Hiệp hội ung thư Mỹ cho biết triệu chứng của ung thư gan
thường xuất hiện muộn, khi bệnh đã ở vào giai đoạn tiến triển. 8 đối
tượng sau nên đi khám sớm vì có nguy cơ cao mắc bệnh.
Hiện nay, số người mắc bệnh ung thư gan
ngày càng tăng. Bác sĩ Otis Brawley, giám đốc y tế của Hiệp hội ung thư
Mỹ cho biết trước đây căn bệnh này khá hiếm gặp, nhưng kể từ năm 1990,
nguy cơ tương đối của nó đã tăng gấp đôi, từ 3,5 lên 6,5/100.000 người.
Các
triệu chứng ung thư gan thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi bệnh
đã đến giai đoạn muộn, vì vậy việc kiểm tra định kỳ có thể là mấu chốt
để tăng khả năng sống thêm.
"Một người thường xuyên thực
hiện việc khám bệnh định kỳ, trong đó có tầm soát ung thư thì cơ hội
chữa bệnh cao hơn rất nhiều. Nhưng ngược lại, nếu bị phát hiện ở giai
đoạn muộn, bệnh đã di căn tới gan thì khả năng sống thấp hơn. Chúng tôi
không mong gặp những bệnh nhân như vậy".
Đó là chia sẻ của bác sĩ Ghassan Abou-Alfa, hiện đang công tác tại Trung tâm Ung thư Sloan Kettering (Mỹ).
Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến cáo 8 đối tượng dưới đây cần cẩn thận vì có nguy cơ cao bị ung thư gan.
1. Từng bị viêm gan C
Một
số đặc điểm nhất định có thể khiến một người đối mặt với nguy cơ bị ung
thư gan. Bác sĩ Abou-Alfa cho biết những người có tiền sử viêm gan C có
thể phát triển ung thư gan vào khoảng 10 năm sau khi được chẩn đoán. Vì
vậy việc chẩn đoán và sàng lọc viêm gan C là cần thiết.
"Có
nhiều phương pháp điều trị và chữa khỏi viêm gan C , nhờ đó ngăn ngừa
ung thư gan. Bạn có thể mắc bệnh gan "thầm lặng" này và thậm chí không
biết", bác sĩ Abou-Alfa nhấn mạnh.
2. Từng bị viêm gan B (hoặc chưa được tiêm phòng)
Mặc
dù không liên quan đến viêm gan C, viêm gan B cũng có thể gây ung thư.
Hiện nay, trẻ em thường được tiêm phòng ngừa viêm gan B ngay sau khi vừa
chào đời nhưng nhiều người chưa được tiêm chủng có thể có nguy cơ bị
ung thư gan.
"Bất kỳ ai từng bị viêm gan B cũng nên thường xuyên đi khám để bác sĩ theo dõi sức khỏe", bác sĩ Abou-Alfa lưu ý.
Ông
cũng khuyến cáo người bệnh nên thực hiện siêu âm ít nhất 1 lần/năm để
sàng lọc ung thư nếu bị nhiễm virus. Xét nghiệm protein
alpha-fetoprotein trong máu cũng có thể báo hiệu ung thư gan, mặc dù đây
chưa được chứng minh là một xét nghiệm chính xác.
3. Đang (hoặc đã từng) uống nhiều bia rượu
Thường
xuyên uống nhiều bia rượu có thể phá hủy tế bào gan, và chúng sẽ bị
thay thế bằng mô sẹo. Tình trạng này có thể sẽ dẫn đến ung thư gan, theo
Hiệp hội Ung thư Mỹ.
4. Béo phì
"Yếu tố mới của
ung thư gan là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong những năm qua,
những bệnh bị ung thư quan do nguyên nhân béo phì và tiểu đường đang gia
tăng", bác sĩ Abou-Alfa cho biết.
Nhưng thừa cân không đồng
nghĩa với việc bạn có nguy cơ mắc ung thư gan cao. Tuy nhiên, bạn nên
nhớ rằng càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng đáng lo ngại. Do đó, hãy
gặp bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp giảm cân.
5. Đau bụng bất thường
Bác sĩ Otis Brawley cho biết hầu hết những người ung thư gan đều bị đau ở phần trên vùng bụng bên phải.
"Khi
tôi kiểm tra, bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng gì, nhưng khi tôi
ấn vào vùng bụng ngay vị trí lá gan, họ lại cảm thấy đau", bác sĩ Brawley nói.
Đau
ở phần trên vùng bụng bên phải không nhất thiết là bị ung thư gan,
nhưng đó có thể là dấu hiệu của viêm gan, viêm túi mật hoặc gặp vấn đề
về tuyến tụy.
6. Giảm cân không rõ nguyên nhân
"Giảm cân và chán ăn là dấu hiệu phổ biến của nhiều bệnh khác nhau, bao gồm một số bệnh ung thư và virus", bác sĩ Brawley nói.
Giảm
cân có thể không phải là ung thư, nhưng hãy chắc chắn cho bác sĩ biết
nếu các triệu chứng khác có thể liên quan đến ung thư gan.
7. Ăn nhanh no
Hiện
tượng có nhiều dịch ổ bụng có thể khiến bạn cảm thấy nhanh no hơn bình
thường và việc mắc bệnh ung thư gan luôn khiến bạn cảm thấy chán ăn.
8. Vàng da và mắt
Vàng da và vàng mắt là dấu hiệu thường thấy của ung thư gan. "Nếu bạn bị ngứa và vàng da, thì đó không phải là dấu hiệu tốt", bác sĩ Abou-Alfa nói.
Ngoài ra, vàng da cũng có thể là triệu chứng của ung thư tuyến tụy.
* Theo MSN