Chứng đau thắt ngực
Đau thắt ngực là do cơ tim
thiếu máu, không nhận đủ oxy theo nhu cầu. Có hai loại:
Đau thắt ngực ổn định (stable
angina) còn gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ mạn, suy mạch vành mạn; liên quan
đến tình trạng ổn định của mảng xơ vữa; xảy ra khi có sự gắng sức; cơn đau
ngắn, đỡ khi nghỉ ngơi; ở mức ổn định,
không có diễn biến nặng lên trong thời gian ngắn. Đau thắt ngực không ổn định
(unstable angina) còn gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ cấp, suy mạch vành cấp;
liên quan đến tình trạng không ổn định của mảng xơ vữa; xảy ra một cách ngẫu
nhiên, không do gắng sức, ngay cả lúc nghỉ ngơi, thậm chí cả khi đang ngủ; diễn
biến theo kiểu giật cục, cơn đau đến và đi một cách bất thường.
Ngoài ra còn có cơn đau thắt
ngực prizmental không liên quan đến xơ
vữa mạch vành nhưng lại liên quan đến cơn co thắt mạch vành đột ngột, thường
chiếm khoảng 2% trong số người đau thắt ngực, liên quan đến các yếu tố khác
như: tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc lá hay sau những kích thích (do
cảm xúc, tiếp xúc với khí lạnh, cai rượu,
dùng thuốc co mạch hay kích thích).
Ảnh minh họa |
Thuốc đau thắt ngực dùng
trong bệnh mạch vành
Thuốc dùng phòng chống đau
thắt ngực liên quan đến xơ vữa mạch vành có các loại:
- Loại làm giảm ngay cơn đau
dữ dội (oxy, morphin).
- Loại ngăn sự lớn lên, tái
hình thành cục máu đông (aspirin, clopidogrel) hoặc làm làm tan ngay cục máu đông (streptokinase).
- Loại giảm tác động của
epinephrin lên cơ tim (atenolol, metoprolol, amiodaron).
- Loại làm giãn mạch vành,
cung cấp máu cho cơ tim (nifedipin, verapamil).
- Loại làm giảm cholesterol,
giảm mảng xơ vữa, tình trạng viêm (các statin).
- Loại trực tiếp làm giảm đau
thắt ngực.
Dưới đây đề cập kỹ hơn
về thuốc trực tiếp chống cơn đau thắt
ngực, thường dùng ngoại trú, gồm nhóm giãn mạch nitrit (glyceryl, isosorbid) và
nhóm tác động trên chuyển hóa (trimethazidin, ranolazin).
Thuốc đau thắt ngực giãn mạch
nitrit
Loại thuốc này giải phóng ra oxid nitrit (NO)
làm giãn mạch. Khi giãn tĩnh mạch, sẽ làm
cho máu lưu lại ở ngoại vi, nội tạng, giảm lượng máu từ tĩnh mạch về tim
(ở khâu tiền gánh) giảm sức căng thành tâm thất cả thời kỳ tâm thu tâm trương
(ở khâu tiền gánh, hậu gánh), kết quả làm giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim.
Khi giãn động mạch vành (đúng ở chỗ bị co thắt) sẽ làm tăng lượng máu động mạch
cung cấp cho tim; kết quả làm tăng cung
cấp oxy cho cơ tim. Cơ chế làm giãn tĩnh mạch là chính nên hiệu quả chính là giảm nhu cầu
tiêu thụ oxy của cơ tim.
Vì làm giãn tĩnh mạch, động
mạch nên gây tác dụng phụ làm tụt huyết áp (HA), nhịp tim nhanh phản xạ, làm
tăng co bóp của tim. NO tạo ra methemoglobin gây nhức đầu thoáng qua, buồn nôn,
bốc hỏa, một số người có thể bị tụt HA, nhịp tim nhanh phản xạ, nặng hơn nửa là
đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thị giác, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng,
tăng áp lực nội sọ, trụy mạch. Hai tác dụng phụ này thường xảy ra khi dùng liều
cao hay dùng cho người già.
