lớn cho Phật giáo Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam mà
còn nhớ thương một người bạn tuy không thường gặp nhau nhưng luôn quý
trọng và hiểu nhau như những người tri âm tri kỷ.
Trần Văn Khê kính bái biệt.
Bình Thạnh, đêm mưa tháng Bảy Vu Lan năm Nhâm Thìn
01.09.2012