Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Dược lý thời khắc: Giờ nào thuốc nấy
13/05/2013 14:00 (GMT+7)


 Thời gian vật chất là thời gian chuyển biến theo tự nhiên gọi là thời gian niên đại hay thời gian đồng  hồ, đó là thời gian tuần  tự ngày rồi đêm  tiếp đến  hết  đêm  là ngày, hết xuân đến hạ rồi thu rồi đông… do trái đất tự quay chung quanh nó và quay chung quanh mặt trời. Còn thời gian tâm lý là thời gian do sự suy tưởng của con người mà hình thành,  kiểu như “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Tức là chỉ một ngày đêm thôi nhưng đối với người bị giam cầm trong  ngục tù thì lâu như cả ngàn mùa thu của người sống trong tự do. Nếu suy gẫm sâu sắc ta thấy rằng, thời gian tâm lý có thể gây đau khổ triền miên cho con người. Đến độ có triết gia đã nói: “Thời gian (tâm lý) là nỗi đau… Thời gian (tâm lý) giống như một dòng sông đang chảy và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm và dằn vặt không nguôi. Nếu không chấm dứt được thời gian (tâm lý) thì không chấm dứt được đau buồn” (Krisnamurti, 1895-1986). Điều này là rõ ràng bởi vì người ta thường không sống an nhiên trong hiện tại mà cứ sống mải mê trong quá khứ của tâm trí hoặc chìm đắm trong vọng tưởng tương lai. Có thể là suy nghĩ đúng đắn chăng khi cho rằng con người chỉ thật sự hạnh phúc nếu tỉnh giác cởi bỏ sự trói buộc của thời gian tâm lý và sống thuận theo thời gian vật chất? Vế thứ nhất của câu hỏi vừa nêu đối với một số người còn phải xem lại chứ vế thứ hai thì cuộc sống và khoa học đã chứng minh là hoàn  toàn đúng  đắn. Xin có đôi điều nói về một lĩnh vực dược khoa đã và đang nghiên  cứu để làm sao “dùng thuốc thuận theo thời gian vật chất một cách tốt nhất”.

Thuốc là sản phẩm  được bào  chế để có hiệu  lực phòng, chữa và chẩn đoán bệnh. Muốn nâng cao hiệu lực của một thứ thuốc, từ lâu và cho tới nay có hai biện pháp chủ yếu được áp dụng: 1. Thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc  để tạo ra những  dẫn chất mới có tác dụng tốt hơn; 2. Chọn con đường đưa thuốc vào cơ thể và bào chế dạng thuốc tối ưu để giảm thiểu tác dụng phụ và gia tăng tác dụng điều trị.

Gần đây, khi phát hiện và xác định vai trò các chu kỳ sinh học có trong cơ thể người, đã xuất hiện một biện pháp  khác tỏ ra có nhiều triển vọng trong  việc nâng cao hiệu lực của thuốc. Đó là biện pháp chọn thời điểm cho thuốc để thuốc có tác dụng tốt nhất. Và đó cũng là nội dung nghiên cứu của một lĩnh vực mới của ngành y dược học: Dược lý thời khắc (Chronopharmacologie).

Trước đây, khi nghiên cứu một hiện tượng sinh học trong cơ thể, người ta thường  chú ý nhiều đến tính hệ thống  và tìm cách xây dựng cấu trúc không gian của hiện tượng  đó. Thí dụ, theo  dõi sự hoạt  động  bài tiết của các tuyến nội tiết, người ta tìm cách xác định các hiện tượng nào xảy ra ở cơ quan nào, mô nào, tế bào nào. Tức là chỉ chú ý giải đáp các câu hỏi: “ở đâu?” và “thế nào?”. Nhưng các hiện tượng sinh học xảy ra không phải lúc nào cũng giống nhau. Các trạng thái thể hiện có khi nhanh, khi chậm, khi mạnh, khi yếu, khi đạt đến điểm cực đại, khi đạt đến điểm cực tiểu, và câu hỏi: “bao giờ thì hoạt động mạnh, bao giờ thì hoạt động yếu?”… không được các nhà nghiên  cứu quan tâm lắm. Hiện nay thì người ta đã nhận rõ, những thay đổi của các hiện tượng sinh học trong cơ thể người xảy ra đều đặn và liên tiếp nhau tạo thành chu kỳ gọi là chu kỳ sinh học. Có chu kỳ sinh học ngắn như hơi thở, nhịp đập của tim, có chu kỳ dài hơn như chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Chu kỳ sinh học được nghiên cứu nhiều nhất là chu kỳ ngày đêm gắn liền với chu kỳ ngày đêm của ngoại cảnh, thí dụ như người ta nghiên cứu sự tiết các hormon theo chu kỳ ngày đêm, theo dõi sự bài tiết các chất điện giải qua nước tiểu theo chu kỳ ngày đêm v.v.

Kết quả nghiên cứu các chu kỳ sinh học giúp cho việc xây dựng một cấu trúc mới của cơ thể ngoài cấu trúc không gian, đó là cấu trúc sinh học theo thời gian của cơ thể, trong đó các chu kỳ sinh học liên quan chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất và thể thống nhất này liên quan chặt chẽ với môi trường  bên ngoài.

Trạng thái bệnh lý của cơ thể có thể hiểu là sự biểu hiện rối loạn cấu trúc sinh học nào đó đưa đến rối loạn cấu trúc sinh học theo thời gian. Và tác dụng điều trị của thuốc có thể xem là việc điều chỉnh sự rối loạn này.

Ngược lại, chính cấu trúc sinh học theo  thời gian cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Một thứ thuốc đưa vào cơ thể, hiệu lực của nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là do tính dung nạp (nói theo dân dã là tính “hạp’ hay “chịu”) của cơ thể đối với thuốc và sự chuyển hóa thuốc trong cơ thể đưa đến tác dụng.

Về tính dung nạp thuốc (tức là sức chịu đựng của cơ thể đối với thuốc), nếu cơ thể không dung nạp thuốc tốt thì thuốc sẽ có tác dụng  xấu thậm chí có thể gây độc. Nhiều nghiên cứu cho thấy tính dung nạp thuốc của cơ thể cũng biến đổi theo  chu kỳ tương ứng với chu kỳ sinh học trong cơ thể có liên quan. Thí dụ, biết được chu kỳ sinh học của sự tiết adrenalin nội sinh đạt mức tối đa vào lúc 9 giờ sáng trong ngày; như vậy, tiêm thuốc  adrenalin, tức đưa thêm  adrealin từ bên ngoài vào, vào thời điểm này hoàn toàn không có lợi vì cơ thể đã có sẵn adrenalin. Hay như người ta đã nghiên cứu cho thấy độc tính của thuốc  chống  ung thư (tức tác dụng  diệt tế bào ung thư đồng  thời cũng là độc tính đối với tế bào thường) của 5-fluoruracil nếu tiêm vào buổi sáng sẽ mạnh gấp đôi so với buổi chiều, tức là sự chịu đựng của cơ thể đối với thuốc chống ung thư này tốt hơn vào buổi chiều.

Về sự chuyển hóa thuốc, nhiều  thuốc  nếu  được cơ thể chuyển  hóa nhanh  (gan là cơ quan  chủ yếu làm nhiệm  vụ này), tác dụng  của thuốc  sẽ mạnh  nhưng ngắn. Còn chuyển hóa quá chậm, tác dụng  sẽ yếu và kéo dài. Không kể có trường  hợp thuốc  chuyển  hóa chậm có thể tích lũy lại trong cơ thể gây ngộ độc; qua nghiên  cứu người ta nhận thấy sự chuyển hóa thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau mà có sự thay đổi theo chu kỳ hàng ngày, lý do là sự chuyển hóa thuốc tùy thuộc vào hoạt động của các enzym gọi là enzym chuyển hóa thuốc (do gan tạo ra). Bản thân các enzym hoạt động theo chu kỳ và cả hệ nội tiết có ảnh hưởng nhiều đến việc điều hòa các enzym cũng hoạt  động theo chu kỳ.

Như vậy, rõ ràng là tác dụng của thuốc có tùy thuộc vào yếu tố thời gian. Cho thuốc đúng lúc thì tác dụng sẽ tốt nhất. Cho thuốc không đúng lúc không những không làm khỏi bệnh  mà có khi có hại vì làm rối loạn thêm cấu trúc sinh học theo thời gian của cơ thể.