Các nitrid có một số chống
chỉ định như: HA thấp, trụy tim mạch, thiếu máu nặng, nhồi máu cơ tim thất
trái, hẹp van động mạch chủ, cơ tim tắc nghẽn, viêm màng ngoài tim co thắt;
từng dạng bào chế như isocorbit (dạng phun mù, viên tác dụng kéo dài) còn có
các chống chỉ định khác.
Glycerin trinitrat: tác dụng thay đổi tùy theo dạng bào chế, liều dùng:
- Theo liều: ở liều trung
bình, do sự phân bố chậm và đều nên không gây ra hạ HA động mạch, nhịp tim
nhanh phản xạ. Ở liều cao, gây giãn các tiểu động mạch, giảm HA động mạch tuy
không nhiều nhưng có thể gây nhịp tim nhanh phản xạ.
- Theo dạng bào chế: tùy dạng mà thuốc được dùng trong các trường hợp cụ
thể:
Các dạng bào chế tác dụng nhanh:
Dạng viên đặt dưới lưỡi hấp thu rất nhanh,
hoàn toàn, đạt nồng độ đỉnh chỉ sau 2 phút, thấm nhanh vào cơ trơn thành mạch,
gây hiệu lực rất sớm, kéo dài tới 30 phút. Dùng cấp cứu.
Dạng phun mù (natispray,
lenitral spray), đạt nồng độ đỉnh sau gần 5 phút, giảm 50% sau 3 - 4 phút. Dùng
cấp cứu (như trong: phù phổi cấp, suy tâm thất trái nặng kèm phù phổi).
Trong các dạng tác dụng nhanh có dạng ống tiêm
(biệt dược: lenittal) chỉ dành dùng cho nội viện tuyến trên (trong điều trị cơn
đau thắt ngực nghiêm trọng, suy tim đặc biệt trong giai đoạn cấp của nhồi máu
cơ tim, phù phổi cấp có nguồn gốc suy tim). Không được tiêm tại nhà hay trạm y
tế.
Các dạng bào chế tác dụng chậm:
Dạng viên tác dụng kéo dài
(biệt dược: nitromin, lenitral): sau khi dùng 30 phút đến 7 giờ vẫn còn cả chất
mẹ và dạng chuyển hóa. Dạng dán vào ngực, hoạt chất giải phóng đều đặn trong 24
giờ, giảm rất nhanh khi ngừng dán. Dùng dự phòng cơn đau thắt ngực, điều trị hỗ
trợ suy tim trái nặng và bán cấp. Khởi đầu liều thấp, tăng từng bước đến liều
đạt yêu cầu Dùng liều cao ngay có thế
gây hạ HA động mạch đột ngột, nhức đầu dữ dội. Chia liều trong ngày ra 2 - 3
lần dùng, tùy sự dung nạp, đáp ứng. Khi đang dùng liều cao không nên ngừng đột
ngột. Dùng liên tục sẽ bị lờn thuốc.
Isoscorbid: có dạng:
dinitrat, mononitrat.
Isosorbit dinitrat:
Dạng dinitrat bị chuyển hóa
mất đi nhiều ở gan lúc đầu nên sinh khả dụng thấp.
Dạng phun mù (biệt dược:
isocard spray): hoạt chất được bơm xịt vào khoang miệng (dưới lưỡi) hấp thu
ngay tại đó, làm nhẹ đi rất nhanh cơn đau thắt ngực (chỉ vài giây sau khi
dùng), hiệu lực kéo dài trong 30 phút. Được dùng dự phòng trước cơn đau thắt
ngực hoặc điều trị cơn đau thắt ngực cấp trong
nhồi máu cơ tim cấp tính có suy tim tim trái và phù phổi trước khi nhập
viện.
Dạng viên tác dụng kéo dài
(biệt dược: dinitrat, isosorbid LP 20mg - 40 - 80mg): phóng thích ra hoạt chất
ổn định trong thời gian dài, hiệu lực xuất hiện chậm, kéo dài. Được dùng để dự
phòng, trị liệu lâu dài, đau thắt ngực (đau tim) suy yếu cơ tim nặng (suy tim
mạn), dùng bổ trợ trong suy tim thất
trái, kết hợp với liêu pháp cổ điển (glycosid- tim và lợi niệu, ức chế men
chuyển, các yếu tố giãn mạch khác).
