Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
14/02/2012 10:33 (GMT+7)


Em yêu dấu:

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã cô kết Truyện Kiều bằng hai câu:

Thiện căn kia bởi lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Vậy chữ Tâm là gì mà nó vượt trội và đáng quý trọng hơn hẳn tài năng của con người ?

Cội nguồn của chữ Tâm:

1)Vì thiện căn vốn bởi lòng ta cho nên chữ Tâm không phát xuất từ Thần Linh (God) mà nó phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Chữ Tâm không do cầu xin, cầu nguyện, van vái, thờ cúng mới có. Chính vì thế mà Lục Tổ Huệ Năng đã nói rằng “bản lai vô nhất vật”. Cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm.

Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng nếu được giáo dục và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ. Rất nhiều bộ tộc, rất nhiều người chẳng thụ huấn một nền giáo dục nào mà chữ Tâm cũng vẫn có. Ngay ở loài vật cũng vậy. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Voi con bị bệnh không đi được, voi mẹ ở lại quấn quít cho đến khi nào voi con chết hẳn mới chịu bỏ đi. Một con chim bị đạn, đàn chim xà xuống kêu tiếng bi thương cho đến khi biết chắc bạn mình đã chết mới chịu bay đi.

2) Ngoài ra chữ Tâm cũng không liên quan gì đến sự thông minh. Người thông minh có khi lại là người ác độc nhất không biết chừng. Bằng cớ là các dân tộc văn minh đã dùng sự thông minh của mình để đi đô hộ, bóc lột, tàn sát, triệt hủy tôn giáo, văn hóa của những dân tộc kém thông minh hơn họ.

Nội dung của chữ Tâm là gì ?

1) Đó là lòng biết xót thương (động tâm): Chẳng hạn thấy người nghèo khó, hoạn nạn ta động lòng trắc ẩn.

2) Đó là lòng ngay thẳng, thành thật: Người đời thường nói: Tâm địa ngay thẳng tức không quanh co, gian dối, che đậy, ngụy biện.

3) Đó là lòng cảm thông, tha thứ: Người đời thường nói "chín bỏ làm mười".

4) Đó là lòng bao dung: Tức tâm địa rộng rãi, tấm lòng quảng đại.

5) Đó là tấm lòng tốt (tấm lòng vàng): Biết an ủi, chia xẻ, biết giúp đỡ.

6) Đó là tấm lòng từ bi: Chẳng hạn như tâm Phật

7) Đó là tấm lòng hỷ xả, cởi mở, không câu thúc: Không thắc mắc, không thù dai, không hờn oán, ghen ghét đố kỵ. Người đời thường nói: Bụng để ngoài da.

8) Đó là tấm lòng hy sinh: Thương người như thể thương thân.

9) Đó là lòng biết chia sớt, bố thí. Thấy người hoạn nạn thì thương. Câu nói này hàm ngụ tình thương không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da. Cứ thấy người hoạn nạn thì thương.

10) Bằng chữ Tài thì mình nghĩ cho mình, nghĩ về mình. Bằng chữ Tâm thì nghĩ về người, nghĩ đến người. Bằng chữ Tài thì có kẻ được người thua. Bằng chữ Tâm thì ai cũng như ai “Tứ hải giai huynh đệ”, chẳng ai giầu ai nghèo, chẳng có cao có thấp, chẳng có sang hèn.

11) Bằng chữ Tài thì cái Tôi, cái Ngã lồ lộ ra đó. Bằng chữ Tâm thì cái Tôi, cái Ngã tan biến mất và thể nhập vào tha nhân hay vào Đại Ngã. Khi vua Sở nói rằng “Vua nước Sở mất ngựa thì người nước Sở được ngựa.” là nhà vua đã nói bằng cái Tâm, bằng sự an bình của toàn dân chứ không bằng lý trí.

12) Bằng chữ Tài, cái Tôi hay con người chúng ta thu hẹp lại nhỏ xíu và trở nên ích kỷ. Bằng chữ Tâm con người chúng ta lớn tựa hư không.

13) Tài ở chỗ này nhưng chưa chắc đã tài ở chỗ kia. Cái Tài tạo ra sự tranh đua, ghen tuông, đố kỵ “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Nhưng cái Tâm thì ai cũng thương mến, do đó nó xuyên suốt, vô ngại, ở đâu cũng dung thông được. Do đó cái Tài thường hay chết yểu, còn cái Tâm thì bất tử.

Nếu nội dung của chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẳm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài.

Thảm họa của thế giới ngày nay là con người không sống bằng chữ Tâm mà sống bằng sự cầu nguyện. Người ta cầu nguyện Thần Linh để có thêm sức mạnh tiêu diệt kẻ thù. Người ta van vái Thần Linh để hỗ trợ cho sự chiến thắng, giành giựt của họ. Người ta cầu nguyện, van vái Thần Linh để ban phát cho họ có thêm nhiều của cải vật chất. Anh chưa thấy người ta cầu nguyện để cho người khác cùng tiến lên, cùng giàu có, hạnh phúc như mình, ngoại trừ Phật Giáo.

Khi chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người được ăn được nói như chúng ta, được sung sướng như chúng ta, được trí tuệ minh mẫn như chúng ta, được thong dong tự tại như chúng ta, được kính trọng như chúng ta đang được kính trọng.

Khi chúng ta đem tất cả sự thành công của mình mà hồi hướng về tất cả, biết ơn tất cả rồi cầu nguyện cho tất cả mọi người đều thành Phật… thì chúng ta đã thực sự sống với chữ Tâm.

Nghi thức Hồi Hướng kết thúc mọi khóa lễ của chư tăng, ni, cư sĩ và Phật tử cho thấy người con Phật không bao giờ lưu giữ lại cho mình cái gì, mà chuyển tất cả những thứ đó đến chúng sinh ở mười phương cõi để cùng tận hưởng những phúc lợi như mình.

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sinh,

Đều trọn thành Phật đạo.”

Nếu ai cũng biết ”hồi hướng” như vậy thì một chiến công là sự hy sinh xương máu của tướng sĩ từ trên xuống dưới. Sự cường thịnh của một quốc gia là nỗ lực vun bồi của toàn dân từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự thành công của nền giáo dục là do tấm lòng yêu nghề của quý thầy cô, tinh thần trách nhiệm của phụ huynh, học sinh, sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội, và đó cũng là niềm hãnh diện chung của quốc gia.

Nói xa hơn nữa, sự tu hành chứng đắc của một vị sư cũng là nhờ ơn chư Phật, chư Tổ trong quá khứ, các bậc thiện tri thức trong hiện tại, sự cúng dường của hàng Phật tử khắp nơi và công lao gìn giữ an toàn xã hội để các vị có nơi chốn an tĩnh tu hành.

Cho nên trong kinh điển, các hàng Bồ Tát chứng đắc vì có trí tuệ lớn, đều hồi hướng công đức đến muôn loài chúng sinh, vừa để nhớ ơn, vừa để diệt trừ “ngã tướng” trong con người mình.

Chữ Tâm vĩ đại như thế đó. Vậy thì anh và em cùng sống với chữ Tâm chứ đừng sống với chữ Tài em nhé.

Đào Văn Bình (California 13/2/2012)

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-hoc/chu-tam-kia-moi-bang-ba-chu-tai.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang