Trong khi chưa tìm được nguyên nhân mà
bệnh nhân sốt cao trên 39 độ C thì rất cần được hạ nhiệt để giảm được
những tai biến như tổn thương tế bào não, co giật... đặc biệt với trẻ
nhỏ và phụ nữ có thai.
|
Ảnh minh họa. |
Trước hết phải cung cấp nước cho cơ thể bằng đường uống (thân nhiệt 1độ C
cần thêm 100 - 150ml nước mỗi ngày) bằng các loại nước quả, nước rau,
sữa hoặc nước đun sôi để nguội. Khi bệnh nhân không thể uống được (do
nôn, khó nuốt, chán ăn...) mới phải bù dịch bằng đường tiêm truyền. Ở
người sốt kéo dài cần được nuôi dưỡng tốt vì nhu cầu dinh dưỡng cũng
tăng (thân nhiệt tăng tốc thì chuyển hoá cơ thể sẽ tăng thêm 13%).
Thuốc hạ nhiệt chỉ thực sự cần khi người bệnh bị sốt trên 39 độ C. Nếu
sốt 40 độ C trở lên phải coi là cấp cứu và phải chuyển bệnh nhân đến cơ
sở y tế có đủ phương tiện để điều trị. Cùng với việc dùng thuốc có thể
hạ nhiệt độ cơ thể bằng cách dùng khăn lạnh hoặc túi nước đá đặt lên
trán, bụng, nách, vùng bẹn... Khi sốt quá cao, có thể bọc người bệnh
bằng khăn lạnh. Trường hợp đặc biệt có thể tắm trong nước đá hoặc thụt
nước đá.
Trong các loại thuốc hạ nhiệt thông thường paracetamol đơn chất tỏ ra an
toàn hơn cả, đặc biệt trong vùng bệnh sốt xuất huyết lưu hành. Cần nhớ
rằng, thuốc này không được dùng cho người đang bị bệnh gan, đặc biệt là
suy gan.
Đối với trường hợp sốt do cảm mạo bởi thời tiết cách tốt nhất hạ nhiệt
bằng thuốc Đông y (thảo dược) như viên cảm xuyên hương hoặc xông hơi
bằng các loại lá thơm, có tinh dầu như xả, hương nhu, kinh giới, bạc hà,
lá tre, lá chanh, lá bưởi... Nếu dùng xông hơi cần lưu ý chỉ xông khi
người bệnh sốt nhưng không ra mồ hôi.
Ngoài ra, có thể cho người bệnh ăn cháo nóng có thêm hành hoa, gừng thái
nhỏ rồi trùm chăn kín 5 - 10 phút để ra mồ hôi sẽ hết sốt.
Lương y Vũ Quốc Trung
http://bee.net.vn/channel/5501/201207/Cach-xu-ly-sot-hieu-qua-1843220/