Dạng viên đặt đưới lưỡi 5mg:
dùng chống đau thắt ngực phù phổi cấp
tính (phối hợp với liệu pháp cổ điển).
Dạng viên nén uống (10 - 20 -
40mg): dùng dự phòng cơn đau thắt ngực, điều
trị bổ trợ suy tim thất
trái.
Trong các isocorbit nitrat có dạng ống tiêm
(biệt dược: risosrdan jectable); chỉ dùng cho nội viện tuyến trên. Không được dùng tại nhà hay tại trạm y tế.
Isosorbid mononitrat:
Dạng mononitrat ít bị chuyển
hóa mất đi ở gan lúc đầu nên sinh khả dụng cao, được ưa chuộng hơn. Dạng tác
dụng kéo dài tới 12 giờ (viên nang 30mg, viên nén 30 - 60mg), dùng phòng đau
thắt ngực, điều trị suy thất trái nặng. Tránh ngừng thuốc đột ngột khi dùng
liều cao.
Thuốc đau thắt ngực tác dụng
trên sự chuyển hóa
Trimethazidin:
Trimethazidin ức chế enzym 3-
ketocacyl CoA thiolase cản trở quá trình oxy hóa các acid béo tự do chuỗi dài
song lại làm cho quá trình oxy hóa
glucose dễ dàng hơn nghĩa là trong tình trạng cơ tim thiếu oxy, thì
trimethazidin giúp cho cơ tim dùng oxy
tiết kiệm hơn (làm giảm mức tiêu thụ oxy, nên làm cho người bệnh chống được cơn
đau thắt ngực).
Dùng trong suy mạch, cho
người suy tim để chống cơn đau thắt ngực. Thuốc này có dạng bào chế có tác dụng kéo dài (vastarel
MR 35mg) và dạng bào chế phóng thích nhanh (vastarel 20mg). Hai dạng này có số
lần dùng và liều dùng mỗi lần khác nhau. Nếu muốn đổi dạng bào chế thì nhờ thầy thuốc tính đổi lại
số lần và liều dùng mỗi lần cho phù hợp.
Trimethazidin có làm tăng cơn
run tay đối với người bị bệnh Parkinson,
tăng cơn co giật đối với người bị bệnh động kinh vì vậy không dùng trong các
trường hợp này. Vì lợi ích cao hơn nguy cơ nên ngoài chống chỉ định này, người
ta vẫn dùng trimethzidin song cần theo dõi cẩn thận.
Ranolazin
Tác dụng trên chuyển hóa theo
cơ chế như trimethazidin, giúp cho tim
sử dụng oxy có hiệu quả.
DS.CKII. BÙI VĂN UY
Lời khuyên của thầy thuốc
Biểu hiện kinh điển đau thắt
ngực là bị đè ép, đau, có cảm giác vặn xoắn, bóp nghẹt ở ngực, thường lan đến
hàm dưới hay cánh tay trái, song cũng có chỉ có sự khó chịu nhẹ nhàng, có thể
xuất hiện phía sau lưng, bụng, vai hoặc cả ở hai tay hoặc chỉ như buồn nôn, khó
thở hay có cảm giác nóng rát ở ngực. Khi có cơn đau thắt ngực nhẹ, không nên
coi thường, cần đi khám. Người ở tuổi trung niên hay lớn hơn, đặc biệt người có một hay nhiều yếu tố nguy cơ bị bệnh mạch vành cần
cảnh giác về cơn đau thắt ngực. Bệnh thường diễn tiến nặng thêm sau một thời
gian, cần tuân thủ lịch tái khám định
kỳ.
Vì đau thắt ngực có nhiều
nguyên nhân và có thể dùng các thuốc khác nhau nên chỉ sau khi khám, có chỉ
định của thầy thuốc (với dạng bào chế, liều lượng cụ thể) thì mới dùng. Không
tự ý thay đổi vì tùy theo liều lượng,
dạng bào chế thuốc sẽ có một số tính năng, cường độ tác dụng khác nhau; thay
đổi không đúng có khi bị tai biến. Nếu thấy cần thay đổi cho tiện dùng thì có ý
kiến thầy thuốc và thầy thuốc sẽ tính
lại liều và cách dùng thích hợp với thuốc mới đó. |