Nội dung nghiên cứu chủ yếu của Dược lý thời khắc là xác định thời gian cho thuốc tối ưu cho từng loại thuốc và cả liều thuốc tối ưu dựa trên cấu trúc sinh học theo thời gian của cơ thể. Để xác định thời gian cho thuốc tối ưu, người ta chú ý nhiều đến các chu kỳ sinh học theo chu kỳ ngày đêm và cố gắng làm sáng tỏ cơ chế sinh ra các chu kỳ sinh học này. Có giả thuyết  cho rằng chính tuyến tùng (glande pinéale) là cơ quan điều khiển các chu kỳ sinh học. Tuyến này đáp ứng với sự biến thiên ánh sáng do tuần hoàn ngày đêm từ bên ngoài tác động vào. Tín hiệu của bóng tối hoặc ánh sáng từ võng mạc của mắt theo  dây thần kinh thị giác về tuyến tùng  sẽ kích thích hoặc ức chế tuyến tùng tiết ra các chất điều khiển các chu kỳ sinh học. Trong các chất ấy, melatonin là chất được biết tương đối rõ. Người ta đã chứng minh rằng ở một số loài vật, melatonin  được tuyến tùng tiết ra chủ yếu vào ban đêm. Ánh sáng ban ngày tùy theo cường độ sẽ làm giảm hoặc ngưng sự tổng hợp rồi tiếp theo là tiết ra melatonin. Hiện nay, melatonin được bào chế dùng  trị mất ngủ nói chung, trong  đó đặc biệt là những trường hợp mất ngủ vì lệch múi giờ.

Khi đưa thuốc  vào trong  cơ thể, dược lý thời khắc chú ý đến ba vấn đề:

• Thời động học (chronocinétique):  tức là thuốc  sẽ hấp thụ, phân bố, chuyển hóa, thải trừ theo chu kỳ thời gian như thế nào.

• Thời nhận cảm (chronesthésie): tức là sự đáp ứng của hệ thống đích (là nơi thuốc sẽ phát huy tác dụng) đối với thuốc theo chu kỳ thời gian như thế nào.

• Thời năng động (chronesgie): tức là tác dụng của thuốc, kể cả tốt và xấu, theo chu kỳ thời gian như thế nào.

Cho tới nay, có nhiều  thuốc  được nghiên  cứu để chọn  thời điểm cho thuốc  tối ưu trong  ngày. Thí dụ như thuốc loại glucocorticoid được uống dùng trị hen suyễn thì có khuyến cáo là nên dùng  thuốc vào buổi sáng (thậm chí để hạn chế tác dụng  phụ nguy hiểm của glucocorticoid  mà có khi phải uống  thuốc  cách ngày, tức hai ngày dùng thuốc một lần). Trái lại, thuốc theophyllin  thì khuyến  cáo nên  dùng  vào chiều tối. Đặc biệt đối với thuốc trị ung thư là thuốc có độc tính, khai thác hiện tượng cơ thể nhạy cảm với thuốc không đồng đều trong ngày, các nhà khoa học tìm cách nâng cao hiệu quả điều trị mà cơ thể người bệnh  vẫn chịu đựng  được  những  thuốc  có độc  tính  cao. Nói cách khác, nếu chọn được thời điểm cho thuốc  tối ưu thì có thể giảm  được sự độc hại mà không cần phải giảm liều thuốc. Thậm chí, người ta hy vọng rồi đây sẽ còn sử dụng được tất cả những chất trước đây dùng trị ung thư nhưng sau đó phải loại bỏ vì quá độc.

Đối với người sử dụng thuốc, nên lưu ý dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc hoặc theo đúng bản hướng  dẫn sử dụng  thuốc. Không những  theo  đúng loại thuốc mà còn theo đúng cách uống, đặc biệt theo đúng  số lần, theo  đúng  thời điểm dùng  thuốc  trong ngày. Các nhà  điều  trị không  ngừng  nâng  cao kiến thức về sử dụng  thuốc  và theo  đúng “giờ nào thuốc nấy” chính là tuân thủ “dược lý thời khắc” đang  được phát triển và áp dụng rộng rãi hiện nay ■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 124 | NGUYỄN  HỮU  ĐỨC

Các tin đã đăng:
Về đầu trang