Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y tế và nghiên cứu Y
học quốc gia Pháp (Inserm), dưới sự lãnh đạo của nhà khoa học Jean-Marc
Lemaitre, vừa mới công bố công trình khoa học của mình trên tạp chí Mỹ
Gene & Development, theo đó họ đã có thể thao tác "xóa bỏ những dấu
vết của tuổi già" trên những tế bào được lấy ở những người trăm tuổi.
Jean-Marc Lemaitre - ảnh ouest-france.fr
Bằng cách tiêm một hỗn hợp 6 gien vào những mẫu tế bào được coi như
là đã đạt đến giới hạn của sự phát triển, các nhà khoa học đã đạt được
việc "buộc các tế bào già nua kia quay trở lại với trạng thái trẻ
trung". Theo nhà nghiên cứu Jean-Marc Lemaitre thì họ đã thay đổi cả
tính chất của tế bào.
Khởi đầu chỉ có tế bào da được "lập trình"
lại nhằm tạo ra được các khả năng của một tế bào gốc từ phôi thai. Trong
tương lai, tùy theo cơ quan hay mô được tiêm mà người ta có thể làm trẻ
hóa được các tế bào, đó có thể là những tế bào thần kinh, tế bào tim,
tiền liệt tuyến… Vẫn còn cần phải mất nhiều thập kỷ nghiên cứu nữa thì
loại "thần dược cải lão hoàn đồng" này mới được thử nghiệm trên con
người.
Nhưng ông Jean Marc Lemaitre đã có thể khẳng định, trước
mắt, nhờ có kỹ thuật này mà người ta "có thể sửa chữa các bệnh lý của
quá trình lão hóa", như loãng xương và "cải thiện chất lượng cuộc sống"
cho các bệnh nhân. Còn việc đạt được "trường sinh bất lão" thì y học vẫn
bó tay. Theo một chuyên gia Pháp nghiên cứu về sinh học lão hóa thì ông
không nhất trí phải được trường sinh bất tử. Mục tiêu của các nhà khoa
học không phải là làm chậm lại cái chết mà thực tế chỉ làm chậm lại tác
động của tuổi tác. Đến giờ, kỷ lục về tuổi thọ của con người vẫn 122 năm
mà thôi.
Những áp dụng của các công trình nghiên cứu trên có thể
tiềm ẩn nhiều vấn đề về đạo đức y học. Theo một chuyên gia khác thì
những tiến bộ khoa học đó cùng lúc đặt ra hai vấn đề : "Trên phương diện
sinh học, loài người chỉ tồn tại được nhờ có sự đổi mới số dân. Nếu
không có ai chết thì sự sống trên trái đất không thể tiếp diễn". Còn
trên bình diện kinh tế thì các nghiên cứu nói trên rất đắt tiền và hẳn
là nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người có khả năng tái sinh với
những người khác. Còn một ý kiến khác, cũng của các nhà khoa học lại cho
rằng, việc đẩy lùi tuổi già về mặt đạo đức nghề nghiệp là có thể chấp
nhận được. Nhưng kéo dài tuổi thọ và chế ra những con người với đặc tính
mới sẽ kéo theo một cuộc cải cách toàn bộ xã hội loài người.
Anh Vũ - RFI Tiếng Việt
http://www.thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=6357